Thứ Bảy, 20/4/2024 - 01:21:36 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Đề xuất tăng tuổi hưu: Người lao động và nguồn quỹ an sinh đều hưởng lợi

THỨ NĂM, 30/05/2019 18:05:00 | AN SINH XÃ HỘI
(BKTO) - Được đặt ra từ Ðề án cải cách Bảo hiểm xã hội trình Hội nghị Trung ương 7, nay là Bộ luật Lao động (sửa đổi), chủ trương tăng tuổi nghỉ hưu được đánh giá là phù hợp với xu thế chung của thế giới, cũng như góp phần quan trọng vào mục tiêu đảm bảo vững chắc cho hệ thống an sinh xã hội.

Cần đảm bảo lộ trình, tránh xáo trộn

Theo dự báo của Tổ chức Lao động Quốc tế, xu hướng chung trên thế giới, đó là dân số trong độ tuổi lao động sẽ giảm mạnh từ năm 2030. Sự sụt giảm lực lượng lao động và dân số đang già đi sẽ là những rào cản to lớn trong tăng trưởng kinh tế thế giới. Việt Nam cũng không ngoại lệ. Do đó, nhiều tổ chức đã đưa ra khuyến nghị, Việt Nam cần chọn thời điểm tăng dần tuổi hưu sớm để bảo đảm sự cân đối lực lượng lao động.

Tuy nhiên, cũng cần phải làm rõ, việc tăng tuổi hưu là xu hướng chung của tất cả các nước có cơ cấu dân số già để phù hợp với các điều kiện kinh tế-xã hội, nhân khẩu, sức khỏe… chứ không phải tránh vỡ Quỹ Bảo hiểm xã hội (BHXH).

Lý giải đề xuất điều chỉnh tuổi nghỉ hưu, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Đào Ngọc Dung cho rằng, quy định độ tuổi nghỉ hưu hiện nay đã qua hơn 60 năm áp dụng. Lúc bắt đầu có quy định thì tuổi thọ bình quân người Việt chỉ hơn 45 tuổi, trong khi đó hiện nay đã lên 73,5 tuổi. Tốc độ già hóa dân số của Việt Nam cũng được xếp vào nhóm những nước nhanh nhất hiện nay. Vì vậy, nếu không điều chỉnh tuổi hưu, Việt Nam sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động. Ðó là chưa kể, việc duy trì một chính sách không còn phù hợp sẽ gây ra bất bình đẳng giữa lao động thuộc các khu vực kinh tế (chính thức và phi chính thức); giữa lao động nam và lao động nữ.

Từ những vấn đề đặt ra như trên, Ban soạn thảo Dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) cho rằng, việc tăng tuổi hưu là đòi hỏi bức thiết từ chính cuộc sống thực tiễn và phù hợp với xu thế trên thế giới. Đồng thời, khi đề cập đến chủ trương này, Ban soạn thảo cũng đã tính toán đến lộ trình điều chỉnh tuổi nghỉ hưu theo hướng tăng dần (tăng chậm) để tránh gây “sốc” cho thị trường lao động và có tác động tốt hơn đến tâm lý xã hội của người lao động và DN.
 

Tăng tuổi nghỉ hưu mang lại lợi ích cho cả người lao động lẫn hệ thống
an sinh xã hội. Ảnh: Laodong.com.vn

Bày tỏ quan điểm đồng tình với chủ trương điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu, song ông Lê Đình Quảng - Phó Trưởng Ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho rằng, việc tăng tuổi hưu không thể áp dụng chung với mọi đối tượng mà phải được cân nhắc xem xét, phân loại ngành. “Thực tế, tuổi thọ của người Việt Nam đang tăng, nhưng sức khỏe hầu như không cải thiện. Nếu lao động không đủ sức khỏe để tiếp tục làm việc thì năng suất lao động sẽ thấp, điều này gây bất lợi về mặt kinh tế, ảnh hưởng đến các chính sách an sinh xã hội. Đây là những vấn đề  cần có nghiên cứu, đánh giá để hoạch định các chính sách cho phù hợp” - ông Lê Đình Quảng nêu ý kiến.

Góp phần xây dựng trụ cột an sinh vững chắc

Cho ý kiến về đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu theo Dự thảo Bộ luật Lao động, một số chuyên gia cho rằng, khi tuổi nghỉ hưu của người lao động được nâng lên đồng nghĩa với việc kéo dài thời gian làm việc cũng như thời gian đóng BHXH của người lao động. “Việc tăng tuổi nghỉ hưu sẽ giúp mang lại lợi ích cho cả nguồn Quỹ BHXH cũng như người lao động. Còn lợi ích cụ thể của các bên ra sao thì cần phải tính toán” – một chuyên gia trong lĩnh vực lao động cho biết.

Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu thường phải xem xét một cách tổng thể ở lợi ích quốc gia và có thể xử lý bằng nhiều cách. Một chính sách khi ban hành chắc chắn không thể làm cho tất cả thỏa mãn, đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu cũng không nằm ngoài quy luật ấy.

PGS,TS. Nguyễn Hữu Tri - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học hành chính cho hay, việc đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu của Bộ LĐ-TB&XH dựa trên nhu cầu làm việc cũng như muốn tận dụng sức lao động của xã hội. Theo đó, đây cũng là mong muốn chính đáng, nhất là khi chính sách này đồng thời đảm bảo hướng đến việc giải quyết nhu cầu của người lao động cũng như góp phần đóng góp vào sự phát triển bền vững của hệ thống an sinh xã hội thông qua việc tạo thêm nguồn thu cho Quỹ BHXH. Song song với việc tăng tuổi hưu, cũng cần thực hiện đồng bộ các quy định khác liên quan tới đóng-hưởng, xây dựng hệ thống hưu trí đa tầng, liên thông… Bởi, xét đến cùng, điều chỉnh tăng tuổi hưu chỉ là một giải pháp trong tổng thể hệ thống cải cách chính sách BHXH, nên sẽ đòi hỏi sự vận động của cả bộ máy quản lý nhà nước.

Theo đề xuất của Bộ LĐ-TB&XH, dự kiến, thời điểm tăng tuổi hưu sẽ bắt đầu áp dụng từ năm 2021 để đồng bộ với những quy định tại Nghị quyết số 28-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 7, khóa XII về cải cách chính sách BHXH.
 
Box: Theo Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) đang được lấy ý kiến rộng rãi, Bộ LĐ-TB&XH đưa ra hai phương án tăng tuổi hưu, trong đó, thời điểm tăng tuổi hưu bắt đầu từ năm 2021. Phương án 1, nâng tuổi nghỉ hưu của lao động nữ lên 60 và nam lên 62, lộ trình mỗi năm chỉ nâng thêm ba tháng. Phương án 2 là nữ nghỉ hưu ở tuổi 60, nam 65, lộ trình mỗi năm chỉ điều chỉnh nâng thêm bốn tháng… 

HOÀNG ĐỨC

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201