Thứ Sáu, 26/4/2024 - 15:12:15 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Nâng cao vai trò, hiệu quả giám sát, phản biện xã hội của cơ quan Mặt trận các cấp

THỨ SÁU, 22/02/2019 21:25:00 | AN SINH XÃ HỘI
(BKTO)- Sáng ngày 22/2, tại Hà Nội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam tổ chức Hội nghị Sơ kết 5 năm thực hiện Quyết định số 217-QĐ/TW và Quyết định số 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị (Khóa XI) về quy chế giám sát, phản biện xã hội và góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của hệ thống MTTQ Việt Nam.


Bên cạnh việc khẳng định những kết quả quan trọng đã đạt được, Báo cáo của MTTQ Việt Nam cũng nêu lên nhiều vấn đề cần rút kinh nghiệm, từ đó nâng cao vai trò giám sát, phản biện xã hội của MTTQ các cấp.

Nhiều kết quả quan trọng

Báo cáo sơ kết 5 năm triển khai các hoạt động giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của hệ thống MTTQ Việt Nam, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực cho biết, sau 5 năm, công tác giám sát, phản biện xã hội và tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp thực hiện theo Quyết định số 217-QĐ/TW, Quyết định 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị đã có nhiều chuyển biến, tiến bộ và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Qua đó, MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội thực hiện rõ nét hơn chức năng đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và nhân dân, được Đảng, Nhà nước, các cấp, ngành và nhân dân đánh giá cao.

Thực hiện Quyết định 217, Quyết định 218 của Bộ Chính trị, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các cấp đã quan tâm xây dựng, ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, phối hợp hoạt động giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội ở địa phương; đặc biệt quan tâm xây dựng cơ chế, điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động giám sát, phản biện xã hội, góp ý.
 

Toàn cảnh Hội nghị- Ảnh: Q. Vinh

Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp đã làm tốt vai trò chủ trì phối hợp với các tổ chức chính trị- xã hội, các tổ chức thành viên khác. Từ năm 2018, Ủy ban MTTQ các cấp đã hiệp thương thống nhất xây dựng kế hoạch giám sát, phản biện xã hội, làm rõ hơn vai trò chủ trì của MTTQ Việt Nam và của từng tổ chức chính trị - xã hội, khắc phục sự trùng lặp về nội dung, thời gian, địa bàn giám sát.

Định kỳ, Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị- xã hội đều chú trọng tổ chức đánh giá rút kinh nghiệm về việc lựa chọn nội dung, hình thức, phương pháp giám sát, phản biện xã hội.

Các hoạt động giám sát, phản biện xã hội và tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền của MTTQ Việt Nam từng bước đi vào nề nếp. MTTQ Việt Nam các cấp đã tích cực bám sát chương trình, kế hoạch của cấp ủy, chính quyền các cấp và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng, chính quyền của địa phương, những vấn đề xã hội và nhân dân quan tâm, bức xúc để giám sát, phản biện xã hội hàng năm;

Việc góp ý thường xuyên, định kỳ, đột xuất được quan tâm hơn; gắn giám sát, phản biện xã hội với nhiệm vụ lắng nghe ý kiến nhân dân, vận động nhân dân thực hiện chính sách, pháp luật, các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động;

Nhiều văn bản kiến nghị sau giám sát, sau phản biện xã hội ở một số địa phương có chất lượng tốt được các cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm tiếp thu, phản hồi nhất là các kiến nghị sau giám sát, đem lại hiệu quả thiết thực. “Vai trò giám sát của MTTQ Việt Nam ở cơ sở thông qua hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư cộng đồng tiếp tục được duy trì và phát huy. Trong 05 năm, tổng số cuộc giám sát do Ban Thanh tra nhân dân thực hiện là 189.461 cuộc, giá trị tiền thu hồi đạt hơn 6,1 tỷ đồng; tổng số cuộc giám sát do Ban giám sát đầu tư cộng đồng thực hiện là 173.929 cuộc; giá trị tiền thu hồi đạt 11,8 tỷ đồng” - Báo cáo sơ kết nêu rõ.

Qua các hoạt động giám sát, phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền của MTTQ Việt Nam giúp cơ quan có thẩm quyền hoạch định, thực thi có hiệu quả hơn các chính sách, pháp luật, góp phần quan trọng trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, ổn định tình hình nhân dân, thực hiện các mục tiêu phát triển của các địa phương và cả nước...

Phát huy vai trò cầu nối của Nhân dân với Đảng, Nhà nước

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn khẳng định: Quyết định 217, 218 được xem là cơ sở cần thiết, quan trọng để cụ thể hóa quyền, trách nhiệm về giám sát, phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, Nhà nước của MTTQ Việt Nam. Nhờ có cơ chế khá đầy đủ, toàn diện, hoạt động giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội ngày càng được triển khai mạnh mẽ, đồng bộ, từng bước mang lại hiệu quả rõ rệt; vị thế, vai trò của MTTQ Việt Nam, của các đoàn thể chính trị - xã hội được nâng lên.
 

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn phát biểu tại Hội nghị- Ảnh: Q. Vinh


Theo Chủ tịch Trần Thanh Mẫn, hoạt động giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, chính quyền của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội đã và đang mang lại hiệu quả rõ rệt. Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp đã phát huy tốt vai trò của các chuyên gia, nhà khoa học, các chức sắc, người tiêu biểu tham gia giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. 

“Đến nay, đã có 47/63 tỉnh, thành phố đã ban hành Quy chế tiếp xúc đối thoại trực tiếp của người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền các cấp với Nhân dân; 47/63 tỉnh, thành phố đã ban hành Quy định trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp tiếp thu góp ý của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân. Đây là cơ chế tương tác rất hữu ích để MTTQ Việt Nam các tỉnh, thành phố thực hiện tốt và đến cùng trách nhiệm của mình” - Chủ tịch Trần Thanh Mẫn khẳng định.

Tuy nhiên, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cũng chỉ rõ, việc thực hiện hoạt động giám sát, phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội ở một số nơi còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm lực của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và sự kỳ vọng của nhân dân.

Từ đó, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn đề nghị các đại biểu tiếp tục làm rõ sự phối hợp giữa cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội, các tổ chức thành viên có liên quan trong quá trình triển khai thực hiện. Những vấn đề đặt ra trong vai trò chủ trì của MTTQ Việt Nam, và việc nêu cao trách nhiệm của các tổ chức chính trị- xã hội, các tổ chức thành viên.
 

Chủ tịch Trần Thanh Mẫn trao bằng khen cho các cá nhân có thành tích trong việc thực hiện công tác- Ảnh: Q. Vinh


Bên cạnh đó cần đánh giá thực trạng về hoạt động giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội; nhất là sự chuyển biến trong thực hiện trách nhiệm giải quyết, trả lời, phản hồi của các cơ quan, tổ chức, cá nhân được giám sát, phản biện, được góp ý. Đánh giá những thuận lợi, khó khăn, hạn chế, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm của địa phương trong quá trình triển khai thực hiện, từ đó góp phần khẳng định vai trò cầu nối của MTTQ và các thành viên trong việc đưa tiếng nói của Đảng, Nhà nước đến Nhân dân.

Chủ tịch Trần Thanh Mẫn đề nghị các địa phương, các tổ chức thành viên sẽ giới thiệu rõ mô hình hay, cách làm tốt, địa phương, tổ chức thành viên tâm đắc về công tác giám sát, phản biện xã hội hiệu quả của địa phương, tổ chức mình để các địa phương, tổ chức khác có thể tham khảo, trao đổi kinh nghiệm.

NGUYỄN LỘC

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201