Thứ Bảy, 4/5/2024 - 14:30:43 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Bài học kinh nghiệm từ cuộc kiểm toán thí điểm

THỨ TƯ, 02/08/2017 13:05:00 | CHUYÊN ĐỀ
(BKTO) - Năm 2016, KTNN đã thực hiện cuộc kiểm toán thí điểm áp dụng phương pháp kiểm toán tiếp cận đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu cho cuộc kiểm toán báo cáo tài chính tại Tổng công ty Vận tải Hà Nội.


Cuộc kiểm toán thí điểm này nằm trong Chương trình dài hạn của ASEANSAI về thực hiện ISSAI (LTAPII) mà KTNN Việt Nam là thành viên tham gia từ năm 2015. Với đặc thù riêng, các đơn vị được kiểm toán do KTNN thực hiện thường có quy mô lớn, cơ cấu tổ chức phức tạp. Vì vậy, mặc dù đơn vị được lựa chọn là đơn vị có hoạt động kinh doanh tương đối đơn giản, phù hợp để thực hiện cuộc kiểm toán thí điểm, nhưng vẫn là đơn vị có đến 10 đơn vị phụ thuộc, 05 công ty con và một số công ty liên doanh, liên kết khác.

Những bài học kinh nghiệm

Qua thực tiễn kiểm toán, chúng tôi rút ra một số bài học kinh nghiệm như sau:

Một là, thực hiện khảo sát, tìm hiểu về đơn vị được kiểm toán:

Trên cơ sở mẫu biểu của Chương trình LTAPII của KTNN Việt Nam, tổ khảo sát đã xây dựng mẫu biểu khảo sát đơn giản, dễ thực hiện và phù hợp với đặc điểm cuộc kiểm toán của KTNN Việt Nam. Các nội dung khảo sát chính bao gồm: thông tin về đơn vị được kiểm toán và hoạt động của đơn vị; thông tin về tình hình tài chính; thông tin về hệ thống kiểm soát nội bộ và tình hình hoạt động của hệ thống kiểm soát nội bộ.

Hai là, phân tích thông tin để xác định rủi ro và đánh giá khả năng có sai sót trọng yếu đối với từng đơn vị thành viên cũng như toàn tổng công ty được kiểm toán là một khâu quan trọng trong việc lập kế hoạch kiểm toán; 

Việc đánh giá rủi ro xuất phát từ việc nhận định rủi ro kinh doanh, như: môi trường kinh doanh; thị trường cạnh tranh; hoạt động mang tính thời vụ; công nghệ đặc thù có liên quan tới sản phẩm; nguồn cung cấp đầu vào; ảnh hưởng của các yếu tố pháp lý; ảnh hưởng của các yếu tố bên ngoài…;

Đánh giá hoạt động của hệ thống kiểm soát nội bộ, như: môi trường kiểm soát; tính đầy đủ và hiệu lực của bộ máy kiểm soát nội bộ; tính đầy đủ và hiệu lực của quy trình kiểm soát nội bộ; hoạt động của bộ máy kiểm soát nội bộ;

Phân tích tình hình tài chính, phân tích thông tin từ kết quả kiểm toán của các cuộc kiểm toán trước để làm cơ sở xác định các nội dung trọng yếu kiểm toán. Những nội dung lớn về quy mô hay xảy ra sai sót từ cuộc kiểm toán trước và các cuộc kiểm toán tương tự cùng loại hình.

Ba là, xác định trọng yếu trong kiểm toán BCTC.

Việc xác định trọng yếu được thực hiện trên cả hai khía cạnh: định tính và định lượng. Trong đó, việc tính toán mức trọng yếu được thực hiện cho cả tổng công ty và từng đơn vị thành viên, ở cả cấp độ báo cáo tài chính và cơ sở dẫn liệu. Các chỉ tiêu được lựa chọn trên cơ sở tham khảo 4 công ty kiểm toán lớn tại Việt Nam. 

Bốn là, trên cơ sở kết quả đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu, kế hoạch kiểm toán tổng quát cho tổng công ty được xây dựng trước khi lập kế hoạch kiểm toán chi tiết tại các đơn vị thành viên, trong đó xác định: mục tiêu, nội dung, phạm vi, thời gian, phương pháp kiểm toán, thủ tục kiểm toán cho những nội dung, khoản mục trọng yếu…

Năm là, việc thực hiện cuộc kiểm toán tuân thủ triệt để kế hoạch kiểm toán tổng quát và các kế hoạch kiểm toán chi tiết. Do đơn vị được kiểm toán có cơ cấu tổ chức phức tạp, hoạt động kinh doanh đa dạng nên công tác quản lý, tổ chức thực hiện và kiểm soát chất lượng của cuộc kiểm toán luôn được chú trọng ở cả 5 cấp độ: kiểm toán viên, tổ trưởng, trưởng đoàn, đơn vị chủ trì và lãnh đạo KTNN theo Quy chế kiểm soát chất lượng kiểm toán của KTNN để đảm bảo tính thống nhất, đúng kế hoạch, thu thập đầy đủ bằng chứng kiểm toán.

Sáu là, tổng hợp kết quả phát hiện kiểm toán, ước lượng, đánh giá sai sót tổng thể để đưa ra ý kiến kiểm toán.

Trên cơ sở tổng hợp toàn bộ các sai sót đáng kể, kiểm toán viên phải thực hiện đánh giá các sai sót trên thuộc diện sai sót cá biệt, hay những sai sót mang tính phổ biến của mẫu chọn làm cơ sở cho việc suy rộng sai sót cho tổng thể.

Việc suy rộng các sai sót phát hiện trong mẫu kiểm toán cho tổng thể (không bao gồm các sai sót cá biệt) theo quy mô mẫu (sai sót suy rộng = sai sót phát hiện x quy mô tổng thể/quy mô mẫu); ước tính sai sót của tổng thể = sai sót suy rộng + sai sót cá biệt) và so sánh với mức trọng yếu để đưa ra kết luận.

Một số thách thức, khó khăn qua quá trình áp dụng thí điểm thực hiện kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu

KTNN chưa xây dựng được khung chính sách trong việc xác định mức trọng yếu kiểm toán; chưa có kinh nghiệm trong việc xác định mức trọng yếu kiểm toán. 

Việc lựa chọn, tìm hiểu thông tin về đơn vị được kiểm toán theo yêu cầu của phương pháp kiểm toán dựa trên rủi ro còn gặp khó khăn do kiểm toán viên và các đơn vị được kiểm toán chưa quen thực hiện, dẫn đến mức độ cung cấp đầy đủ thông tin còn hạn chế, thời gian khảo sát, thu thập thông tin chậm.

Hiện nay, hệ thống chuẩn mực KTNN tuân thủ ISSAI đã được ban hành, trong đó có các chuẩn mực về đánh giá hệ thống kiểm soát nội bộ, xác định trọng yếu và rủi ro kiểm toán, chọn mẫu kiểm toán… Tuy nhiên, KTNN cần có thời gian để đào tạo, tập huấn cho kiểm toán viên trong toàn ngành, đồng thời phải tiếp tục xây dựng, ban hành hướng dẫn áp dụng cụ thể cho các lĩnh vực kiểm toán; sửa đổi, bổ sung các quy định, quy trình, hướng dẫn kiểm toán phù hợp với chuẩn mực và phương pháp kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu.

Phát triển hoạt động kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu là xu thế tất yếu của KTNN. Một mặt thể hiện đúng bản chất nghiệp vụ kiểm toán, phù hợp với ISSAI, mặt khác nâng cao hiệu quả của hoạt động kiểm toán thông qua việc tập trung nguồn lực vào những bộ phận, nội dung trọng yếu, đảm bảo cho việc đưa ra ý kiến xác nhận tính trung thực, hợp lý, có cơ sở khoa học được sự công nhận của thế giới. Trên cơ sở những kết quả đã đạt được, KTNN sẽ tiếp tục thực hiện những nội dung theo lộ trình của Chiến lược 7, đẩy mạnh kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu, góp phần vào hiện đại hóa và nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả của hoạt động kiểm toán.

Ths. NGÔ MINH KIỂM - Kiểm toán Nhà nước

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

Nghiêm cấm các hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn để vụ lợi trong hoạt động kiểm toán

Nghiêm cấm các hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn để vụ lợi trong hoạt động kiểm toán

(BKTO) - Tổng Kiểm toán nhà nước vừa ban hành Chỉ thị số 1346/CT-KTNN về việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương, đạo đức công vụ; kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong thực thi công vụ.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201