Thứ Năm, 25/4/2024 - 22:28:56 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Lãi suất ổn định - thành tích ấn tượng trong điều hành chính sách tiền tệ năm 2017

THỨ BA, 06/02/2018 10:20:00 | ĐẶC SAN CUỐI THÁNG
(BKTO) - TS. NGUYỄN TÚ ANH Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước trả lời phỏng vấn Đặc san Kiểm toán.

Thưa ông, năm 2017 vừa khép lại, ông bình luận như thế nào về vấn đề điều hành chính sách tiền tệ của chúng ta trong năm qua?

Tôi cho rằng, năm 2017 là một năm có nhiều yếu tố thuận lợi và bất lợi đan xen. Chính sách tiền tệ đã được điều hành một cách linh hoạt, chủ động để nắm bắt các yếu tố thuận lợi và hạn chế những yếu tố bất lợi đối với nền kinh tế. Thành công trong điều hành chính sách tiền tệ thể hiện trên các góc độ: 

Thứ nhất, kiềm chế được lạm phát trong bối cảnh Nhà nước tiếp tục điều chỉnh tăng giá dịch vụ y tế, giáo dục, xăng dầu. Năm 2017, lạm phát trung bình đạt 3,53% - dưới mức 4% như Nghị quyết Quốc hội đề ra. Thành công lớn nhất của điều hành lạm phát không phải ở con số, mà quan trọng nhất là neo giữ được kỳ vọng về lạm phát trong lâu dài.
 

 
Quá trình kiên trì thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát cho đến nay đã bắt đầu đi vào tính toán của các DN, người dân. Bởi, khi kỳ vọng lạm phát ở mức thấp, mọi tính toán trở nên dễ dàng hơn, ít bất định hơn, hoạt động đầu cơ kém hấp dẫn hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động đầu tư trung và dài hạn vào sản xuất kinh doanh. 

Thứ hai, mặt bằng lãi suất ổn định và có xu hướng giảm, kỳ vọng thay đổi lãi suất là theo xu hướng giảm chứ không có kỳ vọng lãi suất tăng lên. Đây là một kết quả rất đáng ghi nhận khi nhu cầu tín dụng của nền kinh tế trong năm qua tăng cao - khoảng 19%, vượt xa tốc độ tăng của GDP danh nghĩa - khoảng 11,2%.

Khi nhu cầu tăng thì hiển nhiên sẽ gây sức ép tăng giá, ở đây là lãi suất cho vay. Tuy nhiên, lãi suất cho vay không tăng mà có xu hướng giảm. Việc mặt bằng lãi suất ổn định và có xu hướng giảm sẽ làm chi phí vốn và chi phí dự phòng rủi ro của DN giảm, môi trường kinh doanh trở nên dễ dự đoán và ít rủi ro hơn. Điều này góp phần quan trọng trong ổn định kinh tế vĩ mô. 

Tuy nhiên, lãi suất cho vay còn bị ảnh hưởng bởi mức độ rủi ro của các DN. Các DN ở Việt Nam chủ yếu mới thành lập và với quy mô nhỏ nên mức độ rủi ro còn cao. Thực tế, những DN có nhiều độ tin cậy, hệ thống báo cáo rõ ràng, minh bạch thì có thể tiếp cận tín dụng với lãi suất khoảng 4-5%. Trong bối cảnh nhu cầu tín dụng tăng cao, rủi ro DN còn lớn thì ổn định được mặt bằng lãi suất là một thành tích ấn tượng của ngành ngân hàng trong năm qua. 

Thứ ba, cung tín dụng đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của nền kinh tế trong những tháng đầu năm, bù đắp sự thiếu hụt vốn đầu tư từ Nhà nước do giải ngân vốn nhà nước chậm. Hết quý II, khi tăng trưởng kinh tế chưa có dấu hiệu khởi sắc, NHNN một mặt nới lỏng một số chỉ tiêu tín dụng nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, mặt khác kiểm soát chặt chẽ tín dụng, hạn chế những tác động tiêu cực lên lạm phát cho những năm sau.

Sang quý III, cán cân thương mại đảo chiều làm thặng dư thương mại tăng lên, đồng thời tạo cú huých lớn đối với tăng trưởng kinh tế. Trước các tín hiệu tích cực đó, NHNN phải tính đến những giải pháp thận trọng trong điều hành chính sách tiền tệ, vừa đảm bảo hỗ trợ đà tăng trưởng, vừa không để tín dụng tăng quá mức gây áp lực cho năm sau. 

Thứ tư, ổn định về tỷ giá và gia tăng dự trữ ngoại hối. Năm 2017, dòng tiền bên ngoài đổ vào nước ta tăng mạnh ở các kênh đầu tư trực tiếp và đầu tư gián tiếp, cán cân thương mại thặng dư khoảng 2,7 tỷ USD giúp cho NHNN mua được lượng ngoại tệ lớn. Việc này, một mặt giúp dự trữ ngoại hối nhà nước tăng mạnh, mặt khác duy trì ổn định tỷ giá qua đó duy trì sức cạnh tranh cho hàng xuất khẩu.

Mặc dù dòng tiền đổ vào rất lớn nhưng NHNN đã điều tiết kịp thời, duy trì tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán theo đúng mục tiêu đề ra. Dự trữ ngoại hối đạt con số kỷ lục từ trước đến nay (trên 51 tỷ USD) đã làm tăng niềm tin của giới đầu tư về năng lực xử lý rủi ro của Nhà nước khi thị trường bất lợi, đồng thời giúp neo giữ kỳ vọng về ổn định tỷ giá.

Chính vì sự ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định lãi suất và tỷ giá, neo được kỳ vọng lạm phát, Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody's Investors Service đánh giá nâng triển vọng của Việt Nam từ ổn định lên tích cực. Chỉ số cạnh tranh của nền kinh tế cũng tăng lên. 

Bên cạnh những thành công như vậy, việc điều hành chính sách tiền tệ còn có vấn đề gì khiến ông cảm thấy băn khoăn?

Tôi cho rằng, lãi suất vừa là điểm sáng vừa là điểm vẫn còn trăn trở. Làm sao để có thể giảm thêm được lãi suất cho vay là câu hỏi khó đối với NHNN trong thời điểm này. Rất nhiều yếu tố cần phải tính đến như: làm thế nào để giảm lãi suất huy động, giảm lãi suất cho vay khi rủi ro của DN đang cao? Hiện nay, hệ số lợi nhuận lãi suất cận biên của các ngân hàng trong nước khoảng 2,69%, thấp hơn khá nhiều so với chuẩn của thế giới - khoảng 3,5%.

Do đó, không thể giảm lãi suất cho vay mà không giảm lãi suất huy động. Tuy nhiên, khi lạm phát đang ở mức kỳ vọng khoảng 4% thì lãi suất huy động ở mức 5-6% là khá phù hợp. Đồng thời, trong bối cảnh nhu cầu huy động tăng nhanh để đáp ứng nhu cầu tín dụng rất lớn của nền kinh tế thì vấn đề giảm lãi suất huy động sẽ cực kỳ thách thức, đặc biệt là khi tỷ lệ tiết kiệm trên GDP của Việt Nam đang ở mức rất thấp - chỉ khoảng 26,7% so với các nước khác gần 40%. 

Muốn giảm lãi suất cho vay, chúng ta cần những giải pháp rất căn cơ. Một là, phải phát triển được thị trường vốn để giảm áp lực trên nhu cầu tín dụng từ khu vực ngân hàng. Hai là, các tổ chức tín dụng cần thực hiện nhiều giải pháp để tiết kiệm chi phí. Ba là, đẩy mạnh giải quyết nợ xấu và các tài sản bảo đảm để giải phóng số lượng tài sản khá lớn đang không sinh lời trong nền kinh tế. Bốn là, cộng đồng DN cần chú trọng hơn trong quản lý rủi ro, xây dựng hệ thống thông tin quản lý minh bạch, tin cậy, giúp các tổ chức tín dụng dễ dàng đánh giá mức độ tín nhiệm của mình. 

Theo ông, những thách thức đặt ra cho quá trình điều hành chính sách tiền tệ của năm 2018 và những năm tiếp theo là gì?
Năm 2018 được dự báo là năm thuận lợi, khi kinh tế thế giới tiếp tục đà tăng trưởng tốt. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần nhìn nhận những thách thức tiềm tàng đối với nền kinh tế:

Thị trường chứng khoán thế giới tăng rất nhanh trong năm 2017 - tăng 47,6% tổng vốn hóa thị trường, trong khi mức giá chung của thế giới hầu như không biến động. Lần đầu tiên, mức độ biến động của giá chứng khoán trên thế giới thấp hơn mức độ biến động của trái phiếu. Như vậy, tăng vốn hóa là do mở rộng phát hành. Sự bùng nổ quá lớn của thị trường chứng khoán làm tăng nghi ngại về khả năng dẫn đến “xì hơi” vào năm 2018 khi ngân hàng trung ương các nước bắt đầu giảm bớt các chương trình mua tài sản, tức giảm bớt việc cung tiền. 

Một thách thức nữa, năm 2018, ngân hàng trung ương các nước bắt đầu xu hướng giảm nới lỏng chuyển sang chính sách thắt chặt. Cục Dữ trữ liên bang Mỹ (FED) có khả năng sẽ tăng thêm lãi suất điều hành khoảng 3 lần. Những diễn biến trên có thể gây ra một số tác động bất lợi đối với dòng vốn vào các thị trường mới nổi.

Tuy nhiên, diễn biến của thị trường tiền tệ thế giới năm qua khác xa những dự đoán thông thường, đồng USD không lên giá mà còn mất giá khoảng 9%. Điều này cho thấy, thị trường tiền tệ còn nhiều yếu tố mới tiềm ẩn mà thị trường chưa tính được. Việc nắm bắt các yếu tố mới này là thách thức không nhỏ đối với điều hành chính sách tiền tệ trong năm 2018.

Bên cạnh đó, các bất ổn về địa chính trị cũng có thể gây ra những rủi ro trên thị trường thế giới về dầu khí và hàng hóa cơ bản, khiến giá cả có thể tăng.

Đối với thị trường trong nước, việc tăng giá điện cuối năm 2017 sẽ tác động trực tiếp tới lạm phát của tháng 01/2018 và tác động vòng 2 khi làm tăng chi phí các hoạt động kinh doanh khác. Thêm vào đó, cho đến nay, việc chúng ta chưa có một giải pháp rõ ràng về xu hướng giải ngân chậm vốn nhà nước cũng sẽ là yếu tố ảnh hưởng đến điều hành chính sách kinh tế nói chung và chính sách tiền tệ nói riêng.

Chân thành cảm ơn những chia sẻ của ông! 

XUÂN HỒNG (thực hiện)
Theo Đặc san Kiểm toán số 67 ra tháng 01/2018

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

Bình Dương hướng đến phát triển hành lang logistics thông minh, thân thiện với môi trường

Bình Dương hướng đến phát triển hành lang logistics thông minh, thân thiện với môi trường

(BKTO) – Đây là thông tin được cho biết tại Hội nghị giao thương xúc tiến thương mại Hoa Kỳ ngành logistics năm 2022 do Sở Công thương tỉnh Bình Dương và Trung tâm Thương mại Thế giới (WTC) Tacoma đồng tổ chức mới đây.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201