Thứ Năm, 02/5/2024 - 14:03:39 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Tập trung hoàn thiện Đề án Chiến lược quốc gia thu hút, trọng dụng nhân tài

CHỦ NHẬT, 06/06/2021 21:00:00 | THỜI SỰ - SỰ KIỆN
(BKTO) - Thu hút, trọng dụng nhân tài không phân biệt nhân tài là đảng viên hay người ngoài Đảng, người Việt Nam ở trong nước hay ở nước ngoài, bảo đảm cơ hội bình đẳng cho nhân tài được cống hiến và đãi ngộ xứng đáng với kết quả thực hiện nhiệm vụ... Đây là yêu cầu, mục tiêu được đặt ra trong Dự thảo Chiến lược quốc gia thu hút, trọng dụng nhân tài, hiện đang được Bộ Nội vụ hoàn thiện, trước khi trình Thủ tướng Chính phủ xem xét thông qua.

Tại Thông báo kết luận Hội nghị giao ban triển khai nhiệm vụ công tác tháng 6/2021 của Bộ Nội vụ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà yêu cầu Vụ Công chức - Viên chức tập trung hoàn thiện Đề án Chiến lược quốc gia thu hút, trọng dụng nhân tài gửi xin ý kiến các Bộ, ban, ngành, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; đồng thời tổ chức hội thảo lấy ý kiến các chuyên gia trong tháng 6/2021; trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/8/2021.

Dự thảo Đề án nêu rõ, mục tiêu chung của Đề án là tăng cường thể chế hóa chính sách của Đảng, xác lập định hướng khung chính sách pháp luật làm nền tảng cho việc ban hành các văn bản về nhận diện nhân tài, cơ chế phát hiện, thu hút, trọng dụng nhân tài; xác định trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với các quy định về công tác cán bộ.
 

Thu hút nhân tài, bảo đảm cơ hội bình đẳng cho nhân tài được cống hiến và đãi ngộ xứng đáng. Ảnh minh họa: Văn Chung


Để thực hiện được các mục tiêu trên, Chiến lược đưa ra các nhóm giải pháp thực hiện.

Cụ thể, từ năm 2021, tổ chức rà soát và đánh giá việc ban hành và thi hành chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác cán bộ nói chung và thu hút, trọng dụng nhân tài làm cơ sở đề xuất giải pháp mang tính đột phá để hoàn thiện chính sách, pháp luật tạo cơ hội bình đẳng cho nhân tài được thu hút, trọng dụng và cống hiến.

Từ năm 2021, cấp ủy đảng và chính quyền các cấp, trước hết là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị quản lý và sử dụng cán bộ, công chức, viên chức phải có cam kết chính trị về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thu hút, trọng dụng nhân tài; lấy kết quả thực hiện nhiệm vụ thu hút, trọng dụng nhân tài là một trong những tiêu chí đánh giá tầm nhìn, năng lực, tiêu chuẩn thi đua của lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương...

 
Về mục tiêu cụ thể, Dự thảo nêu rõ: Từ năm 2021 đến năm 2025, 100% các Bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành và triển khai thực hiện chính sách cụ thể thu hút, trọng dụng nhân tài phù hợp với Chiến lược này và tình hình thực tiễn.
Từ năm 2026 - 2030, 100% các Bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố bảo đảm khung tỷ lệ tối thiểu từ 2% đến 5% trở lên nhân tài trong cơ cấu lãnh đạo, quản lý; từ 10% đến 15% trở lên trong cơ cấu chuyên môn, nghiệp vụ.
Từ năm 2030 trở đi, phấn đấu mỗi năm tăng thêm ít nhất 1% trở lên với cơ cấu lãnh đạo, quản lý và 3% trở lên trong cơ cấu chuyên môn, nghiệp vụ.
 
Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện tốt quy định về văn hóa công vụ, về đánh giá kết quả làm việc và thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan, đơn vị, tạo môi trường làm việc thuận lợi, phát huy sức mạnh tập thể cùng với sức sáng tạo của cá nhân có tài năng. Khuyến khích, tạo điều kiện cho nhân tài, nhà khoa học làm việc trong các cơ quan, đơn vị được tham gia học tập, giao lưu với các chuyên gia, nhà khoa học trên thế giới để cập nhật tri thức mới, hướng phát triển mới….

Cơ quan thanh tra xây dựng và thực hiện nội dung thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật về thu hút và trọng dụng nhân tài trong kế hoạch thanh tra định kỳ và đột xuất để phát huy, nhân rộng điển hình tốt và ngăn ngừa, phát hiện, xử lý vi phạm. Cơ quan kiểm tra của Đảng tăng cường, đẩy mạnh công tác kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật về thu hút, trọng dụng nhân tài và xử lý vi phạm với đối tượng thuộc thẩm quyền kiểm tra...

Theo Dự thảo, thời gian thực hiện từ năm 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045, chia thành 2 giai đoạn.

Giai đoạn 1, từ năm 2021 - 2025: Tập trung hoàn thiện, chuẩn hóa, đồng bộ thể chế pháp luật về thu hút, trọng dụng nhân tài, bảo đảm đồng bộ với quy định về công tác cán bộ của Đảng. Bước đầu triển khai thực hiện thí điểm ở một số Bộ, ngành, địa phương. Giữa năm 2025 tổ chức sơ kết giai đoạn 1.

Giai đoạn 2, từ năm 2026 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045: Tập trung triển khai thi hành Chiến lược đồng bộ từ Trung ương đến cấp cơ sở. Giữa năm 2030 tổ chức tổng kết việc thực hiện Chiến lược./.
NGUYỄN LỘC

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

(BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201