Thứ Tư, 24/4/2024 - 12:35:45 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Đổi mới hình thức định giá nhà nước phù hợp với cơ chế thị trường

THỨ TƯ, 31/08/2022 09:55:00 | THỜI SỰ - SỰ KIỆN
(BKTO) - Luật Giá chính thức có hiệu lực từ ngày 01/01/2013

Quốc hội thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022. Ảnh tư liệu

Luật Giá chính thức có hiệu lực từ ngày 01/01/2013, theo đó, Điều 8 Luật này quy định thẩm quyền quản lý nhà nước trong lĩnh vực giá như sau: 1. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước trong lĩnh vực giá trên phạm vi cả nước; 2. Bộ Tài chính chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực giá; 3. Bộ, cơ quan ngang Bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giá trong lĩnh vực được pháp luật quy định; 4. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm thực hiện chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực giá tại địa phương theo quy định của pháp luật.
 
Khoản 2, Điều 19 Luật Giá 2012 quy định 3 hình thức định giá nhà nước gồm: a) Mức giá cụ thể; b) Khung giá; c) Mức giá tối đa, mức giá tối thiểu. Bên cạnh đó, theo Điều 22, Chính phủ quy định: a) Khung giá đất; b) Khung giá cho thuê mặt nước; c) Khung giá cho thuê, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở công vụ còn Thủ tướng Chính phủ quy định khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân, cơ chế điều chỉnh giá và cơ cấu biểu giá bán lẻ điện. Bộ trưởng Bộ Tài chính, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh định giá hàng hóa, dịch vụ quy định tại Điều 19 Luật Giá 2012 theo sự phân công, phân cấp của Chính phủ.
 
Khoản 3, Điều 19 thậm chí còn quy định hình thức định giá cụ thể gắn với danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá như Định mức giá cụ thể hay Định khung giá và Định khung giá và mức giá cụ thể cũng như Định giá tối đa hoặc giá tối thiểu.

Theo Điều 133 Luật Đất đai 2013, khung giá đất là giá đất mà Nhà nước quy định, xác định từ mức tối thiểu đến mức tối đa với từng loại đất cụ thể, theo vùng và ban hành định kỳ 5 năm 1 lần, đồng thời khung giá đất là cơ sở để Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng và công bố bảng giá đất từng vị trí cụ thể ở địa phương cũng định kỳ công bố 5 năm 1 lần. Rõ ràng, hình thức định giá bằng khung giá đất có chung nguồn gốc từ định giá tối thiểu và định giá tối đa song lại được giữ ổn định tới 5 năm là không phù hợp với diễn biến thị trường, đặc biệt là thị trường bất động sản Việt Nam. Vì vậy, việc bỏ hình thức khung giá, theo đó là cả bảng giá trong Luật Giá là cần thiết và chỉ nên giữ lại 2 hình thức định giá nhà nước là mức giá cụ thể và mức giá tối thiểu hay mức giá tối đa tùy theo loại hàng hóa và dịch vụ trong danh mục Nhà nước cần định giá.
 
Bên cạnh đó, cần luật hóa quyền hạn và trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong thực hiện hình thức định giá nhà nước. Cụ thể, giao toàn bộ chức năng định giá Nhà nước cho các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đối với từng loại hàng hóa và dịch vụ phù hợp với phân cấp quản lý nhà nước mà không cần sự tham gia của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ trong định giá nhà nước. Chẳng hạn như định giá đất đai thuộc thẩm quyền của Bộ Tài nguyên và Môi trường, định giá điện là trách nhiệm của Bộ Công Thương hay định giá dịch vụ giáo dục và có thể cả sách giáo khoa là thẩm quyền của Bộ Giáo dục và Đào tạo... còn Bộ Tài chính thay mặt Chính phủ quản lý nhà nước về giá nói chung, định giá nhà nước nói riêng theo luật định. Đến lượt mình, cả Bộ Tài chính cũng như các Bộ, ngành chức năng có quyền và trách nhiệm quyết định mức giá cụ thể, mức giá tối đa hay mức giá tối thiểu căn cứ vào kết quả định giá của các công ty định giá được thuê theo hợp đồng với điều kiện mỗi mức giá phải được ít nhất 2 công ty định giá thực hiện. Cơ quan thuê định giá chịu trách nhiệm kiểm tra tính đầy đủ, hợp pháp và phù hợp của các thông tin, phương pháp định giá và xử lý thông tin của các công ty định giá để làm căn cứ ra quyết định về mức giá. Bên cạnh đó, cần bổ sung định giá nhà nước là đối tượng Kiểm toán nhà nước.
 
Một trong những nguyên nhân cơ bản khiến cho Luật Giá 2012 triển khai trong thực tế thiếu nhất quán, đôi khi vận dụng tùy tiện và phát sinh không ít sai phạm là do lẫn lộn bản chất và nội dung giữa khái niệm định giá và thẩm định giá. Theo khoản 15, Điều 4 Luật Giá: “Thẩm định giá là việc cơ quan, tổ chức có chức năng thẩm định giá xác định giá trị bằng tiền của các loại tài sản theo quy định của Bộ luật Dân sự phù hợp với giá thị trường tại một địa điểm, thời điểm nhất định, phục vụ cho mục đích nhất định theo tiêu chuẩn thẩm định giá” còn định giá là quy định giá như đã nêu trên, trong khi giá cả là biểu hiện bằng tiền của giá trị nên thực chất thẩm định giá cũng chính là định giá với hệ thống phương pháp và quy trình như nhau. Chính vì vậy, Luật Giá mới và các quy định pháp luật có liên quan cần loại bỏ hoàn toàn thuật ngữ thẩm định giá và thay thế bằng một thuật ngữ duy nhất là định giá./.
 
​TS. VŨ ĐÌNH ÁNH
 

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

(BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201