Thứ Sáu, 29/3/2024 - 13:30:17 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Nhiều bất cập trong dự toán thu, chi NSNN năm 2020

THỨ SÁU, 24/06/2022 16:21:55 | THỜI SỰ - SỰ KIỆN
(BKTO) - Tình trạng dự toán thu NSNN chưa sát với thực tế, chưa bao quát hết nguồn thu tiếp tục diễn ra; dự toán chi phải điều chỉnh nhiều lần do xây dựng kế hoạch vốn chưa chính xác. Cùng với vấn đề nổi cộm là giao kế hoạch vốn chậm thì những bất cập như bố trí vốn cho dự án không có trong kế hoạch, phân bổ vốn vượt kế hoạch, vượt mức quy định, không đúng đối tượng, không đúng tính chất nguồn vốn… đã được Kiểm toán nhà nước (KTNN) chỉ ra qua kiểm toán quyết toán NSNN năm 2020.

 

Dự toán thu, chi NSNN là nội dung được KTNN đánh giá hằng năm. Ảnh minh họa: Tạp chí Tài chính


Dự toán thu NSNN chưa sát thực

Năm 2020, dự toán thu NSNN (bao gồm cả dự toán bổ sung) được Quốc hội quyết nghị và Chính phủ giao là 1.539.052 tỷ đồng. Trong đó, thu nội địa 1.290.776 tỷ đồng, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 338.000 tỷ đồng (hoàn thuế Giá trị gia tăng 130.000 tỷ đồng), thu từ dầu thô 35.200 tỷ đồng, thu viện trợ 5.076 tỷ đồng.

Đáng chú ý, trong dự toán thu NSNN năm 2020 nổi lên 3 vấn đề bất cập, trong đó có những vấn đề tiếp diễn qua nhiều năm.

Thứ nhất, dự toán thu tiền sử dụng đất chưa sát với khả năng nguồn thu, các địa phương lập dự toán chỉ bằng 72% ước thực hiện năm 2019 (79.266/110.155 tỷ đồng). Mặc dù Trung ương (TW) đã giao dự toán 93.800 tỷ đồng - cao hơn số địa phương lập 18,3%, song thực hiện thu tiền sử dụng đất năm 2020 vượt tới 80,4%.

KTNN chỉ rõ, thực tế này đã diễn ra trong nhiều năm. Cụ thể, năm 2016, thực hiện thu tiền sử dụng đất vượt tới 99,24% dự toán giao (99.619/50.000 tỷ đồng) và năm 2017, số thu vượt cũng lên tới 96,88% (125.413/63.700 tỷ đồng). Tiếp đến năm 2018, số thu vượt 72,07% (147.815/85.900 tỷ đồng) và năm 2019 vượt 70,8% (153.738/90.000 tỷ đồng).

Thứ hai, việc xây dựng dự toán hoàn thuế Giá trị gia tăng đầu năm (130.000 tỷ đồng) chưa sát với số phải hoàn trong năm dẫn đến hoàn vượt dự toán Quốc hội quyết nghị 7.019 tỷ đồng.

Theo đánh giá của KTNN, kể từ khi Luật NSNN năm 2015 có hiệu lực, ngoại trừ duy nhất năm 2017, việc chi hoàn thuế vượt dự toán liên tục diễn ra, năm 2018 vượt 7.783 tỷ đồng; năm 2019 vượt 21.742 tỷ đồng.

Thứ ba, một số địa phương lập dự toán chưa đầy đủ, chưa bao quát hết nguồn thu; thực tế có 04/45 địa phương lấy ước thực hiện năm 2019 làm cơ sở xây dựng dự toán năm 2020 thấp hơn 90% so với thực hiện năm 2019.

Kế hoạch vốn phải điều chỉnh nhiều lần

Dự toán chi cân đối NSNN được Quốc hội quyết nghị và Chính phủ giao là 1.773.766 tỷ đồng. Trong đó, dự toán chi đầu tư phát triển được Quốc hội quyết nghị và Chính phủ giao đầu năm là 470.600 tỷ đồng; các Bộ, cơ quan TW và địa phương phân bổ chi tiết 456.001 tỷ đồng (gồm vốn NSTW 205.401 tỷ đồng và vốn cân đối ngân sách địa phương 250.600 tỷ đồng).
 

Dự toán chi đầu tư phát triển năm 2020 được các Bộ, cơ quan TW và địa phương phân bổ chi tiết là 456.001 tỷ đồng. Ảnh minh họa: TTXVN


Tuy nhiên, kế hoạch vốn năm 2020 đã phải điều chỉnh 03 lần, tổng số kế hoạch vốn điều chỉnh giảm 14.598,891 tỷ đồng vốn ngoài nước đã hủy dự toán.

Đánh giá về công tác xây dựng, giao kế hoạch vốn tại một số Bộ, cơ quan TW, địa phương, KTNN chỉ ra tình trạng đăng ký nhu cầu kế hoạch vốn chưa chính xác, đặc biệt là vốn ngoài nước, dẫn đến trong năm phải điều chỉnh giảm, chưa thu hồi đầy đủ vốn ứng trước; đăng ký kế hoạch vốn chuẩn bị đầu tư cho dự án chưa có trong Kế hoạch đầu tư công (KHĐTC) trung hạn.

Một số Bộ, địa phương hoàn chỉnh dự kiến KHĐTC hằng năm gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính chậm so với quy định của Luật Đầu tư công; còn trường hợp cấp huyện chưa xây dựng KHĐTC trung hạn giai đoạn 2016-2020.

Việc giao kế hoạch vốn chậm, bổ sung sau ngày 31/12/2019 và điều chỉnh nhiều lần, thậm chí điều chỉnh sau ngày 15/11/2020 là chưa phù hợp quy định của Luật NSNN. Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho biết, có 15 Bộ, ngành đến 8 tháng đầu năm 2020 chưa phân bổ chi tiết hết kế hoạch vốn được Thủ tướng Chính phủ giao, tổng số 13.702 tỷ đồng.

Đáng chú ý, có Bộ giao vốn chuẩn bị đầu tư cho các dự án dự kiến thực hiện giai đoạn 2021-2025 khi chưa xác định cụ thể danh mục dự án; phân bổ chi tiết kế hoạch vốn khi chưa có quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư, nhiệm vụ quy hoạch, chưa được Thủ tướng Chính phủ giao bổ sung KHĐTC trung hạn.

Một số Bộ, cơ quan TW, địa phương phân bổ chi tiết vượt mức vốn được duyệt trong KHĐTC trung hạn; giao cho một số dự án vượt nhu cầu đăng ký trong khi không giao đủ kế hoạch vốn đối ứng cho một số dự án có nhu cầu; chưa bố trí đủ, thậm chí không bố trí kế hoạch vốn để thanh toán cho các dự án đã hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng còn nhu cầu vốn; phân bổ vốn thực hiện nhiệm vụ quy hoạch chưa đúng phương án, chưa phù hợp đối tượng.

Trên thực tế, một số Bộ, cơ quan đã phân bổ chi tiết 60 tỷ đồng kế hoạch vốn dự kiến bố trí cho các dự án thuộc danh mục dự án dự kiến sử dụng dự phòng chung KHĐTC trung hạn giai đoạn 2016-2020 nhưng sau đó không được Thủ tướng Chính phủ giao bổ sung.

KTNN nêu rõ, đây là hạn chế của việc giao kế hoạch vốn NSTW năm 2020 cho các dự án khi danh mục dự án sử dụng dự phòng chung KHĐTC trung hạn giai đoạn 2016-2020 chưa được phê duyệt. Do đó, KTNN yêu cầu cần phải kiểm tra, rà soát lại để có phương án xử lý theo quy định.

Bên cạnh đó, một số địa phương giao kế hoạch vốn nguồn dự phòng chung KHĐTC trung hạn giai đoạn 2016-2020 cho các dự án mà tại thời điểm giao, dự án chưa nằm trong danh mục KHĐTC trung hạn.

Nghị quyết số 71/2018/QH14 quy định ưu tiên tập trung cho các dự án trong danh mục KHĐTC trung hạn giai đoạn 2016-2020 đang thực hiện dở dang, thiếu vốn thuộc nghĩa vụ NSTW; thanh toán các khoản nợ thuộc nghĩa vụ của NSTW đối với các dự án đã hoàn thành, bàn giao, đưa vào sử dụng; các dự án NSTW đang nợ tiền đền bù giải phóng mặt bằng và chưa thanh toán theo tiến độ, cam kết với một số dự án đối tác công tư. Tuy nhiên, một số địa phương đã giao 2.534 tỷ đồng nguồn dự phòng chung KHĐTC trung hạn giai đoạn 2016-2020 cho 53 dự án khởi công mới mà không ưu tiên cho các trường hợp như quy định nêu trên.
 
Theo KTNN, số dư ứng trước đến hết năm 2020 chưa bố trí kế hoạch vốn để thu hồi là 47.078,565 tỷ đồng; giai đoạn 2016-2020 phát sinh ứng trước 10.933,317 tỷ đồng; số vốn bố trí thực tế trong kế hoạch hằng năm để thu hồi vốn ứng trước đến hết năm 2020 chỉ đạt 41,6/50,2 nghìn tỷ đồng; giai đoạn 2016-2020 chưa bố trí thanh toán hết số dư nợ đọng xây dựng cơ bản của những dự án thực hiện trước năm 2015.

Giao dự toán chi thường xuyên chậm

Năm 2020, dự toán chi thường xuyên được Quốc hội quyết nghị và Chính phủ giao là 1.116.003 tỷ đồng, bằng 62,9% tổng dự toán chi NSNN. Kết quả kiểm toán cho thấy, một số Bộ, cơ quan TW lập dự toán chi không sát thực tế hoặc chưa đúng quy định; một số địa phương còn lập dự toán chi hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước, Đảng, đoàn thể và các đơn vị sự nghiệp chưa gắn với mục tiêu, nhiệm vụ tinh giản biên chế, sắp xếp lại bộ máy theo Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 19-NQ/TW.

Việc giao dự toán cho các Bộ, cơ quan TW, địa phương chậm so quy định; thậm chí giao bổ sung dự toán cho một số Bộ, ngành vào thời điểm cuối tháng 12 của năm ngân sách 2020. Tại một số Bộ, cơ quan TW có tình trạng giao và phân bổ chưa đầy đủ cơ sở, căn cứ; không phân bổ hết dự toán.

Tại các địa phương, kết quả kiểm toán cho thấy, có 22/45 địa phương chưa phân bổ và giao dự toán chi thường xuyên hết cho đơn vị ngay từ đầu năm với số tiền 15.093 tỷ đồng; 19 địa phương bố trí dự phòng ngân sách tại cấp tỉnh hoặc cấp huyện chưa đảm bảo tỷ lệ quy định.

Cùng với đó, KTNN cũng chỉ ra nhiều bất cập tại một số địa phương trong giao dự toán cho các đơn vị trực thuộc, chi sự nghiệp giáo dục - đào tạo và dạy nghề, sự nghiệp khoa học công nghệ; giao kinh phí chi thường xuyên để thực hiện dự án đầu tư mới, cải tạo, nâng cấp; không bố trí dự toán để thu hồi các khoản ứng trước dự toán từ ngân sách địa phương; giao thừa lương cho biên chế chưa tuyển, giao bổ sung kinh phí đã được đảm bảo trong định mức chi thường xuyên…/.
PHÚC KHANG

 

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

(BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201