Thứ Sáu, 29/3/2024 - 06:01:41 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Hàng không luôn sẵn sàng mở lại đường bay quốc tế

THỨ HAI, 15/06/2020 08:20:00 | BẠN ĐỌC QUAN TÂM
(BKTO) - Hàng không Việt Nam đang có sự phục hồi mạnh mẽ. Nhiều ý kiến cho rằng, các hãng hàng không cần tận dụng lợi thế của một quốc gia sớm khống chế được dịch bệnh để khai thác tốt thị trường nội địa, tiếp đến là thị trường quốc tế khi thế giới đẩy lùi được dịch Covid-19.


DN hàng không thiệt hại nặng nề giữa vòng xoáy Covid-19. Ảnh: TTXVN

Thị trường nội địa dần phục hồi mạnh mẽ

Theo tính toán, trong đại dịch Covid-19, ngành hàng không là một trong những lĩnh vực chịu tác động nặng nề nhất, với tổn thất toàn ngành khoảng 40.000 tỷ đồng. Thống kê của Cục Hàng không Việt Nam cho thấy, giai đoạn từ 19/4 đến 18/5, 5 hãng hàng không gồm: Vietnam Airlines, Vietjet Air, Bamboo Airways, Jetstar Pacific và Vasco đã thực hiện 8.623 chuyến bay nội địa. Số chuyến bay tuy giảm 70% so với cùng kỳ năm 2019 song so với tháng trước cũng đã tăng tới 73,7%. Trước đó, từ ngày 01 đến 15/4, Việt Nam đã thực hiện giãn cách xã hội nhằm kiểm soát dịch Covid-19, hoạt động vận chuyển hành khách trong đó có vận chuyển bằng đường hàng không cơ bản bị tạm dừng. Cho đến ngày 23/4, các hãng hàng không được khai thác trở lại các đường bay nội địa với tần suất hạn chế.

Chủ tịch Tập đoàn FLC kiêm Chủ tịch Hãng hàng không Bamboo Airways Trịnh Văn Quyết cho biết, đến thời điểm này, Chính phủ, các Bộ, ngành đã kịp thời vào cuộc, vì thế, khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã và đang được tháo gỡ cho các đơn vị ngành hàng không. Hiện tại, Bamboo Airways đã có tần suất bay nội địa đạt đến 90%, toàn bộ đường bay trong nước được phủ kín trong tháng 6/2020. Nếu nhu cầu đi lại bình thường, dự kiến trong tháng 7/2020, số chuyến bay của Hãng sẽ bằng với trước dịch. Đồng thời, các đường bay đến Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc cũng sẽ sẵn sàng bay khi đủ điều kiện an toàn.  

Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Võ Huy Cường thông tin, đến thời điểm này, thị trường hàng không nội địa đang phục hồi khi đường bay đã đạt 80% so với lúc cao điểm Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, tổng thị trường vẫn còn nhiều khó khăn do chưa có khách quốc tế. Hiện Bamboo Airways và Vietjet Air còn khoảng một nửa đội tàu bay chưa cất cánh, tỷ lệ này với Vietnam Airline còn lớn hơn vì các chuyến bay quốc tế hiện vẫn chưa có.

Theo lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam, trong khó khăn của dịch bệnh, các hãng hàng không Việt đã tìm ra hướng đi mới là dùng máy bay chở khách để chở hàng. Trong 4 tháng qua, Vietnam Airlines và Vietjet Air đã đẩy mạnh hoạt động này, nếu tính riêng bay chở hàng các hãng đang có lãi. Để tận dụng hoạt động này và tăng diện tích xếp hàng hóa, các hãng đã được Cục Hàng không Việt Nam và nhà sản xuất tàu bay (Boeing, Airbus) chấp thuận cho tạm tháo một số hàng ghế hành khách để xếp hàng hóa, nhưng phải đảm bảo các điều kiện về an toàn bay, các yêu cầu kỹ thuật, tải trọng... 

Kết hợp chặt chẽ với các lĩnh vực liên quan 

Thừa nhận ngành hàng không chịu tác động nặng nề do Covid-19, chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch cho rằng, ngành hàng không có tác động rất lớn tới nền kinh tế. Khó khăn hiện tại của ngành hàng không chỉ như "cái cây thiếu nước" nhưng "bộ rễ" vẫn tốt, chỉ cần có một "cơn mưa" là có thể "đâm chồi nảy lộc" và "cơn mưa" đầu tiên chính là thúc đẩy hàng không nội địa. Để làm được điều này, ngành hàng không và các địa phương cần kết hợp chặt chẽ với nhau để từng bước trỗi dậy, tạo cú hích phát triển. Đồng thời, các hãng hàng không cũng phải tự làm mới mình bằng cách thay đổi trật tự, sắp xếp lại các đường bay, chuyến bay... 

Trong khi đó, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia Lê Xuân Nghĩa cho rằng, thị trường du lịch nội địa đang dần phục hồi. Khi giảm giá hàng không, du lịch sẽ kích cầu. Tuy nhiên, các DN không nên giảm giá vô hạn. “Gần đây, ngành hàng không có hiện tượng các DN cạnh tranh chưa lành mạnh, đấu tranh sống còn với nhau, điều này chỉ hợp với các ngành kinh doanh hàng hóa. Trong khi, hàng không cần đầu tư lớn, nếu cạnh tranh như vậy thì sẽ ảnh hưởng đến lợi ích chung. Do đó, "Chính phủ cần có sự kiểm soát để tạo sự công bằng và cùng nhau phát triển giữa các hãng” - ông Nghĩa đề xuất. Gợi mở về thị trường quốc tế, ông Nghĩa cho rằng, sau khi kiểm soát tốt dịch bệnh, Việt Nam cần tận dụng cơ hội này để phục hồi đường bay quốc tế, trong đó cần tập trung trọng điểm vào khu vực Đông Bắc Á, Đông Nam Á - đây là những khu vực kiểm soát tốt dịch bệnh và cũng là thị phần rộng lớn của các hãng bay Việt.

Theo nhận định của ông Võ Huy Cường, để phục hồi hoàn toàn thị trường hàng không thì phải đợi đến lúc thị trường quốc tế mở cửa trở lại. Tuy nhiên, chúng ta phải sẵn sàng khi thế giới kiểm soát được dịch bệnh và các rào cản về nhập cảnh, cách ly được xóa bỏ. Hiện tại, chưa có vắc-xin phòng, chống Covid-19 thì có thể tạo dựng khu vực đi lại an toàn giữa Việt Nam với Hàn Quốc, Hồng Kông. Ngoài ra, Việt Nam cũng đang nghiên cứu để xây dựng đường bay chở khách an toàn với Pháp.

LÊ HÒA

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

Từ ngày 01/11: Gọi 156 miễn phí để phản ánh cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo

Từ ngày 01/11: Gọi 156 miễn phí để phản ánh cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo

(BKTO) - Từ ngày 01/11, khi nhận các cuộc gọi rác có dấu hiệu lừa đảo, người dân có thể gọi hoặc nhắn tin miễn phí tới số 156 để thông báo.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201