Thứ Sáu, 26/4/2024 - 03:04:46 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Đẩy mạnh kiểm toán hoạt động góp phần nâng cao chất lượng kiểm toán

THỨ NĂM, 13/08/2015 06:10:00 | KIỂM TOÁN TRONG NƯỚC
(BKTO)-Nhằm từng bước hiện thực hóa một trong những nội dung quan trọng của Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2020 là đẩy mạnh loại hình kiểm toán hoạt động (KTHĐ), KTNN đã triển khai 2 cuộc KTHĐ độc lập đầu tiên thí điểm trong năm 2014: Kiểm toán Chương trình nhà ở xã hội (NOXH) của TP.Hà Nội 2011-2014; Kiểm toán Công tác cấp phép và quản lý nhà nước đối với hoạt động của các cơ sở y tế tư nhân (YTTN) trên địa bàn TP.Hà Nội 2012-2014. Để giúp bạn đọc có cái nhìn toàn diện hơn về mục tiêu, ý nghĩa của các cuộc kiểm toán này, Báo Kiểm toán đã có cuộc phỏng vấn ông Vũ Văn Họa - Phó Tổng Kiểm toán nhà nước.


Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Vũ Văn Họa. Ảnh: PHỐ HIẾN  
 
Thưa ông, ông có thể chia sẻ về công tác chỉ đạo của lãnh đạo KTNN đối với việc chuẩn bị và huy động nguồn lực cho 2 cuộc KTHĐ thí điểm nêu trên?

- Để từng bước nâng tầm KTHĐ thành một loại hình kiểm toán độc lập và chuyên nghiệp, năm 2014, Tổng Kiểm toán nhà nước đã giao Vụ Tổng hợp thực hiện 2 cuộc KTHĐ thí điểm trên. Ngay từ giai đoạn chuẩn bị, lãnh đạo KTNN đã chỉ đạo sát sao Vụ Tổng hợp trong việc thay đổi cách thức khảo sát, thu thập thông tin và lập kế hoạch kiểm toán. Trên cơ sở đó, kế hoạch kiểm toán không chỉ xác định rõ ràng các mục tiêu, tiêu chí, phương pháp thu thập và phân tích bằng chứng kiểm toán mà còn xây dựng cụ thể các thủ tục kiểm toán chi tiết để hướng dẫn kiểm toán viên (KTV) đánh giá theo từng tiêu chí và kết luận theo từng mục tiêu kiểm toán. Tập trung nghiên cứu thông lệ thực hành quản lý tốt và báo cáo KTHĐ đối với chủ đề kiểm toán tương tự của các nước trên thế giới, từ đó đúc rút kinh nghiệm trong phương pháp xác định và trình bày mục tiêu, tiêu chí kiểm toán. Tổ chức lấy ý kiến về mục tiêu, tiêu chí kiểm toán đối với các đơn vị quản lý nhà nước được khảo sát và các Bộ quản lý lĩnh vực thông qua hai hình thức là gửi văn bản và tổ chức thảo luận, trao đổi trực tiếp.

Bên cạnh đó, việc huy động nhân lực để triển khai KTHĐ được lãnh đạo KTNN hết sức quan tâm, thể hiện qua việc chọn lọc và tuyển dụng đội ngũ công chức có nền tảng đào tạo bài bản. Trong tổng số 14 thành viên tham gia 2 cuộc kiểm toán này có 12 thành viên là thạc sỹ, 4 thành viên đã tốt nghiệp khóa học 10 tháng về KTHĐ của CCAF, 5 thành viên đã tham gia hội thảo về KTHĐ trong và ngoài nước. Để phục vụ việc đánh giá các nội dung chuyên môn sâu, lãnh đạo KTNN đã bổ sung 2 KTV có kinh nghiệm về lĩnh vực đầu tư xây dựng từ KTNN chuyên ngành V tham gia cuộc kiểm toán NOXH và đã ký hợp đồng thuê 1 chuyên gia trong lĩnh vực y tế tham gia cuộc kiểm toán YTTN.

Để triển khai thành công 2 cuộc KTHĐ này, ông vui lòng cho biết những thuận lợi và khó khăn mà KTNN đã có được hoặc phải ứng phó, thưa ông?

- Đạt được các kết quả đáng ghi nhận từ hai cuộc KTHĐ thí điểm trước hết là do lãnh đạo KTNN đã có bước đổi mới về quan điểm, phương pháp tiếp cận và tổ chức KTHĐ, đó là tập trung phát triển chất lượng KTHĐ hơn là mở rộng quy mô. Đây là quan điểm quan trọng nhất và được thực hiện xuyên suốt, nhất quán trong quá trình phát triển KTHĐ từ năm 2014 đến nay, thể hiện qua việc thay đổi từ thực hiện lồng ghép nội dung KTHĐ trong hầu hết các cuộc kiểm toán ngân sách, tiền và tài sản nhà nước sang việc tập trung nghiên cứu và xây dựng các chuẩn mực, quy trình, phương pháp, kỹ thuật KTHĐ một cách bài bản, kết hợp với triển khai các cuộc KTHĐ độc lập. Cách tiếp cận khoa học này vừa góp phần tạo tiền đề để phát triển KTHĐ bền vững, vừa tạo điều kiện để tổ chức được bộ phận đảm nhiệm KTHĐ gọn nhẹ, linh hoạt, phù hợp thực tiễn và yêu cầu nhiệm vụ trước mắt.

Tiếp theo, thành công ban đầu này có sự đóng góp không nhỏ của các chuyên gia CCAF thông qua việc đồng hành trong suốt quá trình kiểm toán, hướng dẫn nhiệt tình và hỗ trợ kỹ thuật hiệu quả; sự ủng hộ, tham gia ý kiến tích cực từ các đơn vị trong ngành và sự phối hợp công tác tốt của các đơn vị được kiểm toán.

Tuy nhiên, KTNN đã và đang phải đối mặt với không ít thách thức, đó là: Hệ thống thông tin, dữ liệu về các đầu mối thuộc phạm vi kiểm toán của KTNN còn chưa đầy đủ để hỗ trợ việc lựa chọn chủ đề kiểm toán, xác định mục tiêu, tiêu chí và phương pháp kiểm toán; Hệ thống quy định pháp lý, hướng dẫn nghiệp vụ về KTHĐ chưa được ban hành; Cơ cấu tổ chức Phòng KTHĐ mới được hình thành và đang trong quá trình thử nghiệm; Lực lượng KTV còn non trẻ, ít kinh nghiệm thực tiễn nên còn gặp không ít khó khăn trong việc tiếp cận các kỹ thuật, phương pháp và kỹ năng xét đoán chuyên môn KTHĐ đa dạng và linh hoạt; việc sử dụng chuyên gia cho các cuộc KTHĐ có nội dung kiểm toán đặc thù và phức tạp chưa có quy định phù hợp; Nhận thức về KTHĐ của các đơn vị trong và ngoài ngành còn chưa toàn diện và có hệ thống nên sự phối hợp công tác còn chưa chặt chẽ.

Ông bình luận, đánh giá như thế nào về kết quả của 2 cuộc KTHĐ này?

- Có thể nói hai cuộc KTHĐ thí điểm đã cơ bản hoàn thành được các mục tiêu đặt ra, trong đó đã đánh giá tương đối toàn diện về những ưu điểm, hạn chế, phân tích được nguyên nhân cụ thể và đánh giá được tác động của những hạn chế, làm căn cứ để đưa ra các kết luận rõ ràng và các kiến nghị khả thi đối với từng chủ thể hoặc từng nhóm vấn đề. Đặc biệt, một số vấn đề nổi cộm được dư luận xã hội quan tâm (như công tác xây dựng và quản lý giá bán NOXH; công tác quản lý, giám sát mục đích sử dụng căn hộ NOXH, công tác quản lý nhà nước đối với chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh ngoài công lập...) đã được phản ánh rõ nét trong các Báo cáo kiểm toán.

Kết quả kiểm toán đã nhận được sự đồng thuận cao từ các đơn vị được kiểm toán, góp phần không nhỏ vào việc nâng cao hiệu quả, hiệu lực của công tác quản lý nhà nước đối với phát triển NOXH và YTTN, tăng cường trách nhiệm giải trình và tính minh bạch của các cơ quan quản lý nhà nước; gia tăng lợi ích xã hội và niềm tin của người dân vào chủ trương, chính sách của Đảng; đồng thời góp phần tăng uy tín của KTNN, đáp ứng kỳ vọng của Quốc hội và công chúng.

Sau khi thực hiện 2 cuộc KTHĐ này, KTNN đã đúc rút ra được những bài học kinh nghiệm quý báu gì, thưa ông?

- Lựa chọn chủ đề KTHĐ cần được KTNN chú trọng và thực hiện bài bản thông qua công cụ lập kế hoạch chiến lược KTHĐ trung hạn (3-5 năm), trên cơ sở đó rà soát, xem xét lại hàng năm nhằm đảm bảo tính phù hợp của kế hoạch với các điều kiện đã thay đổi. Để làm được việc này, KTNN cần tổ chức khảo sát, thu thập thông tin kịp thời; xây dựng cơ sở dữ liệu để lưu trữ, cập nhật thông tin đầy đủ về các đầu mối thuộc phạm vi kiểm toán của KTNN; lựa chọn các chủ đề kiểm toán thiết thực, có tính thời sự và phạm vi hẹp (ít đầu mối kiểm toán) để đảm bảo khả năng và hiệu quả kiểm toán trong giai đoạn mới triển khai KTHĐ hiện nay.

Thông tin khảo sát, thu thập để lập kế hoạch của cuộc KTHĐ phải cụ thể, chi tiết về chức năng nhiệm vụ của đơn vị và các bộ phận thuộc đơn vị, quy trình quản lý, tổ chức thực hiện, hoặc gồm cả thông tin từ các bên liên quan để có đầy đủ cơ sở xác định trọng yếu, đánh giá rủi ro kiểm toán.

Trao đổi với đơn vị được kiểm toán, các bên liên quan về các mục tiêu và tiêu chí kiểm toán, các phát hiện và kết luận kiểm toán dự kiến là hết sức cần thiết, cần phải được thực hiện thường xuyên trước và trong quá trình kiểm toán để đảm bảo sự đồng thuận từ các đơn vị và tính khả thi của kiến nghị kiểm toán. Mặt khác, KTNN cần nghiên cứu, quy định thời hạn lấy ý kiến phản hồi của đơn vị được kiểm toán và các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan phù hợp với đặc thù của KTHĐ để báo cáo kiểm toán được phát hành có tính thời sự, phát huy hiệu quả, tác dụng của các kiến nghị kiểm toán.

Sử dụng chuyên gia trong KTHĐ để tư vấn xây dựng tiêu chí, củng cố bằng chứng kiểm toán, phân tích đánh giá, đưa ra kiến nghị phù hợp cần được tăng cường. Vì vậy KTNN cần hoàn thiện quy định về việc sử dụng chuyên gia nhằm lựa chọn chuyên gia có đầy đủ năng lực chuyên môn, phẩm chất đạo đức, tính độc lập, khách quan và tăng cường giám sát chất lượng, hiệu quả công việc của chuyên gia.

Câu hỏi cuối cùng: Xin ông cho biết chủ trương đẩy mạnh loại hình kiểm toán hoạt động được cụ thể hóa như thế nào trong kế hoạch kiểm toán năm 2015 và những năm tiếp theo?

- Thành công ban đầu của hai cuộc KTHĐ thí điểm một lần nữa khẳng định chủ trương phát triển kiểm toán hoạt động là đúng đắn, tạo cơ sở quan trọng cho KTNN từng bước nâng cao số cuộc KTHĐ cũng như chất lượng KTHĐ phù hợp với năng lực và điều kiện thực tiễn của KTNN.

Năm 2015, lãnh đạo KTNN đã chỉ đạo Vụ Tổng hợp tăng cường hoạt động chuyển giao kỹ thuật, hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ về KTHĐ và phổ biến kinh nghiệm từ thực tiễn triển khai 2 cuộc KTHĐ thí điểm cho các KTNN chuyên ngành, khu vực thông qua các lớp đào tạo, tập huấn kiến thức về KTHĐ, thẩm định và kiểm soát chất lượng đối với kế hoạch và báo cáo KTHĐ về NOXH do KTNN khu vực III và KTNN khu vực IV thực hiện.

Trong các năm tiếp theo, cùng với việc phân giao nhiệm vụ cho đội ngũ công chức nòng cốt về KTHĐ của Vụ Tổng hợp, KTNN phải hoàn thành cơ bản hệ thống chuẩn mực và các văn bản hướng dẫn về KTHĐ, nghiên cứu chuyên sâu theo các lĩnh vực chuyên ngành (ngân sách, đầu tư dự án, DN và các tổ chức tài chính ngân hàng) để xây dựng và phát triển các hướng dẫn KTHĐ cho từng lĩnh vực; lựa chọn các chủ đề kiểm toán có tính thời sự, phù hợp nhân lực hiện có; thực hiện bài bản và tổ chức tổng kết rút kinh nghiệm, phổ biến cho các đơn vị trong ngành. Lãnh đạo KTNN khuyến khích các đơn vị trong toàn ngành có đủ năng lực thực hiện ít nhất một cuộc KTHĐ trong kế hoạch năm, phấn đấu đưa số cuộc KTHĐ thực hiện hàng năm trong giai đoạn 2015-2017 chiếm từ 5% đến 10% tổng số cuộc kiểm toán hàng năm của KTNN, góp phần thực hiện thắng lợi Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2020.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

HỒNG THOAN

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201