Thứ Sáu, 29/3/2024 - 08:11:35 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Áp dụng khoa học - công nghệ để kéo giảm tai nạn giao thông

THỨ HAI, 16/12/2019 08:25:00 | BẠN ĐỌC QUAN TÂM
(BKTO) - Tai nạn giao thông (TNGT) luôn là một vấn đề "nóng", hậu quả của nó không chỉ tác động trực tiếp đến những người có liên quan mà còn gây thiệt hại to lớn về kinh tế, tinh thần và nhiều hệ lụy khác cho gia đình, xã hội. Nhiều ý kiến cho rằng, ứng dụng thành tựu khoa học - công nghệ là giải pháp phù hợp nhất hiện nay để kéo giảm TNGT.


Lắp camera giám sát giao thông trên cầu Chương Dương (Hà Nội). Ảnh: TTXVN

Tai nạn giao thông tuy giảm nhưng vẫn diễn biến phức tạp

Thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho thấy, mỗi năm trên thế giới có khoảng 1,3 triệu người chết và 50 triệu người bị thương do TNGT. Thiệt hại từ TNGT chiếm khoảng 2,5% GDP toàn cầu, tương đương 1.500 tỷ USD/năm. Với các nước đang phát triển, đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, GDP còn thấp như Việt Nam, thiệt hại do TNGT gây ra là rất nghiêm trọng. Do vậy, từ năm 2011 đến nay, 5 nghị quyết đã được ban hành với mục tiêu đến năm 2020, số người chết và bị thương do TNGT được kéo giảm bằng 50% so với năm 2010.

Theo Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia (UBATGTQG), 10 năm trước, TNGT ở Việt Nam cướp đi sinh mạng của khoảng 12.000 người/năm, đến năm 2018, con số này chỉ còn khoảng 8.000 người. 11 tháng năm 2019, số người tử vong do TNGT là 6.975 người. Dự kiến, năm 2019 sẽ là năm đầu tiên trong 20 năm qua, Việt Nam sẽ kéo giảm số người thiệt mạng do TNGT xuống dưới 8.000 người. Mặc dù số vụ, số người chết, số người bị thương do TNGT đã được kiềm chế song TNGT vẫn diễn biến phức tạp, trung bình mỗi ngày vẫn có 20 người chết và 50 người bị thương do TNGT. 

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng TNGT là do lái xe sử dụng ma túy, rượu bia, vi phạm Luật Giao thông đường bộ… đặc biệt là sự phát triển “chóng mặt” của lượng xe máy trong những năm vừa qua. Năm 1990, cả nước có khoảng 1,2 triệu xe máy, đến hết năm 2018, con số này đã tăng lên trên 62 triệu xe, cao gấp 49 lần. Theo TS. Nguyễn Hữu Đức - chuyên gia Tư vấn cao cấp, Công ty ALMEC Việt Nam, mặc dù ô tô dễ gây TNGT nhiều hơn xe máy 4 - 6 lần nhưng do số lượng xe máy áp đảo, gấp 15 lần ô tô, đồng thời người ngồi trên xe máy chỉ có mỗi mũ bảo hiểm làm vật che chắn nên dễ bị thương vong do TNGT hơn. Vì vậy, số vụ TNGT liên quan đến xe máy chiếm tỷ lệ đáng kể. Từ năm 2013-2017, tỷ lệ TNGT liên quan xe máy lên tới hơn 82% số vụ, trên 84% số người chết và gần 90% số bị thương. Tuy nhiên, do chưa có công cụ hữu hiệu, cơ quan chức năng vẫn đang gặp khó trong việc thống kê chính xác số lượng xe máy lưu hành để hoạch định chính sách phù hợp. 

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao

Nhằm kéo giảm tình trạng số người chết và bị thương do TNGT gây ra, nhiều ý kiến cho rằng, cần có chế tài mạnh hơn để giảm thiểu mức độ vi phạm của người tham gia giao thông, nhất là đối với người tham gia giao thông bằng phương tiện xe gắn máy. Mặt khác, để tăng cường hiệu quả giám sát và tăng tính răn đe, ngành chức năng cần nghiên cứu, tiến hành lắp đặt camera tại các nút giao thông để có thể ghi lại những hình ảnh vi phạm, từ đó có hình thức “phạt nguội” đối với người tham gia giao thông vi phạm.

Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Biển Bạc Trần Trọng Vinh cho biết, việc ứng dụng công nghệ trong đảm bảo an toàn giao thông không chỉ là sử dụng hệ thống camera giám sát thông thường để theo dõi hoạt động, diễn biến giao thông trên đường mà còn có sự xuất hiện của giải pháp giám sát và xử lý vi phạm giao thông bằng hình ảnh trên nền tảng trí tuệ nhân tạo (AI). Công nghệ AI sẽ phát hiện, phân tích, cảnh báo trước các hành vi vi phạm, phát hiện lái xe có nguy cơ gây TNGT và đưa ra cảnh báo kịp thời. Giải pháp này sẽ hỗ trợ tối đa cảnh sát giao thông trong việc phát hiện lái xe vi phạm, gây mất an ninh trật tự và nguy hiểm đến tính mạng của người tham gia giao thông.

Trong khi đó, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học - Công nghệ (Bộ GTVT) Doãn Minh Tâm nhìn nhận, đối với quản lý nhà nước về an toàn giao thông, việc xác định chính xác lưu lượng xe có vai trò quan trọng. Tuy nhiên, các dự án của ngành GTVT đều dựa vào các con số khảo sát lưu lượng xe được đo đếm thủ công, chưa có hệ thống đếm xe tự động để có con số thực là bất cập lớn. Do đó, tới đây, cần ứng dụng công nghệ cao vào việc này để có con số chính xác. Bởi, muốn công tác bảo đảm an toàn giao thông hiện đại, phải có hệ thống đếm xe tự động.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể - Chủ tịch UBATGTQG - cho biết, UBATGTQG, Bộ GTVT mong muốn hình thành hệ thống giám sát tự động để giám sát hoạt động vận tải, các điểm giao thông phức tạp, xử lý tốt vi phạm theo hướng “phạt nguội”. Đồng thời, hệ thống này cũng sẽ được dùng để quản lý mặt đường, vỉa hè. Hiện nay, Nghị định số 46/2016/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt đã có quy định cho việc xử “phạt nguội”, vì vậy, cần có nhiều giải pháp để hình thức xử phát này hiệu quả hơn.

LÊ HÒA

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

Từ ngày 01/11: Gọi 156 miễn phí để phản ánh cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo

Từ ngày 01/11: Gọi 156 miễn phí để phản ánh cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo

(BKTO) - Từ ngày 01/11, khi nhận các cuộc gọi rác có dấu hiệu lừa đảo, người dân có thể gọi hoặc nhắn tin miễn phí tới số 156 để thông báo.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201