(BKTO) - Australia là một thị trường xuất khẩu chủ lực của thủy sản Việt Nam và còn nhiều tiềm năng, cơ hội để tăng trưởng mạnh mẽ hơn trong thời gian tới. Do đó, Việt Nam - Australia cần tăng cường chia sẻ thông tin, hỗ trợ kỹ thuật để các doanh nghiệp (DN) Việt đáp ứng tốt hơn tiêu chuẩn kiểm dịch của Australia, qua đó giúp thủy sản Việt Nam ngày càng có mặt nhiều hơn tại thị trường này.
Đây là nội dung được trao đổi, thảo luận tại Hội thảo “Xúc tiến xuất khẩu thủy sản sang thị trường Australia” do Bộ Ngoại giao phối hợp với Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến vào ngày 01/10.
 |
Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: D.THIỆN
|
Là một trong những nước cung cấp thủy sản lớn nhất cho Australia
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Vũ Quang Minh nhấn mạnh quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Australia đang phát triển hết sức tốt đẹp; Australia đã trở thành một trong 10 đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Ngay trong bối cảnh đại dịch Covid-19, mặc dù chịu nhiều tác động tiêu cực song kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước vẫn tăng trưởng tốt, theo đó, 8 tháng năm 2021 kim ngạch thương mại song phương đạt trên 8 tỷ USD, tăng 50% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đối với lĩnh vực thủy sản, Thứ trưởng Vũ Quang Minh cho biết, trong thời gian qua, nuôi trồng thủy sản là một trong những lĩnh vực đóng vai trò then chốt trong phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo và tạo sinh kế cho người dân. Do đó, Chính phủ đã nỗ lực hết sức để đảm bảo hoạt động an toàn và thông suốt của ngành nuôi trồng thủy sản ngay cả trong thời kỳ đại dịch.
Các DN và ngư dân Việt Nam cũng đã thích ứng và vượt qua khó khăn để duy trì hoạt động sản xuất và xuất khẩu. Kết quả, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong 7 tháng năm 2021 đạt 1,16 triệu tấn, với trị giá gần 5 tỷ USD, tăng 11% về lượng và 13% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020.
Trong đó, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Australia tăng khoảng 10% vào năm 2020 và tăng hơn 35% trong 8 tháng năm 2021.
Từ phía đối tác, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp, Nguồn nước và Môi trường Australia Andrew Metcalfe đánh giá, các sản phẩm thuỷ sản Việt Nam ngày càng được người tiêu dùng Australia tin tưởng và ưa chuộng hơn, nhất là các sản phẩm như tôm, cá tra, cá basa, bào ngư, mực, cá thu…
“Việt Nam hiện là nước cung cấp các mặt hàng thủy sản lớn thứ 3 cho Australia; trong đó riêng mặt hàng tôm, Việt Nam là nhà cung cấp lớn nhất cho thị trường Australia trong giai đoạn từ 2018-2021 (chiếm hơn 50% tổng sản lượng tôm nhập khẩu của Australia)” - ông Andrew Metcalfe nói.
Việt Nam cần chuyển nhanh sang áp dụng chứng nhận điện tử
Nhận định về tiềm năng xuất khẩu thủy sản sang Australia trong thời gian tới, Thứ trưởng Vũ Quang Minh cho rằng Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội, nhờ nền tảng hợp tác song phương tốt đẹp, những tác động tích cực từ Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và các hiệp định thương mại tự do khác mà hai nước cùng tham gia, cũng như xu hướng phục hồi của nền kinh tế hai nước trong giai đoạn tới.
 |
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Vũ Quang Minh phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: D.THIỆN
|
Tuy nhiên, Thứ trưởng Vũ Quang Minh cũng lưu ý, vì Australia là một trong những thị trường có tiêu chuẩn cao về chất lượng, do đó, các DN xuất khẩu thủy sản Việt Nam cần tiếp tục nỗ lực hết sức để đáp ứng các yêu cầu của Australia về vệ sinh, kiểm dịch và an toàn sinh học.
“Ngành nuôi trồng thủy sản Việt Nam cũng đang tham gia và tự điều chỉnh để nắm bắt các xu hướng mới trên thế giới như thương mại điện tử, kinh tế số và khai thác các cơ hội mới do chuyển đổi số đem lại” - Thứ trưởng Minh cho biết thêm.
Đồng quan điểm trên, Phó Tổng Thư ký VASEP Tô Thị Tường Lan chia sẻ, thủy sản Việt Nam đã đạt các tiêu chuẩn về Global Gap (tiêu chuẩn quốc tế về thực hành nông nghiệp tốt), tiêu chuẩn của Hội đồng Quản lý Nuôi trồng thủy sản (ASC), truy xuất nguồn gốc, nhằm đảm bảo đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu vào các thị trường phát triển nhất.
Trong thời gian tới, Việt Nam đặt kế hoạch tăng cường áp dụng khoa học công nghệ, đáp ứng các tiêu chuẩn sản xuất đi cùng với bảo vệ môi trường, sản xuất theo chuỗi khép kín, tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế để giám sát quy trình sản xuất, đồng thời thúc đẩy nghiên cứu đảm bảo an toàn sinh học và thực phẩm.
Đưa khuyến nghị đến các DN thủy sản, bà Lan cho rằng, để tận dụng các Hiệp định tự do thương mại ASEAN-Australia và New Zealand (AANZFTA), CPTPP, Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) mà hai nước là thành viên, các DN Việt Nam cần tăng cường hợp tác liên quan đến các thủ tục thử nghiệm trong Hiệp định AANZFTA có thể tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu thủy sản Việt Nam thời gian tới.
Đồng thời, việc các DN áp dụng thống nhất tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (SPS) trong Hiệp định AANZFTA sẽ làm giảm khả năng gián đoạn thương mại và giúp ngành nuôi trồng thủy sản Việt Nam tận dụng các cơ hội tiếp cận thị trường dễ dàng hơn.
Về phía nhà nhập khẩu Australia, ông Alex Knoll - Giám đốc Công ty Barossa Fine Food chia sẻ khuyến nghị, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tác động nghiêm trọng đến dòng chảy thương mại, thúc đẩy chuyển đổi số, Việt Nam cần chuyển nhanh sang áp dụng chứng nhận điện tử, vì đây là điều kiện tiên tuyết để xuất khẩu thủy sản Việt Nam nhanh hơn, chi phí thấp hơn và an toàn hơn. Qua đó góp phần giúp Việt Nam duy trì lợi thế cạnh tranh đối với mặt hàng thủy sản, không chỉ ở thị trường Australia mà còn với các đối tác khác./.
DIỆU THIỆN