Thứ Bảy, 4/5/2024 - 13:14:39 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Điều kiện phát triển đô thị biển Việt Nam

THỨ HAI, 25/07/2022 09:05:00 | GÓC NHÌN CHUYÊN GIA
(BKTO) - Đô thị ven biển có lịch sử hàng nghìn năm trước công nguyên, thậm chí có thể nói không ngoa là thoạt đầu những đô thị đầu tiên của loài người chính là những đô thị biển.


Một góc khu đô thị Bảo Ninh 2 - tỉnh Quảng Bình. Ảnh Thái Anh

Chúng ta không thể không nhắc tới những thành bang ven biển phát triển rực rỡ gắn liền với nền văn minh Ba Tư, Hy Lạp hay La Mã. Lịch sử cận đại còn cho thấy nhiều đô thị biển trở thành trung tâm của các quốc gia biển hùng mạnh. Xuyên suốt chiều dài lịch sử hàng nghìn năm của nhân loại, đô thị biển hình thành và phát triển được khi và chỉ khi hội tụ được các điều kiện căn bản sau:

Thứ nhất, có điều kiện địa lý, khí hậu phù hợp. Theo đó, vùng đất ven biển có thể xây dựng đô thị cần có diện tích bằng phẳng đủ lớn để chứa được hàng nghìn, hàng chục nghìn, hay thậm chí hàng vạn và cả hàng triệu người cùng sinh sống và làm việc. Bên cạnh đó, đô thị biển cần có khí hậu ôn hòa, không quá khắc nghiệt và đặc biệt là ít chịu ảnh hưởng bởi bão gió, động đất hay sóng thần. Nguồn nước ngọt được đảm bảo cũng là yếu tố không thể thiếu đối với mỗi đô thị biển.

Biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường biển đang trở thành những thách thức, thậm chí nguy cơ trầm trọng đối với khả năng tồn tại và phát triển của nhiều đô thị biển. Vì vậy, sự tồn tại và phát triển của mỗi đô thị biển không thể bỏ qua tăng cường sức chống chịu và ứng phó với biến đổi khí hậu, với nước biển dâng, với sự nóng lên của biển nói riêng, toàn cầu nói chung, với thiên tai dịch bệnh do biến đổi khí hậu đồng thời chống ô nhiễm môi trường biển, cả ô nhiễm trên bờ lẫn trên biển, cả ô nhiễm rác thải rắn lẫn ô nhiễm nước và thậm chí cả ô nhiễm không khí cũng đang tăng dần. Những bài học đắt giá từ ô nhiễm môi trường nội địa có giá trị cảnh tỉnh đối với tất cả các đô thị biển đã, đang và sẽ hình thành trong tương lai.

Thứ hai, có điều kiện kinh tế không những bảo đảm sự tồn tại mà còn thúc đẩy sự phát triển của kinh tế biển. Đô thị biển tự cổ xưa hình thành, phát triển và cả lụi tàn đều gắn liền với vai trò trung tâm khai thác hải sản, đóng tàu và nhất là thương mại trên biển. Hàng loạt đô thị biển đã trở nên phồn vinh nhờ giao thương trên biển phát triển, trở thành cửa ngõ của khu vực, của quốc gia cho lưu thông hàng hóa và con người giữa các địa phương cũng như giữa các quốc gia, đồng thời là nơi cung cấp các dịch vụ đa dạng cho mạng lưới giao thông hàng hải quốc gia và quốc tế. Cùng với sự phát triển của thế giới hiện đại, không ít đô thị biển lột xác và ra đời nhiều đô thị biển mới gắn với vai trò là những trung tâm căn cứ quân sự, khai thác và chế biến dầu thô, năng lượng tái tạo như mặt trời, gió... hay trung tâm khoa học công nghệ biển và đặc biệt là trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng, giải trí biển đảo...; bên cạnh mở rộng và nâng cao vai trò truyền thống như trung tâm giao thương, logistics hay khai thác và chế biến hải sản. Nói cách khác, đô thị biển hay thậm chí là đô thị đại dương là một bộ phận không thể tách rời của kinh tế biển theo nghĩa rộng, là cơ sở hạ tầng vật chất và xã hội quan trọng hàng đầu để phát triển kinh tế biển. Ngược lại, kinh tế biển phát triển là sự đảm bảo cho sự tồn tại và phát triển của đô thị biển, thậm chí còn quan trọng hơn cả điều kiện tự nhiên vì ngày càng nhiều hạn chế từ điều kiện tự nhiên có thể khắc phục được nhờ tiến bộ của khoa học kỹ thuật và trình độ công nghệ, nhờ vậy đô thị biển vẫn phát triển mạnh bất chấp điều kiện tự nhiên không thật sự thuận lợi. Rõ ràng, trụ cột kinh tế của đô thị biển phải là các ngành dịch vụ và công nghiệp gắn liền với biển, hướng ra biển và khai thác tối đa những lợi ích, lợi thế từ biển, cả lợi thế tuyệt đối lẫn lợi thế tương đối.

Thứ ba, điều kiện kết nối. Đô thị biển đóng vai trò cửa ngõ ra biển của quốc gia biển lẫn quốc gia không có biển nên yêu cầu kết nối trở thành yếu tố đặc biệt quan trọng. Một đô thị biển không thể hình thành và phát triển, không thể thu hút được người dân, thu hút được các nguồn lực hữu hình và vô hình khác từ nội địa và quốc tế nếu không có mối liên kết mật thiết với nội địa thông qua các kênh luân chuyển hàng hóa, lực lượng lao động và cả nguồn lực tài chính tiền tệ. Không chỉ kết nối với nội địa mà kết nối với quốc tế cũng là điều kiện sống còn đối với mỗi đô thị biển. Thực tế cho thấy có một số đô thị biển trên danh nghĩa do nằm ở ven biển song thực chất lại là đô thị nội địa do không những không hướng ra biển mà còn quay lưng lại với biển.

Tóm lại, phát triển đô thị biển là cần thiết và đúng đắn song không phải cứ muốn là được mà cần hội tụ đủ các điều kiện khách quan và chủ quan, trong đó các điều kiện nêu trên là rất quan trọng và thiết yếu./.

TS. VŨ ĐÌNH ÁNH
 

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

Kiên quyết, kiên trì chống chủ nghĩa cá nhân

Kiên quyết, kiên trì chống chủ nghĩa cá nhân

(BKTO) - Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam luôn quan tâm đến công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, trong đó có việc phòng, chống chủ nghĩa cá nhân.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201