Thứ Sáu, 3/5/2024 - 01:49:07 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Tiếp cận tín dụng xanh - doanh nghiệp dệt may cần có dự án thực sự hiệu quả

THỨ SÁU, 04/06/2021 13:54:57 | THỜI SỰ - SỰ KIỆN
(BKTO) - Làm sao để các DN nhỏ và vừa trong lĩnh vực dệt may có thể tiếp cận nhiều hơn tín dụng từ ngân hàng cho các dự án thân thiện với môi trường?

 

Các dự án thực sự hiệu quả sẽ giúp DN dệt may tiếp cận được tín dụng xanh
Ảnh: Nguồn Internet


Đó là câu hỏi mà Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới (WWF) đặt ra đối với Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam Nguyễn Quốc Hùng tại buổi tham vấn trực tuyến về phát triển kênh tín dụng xanh ngành dệt may mới đây.

Tín dụng đối với dệt may chỉ chiếm 1,5% trong tổng dư nợ cho vay nền kinh tế

Ông Nguyễn Quốc Hùng cho rằng, dệt may được đánh giá là một ngành kinh tế có mức độ rủi ro môi trường và xã hội cao so với các ngành, lĩnh vực kinh tế khác do quá trình sản xuất cần phải khai thác, sử dụng và xả thải một lượng nước lớn, đồng thời sử dụng nhiều năng lượng cho việc đun nóng, tạo ra hơi nước dẫn đến tác động lên nguồn nước và góp phần gia tăng khí phát thải nhà kính.

Chính vì vậy, ngành dệt may nằm trong số 20 ngành kinh tế đã được các tổ chức tín dụng (TCTD) đánh giá rủi ro về môi trường khi cấp tín dụng theo hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tại Sổ tay đánh giá các rủi ro môi trường và xã hội, ban hành tháng 8/2018.

Cũng theo ông Hùng, Chính phủ và NHNN đã xây dựng và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về tín dụng xanh, chính sách tín dụng ưu đãi và cơ chế khuyến khích cấp tín dụng xanh, quản lý rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng của TCTD.

Các TCTD đã thể hiện sự quan tâm lớn tới trách nhiệm phát triển tín dụng xanh, xây dựng chính sách cấp tín dụng ưu đãi đối với khách hàng có phương án, dự án sản xuất kinh doanh đáp ứng mục tiêu tăng trưởng xanh.

Kết quả cấp tín dụng đối với lĩnh vực xanh của ngành ngân hàng đến cuối năm 2020 tương đối khả quan, khoảng 40 TCTD có phát sinh dư nợ tín dụng cho các dự án xanh đạt gần 340.000 tỷ đồng, tăng trên 17% so với cuối năm 2019.

Tuy nhiên, hiện nay, dư nợ đối với ngành dệt may đạt gần 140.000 tỷ đồng, chỉ chiếm gần 1,5% trong tổng dư nợ cho vay nền kinh tế.

Cơ quan quản lý, ngân hàng và doanh nghiệp cùng vào cuộc

Để khuyến khích các ngân hàng tập trung vốn, đặc biệt là vốn tín dụng xanh cho ngành dệt may, ông  Hùng đưa ra một số giải pháp sau:

Chính phủ, các Bộ, ngành và NHNN xây dựng và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về tín dụng xanh, chính sách tín dụng ưu đãi và cơ chế khuyến khích cấp tín dụng xanh, quản lý rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng của TCTD.

Trong đó, Chính phủ sớm ban hành Hướng dẫn về danh mục và tiêu chí xác định dự án xanh phù hợp với phân ngành kinh tế của Việt Nam làm cơ sở cho các TCTD căn cứ lựa chọn, thẩm định, đánh giá và giám sát khi cấp tín dụng xanh; xây dựng lộ trình, cơ chế khuyến khích (thuế, phí, vốn, kỹ thuật, thị trường, quy hoạch, chiến lược phát triển) của từng ngành/lĩnh vực đồng bộ để thu hút và phát huy được tác dụng của nguồn vốn tín dụng xanh; nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ các TCTD có nguồn vốn dài hạn, ưu đãi lãi suất cho các chủ đầu tư thực hiện dự án xanh hoặc có cơ chế chia sẻ lãi suất cho vay với các TCTD trong việc cung cấp các khoản tín dụng với thời hạn dài và lãi suất ưu đãi cho các ngành/lĩnh vực xanh.

Nhiệm vụ của ngành dệt may là cần xây dựng chiến lược phát triển ngành theo hướng xanh hóa sản xuất, bảo vệ môi trường, đáp ứng đầy đủ tiêu chí dự án đầu tư xanh theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường, làm cơ sở tiếp cận các chính sách tín dụng xanh hiệu quả.

DN dệt may cần nâng cao nhận thức, thay đổi quy trình sản xuất, triển khai giải pháp nhằm xanh hóa sản xuất, nghiêm chỉnh chấp hành quy định của pháp luật về môi trường; chuyển đổi quy trình, dây truyền sản xuất sử dụng các thành tựu khoa học và công nghệ tiên tiến; sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả theo định hướng tăng trưởng xanh.

TCTD cho vay cần tận dụng các nguồn vốn giá rẻ, nguồn vốn hỗ trợ, vay ưu đãi từ tổ chức tài chính nước ngoài để phục vụ nhiệm vụ cấp tín dụng xanh theo quy định.

Với tư cách đại diện bảo vệ quyền, lợi ích tổ chức hội viên, Hiệp hội Ngân hàng mong muốn hợp tác cùng WWF trong việc hỗ trợ các TCTD phân tích và xây dựng kế hoạch tài trợ vốn cho các DN trong ngành dệt may trên cơ sở đánh giá cơ hội, thách thức của ngành, nhất là quản trị nguồn nước và sử dụng năng lượng hiệu quả, đảm bảo tuân thủ các quy định của Luật Bảo vệ môi trường (có hiệu lực từ ngày 01/01/2022).

Ông Hùng cũng đặc biệt lưu ý, để tiếp cận được tín dụng xanh, vấn đề mấu chốt là các dự án của DN phải thực sự hiệu quả, công nghệ phải đổi mới./.
                                                     
                  T.ĐỨC (Theo Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam)

 

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

(BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201