Thứ Tư, 17/4/2024 - 01:14:42 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

“Bịt lỗ hổng” gây thất thoát trong quá trình cổ phần hóa DNNN

THỨ BA, 01/08/2017 10:20:00 | CHUYÊN ĐỀ
(BKTO) - Sau 5 năm đẩy mạnh cổ phần hóa (CPH), số lượng DNNN giảm nhanh, nhưng thực tế vốn của Nhà nước bán ra thị trường mới chỉ khoảng 8%, còn lại gần 92% vốn tại các DN sau CPH vẫn do Nhà nước nắm giữ. Con số này cho thấy, phía sau quá trình CPH hiện đang tồn tại nhiều “góc khuất” cần được làm sáng tỏ để chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước có thể phát huy hiệu quả trong thực tế.

Những “lỗ hổng” gây thất thoát

Mặc dù đạt được một số kết quả ban đầu, song thực tế cho thấy, công tác CPH đang xuất hiện những “lỗ hổng” làm thất thoát một lượng lớn vốn nhà nước, thể hiện trên những mặt sau:

Nhiều DNNN bị “thâu tóm” bởi các DN trái ngành

Gần đây nhất, câu chuyện Hãng phim truyện Việt Nam trở thành sở hữu của một DN kinh doanh vận tải đường thủy tiếp tục hâm nóng lại việc các DNNN bị "thâu tóm" bởi các DN có lĩnh vực kinh doanh hoàn toàn xa lạ và câu hỏi cũ lại được nhắc đến là chủ mới quan tâm đến ngành nghề của DN được CPH hay quan tâm đến diện tích đất, mà các DN này đang quản lý, sử dụng?

Câu hỏi không khó trả lời vì giá trị DN được định giá để bán không bao gồm diện tích đất thuê trả tiền hàng năm. Nhưng, nếu đem so sánh giá trị cổ phần được bán với diện tích đất thuê mà DN CPH đang sử dụng thì chủ mới đã mua được món hàng với giá hời. Có lẽ đây cũng là lý do chính cho hầu hết các thương vụ CPH mà các tập đoàn bất động sản, tài chính đều quan tâm đến các DNNN CPH đang sử dụng nhiều đất ở các đô thị lớn. 

Cụ thể như cuối năm 2015, Tổng công ty Rau quả, nông sản hoàn thành việc CPH và người ta đã thấy cái tên cổ đông chiến lược của đơn vị này là các công ty con của ông chủ Đỗ Quang Hiển (“bầu” Hiển). Danh sách 3 cổ đông chiến lược mua 60% cổ phần của Tổng công ty Rau quả, nông sản đều là các DN thuộc sở hữu của “bầu” Hiển, hoặc ít nhất cũng là các công ty mà ông Hiển cách này, hay cách khác có thể chi phối.

Cũng trong thời gian này, giới đầu tư còn chứng kiến thương vụ mua 97% cổ phần của Tổng công ty Công nghiệp ô tô Việt Nam. DN thâu tóm gần như toàn bộ Vinamotor cũng là "đại gia" về tài chính và bất động sản, không liên quan gì đến ngành công nghiệp ô tô.

Những thương vụ mua cổ phần với tư cách "cổ đông chiến lược" như nêu trên đơn giản là cuộc thâu tóm DN của các đại gia và mục tiêu mà họ hướng đến có lẽ chính là diện tích đất "vàng", mà các DNNN được CPH đang sử dụng. Bởi khi thực hiện CPH, nhà đầu tư cam kết sử dụng đất đai theo quy hoạch, nhưng sau khi CPH xong thì lại có tình trạng chuyển đổi quy hoạch và chuyển đổi mục đích sử dụng đất không theo quy hoạch ban đầu. Có thể thấy, việc mua bán, sáp nhập DNNN gắn với các lợi ích về đất đai đang được các nhà đầu tư quan tâm nhiều hơn là tăng cường năng lực quản trị của DNNN sau CPH.

Tại cuộc họp với KTNN ngày 17/01/2017, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, Chính phủ đang giao các bộ, ngành nghiên cứu có cho phép DNNN khi CPH được chuyển đổi quyền sử dụng đất hay không, trường hợp nào được phép và cấp nào có thẩm quyền ra quyết định cho phép chuyển đổi.

Công tác định giá vốn nhà nước chưa được thực hiện đúng và đủ

Trên thực tế, vì nhiều nguyên nhân, giá trị DNNN khi CPH đã bị giảm xuống. Cũng tại cuộc họp trên, KTNN cho biết, trong giai đoạn 2011-2015, cả nước đã CPH được 499 DNNN, đạt 96% kế hoạch. Qua kiểm toán kết quả định giá DN và xử lý các vấn đề về tài chính trước khi xác định giá trị DN tại 7 DNNN, KTNN nhận thấy việc định giá và xử lý các vấn đề tài chính trước khi chính thức công bố giá trị DN CPH của các đơn vị còn thiếu chính xác, chưa phù hợp với quy định hiện hành và làm giảm giá trị tài sản được định giá, ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của Nhà nước.

Cơ quan này cũng chỉ ra những sai sót trong việc xác định chi phí thương hiệu, lợi thế kinh doanh, các khoản đầu tư tài chính, giá trị quyền sử dụng đất, tài sản cố định, dự án, công trình đã hoàn thành chưa quyết toán. Theo đó, các đoàn kiểm toán xác định giá trị vốn nhà nước tăng thêm tại 6 DN theo phương pháp tài sản là 4.625,4 tỷ đồng.

Theo KTNN, hiện nay, nhiều DNNN khi định giá tài sản của Nhà nước mới chỉ xác định theo phương pháp tài sản, tức tài sản hữu hình, mà chưa định giá thêm phương pháp dòng tiền chiết khấu, tức là tài sản vô hình. Tài sản này bao gồm: thương hiệu, giá trị tăng trưởng hàng năm... Điều này vô hình trung làm thất thoát một lượng tiền không nhỏ của Nhà nước.

Ngoài ra, vấn đề khá lớn khác là định giá DN CPH, đặc biệt là giá đất. Đây là một kẽ hở khiến Nhà nước thất thu một khoản thu tiềm năng đáng kể từ những mảnh đất “vàng”, có lợi thế vị trí địa lý. Bởi, giá thuê đất theo biểu giá Nhà nước quy định thường thấp hơn nhiều so với giá thị trường.

Nhiều vấn đề chung quanh việc bán cổ phần DNNN

Có thể thấy, sau 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khóa IX về tiếp tục sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả DNNN, hàng nghìn DNNN đã được chuyển đổi sang DN cổ phần. Kết quả này đã khắc phục được tình trạng "cha chung không ai khóc" đối với tài sản thuộc sở hữu nhà nước ở các DN, giúp cho các DNNN có thêm nguồn lực mới để ngày một làm ăn hiệu quả.

Tuy nhiên, chính quá trình này cũng đang bộc lộ không ít mặt hạn chế như việc bán cổ phần thiếu sự công khai, minh bạch, còn khép kín trong nội bộ DN đã tạo kẽ hở cho một số cá nhân không chỉ tìm cách đánh giá thiếu khách quan giá trị thực của số tài sản hiện có đối với DNNN thuộc diện CPH theo hướng có lợi cho mình, mà còn tìm mọi cách để thôn tính dần số cổ phiếu của cổ đông là Nhà nước, mua gom số cổ phiếu, nhằm thâu tóm quyền lực, thao túng công ty cổ phần dưới nhiều hình thức.

“Lỗ hổng” lớn nhất cho tiêu cực và tham nhũng đã nằm ngay trong chính  cách thức thực hiện CPH DNNN. Chúng ta đã giao cho từng ngành, từng DN thực hiện CPH, bao gồm từ việc xây dựng phương án, phê duyệt và triển khai. Có nghĩa là giao cho chính những người trong cuộc hay “đối tượng liên quan” bán tài sản do chính họ quản lý, đồng thời cũng cho họ có luôn cả tư cách người mua. Sự lạm dụng có thể phát sinh ngay từ trước khi lên phương án CPH, chẳng hạn nếu ai đó có ý đồ dìm giá trị DN, thì họ có thể để DN thua lỗ rồi sau đó mua được rẻ; hoặc cố tình che giấu thông tin liên quan để hạn chế, ngăn cản người mua khác... 

Thực hiện đồng bộ các giải pháp “bịt lỗ hổng”

Để khắc phục những “lỗ hổng” và nâng cao hiệu quả của công tác CPH, trong thời gian tới, Nhà nước cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:

Thứ nhất, khẩn trương soạn thảo, ban hành Luật Thúc đẩy CPH DNNN và thoái vốn nhà nước khỏi DN

Trên thế giới, tất cả các nền kinh tế chuyển đổi thành công đều thực hiện tư nhân hóa nền kinh tế với mục tiêu rõ ràng là nhà nước từ bỏ chức năng kinh doanh và giao việc đó cho người dân. Tuy nhiên, thay vì giao cho từng ngành và từng DN tự thực hiện thì các nước đều có một cơ quan tập trung được thành lập để thực hiện chức năng bán các DNNN. Điều này ít nhất làm giảm thiểu sự phức tạp và các “lỗ hổng” tiêu cực. Bên cạnh đó, với việc coi DNNN là tài sản thuộc sở hữu nhà nước, việc bán hay tư nhân hóa đối tượng này bắt buộc phải được điều chỉnh bởi một đạo luật do quốc hội ban hành. 

Do đó, trong thời gian tới, chúng ta cần khẩn trương soạn thảo, ban hành Luật Thúc đẩy CPH DNNN và thoái vốn nhà nước khỏi DN nhằm luật hóa các chính sách này, bao gồm cơ quan chịu trách nhiệm thúc đẩy CPH, lộ trình CPH, mức độ thoái vốn nhà nước, quy trình thực hiện linh hoạt, thận trọng, minh bạch  theo cơ chế thị trường và thời gian thực hiện đối với từng tập đoàn, tổng công ty nhà nước.

Thứ hai, cần quy trách nhiệm người đứng đầu trong công tác CPH, kiên quyết xử lý khi có biểu hiện chần chừ, không hoàn thành nhiệm vụ

Chuyển đổi mô hình từ DNNN sang công ty cổ phần là một quá trình gồm nhiều công việc phải hoàn thành, từ xác định giá trị DN, phương thức hoạt động mới đến chọn cổ đông, sắp xếp lao động... Tuy nhiên, đó cũng mới chỉ là bước khởi đầu. Hậu CPH còn rất nhiều vấn đề phải giải quyết. Vấn đề khó không nằm ở phương thức quản trị, kinh doanh, mà nằm chính trong tư tưởng các nhà quản lý, đại diện vốn nhà nước tại DN. Họ đã không thay đổi tư duy theo mô hình hoạt động mới của công ty cổ phần, chủ yếu do lợi ích cá nhân đã cố hữu với cách làm ăn cũ. Bởi vậy, phải quy trách nhiệm rõ ràng hơn nữa và kiên quyết xử lý trách nhiệm khi không hoàn thành nhiệm vụ.

Sau CPH mà quan điểm, cách thức lãnh đạo tại DN của những người đại diện vốn nhà nước không thay đổi thì chắc chắn việc CPH chỉ là hình thức. Nó tương tự như trường hợp Tổng công ty Đường sắt Việt Nam từng chấp thuận CPH công ty mẹ nhưng yêu cầu giữ lại quyền điều hành Công ty Đầu máy, nơi quản lý hàng chục đầu tàu trên cả nước và chỉ CPH các DN toa xe. Với tư duy đó, nhà đầu tư nào sẽ mạnh dạn rót vốn vào các công ty toa xe, vận tải khi phải đi thuê lại đầu máy của Nhà nước?

Vì thế, để CPH thành công và hiệu quả các DNNN, việc cần làm là phải quy trách nhiệm của người đứng đầu DN, người đại diện vốn nhà nước tại DN. Cùng với đó, cần phải thay đổi một cách căn bản về chủ trương và đối tượng để tiến trình CPH diễn ra một cách thực chất và hiệu quả. Đặc biệt, cần xác định rằng mọi DNNN cần phải được CPH, trừ số ít những DNNN thuộc diện Nhà nước phải sở hữu 100%, những “ông chủ” già cỗi đang tồn tại trong các DN đã CPH cần phải bị loại bỏ.

Thứ ba, làm tốt công tác định giá DNNN trước CPH

Việc cần làm ngay là phải đưa lợi thế địa lý của các quỹ đất tại DNNN vào giá trị DN CPH, nhất là những mảnh đất có giá trị. Nếu không làm được như vậy thì vô hình trung Nhà nước tiếp tục làm lợi cho một nhóm chủ sở hữu mới sau khi DN CPH. Nếu không muốn đưa lợi thế địa lý của những mảnh đất thuê này vào giá trị DN CPH thì DNNN cần phải hoàn trả lại những mảnh đất đang thuê trước khi tiến hành định giá. Đồng thời, Nhà nước sẽ cho đấu giá công khai quyền thuê những mảnh đất đó để đảm bảo lợi ích tối đa cho NSNN.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cần sớm trình Chính phủ sửa đổi Nghị định số 91/2015/NĐ-CP, ngày 13/10/2015 về đầu tư vốn nhà nước vào DN và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại DN, trong đó sửa đổi quy định về thoái vốn theo lô và xem xét phương án đối với DN có giá trị từ 5.000 tỷ đồng trở lên phải được KTNN kiểm toán trước khi CPH. 

Thứ tư, sớm thành lập cơ quan chuyên trách quản lý, giám sát vốn nhà nước tại DN

Ngày 13/07/2016, Bộ KH&ĐT đã công bố Dự thảo Nghị định về thực hiện các quyền và trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước để lấy ý kiến rộng rãi. Trong đó, nội dung quan trọng nhất là thành lập cơ quan chuyên trách có tên gọi Ủy ban Quản lý, giám sát vốn và tài sản nhà nước tại DN.

Ủy ban này ra đời sẽ có nhiệm vụ giúp Chính phủ quản lý, giám sát có hiệu quả vốn và tài sản nhà nước tại các DN; tập trung nguồn vốn nhà nước đang đầu tư tại DN để đầu tư phát triển các ngành, lĩnh vực chiến lược, tạo động lực phát triển nhanh cho các ngành, lĩnh vực khác và nền kinh tế. Còn chức năng của Ủy ban là đầu tư và quản lý danh mục tài sản, vốn đầu tư của Nhà nước tại các DN trên nguyên tắc bảo toàn và tối đa hóa giá trị tài sản, vốn đầu tư nhà nước được giao quản lý. Như vậy, nếu Ủy ban nói trên được thành lập, cơ quan này sẽ trực tiếp quản lý các tập đoàn, tổng công ty nhà nước thay vì để các bộ, ngành quản lý như hiện nay.

Theo thống kê của Bộ KH&ĐT, Ủy ban này sẽ quản lý 30 tập đoàn, tổng công ty, trong đó Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) sẽ là đơn vị chủ yếu thực hiện nhiệm vụ đầu tư tài chính. Đây là một giải pháp hay dù đụng chạm đến rất nhiều nhóm lợi ích đã ăn sâu, bám rễ với sự tồn tại của DNNN kiểu cũ, kiểu bộ chủ quản và cơ quan chủ quản. Nó cần được triển khai thực hiện sớm để khắc phục những vấn đề bất hợp lý và những hệ lụy từ mô hình quản lý hiện hành.

TS. LÊ ANH DUY
Trường Đại học Sài Gòn

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

Nghiêm cấm các hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn để vụ lợi trong hoạt động kiểm toán

Nghiêm cấm các hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn để vụ lợi trong hoạt động kiểm toán

(BKTO) - Tổng Kiểm toán nhà nước vừa ban hành Chỉ thị số 1346/CT-KTNN về việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương, đạo đức công vụ; kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong thực thi công vụ.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201