(BKTO) - Nhiều dự án điện gió đã và đang tiếp tục chạy đua tiến độ để về đích được công nhận vận hành thương mại (COD) trước ngày 31/10/2021 nhằm được hưởng cơ chế giá cố định (FIT) ưu đãi trong thời gian 20 năm theo Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg sửa đổi Quyết định số 37/2011/QĐ-TTg về cơ chế hỗ trợ phát triển dự án điện gió tại Việt Nam của Thủ tướng Chính phủ.
 |
Nhà máy điện gió Ea Nam vừa được công nhận vận hành thương mại. Ảnh: EVN
|
Như Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã thông tin, có tổng cộng 106 nhà máy điện gió đã gửi văn bản và hồ sơ đăng ký chương trình đóng điện và hòa lưới, thử nghiệm, đề nghị công nhận COD. Tổng công suất đăng ký thử nghiệm COD của 106 nhà máy điện gió này là 5655,5 MW.
Theo thông tin cập nhật đến ngày 30/9/2021 đã có một số nhà máy điện gió với mức công suất cụ thể đã được công nhận COD, gồm Nhà máy điện gió Hòa Bình - giai đoạn 1 với công suất được công nhận COD là 42,2 MW; Nhà máy điện gió Số 5 Ninh Thuận với công suất được công nhận COD là 46,2 MW; Nhà máy điện gió 7A với công suất được công nhận COD là 33,4 MW; Nhà máy điện gió Đông Hải 1 - giai đoạn 2 với công suất được công nhận COD là 50 MW; Nhà máy điện gió Ea Nam với công suất được công nhận COD là 12,6 MW và Nhà máy điện gió BIM với công suất được công nhận COD là 88 MW.
Như vậy, trong số 106 nhà máy điện gió với tổng công suất 5655,5 MW đăng ký thử nghiệm COD thì đến cuối tháng 9/2021, đã có 6 nhà máy điện gió với tổng công suất 272,4 MW đã được công nhận vận hành thương mại COD. EVN cho biết sẽ tiếp tục cập nhật và thông tin về tiến độ công nhận vận hành thương mại các dự án điện gió trước thời điểm 31/10/2021.
Liên quan đến vấn đề giá FIT của điện gió, ông Hoàng Tiến Dũng - Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) xác nhận, tính đến tháng 8/2021, EVN đã thông báo có 106 dự án điện gió sẽ được xác nhận thương mại được kịp hưởng giá FIT ưu đãi.
 |
Bên cạnh 6 dự án điện gió đã được công nhận vận hành thương mại thì còn 100 dự án đang chạy đua tiến độ về đích trước ngày 31/10/2021. Nguồn: EVN
|
Đến thời điểm này, trong số 106 dự án thì có 54 dự án đã thuộc thẩm quyền xem xét và thực hiện công tác kiểm tra, nghiệm thu của Bộ Công Thương. Trong 54 dự án này có khoảng 30 dự án đã nhận hồ sơ để tiến hành kiểm tra công tác nghiệm thu, đảm bảo đưa vào tiến độ được hưởng giá FIT theo Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg.
Theo chia sẻ của ông Hoàng Tiến Dũng, mặc dù các chủ đầu tư đã rất nỗ lực đưa dự án điện gió vào kịp tiến độ được hưởng giá ưu đãi, nhưng thời gian vừa qua, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo đã nhận được nhiều ý kiến đề xuất của UBND các tỉnh, các chủ đầu tư về tiến độ của nhiều dự án bị chậm phần lớn là do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và không đưa kịp tiến độ đưa vào vận hành thương mại trước ngày 31/10.
Sau ngày giá FIT của điện gió hết hạn, Bộ Công Thương sẽ có trách nhiệm nghiên cứu đề xuất các phương án đấu thầu của chủ đầu tư để xác định giá điện gió. Hiện Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo đang khẩn trương nghiên cứu để báo cáo Thủ tướng Chính phủ cơ chế phát triển điện gió trong thời gian tới theo hướng phù hợp với Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật giá, Luật Điện lực… - ông Hoàng Tiến Dũng cho biết.
QUỲNH ANH