Thứ Năm, 18/4/2024 - 14:53:30 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Kiên quyết xử lý đơn vị cố tình chây ì, nợ đọng bảo hiểm xã hội

THỨ HAI, 12/10/2020 08:05:00 | AN SINH XÃ HỘI
(BKTO) - Nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người lao động và giảm tỷ lệ nợ đọng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), thời gian qua, cơ quan BHXH các địa phương đã thực hiện nhiều biện pháp quyết liệt, trong đó có việc chuyển hồ sơ các DN nợ BHXH sang cơ quan công an để xử lý hình sự theo quy định của pháp luật.


Tình trạng nợ BHXH, BHYT, BHTN diễn biến ngày càng phức tạp

Nợ bảo hiểm xã hội gần 21.700 tỷ đồng

Theo thống kê của BHXH Việt Nam, tính đến 30/9/2020, các đơn vị, DN trên cả nước còn nợ BHXH, BHYT, BHTN, Bảo hiểm tai nạn lao động, Bệnh nghề nghiệp với tổng số tiền là 21.685 tỷ đồng, chiếm 5,4% số phải thu, tăng 0,5% so với cùng kỳ năm 2019.

Đơn cử như tại Tuyên Quang, tính đến hết tháng 8/2020, số nợ BHXH, BHYT của các đơn vị sử dụng lao động là 60,491 tỷ đồng, chiếm 3,77% so với kế hoạch. Mặc dù, cơ quan BHXH đã thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở thu hồi nợ nhưng nhiều DN vẫn không chấp hành. Trong đó, có DN trả nợ kiểu “nhỏ giọt”; có đơn vị khó có khả năng trả nợ vì gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh. Còn tại tỉnh Khánh Hòa, đến hết tháng 7/2020, tổng nợ BHXH, BHYT, BHTN, bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp, lãi chậm đóng của các đơn vị, DN trên địa bàn tỉnh hơn 233,5 tỷ đồng. Trong đó, có 1.569 đơn vị nợ từ 01 tháng trở lên; 449 đơn vị nợ từ 6 tháng trở lên; khối DN ngoài quốc doanh nợ chiếm đa số với 1.451 đơn vị.

Theo phản ánh của BHXH nhiều địa phương, nguyên nhân của tình trạng nợ đọng, chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN là do tính tuân thủ pháp luật của nhiều DN sử dụng lao động chưa tốt, nhất là ở nhóm DN vừa và nhỏ. Cá biệt có những DN cố tình tìm lý do đối phó, trốn tránh, chiếm dụng tiền đóng của người lao động để sử dụng vào mục đích khác. Ngoài ra, do tác động của dịch Covid-19 ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN. Trong khi đó, hệ thống chế tài điều chỉnh những vi phạm này chưa được quy định rõ ràng và chưa đủ tính răn đe cũng là nguyên nhân làm cho phạm gia tăng.

Kiên quyết chuyển hồ sơ sang cơ quan công an

Trước tình trạng nợ BHXH, BHYT, BHTN có diễn biến ngày càng phức tạp, BHXH các địa phương đã triển khai nhiều biện pháp quyết liệt nhằm thu hồi nợ đọng, trong đó có việc kiên quyết chuyển hồ sơ DN nợ BHXH, BHYT, BHTN sang cơ quan công an đề nghị xử lý hình sự theo quy định của pháp luật. Tại tỉnh Khánh Hòa, sau khi rà soát đơn vị, DN có nợ đọng BHXH kéo dài, BHXH tỉnh đã chuyển 7 trường hợp sang cơ quan công an. Đây là những DN có dấu hiệu vi phạm Điều 216 Bộ luật Hình sự 2015 về “tội trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động”. 

Theo Phó Giám đốc phụ trách BHXH tỉnh Khánh Hòa Lê Hùng Chính, năm 2019, tổng nợ BHXH, BHYT của các đơn vị, DN trên địa bàn tỉnh gần 85 tỷ đồng, trong đó cơ quan BHXH tỉnh đã chuyển 22 hồ sơ (nợ gần 6,3 tỷ đồng) sang cơ quan công an để điều tra, xử lý hình sự. Sau khi chuyển hồ sơ, một số đơn vị, DN mới khắc phục. “Từ nay đến cuối năm, nếu đơn vị, DN nào tiếp tục cố tình chây ì, nợ đọng kéo dài, không hợp tác với cơ quan BHXH để trả nợ, BHXH tỉnh sẽ tiếp tục rà soát, chuyển hồ sơ sang cơ quan công an, kiên quyết xử lý theo quy định” - ông Chính khẳng định.

Giám đốc BHXH TP. HCM Phan Văn Mến cũng thông tin, từ năm 2018 đến nay, BHXH Thành phố đã chuyển hồ sơ của hơn 80 DN nợ BHXH sang cơ quan công an kiến nghị xử lý theo quy định. "TP. HCM là địa phương đầu tiên trong cả nước thực hiện việc truy tố hình sự đối với DN nợ BHXH nên các thủ tục, hồ sơ chuyển giao vẫn còn nhiều điểm vướng mắc. Sau nhiều lần phối hợp, chúng tôi đã thống nhất được quy trình với Công an Thành phố, trong thời gian tới sẽ đẩy nhanh hoàn tất hồ sơ, thủ tục để sớm truy tố các DN vi phạm theo quy định của pháp luật" - ông Mến cho hay.

Thông tin về vấn đề xử lý các đơn vị vi phạm, Quyền Vụ trưởng Vụ Pháp chế (BHXH Việt Nam) Nguyễn Thị Anh Thơ cho biết, tính đến hết tháng 8/2020, đã có 34/63 BHXH tỉnh, thành phố thực hiện việc kiến nghị khởi tố hành vi vi phạm pháp luật lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN của 67 đơn vị tới cơ quan công an. Tuy nhiên, có rất ít vụ việc được quyết định khởi tố mà chỉ được xem xét, giải quyết, do BHXH các địa phương vẫn còn lúng túng trong việc xác định hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự để kiến nghị khởi tố; đặc biệt, chưa có hướng dẫn cụ thể như thế nào là hành vi gian dối hoặc thủ đoạn khác nên khó khăn cho việc áp dụng pháp luật. “Thực tế có đến trên 21% số trường hợp cơ quan BHXH kiến nghị khởi tố nhưng cơ quan Công an xác định hành vi vi phạm chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm theo quy định nên không khởi tố”- bà Nguyễn Thị Anh Thơ cho biết.

Để tháo gỡ vướng mắc nhằm xử lý các đơn vị nợ đọng, vi phạm pháp luật về BHXH, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Lê Hùng Sơn khẳng định, sẽ sớm thống nhất và đề xuất với Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam để ký kết quy chế phối hợp với Tòa án Nhân dân, Bộ Công an nhằm kịp thời xử lý đơn vị, DN cố tình chây ì, nợ đọng kéo dài. Tuy nhiên, điều quan trọng là cơ quan BHXH các địa phương cần chủ động đưa ra được các chứng cứ rõ ràng, đúng người, đúng tội để có thể xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

BẢO TRÂN

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201