Thứ Sáu, 3/5/2024 - 18:25:15 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Chính sách, pháp luật về ưu đãi người có công: Cần được sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện

THỨ HAI, 24/07/2017 14:30:00 | AN SINH XÃ HỘI
(BKTO) - Những năm qua, việc nghiên cứu, hoàn thiện chính sách, pháp luật về ưu đãi người có công luôn được Đảng, Nhà nước ta quan tâm, chú trọng. Minh chứng là, trong 10 năm trở lại đây, có trên 100 văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến chế độ ưu đãi người có công được ban hành. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, hệ thống chính sách, pháp luật này vẫn bộc lộ những hạn chế, thiếu sót, chưa bao quát tất cả các đối tượng ưu đãi.

Vẫn còn khoảng trống chính sách

Tại Hội thảo: “Hoàn thiện chính sách, pháp luật về ưu đãi người có công” do Báo Đại biểu nhân dân phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tổ chức ngày 17/7, bên cạnh việc chỉ ra những kết quả đạt được trong thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp thừa nhận, nhiều vấn đề liên quan đến chế độ đối với người có công vẫn chưa được quy định như: chế độ ưu đãi đối với người tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, bị địch bắt tù đày sau 30/4/1975 và vợ hoặc chồng liệt sĩ đã lấy chồng hoặc vợ khác; việc giám định vết thương tái phát đối với người bị thương đã giám định, kết luận tỷ lệ suy giảm khả năng lao động dưới 21%; chính sách BHYT đối với thân nhân cán bộ Lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa còn sống; trợ cấp 1 lần đối với Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động đã chết mà chưa hưởng trợ cấp...

Thiếu sót khác mà Cục trưởng Cục Người có công (Bộ LĐ-TB&XH) Đào Ngọc Lợi chỉ ra là, Pháp lệnh Ưu đãi người có công mặc dù được sửa đổi, bổ sung nhiều lần nhưng đến nay, Pháp lệnh này vẫn chưa có quy định cụ thể nhằm phát huy tiềm lực và sức mạnh của Nhà nước, cộng đồng và cá nhân. Hiện tại, nguồn kinh phí chi trả cho người có công với cách mạng chủ yếu vẫn từ NSNN. Trong khi đó, NSNN còn hạn chế, đối tượng có công lại khá lớn. Việc cấp kinh phí hằng năm để thực hiện chi trả cho người có công vẫn trên cơ sở dự toán và cân đối ngân sách nên không ổn định. 

Bên cạnh đó, theo ông Đào Ngọc Lợi, một số cơ chế, chính sách ưu đãi đối với người có công hiện hành đã trở nên lỗi thời. Chẳng hạn, quy định thân nhân liệt sĩ chỉ được hưởng tối đa 3 định xuất chưa đảm bảo công bằng và không còn phù hợp trong điều kiện hiện nay. Hoặc là, từ năm 1995 đến nay, việc áp dụng mức trợ cấp một lần (120.000 đồng/năm) cho đối tượng hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế là thấp, chưa sát với thực tế. Trong khi đó, mức trợ cấp của đối tượng khác lại thường xuyên được cải thiện, nâng lên. 

Những thiếu sót, hạn chế trên là một phần nguyên nhân khiến nhiều trường hợp vẫn chưa được xác nhận người có công. Theo Bộ LĐ-TB&XH, hiện cả nước vẫn còn khoảng trên 30.000 trường hợp kê khai nhưng chưa được xác nhận người có công, trong đó có 5.900 trường hợp liệt sĩ, thương binh và người hưởng chính sách như thương binh.

Sớm sửa đổi, bổ sung chính sách

Để tháo gỡ những vướng mắc trong thực tiễn triển khai thực hiện các chính sách ưu đãi và góp phần tri ân những người có công với cách mạng, ông Đào Ngọc Lợi cho rằng, Bộ LĐ-TB&XH cần tiếp tục nghiên cứu, trình Chính phủ ban hành Nghị định điều chỉnh trợ cấp ưu đãi người có công phù hợp với lộ trình cải cách chính sách tiền lương, BHXH, trong đó cần quan tâm đề xuất nâng mức trợ cấp một lần đối với người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế; chủ động nghiên cứu và phối hợp với các Bộ, ngành chức năng ban hành các thông tư hướng dẫn về chế độ ưu đãi giáo dục, tiêu chuẩn xác nhận đối tượng thụ hưởng, các biện pháp trợ cấp, chăm lo, giúp đỡ người có công. 

Cùng với việc bổ sung các quy định, hướng dẫn, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Thành đề xuất nghiên cứu, sửa đổi: căn cứ xác nhận liệt sĩ, thương binh trong Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng; điều kiện xác nhận liệt sĩ, thương binh, bệnh binh theo Nghị định số 31/2013/NĐ-CP và quy định về giải quyết hồ sơ liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh trong chiến tranh không còn giấy tờ. 

Để đánh giá đúng tầm quan trọng của pháp luật ưu đãi người có công với cách mạng trong hệ thống pháp luật Việt Nam, Phó Ban Chính sách Hội Cựu thanh niên xung phong Việt Nam Nguyễn Việt Phát đề nghị sửa đổi Pháp lệnh Ưu đãi người có công và quy định cụ thể về vùng đặc biệt khó khăn trong thời kỳ 1954-1975 để có căn cứ xác định đối tượng được công nhận là liệt sĩ; đồng thời có hình thức truy tặng liệt sĩ cho những người không còn thân nhân thờ cúng. 

Còn Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Trần Hồng Nguyên cho rằng, về lâu dài, cần xây dựng và ban hành Luật Người có công nhằm điều chỉnh phạm vi, đối tượng đầy đủ hơn. Theo đó, đối tượng thụ hưởng chính sách ưu đãi không chỉ là những người có công trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ mà còn cả những người đã góp sức vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong điều kiện mới. 

Tuy nhiên, “dù tiếp tục sửa đổi Pháp lệnh hay xây dựng Luật thì cơ quan chức năng cũng phải xem xét 5 yếu tố: đối tượng, điều kiện, chính sách, nguồn lực, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong thực hiện chính sách ưu đãi người có công” - Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Đỗ Mạnh Hùng lưu ý.

NGỌC MAI
Theo tuần Báo ra ngày 20-7-2017

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201