Thứ Sáu, 19/4/2024 - 21:45:53 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Quỹ Đầu tư phát triển địa phương - Lượng nhiều nhưng chất còn thấp

THỨ HAI, 06/04/2020 08:35:00 | BẠN ĐỌC QUAN TÂM
(BKTO) - Kết quả kiểm toán cũng như thực tiễn hoạt động của Quỹ Đầu tư phát triển địa phương (Quỹ) thời gian qua cho thấy, các Quỹ chưa phát triển đồng đều, một số Quỹ có quy mô nhỏ, thiếu nguồn lực, không triển khai được các hoạt động cho vay, đầu tư… Thực trạng này đòi hỏi phải có các giải pháp để nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ.


Cần có các giải pháp để nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ Đầu tư phát triển địa phương. Ảnh: Huy Thành
 

Cần chấm dứt, giải thể các Quỹ hoạt động kém hiệu quả 

Số liệu thống kê của Bộ Tài chính cho biết, hiện cả nước có 44 Quỹ. Đến ngày 31/12/2018, số dư nguồn vốn hoạt động của hệ thống Quỹ là 34.980 tỷ đồng, gấp 5 lần so với năm 2007. Về cơ cấu, vốn chủ sở hữu chiếm 79% và vốn huy động chiếm 21%. Vốn huy động của các Quỹ tương đương 26% vốn chủ sở hữu. Tổng vốn sử dụng cho các hoạt động cho vay, đầu tư trực tiếp và góp vốn thành lập DN của hệ thống Quỹ này là 18.111 tỷ đồng, gấp 5 lần so với năm 2007. Tổng lợi nhuận của hệ thống Quỹ đến ngày 31/12/2018 là 1.268 tỷ đồng, tăng 4 lần so với năm 2007… 

Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính, năng lực hoạt động của các Quỹ còn hạn chế do nguồn vốn hoạt động thấp. Một số địa phương chưa bố trí đủ nguồn vốn điều lệ tối thiểu. Nhiều Quỹ không có nguồn lực để hoạt động (không đủ mức vốn điều lệ thực có tối thiểu là 100 tỷ đồng). Hầu hết các Quỹ mới chỉ tập trung cho vay dự án, chỉ một số Quỹ có nguồn lực để triển khai nghiệp vụ đầu tư. Do đó, các Quỹ này chưa phát huy tốt vai trò là nguồn “vốn mồi” để thu hút nguồn vốn khác tham gia đầu tư kết cấu hạ tầng tại địa phương.  

 Hơn nữa, mức lãi suất cho vay tối thiểu của Quỹ chưa phản ánh đầy đủ chi phí, tỷ lệ nợ xấu ở mức cao của một số Quỹ chưa được xử lý dứt điểm, hoạt động đầu tư trực tiếp chưa được đẩy mạnh, cơ chế trích lập dự phòng rủi ro cho vay, đầu tư bộc lộ những thiếu sót. 

Ngoài ra, khung pháp lý cho hoạt động của Quỹ chưa đồng bộ, đặc biệt, Luật NSNN, Luật Đầu tư và Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại DN mới được ban hành dẫn đến các quy định về tổ chức và hoạt động của Quỹ không còn phù hợp… 

Qua kiểm toán ngân sách địa phương 5 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hà Nam, Bắc Ninh, Hòa Bình và Vĩnh Phúc, KTNN khu vực I chỉ rõ, hoạt động của một số Quỹ Đầu tư phát triển địa phương giai đoạn 2012-2018 còn nhiều thiếu sót như: không thu hồi các khoản cho vay, tạm ứng theo đúng quy định; giải ngân, cho vay, tạm ứng không đúng đối tượng; không nghiêm túc thực hiện chủ trương cổ phần hóa của Chính phủ. Một số Hội đồng Quản lý Quỹ chưa đề xuất, tham mưu để điều chỉnh các nguồn lực đã giao cho các Quỹ. UBND một số tỉnh, thành phố không bố trí hoặc chưa trích lập đầy đủ vốn điều lệ cho các Quỹ...

Thực trạng trên đặt ra yêu cầu cho cơ quan quản lý nhà nước phải sớm hoàn thiện hệ thống pháp luật để có căn cứ rà soát, chấm dứt, giải thể các Quỹ hoạt động kém hiệu quả. 

Sớm hoàn thiện khung pháp lý, tăng cường thanh tra, kiểm toán 

Để nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ, Bộ Tài chính đã xây dựng Dự thảo Nghị định về tổ chức và hoạt động của Quỹ Đầu tư phát triển địa phương thay thế Nghị định số 138/2007/NĐ-CP và Nghị định số 37/2013/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 138/2007/NĐ-CP. Theo Dự thảo, phạm vi hoạt động của Quỹ được mở rộng, gồm 5 hoạt động: huy động vốn trung, dài hạn từ các tổ chức trong và ngoài nước theo quy định; cho vay các dự án thuộc danh mục lĩnh vực đầu tư, cho vay; đầu tư, bao gồm đầu tư theo hình thức hợp đồng hoặc thực hiện dự án đầu tư, thành lập tổ chức kinh tế, đầu tư góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của tổ chức kinh tế; ủy thác cho vay đầu tư, thu hồi nợ, nhận ủy thác quản lý nguồn vốn đầu tư, cho vay đầu tư, thu hồi nợ, các quỹ tài chính nhà nước tại địa phương, các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước; thực hiện nghiệp vụ phát hành trái phiếu chính quyền địa phương theo ủy quyền của UBND cấp tỉnh. 

Cũng theo Dự thảo, UBND tỉnh chỉ thành lập Quỹ khi có nhu cầu và đảm bảo Quỹ hoạt động hiệu quả, đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Nguồn cấp vốn điều lệ cho Quỹ đã được bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn của địa phương tối thiểu là 300 tỷ đồng... 
Việc sửa đổi, bổ sung và sớm ban hành Nghị định trên là yêu cầu cần thiết nhằm góp phần hoàn thiện khung pháp lý và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với Quỹ. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần xem xét, ban hành thêm các văn bản pháp luật mới để điều chỉnh kịp thời các tình huống phát sinh, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của Quỹ.

Mặt khác, để nâng cao hiệu quả hoạt động, các Quỹ cần đẩy mạnh đầu tư trực tiếp và gián tiếp, nhất là Quỹ Đầu tư phát triển của các tỉnh. Theo đó, ngoài việc tiếp tục phục vụ mục tiêu, kế hoạch phát triển của chính quyền cấp tỉnh, các Quỹ này cần chủ động thực hiện việc đầu tư trực tiếp theo cơ chế thị trường, nâng cao hiệu quả của các dự án đầu tư, có biện pháp huy động thêm các nguồn vốn để phục vụ mục tiêu đầu tư của Quỹ.

Giải pháp quan trọng nữa là tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán để giám sát và đánh giá hiệu quả hoạt động của Quỹ, từ đó có định hướng cho quá trình hoạt động tiếp theo. Bởi lẽ, việc cho phép Quỹ mở rộng phạm vi hoạt động như Dự thảo Nghị định trên có thể sẽ làm gia tăng rủi ro trong hoạt động của Quỹ.
 
Qua kiểm toán Quỹ Đầu tư phát triển địa phương giai đoạn 2012-2018, KTNN khu vực I đã kiến nghị các Quỹ nghiêm túc thực hiện quy định về cho vay, ứng vốn; thu hồi vốn vay, vốn tạm ứng và cổ phần hóa DN, tái cơ cấu nền kinh tế. Đồng thời, KTNN khu vực I đã kiến nghị: các cơ quan có thẩm quyền bổ sung, trích lập đủ Quỹ theo đúng quy định, xử lý trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức liên quan đến các sai phạm trong việc quản lý, sử dụng Quỹ; Hội đồng Quản lý Quỹ nghiêm túc đánh giá hoạt động của các Quỹ để đảm bảo sử dụng hiệu quả nguồn lực công.
 
HOÀNG THỊ CÚC
KTNN khu vực I

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

Từ ngày 01/11: Gọi 156 miễn phí để phản ánh cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo

Từ ngày 01/11: Gọi 156 miễn phí để phản ánh cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo

(BKTO) - Từ ngày 01/11, khi nhận các cuộc gọi rác có dấu hiệu lừa đảo, người dân có thể gọi hoặc nhắn tin miễn phí tới số 156 để thông báo.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201