Thứ Hai, 6/5/2024 - 20:04:14 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Đẩy mạnh giáo dục đạo đức nghề nghiệp cho Kiểm toán viên: Tạo dựng niềm tin của xã hội vào hoạt động kiểm toán

THỨ NĂM, 23/06/2016 07:15:00 | KIỂM TOÁN TRONG NƯỚC
(BKTO)- Giáo dục đạo đức nghề nghiệp và văn hóa ứng xử đối với Kiểm toán viên (KTV) không còn là vấn đề mới bởi qua 22 năm hình thành và phát triển, KTNN luôn chú trọng đến công tác này. Tuy nhiên, ở thời điểm này, khi Đảng bộ KTNN đang đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến các nghị quyết của Đảng trong toàn ngành, vấn đề đạo đức nghề nghiệp và văn hóa ứng xử của KTV tiếp tục được nhấn mạnh.


Việc xây dựng đội ngũ kiểm toán viên năng lực, có phẩm chất đạo đức nghề nghiệp là nhiệm vụ quan trọng của KTNN trong thời gian tới. Ảnh: ĐÔNG SƠN  
 
Từ những câu chuyện trên bàn hội nghị

Tại Hội nghị học tập quán triệt triển khai các nghị quyết của Đảng vừa qua, TS. Lê Đình Thăng - Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán (KTNN) đã thẳng thắn thừa nhận: mặc dù KTNN đã có hẳn Chuẩn mực KTNN số 30 (Bộ Quy tắc đạo đức nghề nghiệp KTV Nhà nước) và  quy định về chuẩn mực đạo đức Hồ Chí Minh trong toàn ngành nhưng trên thực tế, văn hóa ứng xử giữa những cán bộ, KTV với nhau vẫn còn những tồn tại. Dẫn thực tế người đi kiểm toán và người ở lại đơn vị làm công tác theo dõi, kiểm soát hoạt động kiểm toán chưa thực sự thấu hiểu, thông suốt công việc của nhau dẫn đến những mâu thuẫn không đáng có. TS. Lê Đình Thăng nêu quan điểm: “Bản thân mỗi cán bộ, KTV phải thực hiện đúng chức trách, bổn phận và tôn trọng lẫn nhau. Nếu chúng ta không tự ý thức và kiểm soát được bản thân thì điều này sẽ trở thành nguy cơ làm ảnh hưởng tới uy tín, tính độc lập và sự phát triển của KTNN”.

Bên cạnh mối quan hệ ứng xử trong nội bộ ngành, đạo đức nghề nghiệp của KTV còn được nhìn nhận ở góc độ hành xử với đối tượng kiểm toán. Tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII, bước ra từ phòng họp Diên Hồng sau khi được Quốc hội tín nhiệm bầu làm Tổng Kiểm toán Nhà nước, cùng với những lời chúc mừng tốt đẹp, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc còn nhận được nhiều tâm tư, gửi gắm từ  các đại biểu Quốc hội. Một trong những tâm tư đó là Tổng Kiểm toán Nhà nước sẽ có những chỉ đạo, giải pháp nhằm tăng cường giáo dục đạo đức nghề nghiệp, văn hóa ứng xử của KTV. Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc đã nhắc lại câu chuyện này khi đề cập tới mục tiêu chiến lược phát triển của toàn ngành trong giai đoạn tới tại Hội nghị sơ kết thực hiện Chiến lược phát triển KTNN vừa qua.

Cách hành xử của một bộ phận KTV Nhà nước chưa thực sự công tâm gây bức xúc cho đơn vị, DN thuộc đối tượng kiểm toán. Chẳng thế mà trước đây, trong các cuộc đối thoại với DN, cộng đồng DN ít khi quan tâm tới vấn đề kiểm toán, nhưng tại cuộc đối thoại giữa Thủ tướng Chính phủ với DN gần đây, hoạt động kiểm toán của KTNN đã được đặt lên bàn Hội nghị với những khúc mắc, băn khoăn từ phía cộng đồng DN.

Những câu chuyện trên bàn hội nghị đã phần nào cho thấy công tác giáo dục đạo đức nghề nghiệp, văn hóa ứng xử cho KTV vẫn còn những hạn chế, tồn tại.

Đến những chỉ đạo và biện pháp

Từ thực tế trên, Ban cán sự Đảng KTNN đã có những chỉ đạo, giải pháp kịp thời, trong đó có việc xây dựng và triển khai thực hiện Đề án Tăng cường công tác giáo dục chính trị, nâng cao đạo đức nghề nghiệp, văn hóa ứng xử của KTV nhà nước. “Đề án này nhằm tạo đột phá mạnh mẽ về chính trị tư tưởng, văn hóa ứng xử, đạo đức nghề nghiệp của KTV trong hoạt động công vụ, góp phần xây dựng đội ngũ KTV “Công minh - Chính trực - Nghệ tinh - Tâm sáng”; qua đó, tăng cường, củng cố uy tín và tạo niềm tin đối với công chúng, Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan nhà nước vào hoạt động kiểm toán” - TS. Lê Đình Thăng khẳng định.

Cùng với Đề án trên, ngày 27/5 vừa qua, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc đã ký, ban hành Chỉ thị 873/CT-KTNN về tăng cường kỷ luật, kỷ cương và các giải pháp để nâng cao hoạt động kiểm toán. Mặc dù trước đây, vấn đề này đã được đề cập nhiều lần nhưng theo Tổng Kiểm toán Nhà nước, việc thực hiện nhiệm vụ này trong thời gian qua có phần còn chểnh mảng. Nhiều ý kiến dư luận cho rằng hoạt động kiểm toán của KTNN chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu của xã hội. Đâu đó ở các địa phương, một vài đơn vị vẫn phàn nàn về thái độ ứng xử của KTV. Những hạn chế này cần phải được chấn chỉnh, khắc phục kịp thời.

Không chỉ dừng lại ở đó, “Việc xây dựng đội ngũ cán bộ, KTV có năng lực, phẩm chất và đạo đức nghề nghiệp tốt phải là một trong những nhiệm vụ quan trọng của KTNN thời gian tới”- Tổng Kiểm toán Nhà nước chỉ đạo tại Hội nghị học tập quán triệt triển khai các nghị quyết của Đảng mới đây. Sự độc lập, quyền hạn và trách nhiệm của KTNN đặt ra yêu cầu cao về đạo đức đối với KTV và các nhân sự khác khi tham gia vào hoạt động kiểm toán. Bởi vậy, Tổng Kiểm toán Nhà nước yêu cầu cán bộ, KTV phải ngay thẳng, trung thực, công bằng và có tác phong chuẩn mực, khiêm tốn; có ý thức chính trị cao khi thực hiện kiểm toán tại đơn vị hay tổ chức; biết kết hợp hài hòa 3 yếu tố chính trị - luật pháp - nghiệp vụ và đặc biệt không ngại khổ, ngại khó, không sợ bị đe dọa, muốn vậy phải trau dồi bản lĩnh, kể cả bản lĩnh “từ chối” trước những cám dỗ về vật chất để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Có như vậy, chất lượng hoạt động kiểm toán của KTNN mới thực sự được nâng cao và tạo niềm tin đối với xã hội; KTV sẽ được các cơ quan, đơn vị tôn trọng và yêu quý.


NGỌC MAI

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201