Thứ Tư, 15/5/2024 - 05:41:04 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Báo cáo tóm tắt kết quả kiểm toán năm 2016

THỨ SÁU, 21/07/2017 19:09:00 | CHUYÊN MỤC ẨN
(BKTO) - Năm 2016, Kiểm toán nhà nước đã tiến hành kiểm toán tại 204 đơn vị (đầu mối, chủ đề). Căn cứ Điều 51 Luật Kiểm toán nhà nước, Kiểm toán nhà nước trân trọng công bố một số nội dung chủ yếu từ kết quả kiểm toán năm 2016 như sau:


I. Quyết toán ngân sách nhà nước năm 2015

Theo báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội: Thu cân đối NSNN 1.291.342 tỷ đồng; chi cân đối NSNN 1.502.189 tỷ đồng; bội chi NSNN 263.135 tỷ đồng, bằng 6,28% GDP thực tế (Quyết toán cân đối NSNN đã bao gồm số hoàn thuế GTGT 7.452 tỷ đồng vượt dự toán và khoản ghi thu ghi chi 3.555 tỷ đồng từ nguồn thu sắp xếp nhà đất theo Quyết định số 09/2007/QĐ-TTg ngoài dự toán chi). Nguồn bù đắp bội chi gồm: Vay trong nước 195.900 tỷ đồng, vay ngoài nước 67.235 tỷ đồng.

Qua kiểm toán cho thấy Báo cáo quyết toán NSNN năm 2015 do Chính phủ lập được tổng hợp đầy đủ từ báo cáo quyết toán ngân sách của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và báo cáo quyết toán của các đơn vị dự toán cấp I trực thuộc NSTW. Song, còn nổi lên một số vấn đề:

1. Quản lý thu ngân sách nhà nước

Năm 2015, kinh tế thế giới tiếp tục có các diễn biến bất lợi, giá dầu thô giảm, song với sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị nên những khó khăn đã từng bước được khắc phục, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt kết quả khá cao, thu ngân sách vượt 9,6% dự toán. Mặc dù vậy, qua kiểm toán cho thấy công tác quản lý thu NSNN còn một số tồn tại, hạn chế sau:

(1) Bộ Tài chính xây dựng dự toán hoàn thuế GTGT năm 2015 chưa sát dẫn đến phải ứng trước dự toán năm 2016 là 7.452 tỷ đồng (Chính phủ đã đưa vào quyết toán năm 2015), đồng thời phải chuyển sang năm 2016 để hoàn thuế đối với các Quyết định hoàn thuế năm 2015 là 5.847 tỷ đồng; tổng hợp dự toán thu NSNN do các địa phương lập chưa đảm bảo mức phấn đấu tăng bình quân tối thiểu; thấp so với khả năng thực hiện; không đầy đủ, không bao quát hết nguồn thu trên địa bàn.

(2) Tình trạng hạch toán và kê khai thiếu doanh thu, xác định sai chi phí, từ đó tính thiếu thuế GTGT, thuế TNDN và lợi nhuận còn lại phải nộp NSNN… vẫn diễn ra khá phổ biến tại các doanh nghiệp, đơn vị được kiểm toán. KTNN xác định số phải nộp NSNN tăng thêm 11.365 tỷ đồng, trong đó đơn vị có kiến nghị nộp NSNN lớn, như: Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam 2.054 tỷ đồng, Tổng công ty Thương mại Sài Gòn - TNHH MTV 1.755 tỷ đồng, Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn - TNHH MTV 1.264 tỷ đồng..., đặc biệt qua đối chiếu 1.653 người nộp thuế, KTNN kiến nghị các khoản phải nộp NSNN tăng thêm 2.050 tỷ đồng, trong đó có doanh nghiệp nộp NSNN tăng thêm 882 tỷ đồng.

(3) Về quản lý nợ thuế: Nợ thuế do ngành Thuế quản lý tiếp tục tăng qua các năm, trong đó: Nợ thuế đến 31/12/2015 là 79.276 tỷ đồng, tăng 4,2% (3.203 tỷ đồng) so với cùng kỳ năm 2014; 40/63 địa phương có nợ thuế cuối năm 2015 tăng so với cùng kỳ năm 2014. Nợ thuế do ngành Hải quan quản lý có chuyển biến tích cực, nợ thuế quá hạn đến 31/12/2015 là 6.529 tỷ đồng, giảm 8,18% (581 tỷ đồng) so với cùng kỳ năm 2014; 23/34 Cục Hải quan có số nợ thuế chuyên thu giảm.

2. Quản lý chi ngân sách nhà nước

Các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã lập, giao và chấp hành dự toán chi NSNN cơ bản đúng quy định, trong đó dự toán chi NSNN được Quốc hội quyết định 1.177.100 tỷ đồng, Chính phủ đề nghị quyết toán 1.265.625 tỷ đồng, vượt 7,52% dự toán, gồm: (i) Dự toán chi ĐTPT 225.000 tỷ đồng, quyết toán 308.853 tỷ đồng, vượt 37,3%; (ii) Dự toán chi thường xuyên 777.000 tỷ đồng, quyết toán 788.500 tỷ đồng, vượt 1,5%.

Qua kết quả kiểm toán cho thấy tình trạng sử dụng kinh phí NSNN chưa phù hợp với chế độ, tiêu chuẩn, định mức của Nhà nước từng bước được khắc phục; nhiều đơn vị đã triển khai thực hiện có hiệu quả các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, tuân thủ Luật NSNN, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và Luật Phòng, chống tham nhũng..., song còn tồn tại sau:

2.1. Về lập, giao dự toán

(1) Chính phủ giao chậm kế hoạch vốn ngoài nước được Quốc hội bổ sung 30.000 tỷ đồng trong năm 2015 (đến ngày 21/4/2017 mới giao).

(2) Dự toán chi vẫn lặp lại các sai sót đã được phát hiện trong những năm trước về xây dựng và phân bổ kế hoạch vốn; hỗ trợ kinh phí hoạt động cho một số hội, câu lạc bộ không thuộc danh mục theo quy định của Chính phủ; xác định thiếu phần tiết kiệm chi thường xuyên để thực hiện cải cách tiền lương; bố trí dự toán các khoản chi không đúng quy định; phân bổ dự toán cho một số đơn vị nhưng không có nhiệm vụ chi cụ thể.

(3) Bộ KH&ĐT giao chi tiết KHV chậm và giao nhiều lần; trình phương án điều chỉnh và phương án phân bổ vốn nước ngoài bổ sung chậm; bố trí KHV cho dự án không theo thứ tự ưu tiên; bố trí cho nhiều dự án khởi công mới không đảm bảo điều kiện; bố trí cho 18 dự án không có cơ sở (575 tỷ đồng), vượt tỷ lệ hỗ trợ NSTW (20 tỷ đồng); không đúng đối tượng hoặc vượt tỷ lệ quy định tại các Chương trình (332 tỷ đồng); phê duyệt cơ cấu nguồn vốn NSTW trong TMĐT vượt tỷ lệ hỗ trợ quy định (1.004,9 tỷ đồng).

2.2. Chấp hành dự toán chi NSNN

(1) Các sai sót trong chấp hành trình tự đầu tư đã được KTNN phát hiện và kiến nghị trong những năm vừa qua vẫn xảy ra tại không ít các dự án được kiểm toán trong năm 2016. Kết quả kiểm toán 1.228 dự án của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương, KTNN đã kiến nghị giảm trừ 12.399 tỷ đồng.

(2) Việc chấp hành quy định, chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi tiêu tại nhiều đơn vị được kiểm toán còn thiếu chặt chẽ. Một số bộ, cơ quan trung ương, địa phương và đơn vị được kiểm toán vẫn còn quyết toán một số khoản chi không đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức; 33/46 địa phương được kiểm toán sử dụng sai nguồn kinh phí 1.382 tỷ đồng; một số đơn vị sử dụng nguồn CCTL cho mục đích khác sai quy định 617 tỷ đồng.

(3) Tỷ trọng chi chuyển nguồn trên tổng chi NSNN năm 2015 sang năm 2016 tuy có giảm (năm 2015 là 15,7%; năm 2014 là 17,6%) song tình trạng một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương chuyển nguồn một số khoản hết nhiệm vụ chi, chuyển nguồn qua nhiều năm nhưng không thực hiện vẫn diễn ra tại nhiều bộ, cơ quan trung ương và địa phương được kiểm toán.

(4) Bộ Tài chính cấp bổ sung có mục tiêu 230 tỷ đồng cho 29 địa phương để thực hiện nhiệm vụ đo đạc, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai năm 2015 trong khi các địa phương chưa bố trí đủ tối thiểu 10% tổng số thu từ tiền sử dụng đất theo quy định. Ngoài ra, kinh phí bổ sung có mục tiêu và các CTMTQG đã hết nhiệm vụ chi từ năm 2014 trở về trước nhưng các địa phương chưa hoàn trả NSTW 486 tỷ đồng.

2.3. Về nợ đọng XDCB

Bộ KH&ĐT chưa tổng hợp số nợ đọng nguồn NSĐP để báo cáo Chính phủ theo quy định. Song qua kiểm toán cho thấy 30/48 địa phương được kiểm toán phát sinh nợ đọng XDCB mới 7.227 tỷ đồng, các bộ, cơ quan trung ương 107 tỷ đồng. Đặc biệt Chương trình MTQG về xây dựng nông thôn mới đến 31/01/2016 có 53 tỉnh, thành phố phát sinh nợ đọng XDCB 15.218 tỷ đồng (trong đó 1.147 xã  đạt chuẩn NTM nợ đọng 7.138 tỷ đồng, bình quân 6,2 tỷ đồng/xã).

3. Nợ công

Theo Báo cáo của Chính phủ, Nợ công đến 31/12/2015 là 2.608.421 tỷ đồng, bằng 62,2% GDP; KTNN xác định nợ công đến 31/12/2015 theo Luật Quản lý nợ công 2.556.039 tỷ đồng (giảm 52.382 tỷ đồng), bằng 61% GDP. Nếu tính đầy đủ các khoản vay thực hiện trong năm 2016 để bù đắp bội chi năm 2014, 2015 số tiền 25.219 tỷ đồng và 8.171 tỷ đồng bù đắp bội chi năm 2015 đến thời điểm kiểm toán Bộ Tài chính chưa vay, thì nợ công 2.589.429 tỷ đồng, bằng 61,8% GDP, nợ Chính phủ  2.098.022 tỷ đồng, bằng 50% GDP.

Qua kiểm toán cho thấy: (i) Bộ Tài chính chưa lập kịp thời Báo cáo giám sát nợ, chưa lập Bản tin nợ công năm 2015; quản lý nợ công còn phân tán, thiếu đối chiếu, theo dõi; tổng hợp nợ công có thể chưa đầy đủ các khoản nợ Chính phủ, nợ chính quyền địa phương.

Hơn nữa, mặc dù nợ doanh nghiệp nhà nước không có bảo lãnh Chính phủ không phải nợ công nhưng nguy cơ tiềm tàng cao ảnh hưởng đến nền kinh tế và uy tín Chính phủ khi doanh nghiệp nhà nước thua lỗ, không trả được nợ; (ii) Ghi thu ghi chi (chưa được quyết toán NSNN) vốn cấp phát đối với vốn vay nước ngoài về cho vay lại của 05 dự án đường bộ cao tốc của VEC khi các dự án chưa được chuyển đổi nguồn vốn đầu tư sang cấp phát và bổ sung kế hoạch vốn 18.123 tỷ đồng; (iii) Áp dụng mức phí tạm ứng tồn ngân KBNN (0,15%/tháng) đối với các khoản vay tồn ngân để bù đắp bội chi NSNN không đúng quy định, số dư nợ vay tồn ngân kho bạc tại 31/12/2015 còn lớn (157.162 tỷ đồng) tiềm ẩn rủi ro thanh khoản của hệ thống KBNN.

4. Về cơ chế, chính sách và hiệu quả của một số chương trình, dự án được kiểm toán

Bên cạnh các hạn chế sai sót trong quá trình đầu tư, công tác quản lý các dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT, BT và các dự án sử dụng nguồn vốn ODA, nguồn trái phiếu Chính phủ và các chương trình MTQG còn bộc lộ nhược điểm, sai phạm, tùy tiện, lãng phí, gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp. Qua kiểm toán, KTNN đã kiến nghị giảm thời gian thu phí hoàn vốn của 27 dự án BOT được kiểm toán (năm 2016 là 21 dự án) so với phương án tài chính ban đầu 107,4 năm, trong đó dự án giảm nhiều nhất là 13 năm 01 tháng, 12 ngày; sử dụng vốn ODA còn lãng phí, thiếu hiệu quả; thực hiện Chương trình NTM không đạt được mục tiêu đề ra; không phân bổ hết vốn TPCP đã huy động trong năm (dư 4.830 tỷ đồng), chưa bố trí kịp thời 5.583 tỷ đồng vốn TPCP dự phòng giai đoạn 2012-2015 (trong đó 792,147 tỷ đồng của Chương trình kiên cố hóa trường lớp học và nhà công vụ cho giáo viên chưa được giao kế hoạch).

Ngoài ra, qua kiểm toán 19 cuộc kiểm toán hoạt động cho thấy một số hoạt động thuộc chủ đề được kiểm toán không đạt được mục tiêu đề ra; công tác quản lý, điều hành một số chương trình, dự án thiếu chặt chẽ, không tuân thủ các quy định của Nhà nước làm giảm hiệu quả hoạt động; một số trang thiết bị được đầu tư nhưng chưa đưa vào khai thác và sử dụng gây lãng phí ngân sách. Đặc biệt qua kiểm toán Hợp phần xe buýt nhanh khối lượng lớn thuộc Dự án phát triển giao thông đô thị Hà Nội (Hợp phần BRT) cho thấy việc thực hiện còn thiếu đồng bộ, không nhất quán, chậm tiến độ và phải kéo dài thời gian thực hiện dẫn đến khi đưa hệ thống BRT vào vận hành cuối năm 2016 sẽ không thể đáp ứng được đầy đủ các tiêu chuẩn của BRT và khó đạt được mục tiêu đề ra là góp phần giảm ùn tắc giao thông, thậm chí có nguy cơ sẽ gia tăng tình trạng ùn tắc.

Kết quả kiểm toán năm 2016, ngoài các kiến nghị xử lý tài chính, KTNN đã chỉ rõ nhiều tồn tại, bất cập trong cơ chế, chính sách quản lý của nhà nước và đã kiến nghị hủy bỏ hoặc thay thế, sửa đổi, bổ sung 150 văn bản (04 nghị định, 20 thông tư, 09 nghị quyết, 28 quyết định, 89 văn bản khác) không phù hợp với quy định chung của Nhà nước và chuyển 02 hồ sơ sang cơ quan điều tra để điều tra làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.

5. Về quản lý, sử dụng tài sản công

Qua rà soát việc thực hiện Quyết định số 32/2015/QĐ-TTg về quy định tiêu chuẩn, định mức và chế độ quản lý, sử dụng xe ô tô cho thấy còn có 2.334 xe dôi dư, tuy nhiên đến ngày 08/3/2017 mới chỉ có 23/28 Bộ, cơ quan trung ương và 19/50 địa phương báo cáo về Bộ Tài chính phương án xử lý; nhiều tài sản, trang thiết bị y tế sử dụng kém hiệu quả do xác định nhu cầu mua sắm chưa phù hợp với điều kiện cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực, nhiều thiết bị được đầu tư mới từ nhiều năm trước nhưng chưa đưa vào sử dụng hoặc mới đưa vào sử dụng đã hỏng.

Ngoài ra, số tiền bán chuyển nhượng tài sản nhà đất theo Quyết định số 09/2007/QĐ-TTg của các bộ, ngành và địa phương tương đối lớn (năm 2015 7.408 tỷ đồng) chưa được quản lý tập trung vào NSNN và quản lý chặt chẽ theo quy định về đầu tư công.

II. Kết quả kiểm toán DNNN và các tổ chức tài chính ngân hàng

1. Các tập đoàn, tổng công ty nhà nước

Cùng với quá trình tái cơ cấu, công tác quản lý và sử dụng tiền, tài sản nhà nước của hầu hết các doanh nghiệp đã từng bước được đổi mới, cải thiện; 24/28 TĐ, TCT, công ty nhà nước được kiểm toán đã kinh doanh có lãi, bảo toàn và phát triển được vốn nhà nước, trong đó lợi nhuận của nhiều đơn vị tăng cao so với năm 2014, đóng góp vào kết quả tăng trưởng kinh tế năm 2015. Song cũng còn những hạn chế sau:

(1) Hầu hết các TĐ, TCT và doanh nghiệp có sai sót trong việc hạch toán tài sản, nguồn vốn, doanh thu, chi phí; trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi, dự phòng giảm giá hàng tồn kho, dự phòng giảm giá đầu tư tài chính, thu lợi nhuận sau thuế không đúng quy định nên qua kiểm toán đã kiến nghị tăng thu NSNN 6.241,8 tỷ đồng.

(2) Hiệu quả kinh doanh của một số TĐ, TCT giảm sút so với năm 2014; nhiều doanh nghiệp có hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu cao, thua lỗ lớn, âm vốn chủ sở hữu, có nguy cơ ngừng hoạt động hoặc phải giải thể; nhiều doanh nghiệp quản lý công nợ chưa chặt chẽ, sử dụng hàng tồn kho chưa hiệu quả, chậm luân chuyển; hoạt động đầu tư xây dựng, kinh doanh bất động sản của các doanh nghiệp còn nhiều tồn tại, hạn chế, diễn ra trong tất cả các khâu, giai đoạn của quá trình đầu tư. Đặc biệt, Dự án xây dựng công trình Nhà máy sản xuất phân bón Điamon Photphat số 2 thuộc TĐ Hóa chất Việt Nam quá trình thực hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật nên qua kiểm toán đã chuyền hồ sơ sang cơ quan điều tra để làm rõ.

(3) Trong giai đoạn 2011-2015, cả nước đã cổ phần hóa được 499 doanh nghiệp, đạt 96% kế hoạch (499/518 doanh nghiệp); phần lớn các DNNN sau cổ phần hóa đều có lãi, góp phần tăng thêm nguồn thu cho NSNN và cải thiện thu nhập của người lao động. Song, việc thực hiện Đề án còn chưa đáp ứng được tiến độ đề ra, hiệu quả SXKD tại một số doanh nghiệp chưa cao; xử lý các vấn đề tài chính trước khi cổ phần hóa và định giá doanh nghiệp vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, nhất là việc lựa chọn phương pháp định giá, xác định chi phí thương hiệu, lợi thế kinh doanh, giá trị các khoản đầu tư tài chính, giá trị quyền sử dụng đất... Kết quả kiểm toán tại 07 doanh nghiệp, KTNN đã xác định tăng giá trị vốn nhà nước 20.818 tỷ đồng.

2. Kết quả kiểm toán các tổ chức tài chính, ngân hàng

Năm 2015, thông qua điều hành linh hoạt nghiệp vụ thị trường mở, NHNN đã đảm bảo thanh khoản ổn định cho các TCTD và hỗ trợ mục tiêu ổn định tỷ giá; tăng trưởng tín dụng nền kinh tế đạt 17,26%, cao hơn mức tăng trưởng định hướng (khoảng 13%-15%); các tổ chức tài chính, ngân hàng được kiểm toán kinh doanh có lãi song lãi suất cho vay trung và dài hạn năm 2015 giảm chưa đạt mục tiêu đề ra; tỷ lệ nợ xấu của các TCTD còn cao, một số khoản đầu tư hiệu quả thấp hoặc không hiệu quả, khó thu hồi vốn; một số đơn vị còn sai sót về trình tự, thủ tục cho vay, hạch toán kế toán... Đặc biệt VCB chưa hạch toán theo phương pháp dồn tích đối với các khoản lãi và phí phải thu thẻ tín dụng; từ năm 2001 đến nay, chưa tính và hạch toán đầy đủ trên hệ thống phần mềm tiền lãi của các tài khoản tiền gửi không kỳ hạn nhỏ hơn 1.000 VND hoặc 0,1 đơn vị ngoại tệ.

Tình trạng chậm đóng, nợ đọng các quỹ bảo hiểm xảy ra ở hầu hết các tỉnh, thành phố. Tổng số tiền nợ đóng các quỹ bảo hiểm đến 31/12/2015 là 9.920,8 tỷ đồng, tăng 5,5% so với năm 2014; chính sách BHYT chưa đầy đủ, thiếu chặt chẽ dẫn đến việc quản lý chi quỹ BHYT gặp nhiều khó khăn. Qua kiểm toán cho thấy tình trạng cấp trùng thẻ, thu trùng phí BHYT được hỗ trợ từ NSNN vẫn còn xảy ra phổ biến tại các tỉnh, thành phố nên phải thu hồi nộp NSNN 54 tỷ đồng; một số cơ sở KCB chi KCB BHYT không đúng quy định, phải giảm trừ giá thanh toán 21,5 tỷ đồng.

Qua kiểm toán Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD giai đoạn 2011-2015 cho thấy hệ thống các TCTD bước đầu đã được cơ cấu lại, NHNN đã kiểm soát và từng bước xử lý các TCTD yếu kém, nguy cơ đổ vỡ, gây mất an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng giảm đáng kể... Tuy nhiên, cơ chế, chính sách hỗ trợ tái cơ cấu, xử lý nợ xấu còn nhiều bất cập; hoạt động của các TCTD còn nhiều tồn tại và tiềm ẩn rủi ro như: Xử lý nợ xấu chưa hiệu quả; tình hình tài chính của một số TCTD bị kiểm soát đặc biệt rất yếu kém; tồn đọng nhiều khoản cho vay, công nợ khó thu hồi do lãnh đạo ngân hàng cố ý làm trái, vi phạm pháp luật; nhiều TCTD đang tạo ra và sử dụng lợi nhuận từ doanh thu không chắc chắn (lãi dự thu của các khoản nợ được cơ cấu lại); tình trạng sở hữu chéo vẫn còn và khó kiểm soát.

III. Kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán năm 2015

Kiến nghị xử lý tài chính thực hiện đến 31/12/2016 là 15.794 tỷ đồng, đạt 75,6% tổng số kiến nghị (năm 2014 đạt 64,3%), trong đó tăng thu, giảm chi NSNN 10.195 tỷ đồng, đạt 82,3% (năm 2014 đạt 75%). Kết quả thực hiện kiến nghị đã có chuyển biến tích cực do năm 2016 KTNN đã thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt để nâng cao hiệu lực thực hiện kiến nghị kiểm toán.

- Kiến nghị về sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách: Có 29 văn bản đã và đang được Chính phủ, các bộ ngành và địa phương thực hiện hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung theo kiến nghị của KTNN, các kiến nghị khác đang được các đơn vị nghiên cứu sửa đổi theo quy định ban hành văn bản.

IV. Kiến nghị

1. Kiểm toán nhà nước kính đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ

(1) Chỉ đạo Bộ Tài chính, các bộ, cơ quan trung ương, địa phương, đơn vị được kiểm toán thực hiện đầy đủ, kịp thời kiến nghị của KTNN trong năm 2016 đối với niên độ ngân sách năm 2015 là 38.776 tỷ đồng (tăng thu 11.365 tỷ đồng; giảm chi 16.174 tỷ đồng; nợ đọng phát hiện tăng thêm 1.569 tỷ đồng; phải nộp, hoàn trả và quản lý qua NSNN 9.104 tỷ đồng; xử lý khác 564 tỷ đồng).

(2) Báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội, Quốc hội về: (i) Số vốn TPCP dự phòng giai đoạn 2012-2015 chưa được giao kế hoạch 792,147 tỷ đồng; (ii) Việc chuyển đổi nguồn vốn đầu tư đối với 05 dự án đường bộ cao tốc của Tổng công ty Đầu tư đường cao tốc Việt Nam.

(3) Chỉ đạo các bộ, cơ quan trung ương, địa phương và đơn vị được kiểm toán xử lý các vấn đề về cơ chế, chính sách, kiểm điểm, xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân đối với các khuyết điểm và sai phạm đã nêu trong từng báo cáo kiểm toán; rà soát để hủy bỏ hoặc thay thế, sửa đổi, bổ sung 150 văn bản không phù hợp với quy định chung của Nhà nước.

2. Kiểm toán nhà nước kính đề nghị Quốc hội

(1) Xem xét, phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2015:
- Thu cân đối NSNN 1.291.342 tỷ đồng;
- Chi cân đối NSNN 1.502.189 tỷ đồng;
- Bội chi NSNN 263.135 tỷ đồng, bằng 6,28% GDP thực tế.

 (2) Ban hành nghị quyết chỉ đạo các đơn vị thực hiện đầy đủ, kịp thời các kết luận, kiến nghị hợp lý của KTNN.

Trên đây là một số nội dung chủ yếu từ kết quả kiểm toán năm 2016, KTNN trân trọng công bố.

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

Petrovietnam tiếp tục chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong thực hiện “mục tiêu kép”

Petrovietnam tiếp tục chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong thực hiện “mục tiêu kép”

(BKTO) - Nhằm đảm bảo sức khỏe người lao động, hoạt động sản xuất kinh doanh được thông suốt trong bối cảnh dịch bệnh ngày càng diễn biến phức tạp, vừa qua, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) đã ban hành Chỉ thị về việc tuân thủ nghiêm túc các biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19, chế độ phân công làm việc và chủ trương của Chính phủ về việc tiêm vắc xin và 5K phòng dịch.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201