Thứ Bảy, 27/4/2024 - 04:39:47 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Cơ hội đầu tư cổ phiếu bất động sản

THỨ BA, 11/12/2018 10:50:00 | BẤT ĐỘNG SẢN
(BKTO) - Theo nhiều chuyên gia, việc ngân hàng siết tín dụng đối với thị trường bất động sản (BĐS) đã khiến nhiều DN trong thị trường này tìm đến sàn chứng khoán để huy động vốn. Thống kê cho thấy, từ đầu năm đến nay, có đến hơn 80% mã cổ phiếu BĐS tăng giá. Điều này đang mở ra một cơ hội mới đầy triển vọng cho nhà đầu tư.


Nhiều DN BĐS đã tìm đến thị trường chứng khoán để huy động vốn - Ảnh: Thái Anh
 
Vốn ngân hàng thắt, vốn chứng khoán đang ngày càng mở

Hoạt động kinh doanh BĐS cần nguồn vốn trung hạn, dài hạn. Ở các nước, các quỹ đầu tư và thị trường chứng khoán luôn là nguồn cung cấp vốn chủ yếu cho thị trường BĐS. Còn tại Việt Nam, các DN hiện nay vẫn tìm đến nguồn vốn tín dụng là chủ yếu. 

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, tín dụng với thị trường BĐS đang bị thắt lại. Điều này đã được thể hiện qua một số các quy định, yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước. Cụ thể, Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 36/2014/TT-NHNN, ngày 20/11/2014 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, kể từ ngày 01/01/2019, các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được sử dụng tối đa 40% nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung hạn và dài hạn. Hệ số rủi ro của các khoản vay để kinh doanh BĐS là 200%. Còn Chỉ thị số 04/CT-NHNN về việc tiếp tục triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của ngành ngân hàng trong 6 tháng cuối năm 2018 cũng khẳng định chủ trương kiểm soát tín dụng chặt chẽ vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như: BĐS, chứng khoán... Dự báo, tỷ lệ tín dụng vào địa ốc có khả năng giảm xuống trong năm 2019. 

Nhận định về vấn đề này, chuyên gia tài chính - TS. Bùi Quang Tín cho rằng: Trong khi vốn từ ngân hàng thắt thì dòng vốn chứng khoán đang ngày càng mở. Theo đó, DN chuyển dịch dòng vốn vay từ tổ chức tín dụng sang thị trường chứng khoán. Các DN trên sàn đang nỗ lực huy động vốn, ngay cả nhiều DN chưa niêm yết cũng thông qua các công ty chứng khoán để huy động vốn với lãi suất khoảng 9 - 10%.

Theo số liệu thống kê của Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HOSE), từ đầu năm đến nay, có đến hơn 80% mã cổ phiếu BĐS tăng giá. Hiện có 57 DN BĐS niêm yết trên sàn chứng khoán, thanh khoản thị trường hiện đạt hơn 4.000 tỷ đồng mỗi phiên. Bên cạnh đó, không chỉ các công ty BĐS của Việt Nam lên sàn, trong nhiều năm qua, các DN có vốn đầu tư nước ngoài cũng tổ chức niêm yết trên sàn chứng khoán Việt Nam. Đây là một dấu hiệu cho thấy các công ty trong lĩnh vực BĐS hoạt động ngày càng mạnh, tạo cơ hội cho nhà đầu tư mua bán sản phẩm và cả cổ phiếu.

Lạc quan nhưng cần cẩn trọng

Thị trường chứng khoán Việt Nam vừa được tổ chức đánh giá  FTSE Russell chính thức đưa vào danh sách xem xét nâng hạng từ thị trường cận biên (Frontier) lên thị trường mới nổi hạng hai (Secondary emerging). Sự kiện này hứa hẹn sẽ thay đổi vị thế của thị trường tài chính Việt Nam, tác động tích cực lên khả năng thu hút dòng vốn ngoại cũng như cải thiện thanh khoản. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, đi kèm với triển vọng, lợi nhuận, các nhà đầu tư cũng cần cẩn trọng để lựa chọn hướng đầu tư cho mình. 

TS. Bùi Quang Tín cho rằng, cần đặc biệt chú ý đến sự hỗ trợ vốn từ thị trường tài chính đến BĐS trong thời gian qua. Quy mô thị trường BĐS Việt Nam hiện nay vào khoảng 25 tỷ USD, trong khi tổng dư nợ đã lên gần 20 tỷ USD, tương đương hơn 450.000 tỷ đồng tính đến năm 2017, chiếm hơn 6,5% tổng dư nợ của nền kinh tế và chiếm khoảng 15,5% tổng dư nợ của hệ thống ngân hàng và 80% nguồn vốn chảy vào BĐS. Trong khi các nước khác, tỷ lệ này khoảng 35%. Điều này cho thấy, cơ cấu đầu tư vào BĐS còn bất cập, tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt là khi Nhà nước đưa ra các chính sách hạn chế dòng tiền chảy vào BĐS như hiện nay.

Ông Sử Ngọc Khương - Giám đốc đầu tư Savills Việt Nam - cũng nhấn mạnh: Thị trường BĐS có nhiều tín hiệu lạc quan nhưng các nhà đầu tư cũng cần thận trọng, bởi hoạt động kinh doanh BĐS luôn tiềm ẩn những rủi ro lớn, nhất là khi điều kiện nguồn cung hạn chế vì thủ tục kéo dài hoặc quỹ đất sạch ngày càng thu nhỏ, hay việc kiểm soát chất lượng sản phẩm sau bàn giao… đều có thể ảnh hưởng đến chu kỳ của thị trường...

LONG HOÀNG
Theo Báo Kiểm toán số 49 ra ngày 06-12-2018

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

Hanoi Melody Residences thỏa mãn nhu cầu chăm sóc sức khỏe của cư dân

Hanoi Melody Residences thỏa mãn nhu cầu chăm sóc sức khỏe của cư dân

(BKTO) - Bên cạnh các yếu tố về vị trí, chủ đầu tư, chất lượng xây dựng…, người mua nhà ngày càng quan tâm nhiều hơn đến các tiêu chí về sức khỏe và tinh thần trong việc lựa chọn tổ ấm.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201