Thứ Năm, 25/4/2024 - 06:25:19 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Bất cập hay tư duy cũ trong cơ chế quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp

THỨ BA, 10/03/2020 13:55:00 | GÓC NHÌN CHUYÊN GIA
(BKTO) - Tại cuộc họp chiều 24/02, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Giao thông vận tải (GTVT), Bộ Tài chính cùng các Bộ, ngành liên quan thống nhất có giải pháp đúng quy định pháp luật, khẩn trương tháo gỡ vướng mắc về kinh phí quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, không được để ảnh hưởng đến đời sống người lao động; trường hợp cần thiết, báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định.

Ngày 25/02, Bộ Tài chính cho biết đã phân công cho Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp chủ trì, phối hợp với một số cục, vụ liên quan rà soát, tìm cách tháo gỡ vướng mắc về ngân sách cho ngành đường sắt theo chỉ đạo của Thủ tướng.

Trước đó, ngày 17/02, Văn phòng Chính phủ cho biết, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ GTVT và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đánh giá toàn diện đề xuất điều chuyển Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) từ Ủy ban về trực thuộc lại Bộ GTVT, báo cáo Thủ tướng phương án sắp xếp vào đầu tháng 3/2020.

Theo VNR, tháng 11/2018, Bộ GTVT đã bàn giao VNR về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Hiện nay, VNR không được giao công tác bảo trì, nâng cấp, trong khi vẫn được giao quản lý, vận hành, khai thác hệ thống đường sắt quốc gia. Từ ngày 01/01/2020, các DN công ích thuộc VNR đang thực hiện dịch vụ công ích của ngành (tuần đường, gác chắn, duy tu, bảo trì, sửa chữa nhỏ...) mà không có kinh phí, không được ký hợp đồng. VNR đang phải vay ngân hàng để trả lương công nhân của các DN này. Theo Luật định hiện hành, kết cấu hạ tầng đường sắt thuộc sự quản lý của Bộ GTVT. Tình trạng này dẫn đến Bộ GTVT vướng Điều 49, Luật Ngân sách nhà nước về phân bổ và giao dự toán NSNN, không thể giao dự toán ngân sách năm 2020 cho VNR thực hiện dịch vụ công ích hằng năm. Nghị định số 131/2018/NĐ-CP của Chính phủ Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cũng chưa “phủ” được hết những khó khăn này. Bởi vậy, VNR kiến nghị cấp trên cho phép được quay trở lại trực thuộc Bộ GTVT để tiếp tục cơ chế cũ; đồng thời cấp trên sớm giao gói 7.000 tỷ đồng cho VNR để hoàn thành việc cải tạo, nâng cấp các dự án cấp bách của ngành theo Nghị quyết số 556/NQ-UBTVQH13 ngày 31/7/2018. 

Tuy nhiên, theo Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, các quy định pháp luật đã có đầy đủ. Ngân sách đã được Bộ GTVT phân bổ, dự toán, giao Cục Đường sắt xử lý. Cục đã mời lãnh đạo VNR tới 4 lần lên Cục để bàn ký hợp đồng giải ngân vốn, song lãnh đạo VNR không lên. Lỗi ở đây là do VNR, chứ không phải của Nhà nước. Thủ tục ký hợp đồng, trình tự ra sao, vướng mắc gì, thì Bộ GTVT cần xem xét để sửa đổi quy chế, quy định cho phù hợp. Trường hợp vượt thẩm quyền, phải sửa nghị định để đảm bảo thông thoáng hơn, thì Bộ GTVT phải trình Thủ tướng tháo gỡ… 

Theo ông Nguyễn Đức Kiên - Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, vướng mắc ở đây là do VNR, chứ không phải của các Bộ, ngành, cơ quan có liên quan. Từ khi chuyển về Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, VNR không chịu thay đổi để phù hợp với các quy định mới, không đổi mới mô hình tổ chức theo các quy định của Luật, mà chỉ muốn sửa Luật để phù hợp với chính hoạt động của họ… 

Vậy là đã khá rõ, điều trước mắt cần làm để có kinh phí duy trì bảo đảm an toàn hoạt động của đường sắt quốc gia là sự hợp tác nghiêm túc của Cục Đường sắt và VNR với Bộ GTVT và Cục Tài chính doanh nghiệp, để ký hợp đồng giải ngân vốn đã có theo đúng quy định của pháp luật hiện hành. Cơ quan nào không làm đúng, thì người đứng đầu cơ quan đó phải chịu trách nhiệm chính. Đặc biệt, cần có báo cáo giải trình và tổ chức thanh tra công vụ khách quan, xử lý nghiêm các sai phạm, ngăn ngừa tình trạng tùy tiện biện minh, đổ lỗi cho pháp lý, lại càng  không được phép lấy sự an toàn đường sắt và sinh mạng hành khách làm con tin gây sức ép với Chính phủ, vì ngại thay đổi chính mình hoặc vì “lợi ích nhóm”…

Trên hết, cần thay đổi tư duy để dứt khoát chuyển sang kinh tế thị trường đầy đủ, hội nhập theo thông lệ quốc tế, cũng như cần có cơ cấu nhân sự lãnh đạo đủ “tâm và tầm” trong quản lý vốn nhà nước tại các DNNN. Đồng thời, sớm hoàn thiện cách thức thực hiện nhiệm vụ để nâng cao trách nhiệm và hiệu quả quản lý của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhằm mục tiêu tách bạch việc quản lý nhà nước ra khỏi chức năng chủ sở hữu vốn nhà nước tại các DN.

TS. NGUYỄN MINH PHONG
Chuyên gia Kinh tế

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

Kiên quyết, kiên trì chống chủ nghĩa cá nhân

Kiên quyết, kiên trì chống chủ nghĩa cá nhân

(BKTO) - Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam luôn quan tâm đến công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, trong đó có việc phòng, chống chủ nghĩa cá nhân.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201