Thứ Bảy, 20/4/2024 - 23:14:52 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Đẩy mạnh kiểm soát chất lượng đào tạo từ xa

THỨ HAI, 13/05/2019 16:03:00 | BẠN ĐỌC QUAN TÂM
(BKTO) - Đây là ý kiến của nhiều chuyên gia giáo dục và cũng là kiến nghị của KTNN đối với đào tạo từ xa (ĐTTX) - phương thức đào tạo đang gây nhiều tranh cãi về chất lượng, sự phù hợp và tính hiệu quả trong thực tế hiện nay.


Đào tạo từ xa đang bị thả nổi

Chương trình ĐTTX được thực hiện ở Việt Nam từ năm 1993. Phương thức đào tạo chính mà các trường đại học áp dụng là phương thức ĐTTX truyền thống (đào tạo trực tiếp) và phương thức ĐTTX qua công nghệ trực tuyến (E-Learning). Cả nước có 21 trường đại học tiến hành các chương trình ĐTTX nhưng đến nay chỉ có 17 trường đại học tuyển sinh được. Trong khoảng 3 năm trở lại đây, quy mô ĐTTX liên tục giảm sút. Nguyên nhân được xác định là do chương trình không thu hút được người học. Cụ thể, năm 2012, cả nước có 161.047 sinh viên đăng ký theo học 90 chương trình đào tạo (chiếm 6% tổng số sinh viên), tuy nhiên, đến năm 2016, quy mô sinh viên giảm xuống còn 70.425 sinh viên. 
 
Ghi nhận thực tế công tác tuyển sinh của một số trường đại học có hình thức ĐTTX hiện nay như: Đại học Kinh tế Quốc dân, Đại học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội), Học viện Bưu chính Viễn thông... số lượng người quan tâm, đăng ký rất thấp. Trong khi đó, các tài liệu giới thiệu về công tác tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cũng đề cập rất khiêm tốn đến hình thức đào tạo này. 

Theo Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội Nguyễn Tùng Lâm, trong khi bản chất của ĐTTX là dạy và học bằng hình thức trực tuyến thì tại Việt Nam, hình thức học này đã bị biến tướng. Việc dạy và học vẫn theo phương pháp truyền thống, khi thầy và trò vẫn phải đảm bảo thời gian trao đổi, làm việc trực tiếp. Chưa kể, chương trình học cũng chưa có cải tiến để thu hút, hấp dẫn người học.

Theo PGS,TS. Lê Văn Thanh - Nguyên Viện trưởng Viện Đại học Mở, Nguyên Trưởng nhóm chuyên gia khảo sát về ĐTTX của Bộ GD&ĐT - cho rằng, ĐTTX đang bị thách thức rất nghiêm trọng, điều đó được thể hiện qua số lượng tuyển sinh của các trường có ĐTTX trên cả nước giảm rất mạnh nhiều năm liền. Rào cản chính dẫn tới những khó khăn mà các trường có ĐTTX đang gặp phải hiện nay, theo ông Thanh, là thiếu kế hoạch hành động cụ thể ở cấp Bộ, ngành. Nhiều trường có ĐTTX chưa thực sự đầu tư công sức, tài chính để sản xuất học liệu và phát triển công nghệ, dẫn tới việc trường tổ chức dạy học tập trung tại các địa phương thông qua các trạm đào tạo, tạo ra sự biến tướng của loại hình đào tạo này. Nhiều trường chỉ xem hình thức đào tạo này như việc làm thêm để tăng nguồn thu. Bên cạnh đó, quy trình quản lý và đảm bảo chất lượng còn lỏng lẻo dẫn tới chất lượng không đảm bảo, gây quan ngại cho dư luận xã hội.

Tăng cường kiểm soát chất lượng

Trên thực tế, mặc dù đã triển khai được hơn 1 thập kỷ qua nhưng ĐTTX của Việt Nam vẫn đang trong quá trình xây dựng, còn nhiều hạn chế, yếu kém. Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, từ việc xét tuyển đầu vào không chặt chẽ như hệ chính quy, đặc biệt là tổ chức thi - kiểm tra chưa đảm bảo tính khách quan, còn hiện tượng chạy theo số lượng, chạy theo thành tích, dẫn đến chất lượng ĐTTX thấp, kéo theo những định kiến xã hội cho loại hình này.

Những bất cập, hạn chế trong việc triển khai hoạt động đào tạo này cũng từng được KTNN chỉ ra trong quá trình kiểm toán. Cụ thể, tại thời điểm kiểm toán (tháng 5/2018), các cơ sở giáo dục đại học chưa báo cáo về Bộ GD&ĐT kết quả ĐTTX về công tác tuyển sinh, quy mô đào tạo, tổ chức đào tạo, cấp bằng tốt nghiệp trong năm và dự kiến tuyển sinh theo Thông tư số 10/2017/TT-BGDDT ngày 28/4/2017 của Bộ GD&ĐT ban hành quy chế ĐTTX trình độ đại học. Bộ GD&ĐT chưa triển khai thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định về tuyển sinh, đào tạo, cấp bằng ĐTTX của cơ sở giáo dục đại học theo các quy định của pháp luật. 

Kết luận kiểm toán cũng nêu rõ: Qua kiểm toán chi tiết tại Đại học Đà Nẵng cho thấy, đơn vị không tuyển sinh đủ chỉ tiêu, do nhu cầu đào tạo các hệ này không cao. Từ thực tế, KTNN kiến nghị Bộ GD&ĐT có đánh giá về hiệu quả của ĐTTX, từ đó kiểm soát chặt chẽ chất lượng đào tạo cũng như có kế hoạch phù hợp cho hoạt động đào tạo này trong thời gian tới. 

Sự thiếu quan tâm, thiếu kiểm soát chất lượng đối với ĐTTX của Bộ GD&ĐT cũng được thể hiện rất rõ trong Báo cáo tổng kết năm học 2017-2018 và triển khai nhiệm vụ năm học 2018-2019 của Bộ này. Trong khi báo cáo có các biểu mục nêu chi tiết quy mô đào tạo, số lượng sinh viên thì nội dung liên quan đến ĐTTX lại không được đề cập. Trong nội dung phương hướng, nhiệm vụ năm học 2018-2019 cũng không đưa ĐTTX trở thành một nhiệm vụ của ngành; các giải pháp để phát triển ĐTTX cho năm học mới cũng không được nhắc đến... 

Rõ ràng, việc đẩy mạnh kiểm soát chất lượng ĐTTX là yêu cầu đang được đặt ra, nhằm giúp tạo dựng niềm tin cho xã hội về một phương thức đào tạo chưa thực sự phổ biến. Đặc biệt, trong bối cảnh Luật Giáo dục đại học 2018 sửa đổi sẽ có hiệu lực từ ngày 01/7 tới đây, trong đó bỏ quy định hình thức đào tạo trên văn bằng, việc kiểm soát chất lượng ĐTTX cần được coi là một trong những nhiệm vụ đặt ra của ngành giáo dục. Quy định mới này, một mặt sẽ giúp tháo gỡ những rào cản, khó khăn để thúc đẩy ĐTTX phát triển, nhưng mặt khác cũng cần được ngành giáo dục nhìn nhận lại trách nhiệm trong việc quản lý, nâng cao chất lượng ĐTTX, nâng cao chất lượng người học, bởi từ năm học tới, bằng đại học dù được đào tạo chính quy hay từ xa... đều có giá trị ngang nhau.

 PHỐ HIẾN
Theo Báo Kiểm toán số 19 ra ngày 9/5/2019

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

Từ ngày 01/11: Gọi 156 miễn phí để phản ánh cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo

Từ ngày 01/11: Gọi 156 miễn phí để phản ánh cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo

(BKTO) - Từ ngày 01/11, khi nhận các cuộc gọi rác có dấu hiệu lừa đảo, người dân có thể gọi hoặc nhắn tin miễn phí tới số 156 để thông báo.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201