Thứ Bảy, 4/5/2024 - 21:30:25 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Xây dựng chương trình tổng thể về phục hồi và phát triển kinh tế theo 3 giai đoạn

THỨ BA, 28/09/2021 08:46:38 | THỜI SỰ - SỰ KIỆN
(BKTO) - Báo cáo tổng quan kinh tế Việt Nam năm 2021 và triển vọng năm 2022 tại Tọa đàm tham vấn chuyên gia về kinh tế - xã hội của Quốc hội sáng 27/9, TS. Nguyễn Thị Hồng Minh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) khuyến nghị, cần sớm xây dựng và thực hiện Chương trình tổng thể phục hồi, phát triển kinh tế trong và sau đại dịch Covid-19 với 3 giai đoạn cụ thể.

Các kịch bản điều hành phát triển kinh tế - xã hội tương đối phù hợp, kịp thời

Đánh giá về bối cảnh trong nước, Viện trưởng CIEM cho biết, diễn biến dịch Covid-19 kéo dài, nhất là từ cuối tháng 4/2021 đến nay - khiến Chính phủ và những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề phải duy trì các biện pháp giãn cách xã hội và hạn chế đi lại. Đến nay, dù diễn biến dịch còn phức tạp, nhưng công tác phòng, chống dịch đã có những chuyển biến cơ bản, đặc biệt là về công tác ngoại giao vắc xin và đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng cho người dân. Chính phủ vẫn hướng tới “mục tiêu kép”, song cũng lắng nghe, cân nhắc với tinh thần cầu thị hơn với những đề xuất mới, như cho phép các nhà máy trong khu công nghiệp duy trì sản xuất trong điều kiện bảo đảm phòng, chống dịch; cho phép DN chủ động nhập vắc xin… Nhờ đó, Chính phủ và nhiều ngành, địa phương đã có điều kiện để cân nhắc tích cực hơn các kịch bản, lộ trình và biện pháp mở cửa trở lại nền kinh tế, hướng tới phục hồi và phát triển kinh tế trong trạng thái bình thường mới.
 

TS. Nguyễn Thị Hồng Minh - Viện trưởng CIEM phát biểu tại Tọa đàm. Ảnh: quochoi.vn

Bên cạnh đó, Chính phủ vẫn ưu tiên bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và ổn định xã hội. Để hiện thực hóa những ưu tiên này, kiểm soát lạm phát có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Đồng thời, Chính phủ tiếp tục thực hiện các biện pháp thuế, tín dụng, trợ cấp cho người lao động... để hỗ trợ DN và người dân, trên tinh thần đơn giản hóa điều kiện và rút ngắn thời gian tiếp cận để các nhóm này giảm bớt khó khăn do dịch bệnh.

“Chính phủ đã giữ được sự bao quát, quyết liệt và khoa học để có những đánh giá, chuẩn bị các kịch bản điều hành và thực thi chính sách phát triển kinh tế - xã hội tương đối phù hợp, kịp thời, dù bối cảnh thay đổi nhanh và phức tạp. Những tư duy về phục hồi và phát triển kinh tế, thực hiện hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, phát triển kinh tế có tính chống chịu với biến đổi khí hậu... đã dần được hình thành” – TS. Nguyễn Hồng Minh đánh giá.

Bên cạnh đó, Chính phủ đã chủ động cân nhắc, tham vấn cộng đồng DN để có những quyết sách, nỗ lực giữ đà cải cách thể chế kinh tế ngay cả trong giai đoạn khó khăn do dịch bệnh Covid-19. Đồng thời, Chính phủ tiếp tục đề ra nhiều giải pháp, nhiệm vụ cải cách nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế số, thúc đẩy thực hiện hiệu quả các FTA mới, mô hình phát triển kinh tế bền vững... Sự quyết liệt với cải cách của Việt Nam cũng được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.

Dù có nhiều nỗ lực cải thiện, song Viện trưởng CIEM cho rằng, công tác điều hành và chất lượng các văn bản chính sách hỗ trợ nền kinh tế, người dân và DN vẫn còn hạn chế, bất cập. Trong khi áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch, các địa phương chưa cân nhắc hài hòa, đồng bộ các quy trình, biện pháp liên quan để giảm thiểu tác động tiêu cực đối với hoạt động lưu thông hàng hóa giữa các địa phương. Một số biện pháp hỗ trợ DN và nền kinh tế như giãn, hoãn thuế, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, phí... chưa đủ “sức nặng” cần thiết để hỗ trợ DN, trong bối cảnh đầu ra của nền kinh tế còn khó khăn.

Nghị quyết 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 vừa đi vào thực hiện song cũng gặp phải vấn đề phát sinh và đã có những đề xuất sửa đổi điều kiện, mở rộng đối tượng hỗ trợ.

Bên cạnh đó, dù có đề cập đến nhiều lĩnh vực mới để tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế như kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, nhưng các thông tin, số liệu chính thống phục vụ cho đánh giá chính sách ở các lĩnh vực này hiện còn thiếu rất nhiều…

6 khuyến nghị chính sách

Trên cơ sở phân tích bối cảnh và những thách thức đang đặt ra, Viện trưởng CIEM Nguyễn Thị Hồng Minh đưa ra 6 khuyến nghị chính sách trong thời gian tới gồm:

Thứ nhất, ưu tiên tiếp tục phòng, chống và kiểm soát dịch Covid-19 hiệu quả, cùng với đẩy nhanh tiến trình tiêm vắc xin.

Thứ hai, sớm xây dựng và thực hiện Chương trình tổng thể về phục hồi và phát triển kinh tế trong và sau dịch Covid-19. Trong đó, cần lưu ý 3 giai đoạn trong chương trình phục hồi kinh tế, với cách tiếp cận khác nhau nhưng đều nhấn mạnh yêu cầu thực hiện hiệu quả các chính sách, cụ thể:

Giai đoạn 1 (đến quý I/2022): Ưu tiên phòng, chống dịch Covid-19, kết hợp với chính sách kinh tế vĩ mô (kể cả thúc đẩy giải ngân đầu tư công) để hỗ trợ cho DN “trụ vững” qua thời kỳ khó khăn và duy trì cải cách môi trường kinh doanh để tháo gỡ khó khăn cho DN.

Giai đoạn 2 (đến hết 2023): Sau khi kiểm soát dịch Covid-19, tiến hành nới lỏng chính sách kinh tế vĩ mô để kích cầu cho nền kinh tế, đồng thời tạo thêm “sức bật” cho DN. Duy trì và đổi mới cải cách môi trường kinh doanh để tạo thêm không gian cho DN.

Giai đoạn 3 (sau 2023): Bình thường hóa chính sách kinh tế vĩ mô, hướng tới củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, và thúc đẩy cải cách thể chế kinh tế sâu rộng hơn.
 

Quang cảnh Tọa đàm. Ảnh: quochoi.vn


Thứ ba, vận dụng các chính sách kinh tế vĩ mô linh hoạt theo các kịch bản để ứng phó với các diễn biến bất lợi của kinh tế thế giới và khu vực (đặc biệt là cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ - Trung Quốc, diễn biến dịch Covid-19, ứng xử với dòng vốn FDI, kịch bản thương mại với Hoa Kỳ, kịch bản mở rộng Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và kịch bản phê chuẩn Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), rủi ro khủng hoảng nợ toàn cầu...).

Thứ tư, đẩy mạnh đa dạng hóa xuất khẩu, trên cơ sở nghiên cứu, nắm bắt thông tin kịp thời về các thị trường, sản phẩm còn dư địa khai thác trong bối cảnh đại dịch cũng như khả năng đáp ứng các FTA quan trọng như CPTPP, Hiệp định Thương mại tự do Liên minh Châu Âu-Việt Nam (EVFTA).

Thứ năm, nghiên cứu, khuyến khích các mô hình kinh tế mới ở thị trường trong nước (kinh tế số, thương mại điện tử, kinh tế tuần hoàn...) để tạo thêm không gian kinh tế trong nước.

Thứ sáu, đẩy nhanh tiến độ triển khai các gói hỗ trợ người dân, DN đã ban hành; thường xuyên đánh giá kết quả thực hiện các gói hỗ trợ và tiến hành tháo gỡ ngay những vướng mắc trong quá trình thực hiện./.
Đ. KHOA

 

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

(BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201