Thứ Năm, 18/4/2024 - 19:07:50 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Động lực tài chính mới cho Thủ đô

THỨ TƯ, 24/06/2020 09:45:00 | GÓC NHÌN CHUYÊN GIA
(BKTO) - Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với TP. Hà Nội đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại Phiên họp thứ 45 vào sáng 01/6 và được thảo luận tại Quốc hội ngày 09/6… Khi được thông qua, Dự thảo được kỳ vọng tạo động lực tài chính mới cho phát triển Thủ đô.

Mặc dù đã có Luật Thủ đô năm 2012, Luật NSNN năm 2015, Nghị định số 63/2017/NĐ-CP hướng dẫn thi hành một số cơ chế, chính sách tài chính, ngân sách đặc thù phù hợp với Luật Thủ đô và Luật NSNN năm 2015… song sự cần thiết của việc đề xuất và thông qua Dự thảo Nghị quyết lần này gắn với thực tiễn phát triển và đóng góp của Thủ đô trong đời sống kinh tế - xã hội và tài chính - ngân sách của cả nước, cũng như gắn với áp lực mới gia tăng từ tốc độ đô thị hóa, tăng dân số cơ học, sự quá tải hạ tầng, tình trạng ô nhiễm, ùn tắc giao thông, mất mỹ quan đô thị và các vấn đề về an ninh trật tự xã hội trên địa bàn Thủ đô. 

Được thiết kế trên tinh thần bảo đảm tuân thủ Hiến pháp, Hà Nội vì cả nước và cả nước vì Hà Nội phát triển ngày càng văn minh, hiện đại trong tổng thể xu thế phát triển chung của cả nước, những đề xuất trong Dự thảo Nghị quyết bao gồm: quy định đã có trong Luật NSNN 2015 và thực hiện từ năm 2017; một số quy định khác mức hiện hành, nhưng đã có thông lệ tương thích với cơ chế thí điểm đối với TP. HCM theo Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội; một số quy định mới chưa có trong các văn bản pháp luật hiện hành thuộc thẩm quyền ban hành của Quốc hội...

Trong số đó, đáng chú ý là việc HĐND TP. Hà Nội được quyết định dự toán, phân bổ ngân sách do Thủ tướng Chính phủ giao; cho phép Hà Nội nâng trần vay nợ từ 70% lên mức 90% số thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp, sử dụng tạm ứng quỹ dự trữ tài chính để đầu tư cơ sở hạ tầng và hoàn trả trong 36 tháng. Đồng thời, Hà Nội được sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để chi các dự án đầu tư phát triển và chi thực hiện các chế độ, chính sách an sinh xã hội; cho phép sử dụng kinh phí thường xuyên của ngân sách Thành phố để đầu tư, nâng cấp, cải tạo, mở rộng đầu tư xây dựng mới các công trình thiết yếu trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập; cho phép sử dụng ngân sách Thành phố và quận để hỗ trợ các địa phương khác (trên địa bàn và trong nước) theo chương trình hợp tác giữa Thủ đô và các địa phương. Bên cạnh đó, Hà Nội cũng được hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công gắn liền trên đất (sau khi đã trừ chi phí liên quan) do các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc T.Ư quản lý trên địa bàn (trừ các cơ quan, đơn vị thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh)…

Hơn nữa, theo Dự thảo Nghị quyết, HĐND TP. Hà Nội được quyết định thu một số khoản phí chưa được quy định trong Danh mục Luật Phí, lệ phí; tăng mức hoặc tỷ lệ thu phí đã được cấp có thẩm quyền quyết định đối với các loại phí (không kể các loại phí thuộc nguồn thu của ngân sách T.Ư hưởng 100%). Các khoản thu tăng thêm này, ngân sách Thành phố được hưởng 100% và không dùng để xác định tỷ lệ phần trăm (%) đối với các khoản thu phân chia giữa ngân sách T.Ư và ngân sách Thành phố. 

Có thể nói, Dự thảo Nghị quyết về những cơ chế mới này khi được thông qua tại một kỳ họp theo trình tự rút gọn và triển khai thí điểm trong 5 năm, chắc chắn là một bước đột phá thể chế mạnh mẽ và thực chất. Sự cộng hưởng tác động của những cơ chế này không chỉ cho phép Hà Nội tăng động lực, sự chủ động, linh hoạt và trách nhiệm khai thác, mở rộng quy mô thu NSNN từ các nguồn thu tiềm tàng, mà còn để chính quyền Thành phố có thêm công cụ tài chính và hành chính đắc lực thực hiện có hiệu lực và hiệu quả mục tiêu quản lý, nâng cao ý thức cộng đồng, tăng cường xã hội hóa việc gìn giữ, bảo vệ môi trường, trật tự xây dựng, an toàn giao thông, văn minh và kiến trúc, cảnh quan đô thị, từng bước hoàn thiện mô hình Chính quyền đô thị đã được Quốc hội cho phép thí điểm từ năm 2020. Đặc biệt, tập trung nguồn lực đẩy nhanh quá trình hiện đại hóa cơ sở hạ tầng, phát triển bền vững Thủ đô và đạt kết quả cao nhất các mục tiêu theo Kết luận số 22-KL/TW ngày 07/11/2017, Kết luận số 46-KL/TW ngày 19/4/2019 của Bộ Chính trị về sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW về tiếp tục bổ sung nhiệm vụ, giải pháp phù hợp mục tiêu, phương hướng phát triển Thủ đô trong điều kiện mới.

Để khai thác có hiệu quả những cơ chế tài chính - ngân sách mới đặc thù này, đòi hỏi Hà Nội cần quán triệt nhận thức, nâng cao năng lực cán bộ và xây dựng những quy định cần thiết về tiêu chí, định mức, quy trình, yêu cầu trách nhiệm cá nhân và chế tài xử lý các vi phạm về quản lý thu - chi các nguồn tài chính mà mình được phân cấp mới trên cơ sở hài hòa lợi ích, ngăn chặn tình trạng thất thu, thất thoát, lãng phí và tham nhũng trong triển khai thực tiễn, nhất là trong thu phí, lệ phí và sử dụng chi thường xuyên đầu tư cơ sở vật chất công sở. Đồng thời, cần tăng cường thông tin, tuyên truyền, giải trình nhằm tăng sự đồng thuận xã hội; bảo đảm việc thực hiện công khai, minh bạch, sự kiểm tra, giám sát của Quốc hội, Chính phủ, HĐND các cấp của Thành phố, sự giám sát của người dân, của các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể…

TS. NGUYỄN MINH PHONG
Chuyên gia Kinh tế

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

Kiên quyết, kiên trì chống chủ nghĩa cá nhân

Kiên quyết, kiên trì chống chủ nghĩa cá nhân

(BKTO) - Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam luôn quan tâm đến công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, trong đó có việc phòng, chống chủ nghĩa cá nhân.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201