Thứ Sáu, 26/4/2024 - 11:17:24 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Sớm làm rõ nghi vấn nhiều trường Việt Nam liên kết với trường “ma” nước ngoài

THỨ HAI, 21/05/2018 10:15:00 | BẠN ĐỌC QUAN TÂM
(BKTO) - Liên quan đến nghi vấn hàng loạt trường học ở Việt Nam thực hiện liên kết với một cơ sở giáo dục nước ngoài không xác thực, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) khẳng định sẽ làm rõ vụ việc và đảm bảo tối đa quyền lợi cho học sinh.

Liên kết với trường học "ma"?

Vừa qua, thông tin Trường George Washington International School (GWIS) của Mỹ đã liên kết giảng dạy với các trường của Việt Nam từ nhiều năm thực chất chỉ là trường "ma" đã khiến nhiều phụ huynh lo lắng, bất an. Trong đó, tại Hà Nội, GWIS từng là đối tác trong Chương trình “Du học tại chỗ” của Trường Phổ thông quốc tế Newton (Bắc Từ Liêm, TP. Hà Nội) từ năm 2012 đến nay.

Trước những nghi vấn về việc tính pháp lý của Trường GWIS không đảm bảo, đại diện Sở GD&ĐT Hà Nội khẳng định, tại thời điểm thẩm định, đánh giá hồ sơ, GWIS đảm bảo năng lực và việc đồng ý cho Trường Newton liên kết với Trường GWIS là đúng quy trình, quy định, đã được Bộ GD&ĐT cho phép. 

Tuy nhiên, phát ngôn viên Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam lại khẳng định không tìm thấy tên Trường GWIS trong danh sách các trường được cấp phép tuyển sinh học sinh quốc tế ở Mỹ. Cũng theo vị này, việc quan trọng nhất để quyết định chất lượng và tính hợp pháp của một trường học ở Mỹ là kiểm tra xem trường đó có được kiểm định và công nhận chất lượng hay không. Đây là việc không khó, bởi từ nhiều năm qua, ngành giáo dục nước này đã thực hiện việc công bố công khai các trường đạt chuẩn chất lượng trên website của Hội đồng Kiểm định giáo dục. 

Sự tréo ngoe không dừng lại ở đó. Trả lời báo chí, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế, Bộ GD&ĐT Phạm Quang Hưng thừa nhận: GWIS không có tên trong cơ sở dữ liệu danh sách các trường tư ở Mỹ, cũng không được kiểm định chất lượng tại Mỹ, vậy nhưng, Bộ vẫn đồng ý về chủ trương cho phép các trường trong nước liên kết với GWIS? Lý do được đưa ra là bởi căn cứ theo hồ sơ được Sở GD&ĐT gửi và Bộ chỉ đồng ý về mặt chủ trương, còn Sở và trường trực tiếp liên kết phải chịu trách nhiệm nếu có sai sót xảy ra. 

Rõ ràng, đó không phải là câu trả lời thỏa đáng, hay nói đúng hơn là sự chối bỏ trách nhiệm của các cơ quan quản lý về giáo dục. Kể cả khi Bộ này đã có động thái yêu cầu các trường liên kết với GWIS dừng hợp tác để xác minh làm rõ, song quyền lợi của hàng nghìn học sinh và nhà đầu tư vì tin tưởng Bộ GD&ĐT nên đổ tiền vào chương trình liên kết với GWIS nhưng không thể tuyển sinh sẽ ra sao? Câu hỏi này vẫn chưa nhận được sự trả lời thỏa đáng. 

Xem nhẹ trách nhiệm

Sau sự việc, nhiều trường đang “rối như tò vò” khi có nơi mới thực hiện liên kết hoặc đang cho học sinh làm quen chương trình, có nơi đang trong quá trình chuẩn bị. Trong số đó, đến nay, chỉ Trường Newton có học sinh đã tốt nghiệp hệ đào tạo song bằng với GWIS. 

Trường đã tổ chức họp để lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của phụ huynh học sinh. Trong thời gian chờ làm rõ các nghi vấn, từ ngày 16/4/2018, Trường cũng tạm dừng hợp tác 3 tháng với GWIS để yêu cầu GWIS cung cấp giấy kiểm định chất lượng theo đề nghị của các cơ quan quản lý giáo dục Việt Nam. Sau thời gian này, nếu GWIS không cung cấp được giấy kiểm định chất lượng sẽ bị chấm dứt hợp đồng liên kết. 

Tuy nhiên, đây không phải là điều được phụ huynh đang có con em theo học mong đợi nhất. Nguyện vọng lúc này là họ cần biết chương trình thay thế liệu có đảm bảo cho học sinh? Mức học phí "khổng lồ" họ đã đóng được tính toán thế nào? Câu chuyện trách nhiệm và lời xin lỗi mà cơ quan quản lý và nhà trường còn "nợ" phụ huynh cũng cần làm rõ. 

Bình luận về vụ việc, TS. Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội nhấn mạnh: “Các cơ quan chức năng cần hiểu rằng, đằng sau mỗi quyết định là tương lai của biết bao học sinh và sự kỳ vọng của nhiều gia đình. Không thể lấy cớ này, cớ kia mà chối bỏ trách nhiệm như vậy”.

Trong khi đó, GS.TSKH Nguyễn Xuân Hãn - Nguyên giảng viên Đại học Quốc gia Hà Nội - cho rằng, những sai phạm trong công tác quản lý liên kết đào tạo, rõ nhất là trong lĩnh vực giáo dục đại học đang xảy ra ngày càng phổ biến. Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT lại tỏ ra lúng túng trong xử lý vấn đề này. 

Rõ ràng, việc gắn mác liên kết với trường quốc tế mang lại không ít lợi ích cho các trường khi thu hút lượng học sinh lớn với mức học phí cao ngất ngưởng (các cấp học dao động từ 50 - 100 triệu đồng/năm học). Tuy nhiên, những cam kết về chất lượng cùng trách nhiệm với người học trong trường hợp này đang bị thả nổi. Do đó, để tránh những “việc đã rồi” như vừa qua, các cơ quan quản lý trong lĩnh vực này, các trường cần nghiêm túc nhìn nhận và thận trọng hơn trong công tác thẩm định, cấp phép, thực hiện liên kết. Phụ huynh cũng cần tìm hiểu chương trình, đối tác liên kết của nhà trường để đưa ra lựa chọn đúng đắn, thay vì dựa cả vào cơ quan quản lý, nhà trường như vừa qua.

NGUYỄN LỘC
Theo Báo Kiểm toán số 20 ra ngày 17/5/2018

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

Từ ngày 01/11: Gọi 156 miễn phí để phản ánh cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo

Từ ngày 01/11: Gọi 156 miễn phí để phản ánh cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo

(BKTO) - Từ ngày 01/11, khi nhận các cuộc gọi rác có dấu hiệu lừa đảo, người dân có thể gọi hoặc nhắn tin miễn phí tới số 156 để thông báo.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201