Thứ Sáu, 3/5/2024 - 00:04:41 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Đưa nước sạch về vùng nông thôn xứ Thanh

THỨ NĂM, 10/11/2016 14:00:00 | AN SINH XÃ HỘI
(BKTO) - Từ nhiều năm nay, người dân vùng nông thôn tỉnh Thanh Hóa phải sống trong tình trạng thiếu nước sạch trầm trọng. Bởi thế, sự xuất hiện của các công trình cấp nước sạch vùng nông thôn đang góp phần hiện thực hóa ước mơ được sử dụng nước sạch của người dân, cũng như làm thay đổi ý thức sử dụng nước trong cộng đồng.

Nhiều dự án nước sạch đến với người dân nông thôn

Tìm về xã Minh Lộc (huyện Hậu Lộc) một ngày cuối năm, chúng tôi nhận ra được phần nào diện mạo đổi mới; “cái mới” xuất hiện mà chỉ những ai ở đây mới hiểu hết ý nghĩa. Người dân đã có nguồn nước sạch để sinh hoạt, cũng không còn thường trực nỗi lo thiếu nước mùa khô, kể từ khi công trình cung cấp nước sạch tập trung được xây dựng mới đây. Cũng giống nhiều địa phương ven biển khác, trước kia người dân xã Minh Lộc phải dùng nước ngập mặn gần 6 tháng trời mỗi năm, nay nỗi lo đó đã vơi đi rất nhiều. Đây chỉ là một trong số hàng chục xã được thụ hưởng nguồn nước sạch từ Chương trình Mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (NS&VSMTNT) giai đoạn 2012-2015 và nhiều dự án cấp nước sạch từ nguồn vốn ODA khác.


Một công trình nước sạch ở huyện Hậu Lộc được xây dựng nhờ nguồn vốn vay nước ngoài

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Thanh Hóa, sau hơn 3 năm thực hiện Chương trình, tỷ lệ dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 88,6% (tăng 10,6% so với năm 2011), trong đó, tỷ lệ dân sử dụng nước sạch theo quy chuẩn QCVN 02 đạt 43%. Tính đến hết năm 2015, tổng vốn tín dụng cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường ước đạt trên 500 tỷ đồng. Số công trình được xây dựng từ nguồn vốn là gần 100.000 công trình cấp nước (quy mô hộ gia đình).

Đối với Chương trình Nước sạch và vệ sinh nông thôn vay vốn của Ngân hàng Thế giới (WB), tính riêng tỉnh Thanh Hóa được bố trí 626,9 tỷ đồng. Hiện, đã có 2 công trình cấp nước sạch (cấp cho 7 xã của huyện Hậu Lộc và 9 xã thuộc huyện Nga Sơn) được đưa vào sử dụng. Tiểu dự án cấp nước sạch cho 8 xã thuộc huyện Hoằng Hóa đang được triển khai xây dựng, dự kiến hoàn thành vào đầu năm 2017.

Ông Nguyễn Xuân Trang - Giám đốc Trung tâm Nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường Thanh Hóa - đơn vị được giao quản lý các dự án nước sạch nông thôn của tỉnh cho biết: Việc đầu tư các công trình cấp nước sinh hoạt vùng nông thôn nói chung và các xã ven biển, các xã nghèo thời gian qua có ý nghĩa vô cùng quan trọng vì đã giải quyết tình trạng thiếu nước sạch cho một vùng dân cư nông thôn rộng lớn. Điều quan trọng hơn là dự án đã góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi thói quen sử dụng nước của người dân.

Tránh lãng phí các nguồn lực đầu tư

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả trên, một số chỉ tiêu cung cấp nước cho người dân nông thôn theo Chương trình NS&VSMTNT vẫn chưa đạt được so với mục tiêu đề ra. Cụ thể, tỷ lệ dân nông thôn được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn QCVN 02 chỉ đạt 43%/45% kế hoạch; tỷ lệ trường học có công trình cấp nước và vệ sinh cũng không đạt được mục tiêu đề ra; các công trình hộ gia đình rất ít công trình đạt quy chuẩn... Nguyên nhân, theo ông Nguyễn Xuân Trang là do nguồn nước sạch đạt quy chuẩn thường được cung cấp bởi các công trình cấp nước tập trung, quy mô lớn. Trong khi đó, nguồn vốn của chương trình hằng năm hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu đầu tư. Đối với các vùng đồng bằng, theo quy định thì người dân phải đóng góp 40% tổng mức đầu tư của công trình là rất khó khăn khi điều kiện kinh tế của nhân dân còn thấp. Từ năm 2012 đến 2015 mới có 5 công trình nước sạch tập trung có chất lượng nước theo quy chuẩn QCVN 02 được đưa vào sử dụng.

Bên cạnh đó, chất lượng thi công các dự án nước sạch cũng là vấn đề đáng lo ngại. Chẳng hạn, dự án “Cấp NS&VSMTNT miền Trung” bị đánh giá là kém chất lượng và để xảy ra nhiều sai phạm trong thi công. Đề cập đến dự án này, một lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh nêu dẫn chứng: Tiểu dự án tại xã Tiến Lộc có tổng mức đầu tư hơn 30,9 tỷ đồng nhằm cung cấp nước sạch cho 9.565 người dân xã đến năm 2020. Năm 2014, Sở từng lập biên bản xử lý các sai phạm của nhà thầu liên quan đến việc “rút ruột” công trình, thiếu trách nhiệm trong thi công nhưng đến nay, các vi phạm vẫn chưa được chấn chỉnh triệt để…

Thậm chí, có công trình sau khi hoàn thành lại không được đưa vào sử dụng, gây lãng phí nguồn lực đầu tư, như công trình nước sinh hoạt được đầu tư cả tỷ đồng tại xã Thành Minh (huyện Thạch Thành) được hoàn thành từ vài năm nay, nhưng người dân vẫn chưa được dùng nước sạch. Tương tự, huyện Quan Hóa được đầu tư hàng trăm tỷ đồng để xây dựng các công trình nước sạch sinh hoạt tập trung, nhằm cải thiện đời sống cho đồng bào các dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, hiệu quả đem lại từ những công trình này lại quá thấp. Nguyên nhân là do khâu khảo sát chọn vị trí xây dựng các công trình cấp nước sạch không phù hợp, thi công xây lắp chưa đảm bảo chất lượng. Vai trò chủ đầu tư và quản lý ở địa phương còn yếu kém, trách nhiệm giám sát còn bị buông lỏng, ý thức bảo vệ công trình của người dân còn thấp… Khi những hạn chế trên chưa được chấn chỉnh, không ai biết còn bao nhiêu công trình sẽ bị bỏ hoang lãng phí, trong khi người dân vẫn khát nước sạch.

Bài và ảnh: NGUYỄN LỘC

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201