Thứ Hai, 29/4/2024 - 09:16:58 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ngoại giao phải bảo đảm ở mức cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc

THỨ NĂM, 16/12/2021 00:08:37 | THỜI SỰ - SỰ KIỆN
(BKTO) - Sáng 15/12, Bộ Ngoại giao chủ trì tổ chức Hội nghị Ngoại giao 31 với chủ đề “Ngoại giao Việt Nam tiên phong, toàn diện, hiện đại, chủ động thích ứng, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng” dưới hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến kết nối với các địa phương và các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

 

Quang cảnh Hội nghị từ điểm cầu Bộ Ngoại giao. Ảnh: DIỆU THIỆN


Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, từ sau Hội nghị Ngoại giao lần thứ 30 (năm 2018) đến nay, tình hình thế giới chuyển biến nhanh chóng và phức tạp, nhiều diễn biến mới vượt khỏi dự báo, trong đó nổi lên là đại dịch Covid-19 kéo dài gần 2 năm qua, đã và đang ảnh hưởng sâu rộng đến mọi mặt đời sống chính trị, kinh tế - xã hội và giao lưu quốc tế.

Trong bối cảnh đó, ngành Ngoại giao đã kiên trì nguyên tắc, kiên định mục tiêu, chủ động, linh hoạt, sáng tạo khắc phục khó khăn, vượt qua thử thách để triển khai đồng bộ các nhiệm vụ trọng yếu của đối ngoại, từ đó đạt được những kết quả quan trọng và toàn diện.

Bên cạnh đó, ngành Ngoại giao tiếp tục quảng bá mạnh mẽ ra thế giới hình ảnh Việt Nam độc lập, tự chủ, giàu bản sắc văn hóa, tin cậy và đang quyết tâm đổi mới; đóng góp tích cực và có trách nhiệm vào các diễn đàn quốc tế quan trọng, từ đó nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn, bên cạnh những kết quả rất quan trọng, ngành Ngoại giao vẫn còn nhiều việc có thể làm tốt hơn nữa, nhất là về tranh thủ cơ hội, thời cơ, yếu tố quốc tế thuận lợi, các khuôn khổ hợp tác và quan hệ đối tác rộng mở để đóng góp hiệu quả hơn cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tại Hội nghị, lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương, các Đại sứ đã phát biểu tham luận, tập trung đánh giá thời cơ và thách thức đối với Việt Nam để thực hiện thành công các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn tới; đề xuất định hướng, các biện pháp cụ thể nhằm triển khai hiệu quả công tác ngoại giao phục vụ phát triển đất nước…

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh một số thành tựu mà ngành Ngoại giao đã đạt được trong thời gian qua.

Cụ thể, ngành Ngoại giao đã nắm chắc tình hình, làm tốt công tác dự báo chiến lược, tham mưu cho lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong việc tiến hành các hoạt động đối nội, đối ngoại; góp phần hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ mà Việt Nam đảm nhận trong các tổ chức quốc tế, làm cho bạn bè, đối tác quốc tế yêu mến, tin tưởng, uy tín quốc tế của Việt Nam ngày càng được nâng cao.
 

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo Hội nghị. Ảnh: chinhphu.vn


Bên cạnh đó, công tác ngoại giao kinh tế được triển khai hiệu quả, góp phần thu hút các nguồn lực từ bên ngoài. Đặc biệt, ngành Ngoại giao đã có đóng góp quan trọng trong triển khai hiệu quả hoạt động ngoại giao y tế, ngoại giao vắc xin phục vụ cho công tác phòng chống dịch Covid-19 thời gian qua…

Bên cạnh những kết quả, thành tích, Thủ tướng cũng bày tỏ băn khoăn, trăn trở về một số mặt hoạt động của ngành Ngoại giao, như việc nghiên cứu chiến lược, xây dựng cơ sở dữ liệu cần đầy đủ, toàn diện; hoạt động ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển bền vững, chuyển từ phát triển theo chiều rộng sang chiều sâu cần thực hiện tích cực hơn; chưa phát huy được hết tiềm năng hợp tác kinh tế tại một số địa bàn chiến lược trên thế giới…

Về nhiệm vụ trong năm 2022 và 2023, Thủ tướng yêu cầu ngành Ngoại giao phải bám sát, dự báo, đánh giá đúng tình hình trong nước và thế giới, những kết quả đã làm được và chưa được trong thời gian qua để định hình công tác đối ngoại.

“Ngành Ngoại giao phải bảo đảm ở mức cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc, việc phục vụ lợi ích quốc gia dân tộc là tối thượng, bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, các quyền và lợi ích chính đáng của Việt Nam... Phương châm ngoại giao là “tình cảm, chân thành, tin cậy, bình đẳng, tôn trọng, hiệu quả, cùng phát triển” - Thủ tướng nhấn mạnh.
 

Hội nghị được kết nối trực tuyến với các địa phương và các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài. Ảnh: DIỆU THIỆN


Thủ tướng cũng nêu rõ một số nội dung, nhiệm vụ trong triển khai 3 trụ cột ngoại giao gồm ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế, ngoại giao văn hóa.

Theo đó, về ngoại giao chính trị, cần kiên định triển khai đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa; là bạn tốt, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, để bạn bè, đối tác quốc tế ngày càng tin cậy và yêu mến Việt Nam. “Tinh thần là chúng ta không “chọn bên” mà chọn lẽ phải lớn của thời đại là hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển” - Thủ tướng nhấn mạnh.

Hoạt động ngoại giao kinh tế phải tích cực góp phần vào xây dựng và hoàn thiện thể chế, đào tạo nguồn nhân lực, thu hút và phát triển công nghệ xanh, tài chính xanh, nâng cao năng lực quản trị quốc gia; thúc đẩy tận dụng các hiệp định thương mại tự do hiệu quả và tham gia vào các chuỗi liên kết toàn cầu, thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo…

Ngoại giao văn hóa cần tích cực triển khai các mục tiêu, nhiệm vụ về văn hóa mà Đại hội XIII của Đảng và Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 đã xác định theo tinh thần phát triển văn hóa ngang tầm kinh tế, chính trị, xã hội; thúc đẩy để thế giới công nhận các di sản văn hóa của Việt Nam, phát triển văn hóa gắn với phát triển du lịch để trở thành ngành kinh tế mũi nhọn…/.
DIỆU THIỆN

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

(BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201