Thứ Sáu, 29/3/2024 - 14:18:54 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Lợi ích từ cải cách hành chính và Chính phủ điện tử

THỨ BA, 17/11/2020 13:45:00 | GÓC NHÌN CHUYÊN GIA
(BKTO) - Tại cuộc họp Quốc hội khóa XIV chiều 06/11, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng khẳng định, từ đầu nhiệm kỳ Chính phủ khóa XIV đến nay, đã cắt giảm và đơn giản hóa hơn 1.000 thủ tục hành chính, 3.893/6.191 điều kiện kinh doanh, 6.776/9.926 danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành; các Bộ, ngành đã có phương án xử lý 1.501 mặt hàng có chồng chéo về thẩm quyền… Nhờ đó, giúp tiết kiệm tổng chi phí xã hội được khoảng hơn 18 triệu ngày công/năm, tương đương hơn 6.300 tỷ đồng/năm theo tính toán của Ngân hàng Thế giới (WB).

Đồng thời, từ khi khai trương Trục liên thông văn bản quốc gia (tiền đề của nền tảng tích hợp dữ liệu phục vụ xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số) đến nay, đã có hơn 3,5 triệu văn bản điện tử gửi nhận qua Trục (tiết kiệm 1.200 tỷ đồng mỗi năm) và đặc biệt giúp tăng tính minh bạch, giảm tiêu cực trong hoạt động công vụ…

Bên cạnh đó, Hệ thống Thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ (vận hành từ ngày 24/6/2019 đến nay) đã phục vụ 23 phiên họp Chính phủ và 563 phiếu lấy ý kiến thành viên Chính phủ, giúp thay thế hơn 210.000 hồ sơ, tiết kiệm được 169 tỷ đồng mỗi năm. Ngoài ra, Hệ thống Thông tin báo cáo quốc gia và Trung tâm Thông tin, chỉ đạo điều hành Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ (khai trương ngày 19/8/2020) đã kết nối 30 Bộ, cơ quan với 20 chế độ báo cáo và 106/200 chỉ tiêu kinh tế - xã hội phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. 

Cổng Dịch vụ công Quốc gia kết nối, tích hợp với Cổng dịch vụ công, hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp Bộ, cấp tỉnh từ ngày 09/12/2019. Sau gần 11 tháng, đã có hơn 85 triệu lượt truy cập, 363.000 tài khoản đăng nhập một lần và 25 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái.

Tổng cộng, từ cải cách hành chính và xây dựng Chính phủ điện tử đã tiết kiệm được khoảng 14.900 tỷ đồng mỗi năm, kết quả tính toán theo bảng hướng dẫn của WB.

Lợi ích kinh tế của cải cách hành chính và áp dụng Chính phủ điện tử là hiện thực, to lớn và đa dạng; kéo theo những lợi ích khác không thể đo đếm bằng tiền. Đó là sự cải thiện lòng tin chính sách, sự tín nhiệm vào năng lực, trách nhiệm quản lý nhà nước. Đó là sự thành công trong nắm bắt cơ hội thị trường và sự phản ứng hiệu quả trong chính sách quản lý và kinh doanh của DN trước biến động bối cảnh, kéo theo những gia tăng về động lực tăng trưởng, việc làm và an sinh xã hội, tín nhiệm và năng lực cạnh tranh quốc gia và DN…

Đằng sau mỗi thủ tục và chữ ký là nghĩa vụ, quyền lực, lợi ích của người và cơ quan có trách nhiệm. Đằng sau mỗi cải cách hành chính và mở rộng áp dụng Chính phủ điện tử là sự dũng cảm và nỗ lực cải cách thể chế, nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản trị nhà nước, khắc phục tình trạng chậm, muộn, nhũng nhiễu và tiêu cực trong giải quyết thủ tục hành chính của các cơ quan nhà nước, để phục vụ người dân, DN ngày một tốt hơn...

Với tinh thần đó, ngày 12/5/2020, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP về Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025. Đây là Chương trình cải cách có phạm vi bao phủ rộng nhất từ trước đến nay, với mục tiêu từ năm 2020 đến năm 2025, cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% số quy định và cắt giảm ít nhất 20% chi phí tuân thủ quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh tại các văn bản đang có hiệu lực thi hành. Đồng thời, giảm tối đa số lượng văn bản hiện hành có quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ; kiểm soát chặt chẽ việc ban hành văn bản có quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh trên cơ sở các quy định pháp luật; ngăn chặn việc phát sinh những quy định không cần thiết, không hợp lý, không hợp pháp và gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh của DN, người dân...

Thể hiện quyết tâm của Chính phủ, với quan điểm lấy DN, người dân làm trung tâm, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Chương trình cải cách còn hướng đến nâng cao chất lượng văn bản dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật các Bộ, cơ quan được giao xây dựng, ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành… Đồng thời, tập trung cải cách cả khâu tổ chức thực hiện các quy định này trên thực tế thông qua đẩy mạnh thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử và triển khai cơ chế một cửa, một cửa liên thông theo hướng nâng cao chất lượng phục vụ, không theo địa giới hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, giảm thời gian, chi phí xã hội và tạo thuận lợi tối đa cho DN, người dân. 

Những thành công dù là bước đầu cũng rất đáng ghi nhận, biểu dương và cần tiếp tục mạnh mẽ hơn, thực chất hơn, cả bề rộng và bề sâu, cả trước mắt và lâu dài, vì một Việt Nam sớm trở thành nước phát triển và có thu nhập cao vào năm 2045.

TS. NGUYỄN MINH PHONG
Chuyên gia Kinh tế

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

Kiên quyết, kiên trì chống chủ nghĩa cá nhân

Kiên quyết, kiên trì chống chủ nghĩa cá nhân

(BKTO) - Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam luôn quan tâm đến công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, trong đó có việc phòng, chống chủ nghĩa cá nhân.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201