Thứ Bảy, 4/5/2024 - 14:49:15 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Vì sao sớm sửa đổi Bộ luật Lao động?

THỨ NĂM, 09/06/2016 10:05:00 | AN SINH XÃ HỘI
(BKTO) - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) dự kiến sẽ sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động 2012 để trình Quốc hội cho ý kiến vào tháng 5/2017. Vì sao một Bộ luật có hiệu lực mới được hơn 3 năm (tính từ ngày 01/5/2013) nhưng cơ quan soạn thảo đã sớm tính đến phương án sửa luật?


Bộ luật Lao động hiện nay còn nhiều bất cập cần phải sửa đổi. Ảnh: TL  
 
Cần thiết sửa đổi Bộ luật Lao động

Lý giải vấn đề trên, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ LĐ-TB&XH) Mai Kế Thiện cho biết: Nội dung của các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA) mà Việt Nam tham gia gần đây không chỉ quy định các vấn đề liên quan trực tiếp đến thương mại mà còn bao gồm cả các vấn đề phi thương mại. Trong lĩnh vực lao động, nội dung của các FTA căn cứ vào các tiêu chuẩn lao động quốc tế cơ bản tại Tuyên bố 1998 của Tổ chức lao động quốc tế (ILO). Tuy nhiên, Bộ luật Lao động 2012 và các văn bản quy định chi tiết chưa hoàn toàn đáp ứng được một số yêu cầu của các tiêu chuẩn lao động quốc tế cơ bản. Bởi vậy, việc sửa Bộ luật Lao động thời gian tới là nhằm đáp ứng yêu cầu của các cam kết trong hội nhập. Mặt khác, một số luật được ban hành gần đây có nhiều quy định mới liên quan đến việc điều chỉnh quan hệ lao động như Luật Hình sự, Luật DN, Luật Tố tụng dân sự và các Luật chuyên ngành tách ra từ nội dung của Bộ luật Lao động. Điều này đòi hỏi Bộ luật Lao động 2012 phải sửa đổi, bổ sung cho phù hợp và đồng bộ với hệ thống pháp luật.

Không thể phủ nhận quyết tâm, nỗ lực đưa Bộ luật Lao động đi vào cuộc sống từ phía cơ quan quản lý Nhà nước khi hơn 3 năm qua, khoảng 60 Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành luật được ban hành, trong đó có một số Nghị định quan trọng về điều chỉnh quan hệ lao động tại DN. Song Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Trương Văn Cẩm nhận định nhiều Nghị định, hướng dẫn còn chồng chéo, trùng lắp. Đơn cử, cùng một vấn đề về hợp đồng lao động nhưng có tới 2 văn bản hướng dẫn là Nghị định 44/2013/NĐ-CP và Nghị định 05/2015/NĐ-CP. Điều này dẫn đến tình trạng, nhiều khi một vấn đề nhưng DN phải đọc tới vài Nghị định mới có thể áp dụng, triển khai được.

Qua theo dõi thi hành pháp luật lao động cũng như tiếp nhận những kiến nghị của địa phương và DN, đại diện Bộ LĐ-TB&XH, ông Mai Kế Thiện thẳng thắn thừa nhận dù đã qua 4 lần sửa đổi, bổ sung nhưng Bộ luật Lao động vẫn bộc lộ những điểm hạn chế cần khắc phục, tránh chồng chéo, mâu thuẫn, gây khó khăn cho DN trong quá trình thực hiện.

DN đề xuất sửa đổi nhiều chính sách

Thực tiễn trên cho thấy, việc sửa đổi Bộ luật Lao động là cần thiết song vấn đề đặt ra là: “Sửa luật thế nào để bảo vệ quyền lợi của người lao động, đảm bảo sự phát triển của DN và phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của đất nước?” - Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân nhấn mạnh.

Một trong những nội dung được DN kiến nghị sửa đổi là lương tối thiểu. Đại diện cho cộng đồng DN, ông Trương Văn Cẩm chỉ rõ Bộ luật Lao động quy định lương tối thiểu đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu của bản thân người lao động và gia đình họ; trong khi đó, nhu cầu sống tối thiểu luôn biến động. Quy định này chưa có cơ sở chắc chắn, dẫn đến gây nhiều tranh cãi trong thời gian qua. Mặt khác, tiền lương không chỉ để trả thù lao cho người lao động mà còn là công cụ khuyến khích người lao động làm việc, nâng cao năng suất lao động.Với quy định như hiện nay, lương tối thiểu vùng đã bằng khoảng 70% thu nhập trung bình của toàn bộ khu vực làm công ăn lương. Điều này đã triệt tiêu các hình thức thưởng để động viên, khuyến khích người lao động làm việc. Do vậy, tới đây khi sửa đổi Bộ luật Lao động, cách tính lương tối thiểu cần phải được nghiên cứu, điều chỉnh lại cho phù hợp.

Bất cập khác trong quá trình thực thi Bộ luật Lao động chính là các quy định về đối thoại, thỏa ước lao động tập thể. Mặc dù nội dung này được nêu rõ trong Bộ luật Lao động nhưng theo ông Trương Văn Cẩm, việc thực thi chính sách lại nảy sinh nhiều vấn đề. Chẳng hạn, nhiều DN chưa thực hiện đối thoại ba tháng một lần theo quy định. Hay, để tổ chức một cuộc đình công phải mất 20-22 ngày nhưng vì bức xúc nên người lao động không chờ đến khi các thủ tục hoàn tất mới đình công. Điều này lý giải tại sao từ năm 2000 đến nay, có khoảng gần 7.000 cuộc đình công thì phần lớn các cuộc đình công đều trái luật.
Cùng với đó, không ít DN còn kiến nghị sửa đổi quy định về giờ làm thêm. Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Hưng Yên Nguyễn Xuân Dương nêu quan điểm: Ở các nước phát triển như Nhật Bản, Trung Quốc luật pháp cho phép người lao động làm thêm 600-700 giờ/năm; còn ở Việt Nam, Bộ luật Lao động hiện hành quy định DN phải đảm bảo số giờ làm thêm của người lao động không vượt quá 30 giờ/tháng, 200 giờ/năm. Quy định này là quá khắt khe khiến DN khó xoay sở, dễ phạm luật và làm giảm thu nhập của người lao động. Do đó, cơ quan quản lý Nhà nước nên để cho DN và người lao động thỏa thuận giờ làm thêm theo khung.

Mang đến Hội nghị đối thoại với DN do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức mới đây nhiều tâm tư, đề xuất, cộng đồng DN đã giúp cơ quan quản lý Nhà nước nhận thức rõ hơn việc sửa đổi, bổ sung Bộ luật Lao động không chỉ đáp ứng yêu cầu của hội nhập, đảm bảo đồng bộ với hệ thống pháp luật mà cần góp phần tháo gỡ những điểm nghẽn trong môi trường kinh doanh, tạo động lực cho DN phát triển.

NGỌC MAI  

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201