Thứ Tư, 24/4/2024 - 10:32:40 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Nguy cơ cháy nổ - Nỗi “ám ảnh” tại các đô thị!

THỨ NĂM, 09/07/2015 09:05:00 | AN SINH XÃ HỘI
(BKTO) - Không chỉ gia tăng về số vụ lẫn mức độ thiệt hại, tình hình cháy, nổ được nhận định là ngày càng có diễn biến phức tạp hơn. Trong Hội thảo khu vực ASEAN với chủ đề “Phòng chống hỏa hoạn ở các đô thị” do Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam phối hợp với Bộ Công an tổ chức mới đây tại Hà Nội, nhiều đại biểu tham dự đã tập trung phân tích, thảo luận làm rõ và bàn giải pháp khắc phục vấn đề này.


Trung bình cả nước mỗi năm có gần 2.000 vụ cháy, gây thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng. Ảnh: T.K
 
Cháy, nổ ở đô thị ngày càng gia tăng, phức tạp

Theo số lượng thống kê trong 5 năm qua (2010-2014), trung bình mỗi năm cả nước xảy ra gần 2.000 vụ cháy, làm chết và bị thương gần 300 người, thiệt hại về tài sản hàng nghìn tỷ đồng. Riêng đối với khu vực thành thị, số vụ cháy nổ luôn chiếm tỷ lệ khá cao, chiếm 53,8% trong năm 2014 và 6 tháng đầu năm 2015, tỷ lệ này là 56,3%.

Tình hình cháy, nổ có chiều hướng gia tăng cả về số vụ và mức độ thiệt hại, ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, trật tự, an toàn, xã hội và môi trường đầu tư. Điều đáng nói, Việt Nam cũng như phần lớn các quốc gia trong khu vực ASEAN lại thường xuyên phải đối mặt với các vấn đề hỏa hoạn ở đô thị. Tại Hà Nội, nguy cơ cháy nổ đã trở thành nỗi “ám ảnh” đối với công tác quản lý và cuộc sống của người dân. Năm 2014, toàn thành phố đã xảy ra 166 vụ cháy, trong đó có 42% các vụ cháy, nổ xảy ra tại nhà dân. Nguyên nhân phần lớn là do sơ suất, bất cẩn trong việc sử dụng nguồn lửa, nguồn điện dẫn đến hỏa hoạn. Nửa đầu năm 2015, thành phố đã xảy ra 84 vụ cháy, nổ làm 18 người chết và bị thương, thiệt hại tài sản ước tính 13 tỷ đồng. Trên địa bàn TP.HCM, trong năm 2014 đã xảy ra hơn 1.400 vụ tai nạn, sự cố liên quan đến cháy, nổ, làm chết và bị thương hơn 60 người, tổng tài sản thiệt hại ước tính khoảng 45 tỷ đồng. Trong đó, hơn 50% số vụ việc xảy ra tại nhà dân.

Tình hình cháy, nổ ngày càng có diễn biến phức tạp, tuy nhiên, công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) hiện nay được cho là còn nhiều bất cập. Con số thống kê được công bố tại hội thảo cho thấy: Tại TP.HCM, khoảng 2.700 người dân có 1 chiến sĩ PCCC, con số này tại Hà Nội còn cao hơn (3.500 người dân mới có 1 chiến sĩ PCCC). Do vậy, lực lượng PCCC chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế về PCCC. Chưa kể, lực lượng cảnh sát PCCC còn yếu về nghiệp vụ; phương tiện cứu nạn, cứu hộ và các điều kiện hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu. 

Nhiều thách thức, trở ngại

Tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh, kéo theo đó là số lượng người dân tập trung tại các khu vực đô thị trở nên đông đúc, không gian chật hẹp khiến phương tiện chữa cháy cơ giới khó tiếp cận. Trong khi đó, hệ thống cảnh báo, chữa cháy, cứu nạn tại các khu dân cư, khu đô thị, đặc biệt là các đô thị xây dựng về trước còn yếu kém. Tổng kết từ thực tiễn cháy, nổ trong nhiều năm qua cho thấy: nguyên nhân chủ yếu dẫn đến cháy, nổ là do ý thức chủ quan của người dân, chiếm khoảng 50% số vụ cháy, nổ xảy ra tại nhà dân.

Một bất cập khác gây cản trở cho công tác PCCC được nhiều đại biểu đề cập, đó là việc quy hoạch hệ thống cấp nước, đường ống và trụ nước phục vụ cho việc lấy nước khi xảy ra hỏa hoạn tại nhiều đô thị, thành phố vẫn chưa đảm bảo... Tại hội thảo, nhiều giải pháp đã được đưa ra nhằm khắc phục những hạn chế trong công tác PCCC ở đô thị Việt Nam. Trong đó, việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật nhằm nâng cao nhận thức, kiến thức cho người dân về PCCC, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm toán an toàn PCCC được coi là những giải pháp trọng tâm.

Trước những diễn biến phức tạp của tình hình cháy, nổ diễn ra vừa qua, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 47-CT/TW ngày 25/6/2015 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCCC. Chỉ thị nêu rõ: bên cạnh các biện pháp phòng ngừa, cần kịp thời chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ các vụ cháy, nổ để hạn chế thiệt hại về người và tài sản, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện là nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, DN trong việc phòng chống cháy, nổ; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến kiến thức, pháp luật về PCCC và cứu nạn, cứu hộ; lấy công tác phòng ngừa làm chính.

Những năm gần đây, công tác kiểm toán an toàn PCCC tại nhiều nước trên thế giới rất được quan tâm. Điển hình như tại Ấn Độ, sau hàng loạt các vụ cháy liên tiếp xảy ra tại các chung cư cao tầng, công tác kiểm toán an toàn PCCC, các chỉ tiêu an toàn PCCC và Đạo luật PCCC, an toàn quốc gia được đặc biệt chú trọng. Chủ các tòa nhà phải nộp báo cáo kiểm toán công tác PCCC 6 tháng 1 lần tới Cục Cảnh sát PCCC. Tại Australia, Chính phủ nước này đề cao tầm quan trọng của công tác kiểm toán an toàn PCCC sau khi kiểm toán phát hiện nhiều sai phạm trong công tác PCCC. Nhiều bang của Mỹ cũng đã thành lập Ủy ban Kiểm toán an toàn PCCC đối với các tuyến đường sắt, củng cố trang thiết bị và nhân lực PCCC.

NGUYỄN LỘC

 

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201