Thứ Sáu, 19/4/2024 - 08:01:55 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Thiếu cơ chế và thực thi chưa đúng làm giảm hiệu quả quản lý, sử dụng vắc xin, kit test

THỨ BA, 28/06/2022 20:10:00 | THỜI SỰ - SỰ KIỆN
(BKTO) - Thông qua cuộc kiểm toán Chuyên đề việc huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 và các chính sách hỗ trợ, Kiểm toán nhà nước (KTNN) đã phát hiện nhiều bất cập trong phân bổ, quản lý, sử dụng các trang thiết bị, vật tư y tế phòng, chống dịch, nhất là với vắc xin, kit test… Cùng với đó, giá thu dịch vụ xét nghiệm cao hơn quy định, thậm chí thu dịch vụ cả với kit test, vật tư, sinh phẩm y tế được tài trợ, viện trợ hoặc NSNN phân bổ, cũng là vấn đề lớn được KTNN chỉ ra.

Công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong giai đoạn dịch bệnh căng thẳng. Ảnh minh họa: Bộ Y tế


Vắc xin “quý” nhưng quản lý thiếu chặt chẽ

Theo báo cáo của Bộ Y tế, tính đến 31/12/2021, tổng số vắc xin đã tiếp nhận là 194,4 triệu liều/214,6 triệu liều cam kết. Bộ Y tế đã phân bổ 176,6 triệu liều, các đơn vị đã sử dụng 153,6 triệu liều. Tính đến 31/3/2022, Bộ Y tế đã tiếp nhận 230,9 triệu liều/234,7 triệu liều cam kết và đã phân bổ 205,4 triệu liều.

Thực tế kiểm toán đã phát hiện việc xây dựng kế hoạch tiêm chủng tại một số địa phương chưa sát với thực tế, phải điều chỉnh và việc tổ chức tiêm cũng chưa bảo đảm tiến độ đề ra; chưa ưu tiên sử dụng các lô vắc xin cận hạn; chưa bao quát đầy đủ đối tượng được ưu tiên.

Một số đơn vị chưa thực hiện đầy đủ chế độ báo cáo kết quả, số lượng, hồ sơ tiêm chủng định kỳ; chưa cập nhật đầy đủ số mũi tiêm lên hệ thống nền tảng quản lý tiêm chủng của Bộ Y tế. Do đó, KTNN đề nghị Bộ Y tế chỉ đạo Cục Công nghệ thông tin khẩn trương rà soát, phối hợp với các đơn vị, cơ sở tiêm chủng cập nhật đầy đủ mũi tiêm lên Hệ thống nền tảng quản lý tiêm chủng, bảo đảm quyền lợi và thuận tiện cho người dân.

Đồng thời phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông rà soát, khớp đúng số liệu giữa phần mềm PC Covid với Hệ thống nền tảng quản lý tiềm chủng của Bộ Y tế; cũng như nghiên cứu, kiến nghị Chính phủ ứng dụng thống nhất một nền tảng quản lý phòng, chống dịch. Bên cạnh đó, cần tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc các cơ sở y tế, cơ sở tiêm chủng và các địa phương thực hiện cập nhật số liệu bảo đảm kịp thời, chính xác.

Ngoài ra, KTNN cũng phát hiện các hồ sơ, tài liệu liên quan đến việc quản lý, sử dụng vắc xin như danh sách tiêm chủng, phiếu nhập, xuất kho vắc xin chưa logic về thời gian, chưa khớp đúng về số liệu, thiếu chữ ký của các bên liên quan…
 

Tiêm vắc xin phòng Covid-19. Ảnh: Bộ Y tế


Theo đánh giá của KTNN, những bất cập này cũng xuất phát từ việc đề xuất, lập kế hoạch và phân bổ vắc xin chưa có tiêu chí rõ ràng, còn chênh lệch cao hơn hoặc thấp hơn so với nhu cầu dẫn đến không sử dụng hết, phải điều chuyển, hoàn trả. Trên thực tế, việc phân bổ, điều chuyển vắc xin cho một số đơn vị đã được thực hiện mà không có Quyết định của Bộ Y tế, UBND cấp tỉnh, Sở Y tế.

Mặt khác, việc phân bổ trang thiết bị, vật tư chưa có căn cứ cụ thể; tài liệu, hồ sơ đối với hiện vật được tài trợ, viện trợ chưa đầy đủ; phân bổ còn thiếu thủ tục hoặc chưa đúng quyết định của cơ quan có thẩm quyền… và KTNN yêu cầu cần phải chấn chỉnh tình trạng này.

“Loạn giá” mua sắm kit test

Theo báo cáo, trong giai đoạn 2020-2021, các đơn vị đã mua sắm sinh phẩm, hóa chất kit test xét nghiệm với các mức giá khác nhau, tùy thuộc vào chủng loại, xuất xứ, hãng sản xuất.

Đơn cử, Bộ Y tế và các đơn vị trực thuộc mua sắm sinh phẩm, kit test nhanh, PCR trị giá 617.297,1 tỷ đồng, trong đó có 1.269.404 kit test nhanh và 237.452 bộ kit test PCR với nhiều mức giá khác nhau. Giá mua kit test nhanh từ 47 - 220,5 ngàn đồng/test; giá mua bộ kit test PCR từ 126 - 653,5 đồng/bộ.
 

Nhu cầu mua kit test tăng cao khi dịch bệnh bùng phát mạnh. Ảnh: VOV


Mức giá mua sắm của một số đơn vị tại các địa phương được ghi nhận dao động từ 48,5 - 242 ngàn đồng/kit test nhanh; từ 48,5 - 210 ngàn đồng/kit test RT-PCR; từ 200-300 ngàn đồng/kit test PCR và từ 205-509 ngàn đồng/kit test định tính Sars-CoV-2…

Trong đó, có một số đơn vị mua kit test từ Công ty Cổ phần công nghệ Việt Á giá trị 2.161,6 tỷ đồng theo hình thức trực tiếp hoặc qua đơn vị trung gian phân phối.

Ngoài vấn đề giá cả thì nhiều vấn đề đáng quan ngại khác liên quan đến quản lý, sử dụng kit test cũng được KTNN chỉ ra, đó là có lô kit test PCR tài trợ qua lấy mẫu thử nghiệm chưa bảo đảm chất lượng sử dụng; việc hạch toán, lập, quản lý, lưu giữ hồ sơ, tài liệu liên quan như chứng từ phân bổ, kế hoạch xét nghiệm, phiếu nhập, xuất, danh sách cấp phát… chưa đầy đủ; kit test viện trợ hết hạn sử dụng phải tiêu hủy.

Một số đơn vị chưa kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc quản lý, sử dụng kit test, hóa chất, sinh phẩm xét nghiệm như chưa thống kê, kiểm kê, theo dõi đầy đủ, chính xác số lượng nhập, xuất, tồn, còn chênh lệch số liệu giữa các bên; thực hiện điều chuyển kit test cho đơn vị khác khi chưa có Quyết định của Bộ Y tế…

Tại một số đơn vị, địa phương ghi nhận việc mượn, mua vật tư, kit test, sinh phẩm xét nghiệm từ các nhà cung cấp thông qua nhiều hình thức khác nhau với tổng giá trị hàng hóa mượn theo hợp đồng, thỏa thuận gần 1.061,9 tỷ đồng, ngoài ra còn nhiều hiện vật khác không tính được giá trị.
 
Ngày 08/4/2022 và ngày 27/4/2022, KTNN đã chuyển danh sách các đơn vị, địa phương mượn, mua kit test có dấu hiệu bất thường sang Thanh tra Chính phủ để nắm bắt tình hình và lưu ý khi thực hiện thanh tra theo chuyên đề tại các Bộ, ngành, địa phương.

Thu dịch vụ xét nghiệm sai quy định

Nhiều cơ sở y tế thu dịch vụ xét nghiệm Covid-19 cao hơn mức quy định của Bộ Y tế số tiền 58.727 triệu đồng, trong đó đã nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, nộp vào NSNN hoặc trả lại người xét nghiệm 925 triệu đồng.

Một số bệnh viện chưa kịp thời điều chỉnh đơn giá thu theo đơn giá của Bộ Y tế hoặc đơn giá của Sở Tài chính, bệnh viện đã ban hành dẫn đến thu cao hơn 2.266 triệu đồng. Một số đơn vị sử dụng kit test mua từ nguồn ngân sách phục vụ chống dịch, kit test được phân bổ, tài trợ để thực hiện hoạt động dịch vụ đối với người có nhu cầu xét nghiệm là 27.042 triệu đồng.

KTNN cũng nêu tên các đơn vị chưa thực hiện thu dịch vụ xét nghiệm theo thực thanh, thực chi, mà thực hiện theo đơn giá ban hành trước đó của Bộ Y tế hoặc HĐND tỉnh, số tiền 56.411,7 triệu đồng.

Nhiều bất cập khác cũng được KTNN chỉ ra như tình trạng không sàng lọc mà xét nghiệm tất cả các trường hợp đến khám; chưa ưu tiên sử dụng nguồn thu dịch vụ trước khi sử dụng NSNN; không thực hiện quyết toán với NSNN các chi phí liên quan đến việc lấy mẫu, trả kết quả xét nghiệm từ nguồn kinh phí phòng, chống dịch mà thu từ người bệnh là chưa đúng quy định của Bộ Y tế số tiền 3.011 triệu đồng.

Cùng với đó là vấn đề áp dụng mức thu không thống nhất, tiềm ẩn nguy cơ chỉ định sử dụng dịch vụ tùy tiện, có mức thu cao cho bệnh viện và chi phí cao hơn cho người được xét nghiệm.

Ngoài những sai sót về tài chính, liên quan đến việc tổ chức xét nghiệm tầm soát cộng đồng bằng kỹ thuật RT-PCR, tại một số địa phương đã thực hiện với tần suất, số mẫu cao hơn mức hướng dẫn của Bộ Y tế, chưa thực hiện gộp mẫu đúng theo kế hoạch xét nghiệm sàng lọc cộng đồng.

Từ những bất cập đã được chỉ ra, KTNN kiến nghị các đơn vị phải chấm dứt việc ban hành, áp dụng mức thu chưa tuân thủ theo các văn bản hướng dẫn của Bộ Y tế; chấm dứt tình trạng thu dịch vụ xét nghiệm sai đối tượng, giá dịch vụ xét nghiệm cao hơn quy định, thu dịch vụ xét nghiệm, bao gồm cả chi phí test, từ vật tư, sinh phẩm y tế được tài trợ, viện trợ hoặc NSNN phân bổ. Đối với những sai phạm liên quan đã được chỉ ra, KTNN kiến nghị cần phải xác định và xử lý trách nhiệm của các tập thể, cá nhân theo quy định của pháp luật.

Đồng thời, KTNN cũng đề nghị các đơn vị phải nghiêm túc thực hiện việc xây dựng giá dịch vụ xét nghiệm theo các quy định hiện hành làm cơ sở xác định chi phí xét nghiệm với NSNN và thu dịch vụ xét nghiệm theo quy định.
 
Một kiến nghị quan trọng được KTNN đưa ra là các đơn vị được kiểm toán cần chỉ đạo thanh tra rà soát và kiểm tra việc mua sắm kit xét nghiệm của Công ty Cổ phần công nghệ Việt Á tại các đơn vị trực thuộc để xử lý theo đúng hướng dẫn của Thanh tra Chính phủ về việc thực hiện thanh tra việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, kit xét nghiệm, vắc xin, thuốc phòng, chống dịch Covid-19.

QUỲNH ANH

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

(BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201