Thứ Ba, 23/4/2024 - 16:29:52 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Xung quanh đề xuất tăng giới hạn giờ làm thêm: Có nên “xé rào” Bộ luật Lao động?

THỨ NĂM, 27/08/2015 11:05:00 | BẠN ĐỌC QUAN TÂM
(BKTO) - Cùng với câu chuyện tăng lương, đề xuất tăng giới hạn giờ làm thêm của DN đã tạo ra cuộc tranh luận với nhiều ý kiến trái chiều. Phần đông người lao động (NLĐ) có nhu cầu tăng ca để tăng thu nhập, đảm bảo cuộc sống cho gia đình nhưng nếu họ làm thêm giờ vượt quá quy định thì DN lại phạm luật. Thực tế này đã đặt ra cho các nhà hoạch định chính sách một câu hỏi: Có nên “xé rào” quy định về thời gian làm thêm trong Bộ luật Lao động 2012 sau hơn 2 năm luật đi vào cuộc sống?


Bộ LĐ-TB&XH đang nghiên cứu để đưa ra quy định phù hợp về thời gian làm thêm giờ theo hướng thỏa thuận giữa NLĐ và DN. Ảnh: TK  
 
Nhiều ý kiến trái chiều

Theo quy định của Bộ luật Lao động hiện hành, DN phải đảm bảo số giờ làm thêm của NLĐ không vượt quá 30 giờ/ tháng, 200 giờ/ năm; trừ một số trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định thì được làm thêm giờ không quá 300 giờ/ năm. Tuy nhiên, trong quá trình thực thi luật, không ít DN phản ánh quy định làm thêm giờ ở Việt Nam khắt khe so với nhiều nước trên thế giới, khiến DN khó xoay sở và dễ phạm luật. Quy định này còn gây ảnh hưởng đến tình hình sản xuất, kinh doanh của DN, vô hình chung làm giảm sức cạnh tranh của DN Việt, nhất là các DN sản xuất gia công, xuất khẩu, chế biến và các DN hoạt động động theo mùa vụ. Mặt khác, nếu không tăng giờ làm thêm thì việc tăng lương cho NLĐ sẽ gặp khó khăn. Bởi vậy, tại các cuộc đối thoại về lao động, việc làm với DN gần đây, nhiều DN kiến nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) xem xét tăng giờ làm thêm từ 400 giờ/năm đến 500 giờ/năm.

Chia sẻ khó khăn của DN, Giám đốc Văn phòng giới sử dụng lao động thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phùng Quang Huy cho biết: Do yêu cầu gấp rút của một số những đơn hàng, nhiều DN phải huy động công nhân làm thêm giờ. Tuy nhiên, nếu áp dụng đúng quy định của Bộ luật Lao động về thời gian làm thêm giờ thì không hoàn thành đơn hàng, mất uy tín với đối tác còn nếu huy động làm thêm quá thời hạn thì sẽ phạm luật và điều này cũng đồng nghĩa với việc đối tác hủy giao dịch. Do đó, để nâng cao năng lực cạnh tranh của DN, cần thiết phải có hành lang pháp lý rộng hơn đảm bảo hiệu quả trong cam kết với đối tác và thực thi pháp luật của DN.

Trái với quan điểm và lập luận trên, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Mai Đức Chính khẳng định: Một trong những nguyên nhân khiến phần lớn NLĐ muốn tăng ca là do mức tiền lương và thu nhập còn quá thấp, không đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu. Quy định khống chế thời gian làm thêm giờ trong Bộ luật Lao động hiện hành tạo điều kiện cho nhiều đối tượng trong độ tuổi lao động có thêm cơ hội tìm kiếm việc làm; đảm bảo cho NLĐ được nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động.

Tuy nhiên, đi ngược lại với quy định này, nhiều DN lại tận dụng lao động bằng cách tăng ca quá giới hạn chứ không tuyển thêm lao động do lo ngại phải đóng thêm nhiều khoản phí bảo hiểm. Hơn nữa, ở các nước phát triển, thời gian làm việc là 35 giờ/tuần trong khi ở nước ta đang cho phép tới 48 giờ/tuần; do đó giảm thời gian làm việc mới là xu hướng phát triển của thế giới. Mục đích của làm thêm giờ là nhằm giải quyết các công việc đột xuất của DN nhưng nếu làm thêm quá giới hạn về lâu dài sẽ không tốt cho sức khỏe của NLĐ, thậm chí trong một số trường hợp còn dẫn đến tai nạn, giảm năng suất lao động…

Có nên tăng giới hạn giờ làm thêm?

Cách đây vài năm, khi dự thảo Bộ luật Lao động được trình Quốc hội cho ý kiến, đề xuất tăng thời gian làm thêm lên 360 giờ/năm từng bị các đại biểu phản bác với nhiều lý do như: điều kiện khoa học công nghệ phát triển, sản phẩm làm ra càng nhiều thì thời gian làm việc phải ít đi; tăng giờ làm thêm phải phù hợp với thực trạng sức khỏe NLĐ, tránh nguy cơ sức lao động bị “vắt kiệt” một cách hợp pháp... Đến thời điểm này, ở những góc độ nhất định, những ý kiến đó vẫn còn nguyên giá trị bởi theo kết quả khảo sát trên 3.300 người của trang mạng việc làm JobStreet.com, 71% NLĐ Việt Nam không  đủ thời gian dành cho gia đình mỗi ngày vì phải thường xuyên làm việc trễ, 44% số NLĐ được hỏi cảm thấy áp lực, không hài lòng khi phải làm việc ngoài giờ quá nhiều.

Tuy nhiên, nhiều quan điểm trung lập cho rằng, việc tăng giờ làm thêm không phải là cơ hội để DN bóc lột sức lao động mà nên hiểu theo cách tạo điều kiện cho NLĐ gia tăng sản xuất, có thêm thu nhập, đồng thời DN cũng dễ dàng cạnh tranh hơn trong bối cảnh hội nhập khu vực và quốc tế. Điều quan trọng là việc tăng ca phải dựa trên sự thỏa thuận, đảm bảo lợi ích hài hòa giữa NLĐ và giới chủ.

Rõ ràng, trong khi đại diện NLĐ cho rằng tăng giờ làm thêm không phải là biện pháp lâu dài, gây bất lợi cho NLĐ thì đại diện DN lại kiến nghị việc tháo gỡ những vướng mắc trong thực thi pháp luật lao động giúp DN làm việc tốt hơn với các đối tác quốc tế. Vì vậy, làm thế nào để đảm bảo hài hòa lợi ích giữa NLĐ và người sử dụng lao động là một câu hỏi khó đối với các nhà hoạch định chính sách.

Trước yêu cầu trên, đại diện Bộ LĐ-TB&XH cho biết, Bộ đang nghiên cứu để đưa ra quy định phù hợp về thời gian làm thêm giờ theo hướng thỏa thuận giữa NLĐ và DN.  

Như vậy, dù “xé rào” hay giữ nguyên các quy định hiện hành của Bộ luật Lao động thì yêu cầu đặt ra đối với các nhà hoạch định chính sách là cần tính toán, cân nhắc dựa trên nhiều cơ sở khoa học.
THÀNH ĐỨC

 

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

Từ ngày 01/11: Gọi 156 miễn phí để phản ánh cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo

Từ ngày 01/11: Gọi 156 miễn phí để phản ánh cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo

(BKTO) - Từ ngày 01/11, khi nhận các cuộc gọi rác có dấu hiệu lừa đảo, người dân có thể gọi hoặc nhắn tin miễn phí tới số 156 để thông báo.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201