Thứ Sáu, 29/3/2024 - 07:30:55 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Những dư địa chính sách nào giúp Việt Nam thúc đẩy tăng trưởng năm 2018?

THỨ BA, 06/02/2018 11:05:00 | ĐẶC SAN CUỐI THÁNG
(BKTO) - TS. NGUYỄN ĐÌNH CUNG Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương

Năm 2017, đóng góp của tăng trưởng phụ thuộc khá nhiều vào yếu tố nước ngoài, cả về phía cung lẫn phía xuất nhập khẩu. Bởi vậy, mặc dù tốc độ tăng trưởng GDP cao, nhưng tăng trưởng thu nhập quốc dân (GNI) của Việt Nam vẫn ở mức thấp. Về tổng thể, trọng tâm chính sách phải tập trung phát triển các thành phần kinh tế trong nước để thu hẹp khoảng cách với khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Dưới đây là một số dư địa chính sách có thể giúp Việt Nam thúc đẩy tăng trưởng năm 2018 và giai đoạn 2018-2020.

Các dư địa chính sách tiền tệ

Thứ nhất, trong mấy năm qua, lạm phát chủ yếu do sự điều chỉnh giá các mặt hàng Nhà nước quản lý. Năm 2017, lạm phát ổn định ở mức thấp. Vấn đề giảm lãi suất đang được các nhà hoạch định chính sách xem là một công cụ, một dư địa. Nếu làm được điều đó, DN sẽ hưởng lợi rất nhiều. Tuy nhiên, việc này phải làm đại trà, không phải chỉ giảm cho một vài đối tượng. Trong bối cảnh lạm phát cơ bản liên tục giảm và ở mức ổn định rất thấp, lãi suất huy động có thể giảm để từ đó giảm lãi suất cho vay được không? 

Thứ hai, cung tiền tệ và cung tín dụng có thể là một tác động để lạm phát, nhưng trong mấy năm qua, cung tiền tệ của Việt Nam tương đối ổn định. Thực tế cho thấy, có những nước dù cung tiền và cung tín dụng thấp nhưng lạm phát vẫn cao. Vậy, Việt Nam cần giữ tín dụng ở mức nào? Năm 2017, tín dụng khoảng 19%. Hiện nay, trong bối cảnh kinh tế vĩ mô tương đối ổn định, nước ta có thể bỏ hết những can thiệp hành chính vào thị trường như lâu nay hay không? Chẳng hạn, tác động giới hạn cung ứng tín dụng, tăng tín dụng của từng tổ chức tín dụng, bỏ các gói tín dụng chính sách không cần thiết, bỏ trần lãi suất huy động, huy động và cho vay tín dụng ngoại tệ… Đặc biệt là chính sách đối với vấn đề tỷ giá.

Thứ ba, phải tìm được giải pháp tạo nên sự khác biệt so với hiện nay trong việc xử lý nợ xấu và tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém. 
Các dư địa chính sách tài khóa

Nhiều người cho rằng, chính sách tài khóa không còn dư địa. Theo cách hiểu truyền thống, nước ta không thể tiếp tục tăng chi ngân sách để tăng bội chi. Vậy, để thúc đẩy tăng trưởng thì dư địa có thể còn ở đâu? Theo tôi, dư địa không phải là tăng thu để giảm chi và giảm nợ công như cách nhìn truyền thống mà phải giảm chi thường xuyên, tăng chi đầu tư và giảm nợ công. Đấy là điều nên làm.

Để giảm chi thường xuyên, những năm trước, chúng ta phải cắt giảm, tiết kiệm 10%, song giải pháp này gần như không có hiệu lực. Muốn nâng cao hiệu lực, hiệu quả của chi tiêu ngân sách thì phải nâng cao hiệu quả đầu tư công. Nếu vậy, trần nợ công có cần thiết phải nới hay không? Nếu cần thì nới trong điều kiện nào? Hiện nay, trần nợ công là một giới hạn tương đối ngặt nghèo của đầu tư công và thúc đẩy tăng trưởng. Thế nhưng tôi thấy, không có một cơ sở lý thuyết nào khẳng định trần nợ công cần phải giới hạn trong 65-75% hay 85%. Đây chẳng qua là một giới hạn về mặt chính trị trong cách thức quản lý của Nhà nước và cần phải có những thảo luận để thay đổi. 

Báo cáo kiểm toán của KTNN từng nêu ra hàng loạt dư địa, điều quan trọng là chính sách điều hành phải có giải pháp xử lý được những vấn đề này. Cụ thể như vấn đề chịu trách nhiệm trước sai phạm. Tại các dự án đầu tư công, những hiện tượng điều chỉnh dự toán, nâng tổng mức đầu tư lên 1,5-2 lần, thậm chí có nơi tới 2,5 lần đang diễn ra tương đối phổ biến nhưng cuối cùng không ai phải chịu trách nhiệm.

Điều này cũng có thể thấy rõ trong hàng loạt sai phạm của các dự án BOT mà KTNN vừa công bố. Nếu chúng ta không tìm thấy và không áp trách nhiệm trước các sai phạm thì kỷ luật tài khóa khó có thể tìm kiếm một cách thức thiết thực để nâng cao hiệu quả đầu tư công. Những sai phạm ấy hiển hiện không phải chỉ một năm mà nhiều năm liền nhưng không được xử lý. Bởi vậy, nâng cao hiệu quả đầu tư công chính là dư địa rất lớn để thúc đẩy tăng trưởng. Phải tìm kiếm và truy trách nhiệm đối với những cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan đến các vi phạm phổ biến này.  

Trong 2 năm gần đây, giải ngân vốn đầu tư công đạt mức thấp và có suy giảm. Bởi vậy, ngay từ đầu năm 2018, Chính phủ phải có các biện pháp tháo gỡ, không nên đến giữa năm mới thảo luận rồi cuối năm không giải quyết được. Cụ thể, phải tháo bỏ các vướng mắc về quy trình, thủ tục hành chính, tập trung vốn đầu tư đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ các dự án quan trọng quốc gia như Metro Sài Gòn, dự án điện ngầm tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, dự án sân bay Tân Sơn Nhất… 

Một dư địa rất lớn nữa là tăng hiệu quả sử dụng vốn của khu vực DNNN và DN tư nhân trong nước. Thực tế những năm qua, hiệu quả tỷ lệ lợi nhuận/vốn đầu tư của các DN FDI cao gấp 3 lần so với DNNN và DN tư nhân, các chỉ số sử dụng vốn khác cũng cao hơn. Do vậy, đây là một dư địa rất lớn để tăng hiệu quả và năng lực cạnh tranh của các DN trong nước cũng như thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Lâu nay, DNNN đang thực hiện cải cách và cổ phần hóa nhưng những yếu kém vẫn tồn tại trong khâu quản lý. Cho nên, Nhà nước cần chú ý nhiều hơn tới các chỉ số quản lý, đặc biệt là các chỉ tiêu cải thiện hiệu quả tài chính của DNNN để từ đó có những can thiệp kịp thời. Theo tôi, ngay từ đầu năm, trên cơ sở báo cáo kiểm toán của KTNN, Chính phủ phải đặt ra yêu cầu buộc DNNN có những cải thiện về chỉ số hiệu quả tài chính. Cách thức này có thể tạo áp lực, trách nhiệm cũng như tạo động lực để các DNNN cải thiện hiệu quả sử dụng vốn. 

Cần đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh và hỗ trợ phát triển DN

Những năm qua, môi trường kinh doanh của Việt Nam có cải thiện nhưng chưa nhiều. Mấy tháng gần đây, vấn đề này đã có một vài chuyển động tích cực hơn. Trong năm 2018, Chính phủ cần tiếp tục tạo áp lực và trách nhiệm đối với các Bộ chuyên ngành để cắt bỏ ít nhất 1/3 đến 1/2 số điều kiện kinh doanh, loại bỏ ít nhất 1/2 số hàng hóa thuộc diện kiểm tra chuyên ngành xuất, nhập khẩu, thay đổi cơ bản cách thức quản lý nhà nước. Nếu làm được điều này thì không những môi trường kinh doanh của Việt Nam thuận lợi và an toàn hơn mà chi phí tuân thủ của DN chắc chắn sẽ giảm đi rất nhiều, tạo niềm tin đối với cộng đồng DN.

Bên cạnh đó, cần ban hành đầy đủ các quy chuẩn kỹ thuật và tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa để DN tuân thủ. Đây là điều rất quan trọng giúp DN tự khẳng định mình, tạo ra sự khác biệt với các DN khác. Qua đây, người tiêu dùng cũng dễ phân định DN tốt để lựa chọn sản phẩm. 
Năm 2018, cần tiếp tục nỗ lực giảm chi phí cho DN.

Các giải pháp cụ thể là: giảm lãi suất cho vay; giảm chi phí hậu cần (logistics); kiến nghị giảm chi phí công đoàn, chi phí bảo hiểm xã hội, chi phí trợ cấp thất nghiệp, trợ cấp thôi việc; không tăng lương theo mệnh lệnh hành chính, nếu tăng thì không vượt quá tốc độ tăng năng suất lao động. Vấn đề này nên theo sự thỏa thuận giữa người sử dụng lao động và người lao động hơn là Quyết định của Hội đồng Tiền lương quốc gia.

Ngoài ra, chúng ta cũng phải tính đến việc tăng giờ, tăng số việc làm ngoài giờ, thực hiện nghiêm quy định một tổ chức, một DN bị kiểm tra, thanh tra không quá một lần trong một năm; đồng thời, thay đổi thái độ và mục tiêu kiểm tra theo hướng hỗ trợ, giúp đỡ, hướng dẫn DN tuân thủ đúng pháp luật thay vì chủ yếu để xử phạt. 

Cuối cùng, Nhà nước cần khuyến khích, hỗ trợ phát triển ngành, vùng kinh tế trọng điểm. Đó là, thay đổi cách thức, nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch. Chính thức hóa tối đa thương mại tiểu ngạch qua biên giới, nhất là biên giới Việt - Trung, có kế hoạch cũng như giải pháp đồng bộ để khai thác tối đa các cơ hội từ thị trường Trung Quốc, nhất là hàng nông sản, thực phẩm.

Cùng với đó là cơ hội từ các thị trường khác như EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc và ASEAN. Về vùng, phải có giải pháp hỗ trợ để Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh trở thành đầu tầu tăng trưởng của cả nước. Một số nghiên cứu gần đây cho thấy, tăng trưởng năng suất lao động bình quân của khu vực TP. Hồ Chí Minh thấp hơn tăng trưởng năng suất lao động bình quân của cả nước trong khi đây đáng lẽ phải là nơi dẫn đầu. Nếu tăng trưởng của TP. Hồ Chí Minh tăng thêm 1 điểm % thì tăng trưởng của cả nước tăng được 0,23 điểm %. Bên cạnh TP. Hồ Chí Minh, Chính phủ cũng phải tiếp tục tháo gỡ các nút thắt và tạo động lực thực sự cho vùng Đông Nam Bộ và vùng động lực tăng trưởng miền Bắc.
 
Trong năm 2018, Chính phủ cần tiếp tục tạo áp lực và trách nhiệm đối với các Bộ chuyên ngành để cắt bỏ ít nhất 1/3 đến 1/2 số điều kiện kinh doanh, loại bỏ ít nhất 1/2 số hàng hóa thuộc diện kiểm tra chuyên ngành xuất, nhập khẩu, thay đổi cơ bản cách thức quản lý nhà nước.
 

HỒNG NHUNG (ghi)
Theo Đặc san Kiểm toán số 67 ra tháng 01/2018

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

Bình Dương hướng đến phát triển hành lang logistics thông minh, thân thiện với môi trường

Bình Dương hướng đến phát triển hành lang logistics thông minh, thân thiện với môi trường

(BKTO) – Đây là thông tin được cho biết tại Hội nghị giao thương xúc tiến thương mại Hoa Kỳ ngành logistics năm 2022 do Sở Công thương tỉnh Bình Dương và Trung tâm Thương mại Thế giới (WTC) Tacoma đồng tổ chức mới đây.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201