Thứ Sáu, 26/4/2024 - 22:18:35 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Đạt mục tiêu tăng trưởng: đâu là nỗ lực, đâu là “ơn trời”?

THỨ BA, 06/02/2018 09:55:00 | ĐẶC SAN CUỐI THÁNG
(BKTO) - TS. VÕ TRÍ THÀNH Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương


Tăng trưởng đạt mục tiêu nhưng còn nhiều điều phải suy nghĩ 

Tăng trưởng kinh tế năm 2017 của Việt Nam mặc dù đã đạt mục tiêu đề ra nhưng vẫn còn nhiều điều phải suy nghĩ. Chúng ta cần nhìn nhận lại để xem mình làm được đến đâu, cái gì là do nỗ lực, cái gì là nhờ “ơn trời”.

Nếu chất lượng tăng trưởng được tính theo thang điểm 10 thì tôi cho rằng, năm 2017 tăng trưởng của Việt Nam đạt điểm 6. Bởi lẽ, việc duy trì tốc độ tăng trưởng bền vững phải dựa vào tăng năng suất, và phía sau đó là sáng tạo, công nghệ, kỹ năng quản trị lao động..., nhưng khi nhìn vào tốc độ này trong năm 2017 thì có thể thấy về cơ bản Việt Nam vẫn dựa trên các lợi thế vốn có như chi phí lao động thấp, hay những lợi thế so sánh khác.

 

TS. VÕ TRÍ THÀNH
Điều này phản ánh rất rõ qua động lực tăng trưởng chủ yếu là lĩnh vực công nghiệp chế biến định hướng xuất khẩu, sự phục hồi của nông nghiệp và một số lĩnh vực dịch vụ như du lịch, phân phối bán lẻ. Mặc dù năng suất lao động có tăng lên, song để đạt được mục tiêu ban đầu thì tổng vốn đầu tư xã hội trên GDP chỉ khoảng 32%. Đến nay, mục tiêu tăng trưởng đã đạt được nhưng tổng vốn đầu tư xã hội lại lên thành 34%.

Năm 2017, một loạt các chỉ tiêu như: tốc độ tăng trưởng xuất khẩu, giải ngân vốn đầu tư FDI hay VN-Index... đã đạt được kết quả khá xa so với dự báo. Tuy nhiên, ở một phương diện khác, chúng ta cần xem xét kỹ để thấy thực chất nó phản ánh điều gì. Theo tôi, có 3 vấn đề cần nhìn nhận rõ:

Một là, tốc độ tăng trưởng của Samsung tăng vọt và Formosa đã quay lại sản xuất với 1,5 triệu tấn thép... Đây là những điều không bình thường trong kinh doanh, không thường xuyên diễn ra trong nền kinh tế.

Hai là, sự tăng trưởng này có liên quan đến chu kỳ kinh tế thế giới, bởi dù chưa phải đột phá nhưng sau 10 năm kinh tế thế giới đang đi vào chu kỳ tích cực hơn. Với độ mở cao của thị trường, Việt Nam đã ảnh hưởng theo hướng tích cực.

Ba là, vấn đề điều hành của Nhà nước có mặt đã làm được nhưng có mặt cũng còn phải suy nghĩ. Mặt làm được là quyết tâm hành động của Chính phủ trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và DN cảm nhận được việc này. Còn mặt chưa được là cách điều hành vẫn mang tính mệnh lệnh, chỉ huy, đôi khi sự đòi hỏi ở chính sách không đem lại nhiều hiệu quả về chất lượng mà vẫn chỉ tăng về số lượng. 

Việt Nam là nước đang phát triển nên cần sự tăng trưởng cao để bắt kịp với các nước có trình độ cao hơn. Thế nhưng, sự tăng trưởng ấy phải song hành cùng chất lượng, năng suất, đổi mới sáng tạo, nâng cao kỹ năng quản trị lao động. Trong bối cảnh hiện nay, nếu muốn thay đổi để tăng trưởng cao hơn, Nhà nước cần thay đổi cách điều hành. Theo đó, chúng ta cần nhất quán tập trung vào các mục tiêu cải cách, tái cấu trúc nền kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô.  

Thời điểm này, Chính phủ đã kiên định với mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô cùng với sự uyển chuyển trong điều hành, nhiều điểm trừ trước đó đã được cải thiện. Song, điều tôi mong muốn hơn nữa là sự phối hợp giữa chính sách tài khoá và tiền tệ. 

Năm 2017 là một trong số ít những năm Chính phủ đạt được tất cả các mục tiêu đề ra. Theo tôi, nguyên nhân của thành tích này một phần xuất phát từ việc các mục tiêu được đặt ra ngày càng mang tính định hướng, dự báo, chỉ dẫn cao hơn một con số, để buộc chặt cách thức điều hành cải cách.

Tuy vậy, bên cạnh những chỉ tiêu được đặt ra một cách hợp lý, Nhà nước cần xem xét kỹ lưỡng hơn về chính sách cũng như tính toán các kịch bản khác nhau nhằm thích ứng với trung hạn và dài hạn. Tôi vẫn muốn nhấn mạnh rằng, chúng ta không nên chỉ chăm chăm nhìn vào các chỉ tiêu.

Năm 2018, kinh tế vẫn phát triển nhưng khó tạo đột phá

Kinh tế Việt Nam hiện nay đang rất mở nên sẽ phụ thuộc nhiều vào kinh tế thế giới. Trong năm tới, kinh tế thế giới được dự báo vẫn theo chiều hướng tích cực nhưng sẽ không đạt được mức độ lớn như năm 2017 so với năm 2016. Bên cạnh đó, thế giới cũng sẽ đối mặt với nhiều rủi ro bất định lớn.

Cụ thể như: thị trường chứng khoán một số nước dẫn đầu thế giới sẽ có sự điều chỉnh vào cuối năm 2018, đầu 2019; giá bất động sản một số nước như Malaysia, Úc, Trung Quốc giảm khá mạnh; chính sách của Mỹ và một số nước thay đổi, bất định và bảo hộ song phương; bất bình đẳng xã hội vẫn gia tăng; Trung Quốc với khoản nợ 300% GDP; địa chính trị, bất ổn trên biển Đông…

Năm 2017, chúng ta đạt được mức tăng trưởng 6,81% nhờ vào bước nhảy sản xuất, xuất khẩu của Samsung, lợi thế này sang năm cũng có thể có nhưng xác suất không quá cao. Mặt khác, tăng trưởng kinh tế Việt Nam vẫn phụ thuộc vào một số khu vực như chế biến chế tạo, bất động sản, dịch vụ... Các ngành này trong năm tới có thể vẫn phát triển nhưng khả năng bứt phá mạnh mẽ, tăng mạnh như năm 2017 là không nhiều.

Chính vì thế, mục tiêu tăng trưởng 2018 từ 6,5 - 6,7% vừa được Quốc hội thông qua vẫn thể hiện một sự thận trọng nhất định. Tôi cho rằng, năm 2018 nước ta có thể đạt được mục tiêu này, song nền kinh tế có khả năng gặp rủi ro từ bên ngoài, cụ thể như vấn đề địa chính trị. Đối với bên trong, Việt Nam phải xử lý hài hoà giữa tăng trưởng trong ngắn hạn và tái cấu trúc thể chế. 

Với mức độ hội nhập như hiện nay, việc đầu tư ở Việt Nam sẽ không chỉ là khai thác tầng lớp trung lưu đang tăng mạnh, mà còn tiềm năng lớn tương tác với các nước khác nhờ độ mở của thị trường, thông qua các hiệp định đã và đang ký kết. “Sân chơi” không chỉ rộng mà còn nhiều, kèm theo đó là các lĩnh vực hấp dẫn theo xu hướng mới như Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Lực lượng dẫn dắt thị trường từ khối khởi nghiệp sáng tạo sẽ mang tới những bước đột phá khó có thể biết trước. Còn các ngành truyền thống như công nghiệp chế biến chế tạo hướng đến xuất khẩu, dịch vụ, bất động sản... dù có thể phát triển nhưng khó tạo được đột phá như năm 2017. Liên quan đến câu chuyện chứng khoán, việc đẩy nhanh xử lý nợ xấu, các ngân hàng yếu kém, lành mạnh hoá ngân hàng theo hệ thống basell 2 cũng khiến cho một số định chế ngân hàng trở nên hấp dẫn hơn.

NGUYỄN LY (ghi)
Theo Đặc san Kiểm toán số 67 ra tháng 01/2018

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

Bình Dương hướng đến phát triển hành lang logistics thông minh, thân thiện với môi trường

Bình Dương hướng đến phát triển hành lang logistics thông minh, thân thiện với môi trường

(BKTO) – Đây là thông tin được cho biết tại Hội nghị giao thương xúc tiến thương mại Hoa Kỳ ngành logistics năm 2022 do Sở Công thương tỉnh Bình Dương và Trung tâm Thương mại Thế giới (WTC) Tacoma đồng tổ chức mới đây.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201