Thứ Năm, 25/4/2024 - 02:35:11 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Thể chế hóa đầy đủ chủ trương của Đảng về định hướng phát triển ngành dầu khí

THỨ SÁU, 15/04/2022 13:41:27 | THỜI SỰ - SỰ KIỆN
(BKTO) – Chiều 14/4, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 10, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về dự án Luật Dầu khí (sửa đổi). Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Doãn Anh Thơ tham dự phiên họp.

Tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho đầu tư lĩnh vực dầu khí

Báo cáo tóm tắt Tờ trình dự án Luật, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, qua thực tiễn đánh giá thi hành Luật Dầu khí được ban hành năm 1993, được sửa đổi, bổ sung vào các năm 2000 và năm 2008, Bộ Công Thương nhận thấy, Luật Dầu khí và các văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Dầu khí trong những năm qua đã tạo điều kiện cho sự phát triển của ngành dầu khí trong lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí, đóng góp lớn vào nguồn thu NSNN và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên trình bày Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Dầu khí (sửa đổi). Ảnh: quochoi.vn

Tuy nhiên, thời gian qua hoạt động dầu khí cũng đã phát sinh một số vướng mắc, bất cập. Trong đó, một số vấn đề thực tế phát sinh mang tính đặc thù của hoạt động dầu khí nhưng chưa được quy định cụ thể bởi Luật Dầu khí và các VBQPPL dưới Luật hoặc quy định chưa phù hợp với thực tiễn đã có những thay đổi. Một số vấn đề được quy định trong Luật Dầu khí nhưng chưa đồng bộ với các quy định pháp luật khác.

Đồng thời, một số vấn đề đang được quy định tại các văn bản dưới Luật cần được quy định trong Luật Dầu khí để nâng cao hiệu lực thi hành và đảm bảo tính đồng bộ, tương thích với các Luật khác có liên quan.

Xuất phát từ thực tiễn quản lý, thực trạng thi hành pháp luật và bối cảnh tình hình hiện nay, việc xây dựng Luật Dầu khí (sửa đổi) để thay thế Luật Dầu khí năm 1993, năm 2000, năm 2008 là hết sức cần thiết, nhằm tăng cường hiệu quả, hiệu lực trong quản lý nhà nước, loại bỏ rào cản, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho nhà đầu tư, góp phần cải thiện mức độ hấp dẫn của môi trường đầu tư trong lĩnh vực dầu khí – Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.

Thẩm tra dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu rõ, Ủy ban Kinh tế nhất trí sự cần thiết ban hành Luật Dầu khí (sửa đổi) để đáp ứng yêu cầu như Tờ trình của Chính phủ đã nêu. Các nội dung của dự thảo Luật cơ bản phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên. Ủy ban Kinh tế đề nghị cơ quan soạn thảo báo cáo thêm về việc nội luật hóa các quy định tại các điều ước quốc tế song phương trực tiếp điều chỉnh lĩnh vực dầu khí, bảo đảm đáp ứng yêu cầu quy định của Luật Điều ước quốc tế.

Đồng thời, để có thêm cơ sở nghiên cứu, xem xét các quy định tại dự thảo Luật, cơ quan thẩm tra đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung nội dung đánh giá tác động cụ thể đối với những quy định mới tại dự thảo Luật so với quy định hiện hành của pháp luật.

Cũng theo cơ quan thẩm tra, để bảo đảm nội dung lớn thuộc phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật là “điều tra cơ bản về dầu khí” và “hoạt động dầu khí”, đề nghị thiết kế lại Chương IV thành Chương quy định về “hoạt động dầu khí”. Bên cạnh đó, đề nghị nghiên cứu bổ sung một chương về Lựa chọn nhà thầu ký kết hợp đồng dầu khí (nhà đầu tư dầu khí).

Rà soát các quy định bảo đảm chặt chẽ, rõ ràng, sát thực tế

Qua thảo luận, các ý kiến trong UBTVQH đánh giá cao quá trình chuẩn bị dự án Luật. Hồ sơ dự án Luật đã đầy đủ theo quy định, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế cũng đã tập trung bao quát các vấn đề của dự án Luật. UBTVQH đề nghị cần khẩn trương tiếp tục nghiên cứu để đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 3.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu ý kiến tại phiên họp. Ảnh: quochoi.vn

UBTVQH đề nghị Chính phủ cần tiếp tục rà soát để thể chế hóa đầy đủ các chủ trương lớn của Đảng về định hướng phát triển ngành dầu khí. Trong đó yêu cầu quy định rõ về hoạt động dầu khí, tăng cường phân công, phân cấp quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương, đảm bảo hiệu lực; tạo điều kiện kinh doanh thuận lợi cho các DN thuộc mọi thành phần kinh tế trong lĩnh vực dầu khí; xây dựng cơ chế chính sách tăng cường thu hút nguồn lực từ các thành phần kinh tế, các tổ chức trong và ngoài nước để phát triển ngành dầu khí. Đồng thời, xây dựng cơ chế đặc thù thu hút đầu tư nước ngoài vào phát triển dầu khí trong nước, tạo điều kiện để khai thác các dạng năng lượng mới trên lĩnh vực dầu khí.

Các quy định của luật phải thống nhất về nguyên tắc xuyên suốt là phát triển kinh tế gắn với bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của quốc gia trên biển, phù hợp với luật pháp quốc tế, đảm bảo an toàn cho người, tài sản, các nhà đầu tư cũng như các quyền lợi chính đáng của họ khi tham gia điều tra cơ bản hoạt động dầu khí và hoạt động dầu khí trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh quốc gia của Việt Nam và tuân thủ pháp luật Việt Nam.

Bên cạnh đó, Chính phủ cần tiếp tục rà soát, xử lý những mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập của dự thảo Luật với các luật khác; rà soát kỹ các quy định về áp dụng Luật Dầu khí, các luật có liên quan đến pháp luật nước ngoài, các thông lệ, tập quán công nghiệp dầu khí quốc tế để đảm bảo rõ ràng, cụ thể, khả thi vào bao quát được thực tiễn phát sinh, tính đặc thù trong điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí.

Rà soát các quy định về hợp đồng dầu khí để đảm bảo chặt chẽ, rõ ràng, cụ thể, quy định phù hợp, khả thi, sát với thực tế, gắn trách nhiệm trong việc phê duyệt, ký kết hợp đồng dầu khí; các quy định về giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, nội dung chính của hợp đồng dầu khí, thời hạn hợp đồng dầu khí, giải quyết tranh chấp trong hợp đồng dầu khí, hoạt động dầu khí và các nội dung khác có liên quan đến hợp đồng dầu khí. Đồng thời, quy định rõ cơ chế quản lý, sử dụng tài sản, tiếp nhận toàn bộ quyền lợi tham gia từ nhà đầu tư nước ngoài rút khỏi hợp đồng dầu khí vì lý do đặc biệt, thiết kế phù hợp với quy định về tiếp nhận mỏ, cụm mỏ dầu khí từ nhà thầu để tận thu khai thác và các quy định về kế toán, quyết toán, kiểm toán tài chính, tài sản có liên quan đến hoạt động dầu khí cũng như xử lý các chi phí có liên quan đến khai thác, thăm dò dầu khí.

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: quochoi.vn

Cùng với đó, xem xét, rà soát kỹ các quy định về điều kiện để áp dụng ưu đãi, ưu đãi đặc biệt trong hoạt động dầu khí, đảm bảo chặt chẽ, cụ thể, khả thi, đảm bảo thống nhất với pháp luật về thuế và một số pháp luật khác. Quy định rõ, cụ thể về vai trò quản lý nhà nước, vị trí, địa vị pháp lý và gắn rõ ràng với phạm vi quyền và gắn liền với nghĩa vụ, trách nhiệm của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam khi là nhà đầu tư dầu khí độc lập ký hợp đồng dầu khí và khi thực hiện các nhiệm vụ theo ủy quyền của Chính phủ../.
Đ. KHOA


 

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

(BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201