Thứ Sáu, 19/4/2024 - 17:17:46 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Các cuộc kiểm toán hoạt động cần được chú trọng công tác thu thập thông tin và xây dựng tiêu chí

THỨ BA, 03/04/2018 14:15:00 | CHUYÊN ĐỀ
(BKTO) - Năm 2015-2016, KTNN đã tổ chức thực hiện kiểm toán hoạt động (KTHĐ) tại: Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam (BVMT); Hệ thống xử lý nước thải y tế (HTXLNTYT) của các bệnh viện tuyến trung ương (BVTƯ) trên địa bàn Thành phố Hà Nội giai đoạn 2011-2015; Hợp phần xe buýt nhanh khối lượng lớn - BRT thuộc Dự án Phát triển giao thông đô thị Hà Nội. Kết quả kiểm toán đã chỉ ra nhiều hạn chế trong công tác quản lý, điều hành của các đơn vị, dẫn đến việc chương trình/dự án không đạt được mục tiêu đã đề ra. Tuy nhiên, trong quá trình kiểm toán, các cuộc kiểm toán trên cũng đã gặp phải nhiều bất cập, vướng mắc, cả trong giai đoạn lập kế hoạch cũng như giai đoạn triển khai thực hiện.




Trong giai đoạn lập kế hoạch 

Thứ nhất, hiện nay, các kiểm toán viên (KTV) chưa có thông tin chính xác về việc triển khai thực hiện chương trình/dự án, việc thu thập thông tin để lựa chọn chủ đề kiểm toán chủ yếu phải dựa trên các phương tiện thông tin đại chúng, chính vì vậy, khi thực hiện kiểm toán, các KTV cũng không có cơ sở đánh giá kết quả đầu ra như dự kiến ban đầu. 

Tại cuộc kiểm toán HTXLNTYT, gần như tất cả các BVTƯ trên địa bàn Thành phố Hà Nội có dự án đầu tư HTXLNTYT trong giai đoạn 2011-2015 đều chưa thực hiện xong nên KTV không đánh giá được việc quản lý, vận hành sau đầu tư đảm bảo theo quy định hiện hành. Với cuộc kiểm toán Hợp phần BRT, đến thời điểm kiểm toán (tháng 6/2016), do hệ thống BRT chưa đi vào vận hành như dự kiến nên việc đánh giá quá trình vận hành của hệ thống so với mục tiêu đầu tư cũng không thực hiện được. 

Thứ hai, việc xây dựng các nội dung, tiêu chí kiểm toán trong kế  hoạch kiểm toán còn mang tính chủ quan, chưa đảm bảo có căn cứ cụ thể và khả thi. Một số tiêu chí kiểm toán còn chung chung, chưa đưa ra được chỉ tiêu cụ thể, đồng thời KTV cũng chưa có kiến thức chuyên sâu để đưa ra được các ý kiến, kiến nghị, dẫn đến việc chỉ chủ yếu đánh giá theo hướng phân tích những bất cập, những việc đơn vị chưa làm được, từ đó đưa ra các kiến nghị như chấn chỉnh, hoàn thiện. Cụ thể, cuộc kiểm toán Quỹ BVMT đưa ra các tiêu chí: 

 - Số lượng và chất lượng (năng lực chuyên môn) cán bộ có đáp ứng và phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao của các phòng nghiệp vụ không? 

- Các chỉ tiêu để đánh giá hiệu quả của hoạt động hỗ trợ tài chính của Quỹ có được thiết lập đầy đủ không và có được điều chỉnh bổ sung kịp thời không?

Tiêu chí thì như thế nhưng kết quả kiểm toán lại không chỉ ra được thế nào là tối ưu hóa; không đủ cơ sở để kết luận tiêu chí số lượng và chất lượng chuyên môn; không nói rõ đơn vị phải xây dựng các chỉ tiêu để đánh giá như thế nào.

Tại cuộc kiểm toán Hợp phần BRT, kết quả kiểm toán cũng chủ yếu ghi nhận thực trạng, không đi sâu phân tích được về quy hoạch, kế hoạch phát triển giao thông, vận tải và dịch vụ vận chuyển hành khách công cộng của Thành phố Hà Nội; không đưa được ra các kiến nghị cụ thể đối với nội dung đã đề ra; không đưa ra được các so sánh cụ thể về các công nghệ, thiết bị đối với hệ thống BRT; không kết luận được cụ thể về việc đảm bảo chất lượng và chi phí hợp lý.

Thông qua công tác thẩm định do KTNN thực hiện, một số hạn chế bất cập trong quá trình lập kế hoạch kiểm toán của các cuộc KTHĐ cũng đã được chỉ ra.

Thứ nhất, các đơn vị chưa chủ động nghiên cứu để lựa chọn chủ đề KTHĐ mà chủ yếu chỉ thực hiện theo định hướng chung (KTHĐ quản lý, sử dụng ngân sách huyện).

Thứ hai, việc khảo sát, thu thập thông tin để lập kế hoạch kiểm toán chưa được các đơn vị chú trọng cả về nhân lực và thời gian thực hiện nên chất lượng thông tin thu thập chưa đảm bảo đánh giá được đầy đủ trọng yếu và rủi ro. Năng lực, kinh nghiệm trong việc phân tích thông tin để xác định chủ đề kiểm toán và lập kế hoạch kiểm toán còn hạn chế; việc sử dụng chuyên gia cho các cuộc kiểm toán có nội dung kiểm toán đặc thù và phức tạp chưa có tiền lệ (đối với cuộc KTHĐ về lĩnh vực môi trường).

Thứ ba, việc biên tập, trình bày kế hoạch kiểm toán chưa thống nhất (do mẫu biểu mới được ban hành); các nội dung thông tin chưa đầy đủ và chưa lôgic dẫn đến việc đánh giá trọng yếu, rủi ro và xác định mục tiêu, nội dung, tiêu chí kiểm toán chưa đảm bảo phù hợp với tình hình quản lý sử dụng ngân sách thực tế của từng địa phương.

Thứ tư, chưa phân tích, đánh giá rủi ro gắn với tính kinh tế, hiệu lực, hiệu quả làm cơ sở chọn mẫu các nội dung kiểm toán tổng hợp và chi tiết. Các cuộc KTHĐ chưa chú trọng vào kiểm toán tổng hợp mà vẫn tập trung vào kiểm toán chi tiết dự án, đối chiếu thuế... (một số nội dung kiểm toán chi tiết được xác định ngay từ kế hoạch kiểm toán tổng quát).

Thứ năm, chưa xác định rõ cơ sở chọn mẫu và phương pháp thu thập bằng chứng kiểm toán thích hợp.

Thứ sáu, kết quả kiểm toán chủ yếu đánh giá việc tuân thủ các quy định hiện hành, chưa phân tích được sâu về công tác quản lý, điều hành ngân sách để xác định được các nguyên nhân cốt lõi đối với những hạn chế để có kiến nghị phù hợp (các kiến nghị chủ yếu là kiến nghị về tuân thủ như: chấn chỉnh, hoàn thiện, rút kinh nghiệm...). Nhiều đơn vị chưa có đủ cơ sở để đánh giá nội dung kiểm toán về “khả năng cân đối ngân sách bền vững của địa phương” nhưng vẫn tiếp tục xây dựng nội dung này trong kế hoạch kiểm toán năm 2017.

Trong quá trình thực hiện kiểm toán 

Trước hết, năng lực và kinh nghiệm về KTHĐ còn hạn chế trên các mặt: cách thức lựa chọn chủ đề kiểm toán; phương thức tổ chức kiểm toán; kỹ thuật xây dựng tiêu chí kiểm toán; tính đa dạng và linh hoạt của các phương pháp kiểm toán; đặc thù về kết luận, kiến nghị trong KTHĐ.

Tiếp theo, nhận thức về KTHĐ của các đơn vị trong và ngoài ngành còn nhiều hạn chế. Phần lớn các đơn vị chưa thực sự hiểu biết toàn diện, đầy đủ và mang tính hệ thống về KTHĐ, điều này dẫn đến những khó khăn, vướng mắc trong phối hợp tổ chức thực hiện KTHĐ. Thực tế, các chủ đề KTHĐ thường rộng, liên quan đến trách nhiệm quản lý, thực hiện của nhiều cơ quan, đơn vị, tuy nhiên các quy định về vấn đề này còn chung chung, chưa phân định rõ trách nhiệm của từng cơ quan. Nhiều hạn chế, vướng mắc có nguyên nhân từ yếu tố khách quan cũng dẫn đến tình trạng đơn vị/đối tượng được kiểm toán chưa quan tâm nhiều đến các ý kiến, kết luận của KTHĐ. 

Một số chủ đề kiểm toán cần có sự hiểu biết chuyên môn về nhiều lĩnh vực nên việc sử dụng chuyên gia là rất cần thiết. Tuy nhiên, việc tìm kiếm, lựa chọn các chuyên gia có năng lực chuyên môn và đảm bảo tính độc lập với đơn vị được kiểm toán vẫn còn rất khó khăn. Đối với nhiều vấn đề có tính chuyên sâu nhưng chưa có các tài liệu quy định, hướng dẫn cụ thể các kết luận vẫn phải dựa vào ý kiến chuyên gia. Mặc dù vậy, ý kiến chuyên gia vẫn có thể mang tính chủ quan nên ý kiến, kết luận của KTNN đôi khi vẫn không đạt được sự đồng thuận cao từ đơn vị (trong khi KTNN phải chịu trách nhiệm khi sử dụng các ý kiến của chuyên gia).

Thực tế cho thấy, quá trình thực hiện kiến nghị trong KTHĐ thường kéo dài hơn so với kiểm toán tài chính và kiểm toán tuân thủ, thế nhưng việc kiểm tra thực hiện kiến nghị lại đang được thực hiện theo năm. Điều này dẫn đến việc số lượng kiến nghị chưa thực hiện và đang thực hiện tại các cuộc KTHĐ là tương đối cao, đồng thời khó có thể thấy rõ các tác động của kiến nghị mang lại, nhất là đối với các kiến nghị có tính chất dài hạn.

Cần thực hiện đồng bộ các giải pháp 

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả KTHĐ trong thời gian tới, KTNN cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau:

Một là, tiếp tục nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn của KTV về KTHĐ thông qua việc tổ chức phổ biến, hướng dẫn chuẩn mực KTNN, hồ sơ mẫu biểu về KTHĐ; tổ chức thường xuyên các khóa đào tạo, các hội thảo, tọa đàm về KTHĐ, đặc biệt là việc nghiên cứu, học tập các nước có nhiều kinh nghiệm đối với loại hình KTHĐ.  

Hai là, chú trọng công tác thu thập thông tin để lựa chọn chủ đề kiểm toán, trong đó cần tăng cường việc thu thập thông tin trực tiếp (thông qua văn bản khảo sát, thu thập thông tin và thực hiện khảo sát trực tiếp tại các đơn vị, đầu mối dự kiến được kiểm toán) để đảm bảo chủ đề được lựa chọn có tính khả thi cao.

Ba là, các đơn vị chủ trì thực hiện cuộc KTHĐ cần ưu tiên bố trí các KTV có năng lực, kinh nghiệm để tham gia các cuộc KTHĐ (ngay từ khi thu thập thông tin lựa chọn chủ đề kiểm toán, khảo sát thu thập thông tin để xây dựng KHKT…); tăng cường thời gian khảo sát thu thập thông tin để nâng cao chất lượng lập KHKT, đặc biệt là việc xây dựng các nội dung, tiêu chí kiểm toán đảm bảo được mục tiêu của cuộc kiểm toán cũng như tính khả thi của các kiến nghị.

Bốn là, hoàn thiện các quy định, quy chế cụ thể trong việc sử dụng chuyên gia tham gia các cuộc kiểm toán của KTNN, trong đó cần hướng dẫn việc đánh giá năng lực chuyên môn và tính độc lập của chuyên gia.

Năm là, xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu, thông tin về các đầu mối/đối tượng thuộc phạm vi kiểm toán của KTNN để giúp nâng cao chất lượng trong việc thu thập thông tin, lựa chọn chủ đề kiểm toán, xác định mục tiêu, tiêu chí và phương pháp kiểm toán thích hợp.

Sáu là, tăng cường thực hiện các cuộc kiểm toán lồng ghép giữa KTHĐ, kiểm toán báo cáo tài chính và kiểm toán tuân thủ để kết hợp các phát hiện nhằm làm rõ những tồn tại, hạn chế và trách nhiệm trong việc quản lý, điều hành của đơn vị, nhất là trong việc phân tích nguyên nhân, tác động của các tồn tại, hạn chế; qua đó từng bước nâng cao nhận thức của đơn vị, đồng thời đảm bảo tính khả thi, hiệu lực của các kiến nghị của KTNN.

HOÀNG THỊ VINH THÚY
Theo Đặc san Kiểm toán số 69 ra tháng 3/2018

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

Nghiêm cấm các hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn để vụ lợi trong hoạt động kiểm toán

Nghiêm cấm các hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn để vụ lợi trong hoạt động kiểm toán

(BKTO) - Tổng Kiểm toán nhà nước vừa ban hành Chỉ thị số 1346/CT-KTNN về việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương, đạo đức công vụ; kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong thực thi công vụ.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201