Thứ Ba, 16/4/2024 - 13:08:07 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Trình Quốc Hội xem xét đầu tư 05 dự án quan trọng quốc gia

THỨ HAI, 06/06/2022 18:18:16 | THỜI SỰ - SỰ KIỆN
(BKTO) - Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 3, sáng 06/6, Quốc hội đã nghe Tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra về chủ trương đầu tư giai đoạn 1 các dự án và báo cáo thẩm tra về chủ trương đầu tư giai đoạn 1 các dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng; Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột; Biên Hòa - Vũng Tàu; Tờ trình về chủ trương đầu tư dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội, dự án đường Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh.

Quang cảnh phiên họp sáng 06/6. Ảnh: VPQH


Giải quyết điểm nghẽn về hạ tầng giao thông vùng kinh tế trọng điểm phía Nam

Theo Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể, việc sớm đầu tư 03 dự án là hết sức cấp thiết nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại; đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng tăng cao, giải quyết điểm nghẽn về hạ tầng giao thông vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, phát huy tiềm năng, khai thác lợi thế của vùng Tây Nguyên, vùng đồng bằng sông Cửu Long; cải thiện năng lực cạnh tranh quốc gia nói chung và các vùng này nói riêng.

Đồng thời, tạo tiền đề, động lực và không gian mới phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh, xóa đói giảm nghèo; phát triển phương thức vận tải bền vững hiện đại, góp phần giảm tai nạn giao thông.

Về phạm vi, quy mô đầu tư, theo Tờ trình của Chính phủ, Dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu dài 53,7 km qua 02 tỉnh, kết nối thành phố Biên Hòa với cảng biển Cái Mép - Thị Vải; đầu tư giai đoạn 1 với quy mô 4 - 6 làn xe.
 

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể trình bày Tờ trình của Chính phủ. Ảnh: VPQH


Dự án đường cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột dài 117,5 km qua 02 tỉnh, kết nối thành phố Buôn Ma Thuột với cảng biển Nam Vân Phong; đầu tư giai đoạn 1 với quy mô 4 làn xe.

Dự án đường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng dài 188,2 km qua 04 tỉnh/thành phố, kết nối thành phố Châu Đốc với cảng biển Trần Đề; đầu tư giai đoạn 1 với quy mô 4 làn xe.

Về phương thức đầu tư, Chính phủ kiến nghị đầu tư 03 Dự án trên theo hình thức đầu tư công; sau khi đưa vào khai thác sẽ thu phí để hoàn trả vốn NSNN.

Sơ bộ tổng mức đầu tư các dự án khoảng 84.463 tỷ đồng. Trên cơ sở tiến độ triển khai 03 dự án, dự kiến nhu cầu vốn trong giai đoạn 2021-2025 khoảng 60.124 tỷ đồng, chuyển tiếp giai đoạn 2026-2030 khoảng 24.339 tỷ đồng.

Nguồn vốn giai đoạn 2021-2025, Chính phủ dự kiến bố trí từ: Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 đã dự kiến phân bổ cho 03 dự án khoảng 26.147 tỷ đồng; Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của Bộ Giao thông vận tải sau khi rà soát, sắp xếp lại khoảng 2.203 tỷ đồng; Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội khoảng 9.620 tỷ đồng; tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2021 khoảng 13.796 tỷ đồng; ngân sách địa phương khoảng 8.358 tỷ đồng.

"Trong 2 năm 2022, 2023, Chính phủ ưu tiên giải ngân hết toàn bộ nguồn vốn từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2021" - Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải nêu rõ.

Để đẩy nhanh tiến độ triển khai, Chính phủ kiến nghị 03 dự án được áp dụng các cơ chế chính sách đặc thù theo Nghị quyết số 43/2022/QH15.

Thúc đẩy liên kết vùng, phát triển đô thị hóa

Tờ trình Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi 2 dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội và đường Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày nêu rõ: Đây là hai dự án có vai trò liên kết vùng, thúc đẩy phát triển đô thị hóa, có ý nghĩa rất lớn đối với việc phát triển kinh tế - xã hội. Việc đầu tư hoàn thành 2 dự án này sẽ góp phần cải thiện năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, tăng khả năng kết nối giao thông giữa các tỉnh trong vùng, phù hợp với quy hoạch giao thông quốc gia, giúp mở rộng không gian phát triển, kéo giãn mật độ dân cư khu vực nội thị, giảm áp lực cho giao thông nội đô và các tuyến đường hiện hữu.
 

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày Tờ trình của Chính phủ. Ảnh: VPQH


Theo đề xuất của Chính phủ, dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội có chiều dài 112,8 km, gồm 103,1 km đường Vành đai 4 và 9,7 km tuyến nối theo hướng cao tốc Nội Bài - Hạ Long, đi qua địa phận TP. Hà Nội (58,2km); Hưng Yên (19,3km); Bắc Ninh (dài 25,6km).

Dự án đường Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh dài 76,34 km, đi qua địa phận TP. Hồ Chí Minh (47,51km); Đồng Nai (11,26km); Bình Dương (10,76km); Long An (6,81km).

Đối với dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, sơ bộ tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 85.813 tỷ đồng, sử dụng vốn NSNN và vốn BOT của nhà đầu tư, trong đó vốn BOT 29.447 tỷ đồng.

Dự án đường Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh, sơ bộ tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 75.378 tỷ đồng, sử dụng toàn bộ vốn NSNN, trong đó ngân sách Trung ương là 38.741 tỷ đồng.

Đánh giá kỹ khả năng giải ngân, hấp thụ vốn của các dự án

Thẩm tra các dự án Chính phủ trình, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhất trí với sự cần thiết đầu tư 3 Dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (giai đoạn 1); Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột (giai đoạn 1); Biên Hòa -Vũng Tàu (giai đoạn 1).
 

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra. Ảnh: VPQH

Tuy nhiên, một số ý kiến trong Ủy ban đề nghị cần đánh giá kỹ tính cấp thiết, khả năng bố trí nguồn lực, đánh giá tác động của việc sử dụng vốn đầu tư công triển khai cùng lúc nhiều dự án hạ tầng đối với lạm phát, khả năng giải ngân, hấp thụ vốn, sự cân đối, hiệu quả trong phân bổ nguồn lực, năng lực quản lý, khả năng gây ra tình trạng khan hiếm và tăng giá nguyên vật liệu.

Về các dự án Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột và Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Ủy ban Kinh tế nhận thấy, do hai tuyến này có lưu lượng xe thấp, thời gian hoàn vốn dài, nên việc đầu tư theo phương thức đối tác công - tư là khó khả thi. Vì vậy, việc Chính phủ đề xuất áp dụng hình thức đầu tư công là phù hợp.

Về dự án Biên Hòa - Vũng Tàu, một số ý kiến cho rằng, Dự án này đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư theo phương thức đối tác công – tư. Trong bối cảnh nguồn lực nhà nước còn hạn chế nhưng đang phải triển khai thực hiện nhiều dự án hạ tầng giao thông quan trọng thì việc thu hút được các nguồn lực ngoài nhà nước tham gia đầu tư là rất cần thiết. Do đó, Ủy ban Kinh tế đề nghị cân nhắc tiếp tục đầu tư dự án này theo phương thức đối tác công - tư.

Đối với 2 dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội và đường Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, Ủy ban Kinh tế nhất trí với sự cần thiết đầu tư hai dự án này.

Bên cạnh đó, Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị đánh giá bổ sung đầy đủ về khả năng giải ngân, hấp thụ vốn, sự cân đối và hiệu quả trong phân bổ nguồn lực, năng lực quản lý, nguồn nhân lực, khả năng gây ra tình trạng khan hiếm và tăng giá nguyên vật liệu... để có giải pháp kịp thời nhằm bảo đảm tính khả thi, hiệu quả, tiến độ, chất lượng cho 2 dự án này và các dự án quan trọng khác cùng được triển khai.

Về sơ bộ tổng mức đầu tư, có ý kiến đề nghị làm rõ việc tính toán về sơ bộ tổng mức đầu tư của từng dự án thành phần cũng như toàn bộ 2 dự án, bổ sung, làm rõ hơn về cơ cấu chi phí, suất đầu tư đối với các đoạn của 2 dự án và so sánh với các dự án tương tự.

Cơ quan thẩm tra cũng đề nghị, trong bước nghiên cứu khả thi, Chính phủ cần chỉ đạo các cơ quan liên quan tiếp tục rà soát, chuẩn xác tổng mức đầu tư 2 dự án để bảo đảm tính đúng, tính đủ các chi phí theo quy định.

Ngay sau khi nghe Tờ trình và báo cáo thẩm tra, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về chủ trương đầu tư các dự án trên./.
Đ. KHOA


 

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

(BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201