Thứ Sáu, 3/5/2024 - 19:45:57 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Đẩy nhanh tiến trình phục hồi kinh tế, phấn đấu đạt mức tăng trưởng từ 2,5 đến 3%

THỨ SÁU, 02/10/2020 21:34:33 | THỜI SỰ - SỰ KIỆN
(BKTO) - Tại Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9/2020 vừa diễn ra chiều nay (02/10), Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP), Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng đã nhắc lại yêu cầu mà Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đặc biệt nhấn mạnh tại cuộc họp Chính phủ sáng cùng ngày.

 

Toàn cảnh Họp báo - Ảnh: VGP


Nền kinh tế đã đi qua đáy và đang phục hồi theo hình chữ V

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP, Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, trong 30 ngày qua, không có ca mắc mới COVID-19 trong cộng đồng. Đến nay, dịch bệnh đã một lần nữa được kiểm soát. Đồng thời, chúng ta tiếp tục thực hiện hiệu quả các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh, bảo đảm đời sống cho nhân dân. Kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn tiếp tục được bảo đảm, duy trì được tăng trưởng. Đặc biệt, trong quý III, khi cả nước căng mình chống dịch nhưng tăng trưởng GDP khởi sắc hơn với mức tăng 2,62%; 9 tháng tăng 2,12%, tạo tiền đề để có thể đạt mức tăng trưởng dương trong cả năm. Thực tế, nền kinh tế đã đi qua đáy trong quý II và đang phục hồi theo hình chữ V.

Lạm phát được kiểm soát ở mức thấp; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9/2020 tăng 0,12% so với tháng trước và tăng 0,01% so với tháng 12 năm trước, mức thấp nhất trong giai đoạn 2016-2020. Bình quân 9 tháng năm 2020, CPI tăng 3,85% so với cùng kỳ năm trước. Tỷ giá hối đoái, lãi suất cho vay ổn định; dự trữ ngoại hối tiếp tục tăng. Trong 9 tháng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã 3 lần hạ lãi suất điều hành để kích thích kinh tế.

Tốc độ giải ngân vốn đầu tư công tháng 9 và 9 tháng đều đạt mức cao nhất trong giai đoạn 2016-2020. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện quý III/2020 tăng khá, tăng 7,4% so với cùng kỳ, đặc biệt vốn khu vực nhà nước tăng 21,5%. Thu hút đầu tư nước ngoài mặc dù gặp khó khăn nhưng đã đạt trên 21 tỷ USD.

 Kim ngạch xuất nhập khẩu tháng 9/2020 tăng 15% so với cùng kỳ. Tính chung 9 tháng, xuất khẩu tăng 4,2%. Xuất siêu đạt kỷ lục, gần 17 tỷ USD. Điểm ấn tượng, xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước tăng 20,2%, nhanh hơn FDI; nông nghiệp phấn đấu vượt mức xuất khẩu 41 tỷ USD.

Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đã thể hiện vai trò bệ đỡ của nền kinh tế. Sản xuất công nghiệp tháng 9 đã có khởi sắc, mở ra hy vọng sớm phục hồi và tăng trưởng mạnh trở lại trong những tháng cuối năm. Hoạt động thương mại dịch vụ đã tăng trưởng trở lại, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 9/2020 tăng 2,7% so với tháng trước và tăng 4,9% so với cùng kỳ. Hoạt động của DN còn gặp nhiều khó khăn, nhưng kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các DN ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cho thấy, khoảng 81% DN đánh giá sẽ ổn định và tốt hơn trong quý IV/2020.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, nền kinh tế vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như: các rủi ro bên ngoài khi dịch bệnh chưa thuyên giảm ở nhiều nước; một số tổ chức quốc tế cảnh báo rủi ro bất ổn tài chính toàn cầu do lượng tiền lớn trong khi khả năng hấp thụ còn yếu có thể dẫn đến bong bóng tài chính; ngành công nghiệp xây dựng vẫn tiếp tục bị ảnh hưởng bởi sự đứt gãy chuỗi cung ứng, các thị trường xuất khẩu chính còn gặp khó khăn; lĩnh vực dịch vụ chịu tác động lớn, phục hồi chậm…

Tăng tốc thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội năm 2020

Về triển khai các nhiệm vụ thời gian tới, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các cấp, các ngành, nhất là hai thành phố lớn kiểm soát chặt chẽ tất cả các nguồn nhập cảnh vào Việt Nam, đặc biệt là nhập cảnh trái phép. Về việc mở lại 7 đường bay quốc tế, đây là điều tất yếu nhưng phải kiểm soát chặt, không để dịch bệnh lọt vào cộng đồng. Bộ Y tế phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương hướng dẫn chi tiết, cụ thể, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ vận dụng các biện pháp phòng, chống dịch, bảo đảm an toàn cho người dân, các chuyên gia, nhà ngoại giao, nhà đầu tư.

Đáng lưu ý, Thủ tướng yêu cầu đẩy nhanh tiến trình phục hồi kinh tế, phấn đấu đạt mức tăng trưởng từ 2,5 đến 3% trong năm. Theo đó, phải xây dựng mô hình chuỗi giá trị đối với từng loại sản phẩm ưu tiên, tập trung tháo gỡ khó khăn cho những dự án, những chương trình để thúc đẩy tăng trưởng. NHNN tiếp tục tạo mọi điều kiện để có thể tăng trưởng tín dụng. Các bộ trưởng, trưởng ngành triển khai ngay các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, nhanh chóng khắc phục, không để chậm trễ, làm ảnh hưởng đến việc tăng tốc thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2020.

Tại Họp báo, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cùng đại diện các Bộ, ngành đã trả lời nhiều câu hỏi của các nhà báo xung quanh các vấn đề được dư luận xã hội quan tâm thời gian qua như: tình trạng đẩy giá thiết bị y tế không chỉ ở Bệnh viện Bạch Mai mà ở nhiều bệnh viện lớn khác; việc gia đình ông Nguyễn Đức Chung xin tại ngoại để điều trị ung thư; việc sửa đổi giá điện; các giải pháp trước làn sóng dừng hoạt động của các DN thời gian tới…
 

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú trả lời tại Họp báo - Ảnh: VGP


Liên quan đến câu hỏi về kết quả tăng trưởng tín dụng và kế hoạch tăng trưởng tín dụng 3 tháng cuối năm, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, quý II/2020, tín dụng tăng khoảng 4,2 - 4,3%, riêng tháng 9, mức tăng từ 4,3 - 6,1%, tức tăng khoảng 1,8%. Điều này cho thấy những dấu hiệu rất tích cực về thanh toán vốn của các DN và hộ nông dân, đặc biệt, lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, sản xuất, dịch vụ… chiếm 63% trong tổng số dư nợ hiện nay. Trong điều kiện còn nhiều khó khăn do tác động của dịch, các DN có những chuyển biến rất tích cực và linh hoạt tiếp cận các khoản vay mới trên cơ sở khoản nợ cũ đã được giãn, hoãn hoặc cơ cấu lại.

Ông Tú cho hay, thời gian tới, trong điều kiện dịch kiểm soát tốt, đặc biệt việc hỗ trợ sản xuất, xuất khẩu của các DN tích cực như hiện nay,  dư nợ tín dụng trong năm 2020 có thể tăng khoảng hơn 9%. Để đạt điều này, nhiều giải pháp đồng bộ, bao gồm cả cơ cấu lại các khoản nợ đến hạn, khoản lãi đến hạn, nhưng có lẽ một trong những giải pháp quan trọng nhất chính là giảm hồ sơ. Từ đầu năm đến nay, NHNN đã 3 lần giảm lãi suất cho vay, tổng mức giảm 3 lần khoảng 1,5 - 2%, tạo ra nguồn vốn rẻ cho các ngân hàng thương mại để các ngân hàng cho DN vay với lãi suất thấp hơn. Bản thân các ngân hàng thương mại đã giảm chi phí và tăng hỗ trợ các DN với lãi suất ưu đãi. Trên thực tế, vấn đề hỗ trợ thông qua các khoản lãi suất và khoản cho vay cũ cũng như các khoản vay mới đã tạo điều kiện tốt hơn cho DN.

“Việc hạ lãi suất cũng là một trong những lý do cơ bản quan trọng để tạo điều kiện cho tín dụng mở rộng. Ngoài ra, nhiều chính sách khác của Chính phủ, các Bộ, ngành cũng tạo thuận lợi hơn trong hỗ trợ về tài chính, về thuế giúp các DN” - ông Tú nhấn mạnh.

HỒNG NHUNG
 

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

(BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201