Thứ Năm, 18/4/2024 - 14:41:03 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Vai trò của KTNN trong quản lý về chống chuyển giá

THỨ HAI, 30/07/2018 09:10:00 | CHUYÊN ĐỀ
(BKTO) - Xuất phát từ thực tế, khi bàn về giải pháp chống chuyển giá, nhiều chuyên gia nhấn mạnh rằng, thông qua thực hiện tốt vai trò kiểm toán đối với việc chống chuyển giá, một mặt KTNN sẽ giúp ngăn ngừa thất thu NSNN; mặt khác, KTNN sẽ có những kiến nghị chất lượng về công tác giám sát, quản lý, kiểm soát hoạt động chuyển giá của các DN gửi tới Quốc hội, Chính phủ và các địa phương.

Thực trạng báo động

Trường hợp điển hình có những biểu hiện “đáng ngờ” về chuyển giá, phải nói đến Công ty Coca Cola Việt Nam. Trong gần 25 năm đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, Coca Cola liên tục báo lỗ, tính đến 30/9/2011 đã lên tới 3.768 tỷ đồng, vượt cả số vốn đầu tư ban đầu là 2.950 tỷ đồng. Tuy lỗ lớn nhưng DN này đã có kế hoạch đầu tư thêm 300 triệu USD tại Việt Nam. Tương tự, với PepsiCo Việt Nam, sau gần 20 năm đầu liên tục lỗ, một số năm gần đây mới có lãi thấp. Mặc dù vậy, PepsiCo Việt Nam vẫn liên tục mở rộng đầu tư, xây dựng các nhà máy mới ở Đồng Nai (45 triệu USD), Bắc Ninh (73 triệu USD).
 

Toàn cảnh Hội thảo - Ảnh: Phố Hiến
 
Kết quả thanh tra, kiểm tra, kiểm toán cho thấy, vấn nạn chuyển giá ngày càng gia tăng. Chỉ trong 3 năm kể từ khi Tổng cục Thuế thành lập Tổ quản lý giá chuyển nhượng đã phát hiện nhiều vụ việc chuyển giá, với giá trị điều chỉnh rất lớn. Các cục thuế địa phương cũng phát hiện nhiều kết quả đáng chú ý. Trong năm 2012, Cục Thuế TP. HCM đã thanh tra DN kê khai lỗ và DN giao dịch liên kết có dấu hiệu chuyển giá. Kết quả, đã giảm lỗ hơn 2.688,5 tỷ đồng; giảm khấu trừ 86,8 tỷ đồng; truy thu, truy hoàn và phạt 2.611 tỷ đồng…

Trong năm 2013, ngành Thuế thanh tra, kiểm tra tại 2.110 DN và đã truy thu, truy hoàn, phạt hơn 988 tỷ đồng, giảm khấu trừ 136,95 tỷ đồng. Đặc biệt, thanh tra Thuế đã buộc DN phải giảm lỗ lên tới hơn 4.192 tỷ đồng. Theo đánh giá của thanh tra, số tiền truy thu chủ yếu tập trung ở khu vực DN FDI (chiếm 40% tổng số thu), tỷ lệ số thu bình quân trên 1 DN là 1,73 tỷ đồng. Báo cáo của 63 Cục Thuế, hơn 100 Chi cục Thuế trên cả nước nêu rõ kết quả thanh tra tại 870 DN FDI có tới 720 DN vi phạm. Trong đó, tại Hà Nội, thanh tra 332 DN thì phát hiện có 326 đơn vị vi phạm, số tiền giảm lỗ hơn 1.500 tỷ đồng, truy thu, phạt, truy hoàn gần 498 tỷ đồng. TP. HCM thanh tra 193 DN FDI, có tới 164 DN vi phạm, giảm lỗ hơn 870 tỷ đồng và truy thu, phạt gần 173 tỷ đồng. Còn tại 1.240 DN bị kiểm tra, có tới 942 DN vi phạm.

Năm 2014, ngành thuế đã tiến hành thanh tra, kiểm tra chống chuyển giá tại 2.866 DN khai báo kinh doanh thua lỗ, DN nghi ngờ có dấu hiệu chuyển giá và DN có hoạt động giao dịch liên kết (tăng 80% so với năm 2013) và kết luận các DN phải giảm lỗ hơn 5.830 tỷ đồng, truy thu, truy hoàn và phạt gần 1.701 tỷ đồng, so với năm 2013 tăng tương ứng gần 82% và 112%. Tính riêng trong 9 tháng đầu năm 2015, ngành thuế đã kiểm tra và phát hiện 1.600 DN có dấu hiệu chuyển giá.

Bên cạnh đó, từ năm 2010 đến hết năm 2015, ngành thuế đã thanh tra, kiểm tra giá chuyển nhượng với 130 DN, điều chỉnh giảm lỗ khoảng 2.962 tỷ đồng, điều chỉnh tăng thu nhập chịu thuế là 3.430 tỷ đồng và truy thu được 724 tỷ đồng...

Xác định rõ vai trò của KTNN trong chống chuyển giá

“Các hoạt động chuyển giá đã và đang ảnh hưởng đến việc hoạch định chính sách kinh tế vĩ mô của Nhà nước và Chính phủ. Nếu không có những biện pháp kịp thời nhằm quản lý chặt chẽ hoạt động chuyển giá, các DN trong nước sẽ khó tồn tại, sản xuất trong nước sẽ gặp khó khăn, giá trị nhập khẩu cao hơn giá trị xuất khẩu làm mất cân đối trong cán cân thanh toán quốc tế của quốc gia. Thêm nữa, nghi ngờ về việc kê khai thuế không đúng với thực tế kinh doanh cũng làm giảm mức độ tin cậy của thông tin tài chính được công bố của các tập đoàn đa quốc gia, giảm sức hấp dẫn của những tập đoàn này đối với các quốc gia chưa có được hành lang pháp lý đủ chặt chẽ để bảo vệ nền kinh tế của quốc gia đó khỏi những ảnh hưởng của hoạt động chuyển giá” - Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Nguyễn Tuấn Anh nhấn mạnh.

 
Cùng với các phát hiện “giật mình” của ngành thuế, KTNN cũng đã phát hiện các hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật về chuyển giá hoặc sử dụng chuyển giá để trốn thuế. Qua kiểm toán tại Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) và Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco), KTNN kiến nghị truy thu thuế tiêu thụ đặc biệt của Sabeco cho niên độ ngân sách năm 2013 là 408 tỷ đồng; của Habeco cho niên độ ngân sách 2014 và 2016 là 1.361 tỷ đồng. Ngoài ra, dựa trên kết quả kiểm toán của KTNN, các cơ quan thanh tra khác đã tiến hành kiểm tra và đã nâng con số kiến nghị đối với Sabeco tới nay lên hơn 4.700 tỷ đồng.
Nhiều chuyên gia, nhà quản lý cho rằng, một trong những giải pháp hữu hiệu để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với việc chuyển giá là phải tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm toán đối với hoạt động chuyển giá của các DN.

Theo đó, một trong những yêu cầu đặt ra hiện nay, theo Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc, là cần phải làm rõ vai trò của KTNN trong việc chống chuyển giá; xác định nội dung, phương pháp và cách thức tổ chức kiểm toán về chuyển giá, việc sử dụng kiến nghị kiểm toán của KTNN trong quản lý nhà nước về chuyển giá.

“Hiện nay, các quốc gia tập trung vào việc triển khai áp dụng các quy định và nguyên tắc chuyển giá vào thực tiễn, đồng thời nghiên cứu, kiện toàn và tăng cường công tác kiểm tra, kiểm toán về chuyển giá và Việt Nam không nằm ngoài xu hướng trên” - ông Trần Khánh Hòa, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp (KTNN) nhận định.

Trước yêu cầu thực tiễn, công tác xây dựng cơ sở pháp lý về chống chuyển giá và kiện toàn bộ máy quản lý, kiểm tra, thanh tra về chuyển giá, đặc biệt là các giao dịch liên kết đã được Chính phủ và Bộ Tài chính từng bước hoàn thiện. Tuy nhiên, cho đến nay, việc xác định vai trò và tổ chức hoạt động của hệ thống kiểm tra, giám sát, trong đó có vai trò của KTNN vẫn cần nghiên cứu, làm rõ để tổ chức thực hiện một cách hiệu quả.

Bởi, theo Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Nguyễn Tuấn Anh, công tác thanh tra, kiểm toán chống thất thu ngân sách đối với hoạt động chuyển giá mặc dù đã có nhiều kết quả nhưng chưa làm giảm đi các hoạt động chuyển giá. Kết quả xử lý truy thu thuế của các cơ quan thanh tra, kiểm toán chủ yếu dựa vào quá trình làm việc, hiệp thương với các DN có dấu hiệu chuyển giá, mà chưa có đầy đủ căn cứ pháp lý để xử lý hoạt động chuyển giá theo quy định. 

Tạo cơ sở, điều kiện cho KTNN kiểm toán việc chuyển giá

Trên cơ sở dư luận xã hội và yêu cầu thực tiễn công tác quản lý tài chính, tài sản công, KTNN đã tổ chức thực hiện kiểm toán và phát hiện một số hành vi vi phạm pháp luật của hoạt động chuyển giá tại một số DNNN. Bên cạnh đó, hằng năm, KTNN còn lựa chọn kiểm toán các hoạt động quản lý thuế tại Tổng cục Thuế, công tác quản lý thu tại các địa phương, kiểm toán các chuyên đề thuộc lĩnh vực thu NSNN…, trong đó có chọn mẫu đánh giá công tác kiểm tra, thanh tra thuế, bao gồm cả thanh tra, kiểm tra chuyển giá.

Tuy nhiên, theo ông Vũ Khánh Toàn - Kiểm toán trưởng KTNN khu vực I, công tác tổ chức kiểm toán đối với hoạt động chuyển giá thời gian qua còn hạn chế, kết quả kiểm toán chủ yếu là các phát hiện kiểm toán đơn lẻ, chưa đáp ứng được các yêu cầu, kỳ vọng của xã hội, đặc biệt KTNN chưa tổ chức kiểm toán để xem xét vấn đề quản lý thuế đối với giao dịch liên kết của DN có rủi ro về chuyển giá cao như DN FDI hoặc các liên doanh nước ngoài tại Việt Nam. Để triển khai thực hiện kiểm toán hoạt động chuyển giá, KTNN cần xây dựng hướng dẫn kiểm toán đối với nội dung kiểm tra các giao dịch liên kết khi kiểm toán các tập đoàn, DN có vốn nhà nước; kiểm tra, đối chiếu thuế đối với các giao dịch liên kết khi thực hiện đối chiếu thuế tại các cơ quan quản lý thuế. Đồng thời, xem xét lựa chọn tổ chức kiểm toán chuyên đề hoặc tổ chức kiểm toán hoạt động đối với việc quản lý thuế của các DN có giao dịch liên kết.

Còn theo PGS.TS. Đinh Trọng Hanh - Chuyên gia, nguyên Kiểm toán trưởng KTNN khu vực X - để đáp ứng yêu cầu khách quan của hoạt động kiểm toán, cần bổ sung, hoàn thiện pháp luật về KTNN, trong đó quy định rõ quyền hạn và trách nhiệm của KTNN, của DN được kiểm toán và của cơ quan thuế khi KTNN thực hiện kiểm tra thu thập bằng chứng…

Các chuyên gia cho rằng, việc thực hiện những giải pháp trên là cơ sở, điều kiện cho KTNN thực hiện hoạt động kiểm toán việc chuyển giá của các DN, đó cũng là những giải pháp để KTNN có đủ cơ sở pháp lý đảm bảo hiệu lực trong công tác kiểm toán quản lý thuế và các hoạt động kiểm toán khác có liên quan đến DN.
 
Để tăng cường công tác kiểm soát chống chuyển giá, cần xem xét một số giải pháp mang tính chiến lược cụ thể sau:

Thứ nhất, các cơ quan có liên quan như Tổng cục Thuế cần phải xây dựng cơ sở dữ liệu về giá cả của các loại hàng hoá giữa các công ty độc lập và các công ty liên kết, nhằm tạo cơ sở so sánh giá chuyển giao, từ đó xác định giao dịch chuyển nhượng đó có tuân theo quy tắc thị trường hay không. 

Thứ hai, phải áp dụng phương pháp xác định giá thuế thống nhất, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam.

Thứ ba, cần có quy định cụ thể chế tài xử phạt thích đáng nhằm ngăn chặn và có tính răn đe các DN vi phạm các gian lận về chuyển giá. Trong trường hợp có dấu hiệu sai phạm, cần chuyển sang cơ quan điều tra để làm rõ các hành vi gian lận. 

Thứ tư, cần xem xét sửa đổi các quy định có liên quan về quản lý thuế theo hướng cho phép cơ quan thuế có chức năng điều tra, xác minh đối với hoạt động chuyển giá để có thể phối, kết hợp với các cơ quan thuế của các nước trên thế giới trong công tác điều tra chống thất thu do chuyển giá; ban hành Pháp lệnh hoặc Luật chống chuyển giá. 

Thứ năm, tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan thuế, thanh tra, kiểm toán để có các biện pháp cụ thể kịp thời xử lý đối với các hoạt động chuyển giá.
 
(Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Nguyễn Tuấn Anh)
  
QUỲNH ANH
Theo Báo Kiểm toán số 30 ra ngày 26/7/2018

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

Nghiêm cấm các hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn để vụ lợi trong hoạt động kiểm toán

Nghiêm cấm các hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn để vụ lợi trong hoạt động kiểm toán

(BKTO) - Tổng Kiểm toán nhà nước vừa ban hành Chỉ thị số 1346/CT-KTNN về việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương, đạo đức công vụ; kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong thực thi công vụ.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201