Thứ Tư, 16/10/2024 - 11:03:31 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Thu nội địa giảm sâu, Tổng cục Thuế nói gì?

THỨ HAI, 11/10/2021 22:59:30 | THỜI SỰ - SỰ KIỆN
(BKTO) – Tổng cục Thuế vừa cho biết, tổng thu ngân sách do cơ quan thuế quản lý tháng 9/2021 đạt 52.000 tỷ đồng, bằng 4,7% so với dự toán và chỉ bằng 55,8% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, thu nội địa ước đạt 48.600 tỷ đồng, bằng 4,4% so với dự toán pháp lệnh, bằng 53,4% so với cùng kỳ.


Dịch Covid-19 bùng phát đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh và số thu nội địa. Ảnh minh họa


Thu nội địa trong tháng 9 giảm sâu nhất kể từ đầu năm

Theo Tổng cục Thuế, mặc dù thu NSNN 9 tháng năm 2021 vẫn bám sát dự toán nhưng nguồn tăng thu tập trung chủ yếu trong 4 tháng đầu năm. Từ cuối tháng 4 đến nay, đợt dịch bệnh Covid-19 bùng phát, diễn biến phức tạp tại một số địa bàn trọng điểm kinh tế và có nhiều khu công nghiệp lớn như: TP. HCM, Bắc Giang, Bắc Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu… Nhiều địa phương đã phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ (Chỉ thị 16) khiến các cơ sở thương mại, hoạt động sản xuất, kinh doanh bị đình trệ, ảnh hưởng đến kinh tế và số thu NSNN.

Trong đó, thu thuế, phí nội địa (loại trừ yếu tố gia hạn) từ mức tăng 19,6% của 4 tháng đầu năm 2021, đến tháng 7 giảm 10,8%, tháng 8 giảm 21%, tháng 9 ước giảm 26,5% so với cùng kỳ.

Về quy mô, số thu thuế, phí nội địa (loại trừ yếu tố gia hạn) không kể khoản thu phát sinh theo quý cũng đang giảm mạnh qua từng tháng. Đáng chú ý, do TP. HCM và 19 tỉnh, thành phố phía Nam thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 nên thu từ lệ phí trước bạ tại các tỉnh này giảm rất sâu, tháng 8 giảm 56,5%, tháng 9 giảm 48,5% so với cùng kỳ.

Để tiếp tục hỗ trợ người dân và DN vượt qua khó khăn của đại dịch, đẩy nhanh tốc độ hồi phục nền kinh tế, ngày 19/4/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 52/2021/NĐ-CP về việc thực hiện gia hạn tiền thuế và tiền thuê đất trong năm 2021 (Nghị định 52). 

Theo đó, Chính phủ sẽ gia hạn thuế giá trị gia tăng (GTGT) phải nộp từ tháng 3 đến tháng 8/2021, thuế GTGT quý I và quý II/2021, thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) tạm nộp quý I và quý II/2021, gia hạn tiền thuê đất kỳ 1 năm 2020 cho các DN và gia hạn thuế GTGT, TNCN năm 2021 đối với hộ, cá nhân kinh doanh thuộc các ngành, lĩnh vực gặp khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19.

Những giải pháp này cũng đã ảnh hưởng đến kết quả thu ngân sách. Ước thực hiện tháng 9, tổng số tiền cơ quan thuế tiếp tục gia hạn tiền thuế theo Nghị định 52 khoảng 4.000 tỷ đồng (thuế GTGT phải nộp của kỳ khai thuế tháng 8/2021). Lũy kế hết 9 tháng, cơ quan thuế thực hiện gia hạn với tổng số tiền thuế, tiền thuê đất khoảng 78.501 tỷ đồng. Trong đó, thuế GTGT là khoảng 44.916 tỷ đồng, thuế TNDN khoảng 30.887 tỷ đồng, thuế GTGT và TNCN của hộ khoảng 327 tỷ đồng, tiền thuê đất là khoảng 2.371 tỷ đồng.

Đến nay, một số địa phương bị ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch bệnh đã dần nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội, từ thực hiện Chỉ thị 16 xuống thực hiện theo Chỉ thị số 15/CT-TTg. Tuy nhiên, số lượng người nhiễm bệnh giảm chậm, diễn biến tình hình dịch bệnh vẫn còn phức tạp. Do đó, thu NSNN trong quý IV/2021 dự báo vẫn còn rất nhiều khó khăn, rủi ro.

Phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách năm 2021 ở mức cao nhất

Để phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ thu NSNN năm 2021 được Quốc hội, Chính phủ giao ở mức cao nhất, từ nay đến cuối năm, cơ quan thuế các cấp sẽ tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện tốt Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn.
 

Ngành thuế phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất nhiệm vụ được giao.
Ảnh: Internet.


Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính về thuế, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh, đẩy mạnh điện tử hóa quản lý thuế theo tinh thần Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2021 của Chính phủ.

Tổ chức tuyên truyền kịp thời đối với các chính sách miễn, giảm thuế sau khi Chính phủ ban hành Nghị định, khẩn trương đưa chính sách vào cuộc sống, hỗ trợ kịp thời người nộp thuế có thêm nguồn lực để khôi phục và phát triển sản xuất kinh doanh.

Bên cạnh đó, ngành thuế tiếp tục tăng cường quản lý theo dõi số tiền thuế, tiền thuê đất đã được gia hạn và đôn đốc thu vào NSNN đối với những khoản tiền thuế, tiền thuê đất đã được gia hạn vào NSNN khi hết thời gian gia hạn trong những tháng cuối năm 2021.

Triển khai thực hiện tốt các chính sách gia hạn, miễn, giảm tiền thuế, phí, tiền thuê đất mà Chính phủ, Quốc hội tiếp tục ban hành trong những tháng cuối năm 2021 để hỗ trợ DN và người dân vượt qua đại dịch.

Ngành thuế sẽ tiếp tục bám sát diễn biến tình hình hoạt động kinh doanh của các DN, đồng thời, quản lý chặt chẽ công tác kê khai, nộp thuế, hoàn thuế, đôn đốc DN thực hiện nộp đúng, đủ, kịp thời các khoản thu vào NSNN, nâng cao chất lượng công tác thanh tra, kiểm tra, chống thất thu, quản lý chặt chẽ tình hình nợ đọng thuế.

Để đảm bảo nguồn thu ngân sách trong những tháng cuối năm, Tổng cục Thuế yêu cầu các cục thuế, chi cục thuế tăng cường công tác quản lý, phát hiện các trường hợp lợi dụng chính sách ưu đãi để trốn thuế, tránh thuế, dây dưa, chây ỳ nợ thuế...; rà soát các lĩnh vực còn tiềm năng, các lĩnh vực phát triển tốt trong điều kiện dịch bệnh (thương mại điện tử, kinh doanh online, chứng khoán, bất động sản…) nhất là tại các thành phố lớn, nơi tập trung đông dân cư.

Các cơ quan thuế địa phương sẽ đẩy mạnh công tác phối hợp với các sở, ban, ngành, trao đổi thông tin với văn phòng đăng ký đất đai tại địa phương... để tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố kịp thời tháo gỡ những vướng mắc về cơ chế, chính sách, thủ tục để triển khai nhanh đối với các dự án, kịp thời đôn đốc các nguồn thu từ đất đai vào NSNN.

Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Tài chính để rà soát, đôn đốc thu NSNN đối với các nguồn thu thuộc ngân sách trung ương như: thu từ dầu, khí, thu cổ tức và lợi nhuận còn lại, các khoản thu từ phí, lệ phí, thu từ đất đai, thu từ chênh lệch thu chi của Ngân hàng Nhà nước và các khoản thu khác của ngân sách trung ương./.
THÙY ANH
 

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

(BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201