Thứ Năm, 28/3/2024 - 23:29:13 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Xây dựng nông thôn mới cần đảm bảo tính thiết thực, bền vững

THỨ HAI, 29/07/2019 08:45:00 | BẠN ĐỌC QUAN TÂM
(BKTO) - Sau gần 10 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về Xây dựng nông thôn mới (NTM), đến nay, diện mạo hầu hết các vùng quê đều khởi sắc rõ rệt, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, quá trình xây dựng NTM còn xuất hiện những yếu tố thiếu tính bền vững, chất lượng NTM ở một số địa phương chưa cao.


Đến hết tháng 6/2019, cả nước có 4.458 xã đạt chuẩn NTM. Ảnh: Thái Anh

Kết quả chưa thực sự bền vững

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), tính đến hết tháng 6/2019, cả nước có 4.458 xã (chiếm 50,1% tổng số xã) đạt chuẩn NTM, bình quân đạt 15,26 tiêu chí/xã; có 76/664 (chiếm 11,45%) đơn vị cấp huyện thuộc 34 tỉnh, thành phố đạt chuẩn NTM. Xây dựng NTM đã về đích trước 1,5 năm so với mục tiêu năm 2020 (có 50% số xã đạt chuẩn NTM, bình quân 15 tiêu chí/xã). Đặc biệt, các tỉnh Đồng Nai, Nam Định, Bình Dương, TP. Đà Nẵng có 100% xã và huyện đạt chuẩn NTM. Kết quả điều tra của một số cơ quan nghiên cứu cho thấy, khoảng 84,78% số hộ nông thôn hài lòng về những thành tựu trong xây dựng NTM. 

Mặc dù đạt được nhiều kết quả nổi bật song nhiều ý kiến vẫn cho rằng, quá trình xây dựng NTM còn xuất hiện những yếu tố thiếu tính bền vững, chất lượng NTM ở một số địa phương chưa cao. GS,TSKH. Trương Quang Học (Đại học Quốc gia Hà Nội) nhìn nhận, tại một số địa phương, đời sống của người dân vùng khó khăn chưa được đảm bảo, sinh kế thiếu bền vững; cơ sở hạ tầng, công nghiệp và dịch vụ nông thôn còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của nền kinh tế nông nghiệp hiện đại. Mặt khác, việc đồng nhất các tiêu chí về xây dựng công trình hạ tầng có thể ảnh hưởng đến bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cũng thừa nhận, kết quả xây dựng NTM chưa thực sự bền vững, vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế như: Đời sống của người dân nông thôn các vùng khó khăn chưa đảm bảo, sinh kế thiếu bền vững. Tỷ lệ tái nghèo còn cao, bình quân 5,1% số hộ thoát nghèo, thậm chí có nơi trên 50%, tập trung ở các vùng miền núi phía Bắc, Duyên hải miền Trung, Tây Nguyên. Khoảng cách chênh lệch về kết quả xây dựng giữa các vùng, miền còn khá lớn; vai trò chủ thể của nông dân, sức mạnh chủ động của cộng đồng cơ sở chưa được đề cao…

Cần phát huy vai trò của người dân

Trước thực trạng trên, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho rằng, cần tiếp tục đẩy mạnh triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng NTM gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2030 bằng cách tiếp cận mới, đi vào chiều sâu để đảm bảo tính bền vững. Nhà nước cần đẩy mạnh phân cấp, trao quyền cho địa phương và cộng đồng thôn, bản tham gia phát triển sinh kế, quản lý, bảo vệ cảnh quan, phát triển văn hóa truyền thống trong xây dựng NTM. Đồng thời, phát huy nội lực, tinh thần chủ động, sáng tạo của địa phương, người dân trong các hoạt động ở cơ sở như: lập kế hoạch, đầu tư kinh tế, bảo vệ môi trường, quản lý trật tự, giảm bớt gánh nặng cho NSNN. 

Theo Ủy viên Ban Chủ nhiệm kiêm Thư ký Khoa học Chương trình khoa học công nghệ phục vụ xây dựng NTM Bạch Quốc Khang, kết quả huy động nguồn lực thực hiện Chương trình thể hiện ở mức độ tham gia trực tiếp của người dân. Chỉ tính trong 3 năm (2016-2018), nguồn lực đóng góp của người dân chiếm 6,9% (56.799 tỷ đồng) trong tổng nguồn lực huy động khoảng 820.964 tỷ đồng. Bên cạnh đó, nguồn vốn DN đóng góp chiếm 4,81%. Nếu coi DN cũng thuộc nhóm chủ thể người dân (cùng với các chủ kinh tế hộ khác) thì nguồn đóng góp của người dân nói chung chiếm 11,71%, trong khi nguồn NSNN cấp trực tiếp cho xây dựng NTM chỉ chiếm 2,9%. Sự tham gia của người dân không chỉ giúp đạt các tiêu chí về số lượng mà còn thúc đẩy phát triển về chất, như xây dựng chuỗi giá trị liên kết sản xuất đối với các nhóm sản phẩm chủ lực 3 cấp tỉnh, huyện, xã.

Từ thực tế trên, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển vì Phụ nữ và Trẻ em Bùi Thị Kim cho hay, nhằm đảm bảo tính hiệu quả, hiệu suất và tính bền vững của các kết quả xây dựng NTM, người dân phải thực sự đóng vai trò chủ thể, tự chèo lái và đưa ra các quyết định trong toàn bộ quá trình xây dựng NTM tại địa phương mình. Họ cần được khơi dậy tình yêu quê hương đất nước, thiết lập tính sở hữu và tăng tính trách nhiệm xã hội, được xây dựng năng lực để có thể phân tích vấn đề, thảo luận dân chủ, đưa ra các giải pháp phù hợp, có khả năng huy động các nguồn lực và sử dụng các nguồn lực này một cách hiệu quả, minh bạch, công khai.

Nam Định là 1 trong 4 địa phương dẫn đầu cả nước về phong trào xây dựng NTM. Chia sẻ kinh nghiệm của địa phương trong xây dựng NTM, Bí thư Tỉnh ủy Nam Định Đoàn Hồng Phong cho biết, các xã, huyện trong tỉnh đã lựa chọn cách làm, bước đi phù hợp với điều kiện thực tế; không chạy theo phong trào, thành tích. Nam Định không trông chờ, ỷ lại vào nguồn vốn từ T.Ư phân bổ mà phát huy nội lực, sức mạnh trong dân. Tổng các nguồn vốn huy động cho xây dựng NTM của tỉnh lên tới 21.000 tỷ đồng; trong đó, NSNN chỉ chiếm khoảng 27%, còn lại là các nguồn từ DN, cộng đồng dân cư và các nguồn hợp pháp khác. Nhờ việc thực hiện phương châm “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”, nhân dân là chủ thể, là gốc; thôn, xóm, gia đình là hạt nhân của phong trào, xây dựng NTM ở Nam Định đã đạt được nhiều kết quả thiết thực, góp phần làm thay đổi diện mạo của mỗi vùng quê.

LÊ HÒA
Theo Báo Kiểm toán số 30 ra ngày 25-7-2019

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

Từ ngày 01/11: Gọi 156 miễn phí để phản ánh cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo

Từ ngày 01/11: Gọi 156 miễn phí để phản ánh cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo

(BKTO) - Từ ngày 01/11, khi nhận các cuộc gọi rác có dấu hiệu lừa đảo, người dân có thể gọi hoặc nhắn tin miễn phí tới số 156 để thông báo.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201