Thứ Tư, 17/4/2024 - 00:34:03 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Phương án nào cho tăng lương tối thiểu vùng năm 2019?

THỨ HAI, 06/08/2018 09:25:00 | BẠN ĐỌC QUAN TÂM
(BKTO) - Trong khi Tổng Liên đoàn lao động (LĐLĐ) Việt Nam đề xuất mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2019 là 8% thì Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) lại đưa ra mức tăng rất thấp, chỉ 2%. Sự bất đồng quan điểm của 2 cơ quan đại diện cho người lao động (NLĐ) và giới chủ DN khiến Hội đồng tiền lương quốc gia (gọi tắt là Hội đồng) cũng lúng túng khi đề xuất phương án tăng lương cuối cùng lên Chính phủ.

Tiền lương chưa đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu

Theo đề xuất của Tổng LĐLĐ Việt Nam, phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2019 là 8% (tăng từ 220 nghìn đồng đến 330 nghìn đồng). Phương án này sẽ đáp ứng được 95,4% nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ.

Căn cứ để Tổng LĐLĐ Việt Nam đưa ra phương án trên là quy định của Bộ luật Lao động: “Mức lương tối thiểu là mức thấp nhất trả cho NLĐ làm công việc giản đơn nhất, trong điều kiện lao động bình thường và phải bảo đảm nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ và gia đình họ”.

Bên cạnh đó, Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 19/5/2018 của Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành T.Ư khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và NLĐ trong DN (Nghị quyết 27), xác định: “Thực hiện điều chỉnh tăng mức lương tối thiểu vùng phù hợp tình hình phát triển kinh tế - xã hội, khả năng chi trả của DN để đến năm 2020 mức lương tối thiểu bảo đảm mức sống tối thiểu của NLĐ và gia đình họ”. Ngoài ra, phương án này còn được xây dựng dựa trên các khảo sát của Tổng LĐLĐ Việt Nam về tiền lương, thu nhập, đời sống của NLĐ năm 2018; đồng thời căn cứ vào tình hình phát triển kinh tế - xã hội vừa qua (năm 2017, tổng sản phẩm trong nước tăng khoảng 7%, chỉ số giá tiêu dùng tăng khoảng 4%; năng suất lao động xã hội tăng trên 5%...). “Những kết quả đạt được thời gian qua một phần nhờ đóng góp của NLĐ. Do đó, giới chủ cũng cần để NLĐ được hưởng thành tựu chung này” - ông Lê Đình Quảng - Phó Trưởng Ban Quan hệ lao động (Tổng LĐLĐ Việt Nam) nhấn mạnh. 

Trái ngược với quan điểm của Tổng LĐLĐ Việt Nam, đại diện VCCI cho rằng, thời điểm này, không nên đề xuất tăng lương tối thiểu vùng. “Việc không tăng lương tối thiểu nhằm bồi dưỡng sức DN, hỗ trợ đào tạo và nâng cao tay nghề của NLĐ trong DN” - ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch VCCI lý giải và cho rằng đa số ý kiến thành viên đều không đồng ý điều chỉnh. 

Với đề xuất này, mức lương tối thiểu vùng giữ nguyên như năm 2018, trong đó, vùng 1 là 3,98 triệu đồng/tháng; vùng 2 là 3,53 triệu đồng/tháng; vùng 3 ở mức 3,09 triệu đồng/tháng và vùng 4 là 2,76 triệu đồng/tháng.

Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), Chủ tịch Hội đồng Doãn Mậu Diệp nhấn mạnh, theo Nghị quyết 27, tinh thần cải cách tiền lương tiến tới Nhà nước sẽ không can thiệp vào chính sách tiền lương của DN; từ đó, thúc đẩy cơ chế thương lượng giữa người sử dụng lao động và NLĐ. Tuy nhiên, việc điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng là cần thiết và nhằm bảo vệ NLĐ yếu thế, đồng thời là một trong những căn cứ để thoả thuận tiền lương và điều tiết thị trường lao động. 

Chưa tìm được tiếng nói chung

Sự bất đồng của 2 cơ quan đại diện cho NLĐ và DN tiếp tục được thể hiện, khi phiên đàm phán lần 2 về lương tối thiểu vùng năm 2019 do Hội đồng tổ chức mới đây kết thúc mà chưa có kết quả cuối cùng. Mặc dù vậy, tại phiên đàm phán lần này, khoảng cách của 2 cơ quan đã được kéo gần, trong khi Tổng LĐLĐ Việt Nam vẫn giữ nguyên phương án tăng 8%, thì VCCI đề xuất mức tăng là 2%, thay vì đề xuất không tăng như tại phiên đàm phán trước đó. 

Theo ông Hoàng Quang Phòng, việc điều chỉnh mức đề xuất 2% đã tính tới sự cân đối giữa đảm bảo năng lực cạnh tranh của DN và cải thiện chất lượng việc làm, tạo thêm nguồn việc làm mới. “Mức đề xuất điều chỉnh 2% đã được VCCI cân nhắc kỹ trước khi đưa ra và phải vượt qua nhiều quan điểm trái chiều từ phía các tổ chức thành viên” - ông Phòng nhấn mạnh.  

Trong khi đó, bảo vệ quan điểm giữ nguyên đề xuất tăng 8%, ông Vũ Quang Thọ - thành viên Hội đồng, Viện trưởng Viện Công nhân Công đoàn (Tổng LĐLĐ Việt Nam) - cho rằng, mức tăng trên đã căn cứ vào mức trượt giá và điều kiện sinh hoạt của NLĐ hiện nay. Ông Thọ cũng cho biết: “Nếu không duy trì mức tăng 8% năm 2019, sang năm 2020, tỷ lệ tăng lương tối thiểu sẽ phải rất cao để thực hiện lộ trình đã nêu của Nghị quyết 27. Đây là điều mà VCCI nên cân nhắc”. 

Ông Lê Đình Quảng cũng nhấn mạnh, mục đích cuối cùng tại các buổi đàm phán là tìm được tiếng nói đồng thuận, nhưng không vì thế mà Tổng LĐLĐ Việt Nam thay đổi quan điểm, khiến NLĐ phải chịu ảnh hưởng. “Thực tế ai cũng thấy, đó là trong khi các mặt hàng thay nhau “phi mã” tăng giá thì lương của NLĐ lại tăng rất chậm và nhiều gia đình, đặc biệt là công nhân phải sống rất chật vật” - ông Quảng phân tích thêm. 
 
Theo bà Tống Thị Minh - thành viên Hội đồng, Cục trưởng Cục Quan hệ lao động và tiền lương (Bộ LĐ-TB&XH) - đơn vị này vẫn bỏ ngỏ phương án tăng lương tối thiểu vùng và tiếp tục lắng nghe ý kiến của 2 cơ quan đại diện cho NLĐ và DN. “Với vai trò điều phối, Hội đồng sẽ tiếp tục hướng các cơ quan có liên quan đến tiếng nói chung, trên cơ sở báo cáo phân tích của bộ phận kỹ thuật về mức sống tối thiểu” - bà Minh cho biết. 

Với kết quả như trên, Hội đồng sẽ họp phiên cuối cùng dự kiến vào đầu tháng 8 tới đây để chốt phương án trước khi tư vấn cho Chính phủ điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng năm 2019.

PHỐ HIẾN
Theo Báo Kiểm toán số 31 ra ngày 02/8/2018

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

Từ ngày 01/11: Gọi 156 miễn phí để phản ánh cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo

Từ ngày 01/11: Gọi 156 miễn phí để phản ánh cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo

(BKTO) - Từ ngày 01/11, khi nhận các cuộc gọi rác có dấu hiệu lừa đảo, người dân có thể gọi hoặc nhắn tin miễn phí tới số 156 để thông báo.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201