Thứ Năm, 25/4/2024 - 00:11:02 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Có thể lỡ nhịp phục hồi nếu không có gói hỗ trợ đặc biệt

CHỦ NHẬT, 05/12/2021 15:22:22 | THỜI SỰ - SỰ KIỆN
(BKTO) - Thay mặt Nhóm Nghiên cứu của Thường trực Ủy ban Kinh tế và các chuyên gia trình bày tham luận về một số gợi mở chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội tại Phiên toàn thể - Tọa đàm cấp cao, Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 sáng 05/12, TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế trưởng ngân hàng BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho biết: Theo tính toán của Nhóm nghiên cứu, tổng thể các gói hỗ trợ tài khóa, tiền tệ, an sinh xã hội và các chính sách khác vào khoảng 445.760 tỷ đồng, tương đương 5,48% GDP.

TS. Cấn Văn Lực phát biểu tham luận tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021. Ảnh: daibieunhandan.vn


Theo TS. Cấn Văn Lực, dịch Covid-19 tác động nặng nề đến nền kinh tế Việt Nam. Tăng trưởng GDP năm 2020 ở mức 2,91%. Năm 2021, dự báo tăng 2% và có vẻ đang lỡ nhịp.

“Việt Nam đang phục hồi có vẻ theo hình “chữ U” trong khi thế giới theo hình “chữ V” rõ nét. Đây là điểm cần lưu ý. Nếu không có chương trình, gói hỗ trợ đặc biệt cả về tài khóa và tiền tệ thì sẽ bị lỡ nhịp, điều đó đồng nghĩa triển vọng năm 2022 sẽ chỉ tăng tưởng trưởng trong khoảng 4 - 4,5%” - TS Cấn Văn Lực cảnh báo.

Từ kinh nghiệm quốc tế, TS. Cấn Văn Lực nêu rõ, có 2 bài học rất quan trọng. Cụ thể, khoảng 98% các nước coi dịch bệnh là đặc hữu; thực hiện đa mục tiêu vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội và phát triển bền vững trong tương lai. Về gói hỗ trợ, các nước dùng cả chính sách tài khóa và tiền tệ. Tính đến hết tháng 10/2021, bình quân các gói hỗ trợ toàn cầu vào khoảng 16,4% GDP, trong đó gói tài khóa chiếm khoảng 61,7%, tương ứng 10,2% GDP toàn cầu.

Đối với Việt Nam, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, để triển khai các gói hỗ trợ này, cần bảo đảm chính sách phải tác động cả tổng cung và tổng cầu; phải khả thi, triển khai nhanh gọn và hiệu quả; phối hợp tốt chính sách tài khóa và tiền tệ cũng như với các chính sách kinh tế - xã hội khác để tạo tính tổng lực.

Về phạm vi hỗ trợ, đầu tiên là phải nâng cao năng lực y tế; tiếp đến là hỗ trợ DN, người dân cả về nghĩa vụ tài chính và tiếp cận vốn, an sinh xã hội. Đối tượng hỗ trợ chủ yếu là lao động và người sử dụng lao động. Thời gian hỗ trợ trong hai năm 2022 - 2023.

Theo TS. Cấn Văn Lực, có thể phân chia gói hỗ trợ thành 3 giai đoạn khác nhau, gồm: Chuẩn bị kích hoạt chương trình và mở cửa nền kinh tế, phục hồi rõ nét hơn (hết quý 2/2022), tạo lập nền tảng, phục hồi nhanh và tăng tốc (đến hết quý 3/2023) và kết thúc chương trình, bước sang quỹ đạo mới (từ quý 4/2023).

Về chi tiết gói hỗ trợ, theo tính toán của Nhóm Nghiên cứu, đối với gói chính sách tài khóa, nên bao gồm: Tiếp tục giảm Thuế Giá trị gia tăng (VAT) từ 1 đến 2%; bảo lãnh vay vốn cho DN nhỏ và vừa thông qua quỹ bảo lãnh tín dụng cho các DN này; có gói hỗ trợ lãi suất khoảng 20.000 - 30.000 tỷ đồng theo đề xuất của Bộ Tài chính… Riêng về cơ sở hạ tầng, tăng đầu tư bổ sung khoảng 150.000 tỷ đồng. Theo đó, gói hỗ trợ tài khóa vào khảng 389.200 tỷ đồng, tương đương 4,79% GDP.

Về chính sách tiền tệ, cần tiếp tục thực hiện các chính sách hiện hành, đồng thời sử dụng một loạt công cụ khác để tiếp tục giảm lãi suất 0,5 - 1%; cho vay tái cấp vốn cho các tổ chức tín dụng để cho vay nhà ở quy mô 65.000 tỷ đồng; giá trị cấp bù lãi suất ước tính 6.100 tỷ đồng. Đồng thời, nghiên cứu giữ nguyên tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn để cho vay trung, dài hạn, linh hoạt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng ở mức 13-14%, luật hóa xử lý nợ xấu…

Về chính sách an sinh xã hội, Nhóm Nghiên cứu đề xuất có thêm 2 gói chính sách: Hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động trở lại DN làm việc vào khoảng 6 nghìn tỷ đồng; hỗ trợ đào tạo nghề vào khoảng 6,8 nghìn tỷ đồng với tổng giá trị hỗ trợ khoảng 13 nghìn tỷ đồng. Ngoài ra, xem xét giảm tiền điện, nâng cao năng lực công nghệ đổi mới sáng tạo cho DN… với khoảng 38 nghìn tỷ đồng.

Như vậy, “Tổng thể các gói hỗ trợ tài khóa, tiền tệ, an sinh xã hội và các chính sách khác có thể lên tới 445.760, tương đương 5,48% GDP”- TS. Cấn Văn Lực cho biết.

TS Cấn Văn Lực cũng nêu rõ, gói hỗ trợ này sẽ đủ sức hấp thụ trong thời gian tới, và khi áp dụng gói chính sách này, chúng ta cần chấp nhận thâm hụt ngân sách ít nhất 0,1 điểm % cho mỗi năm trong giai đoạn 2022-2023.

Để huy động nguồn lực cho gói hỗ trợ này, chúng ta có thể huy động từ việc tiết giảm chi phí (khoảng 29 nghìn tỷ đồng); thúc đẩy cổ phần hóa, thoái vốn (80 nghìn tỷ đồng); cho phép Bảo hiểm tiền gửi, Bảo hiểm xã hội dùng tiền nhàn rỗi để mua trái phiếu Chính phủ (51,1 nghìn tỷ đồng); phát hành trái phiếu Chính phủ mà Ngân hàng Nhà nước có thể mua (hơn 220 nghìn tỷ đồng); rà soát các quỹ ngoài ngân sách (20 nghìn tỷ đồng); sử dụng một phần dự trữ ngoại hối nếu cần (45.400 tỷ đồng). Như vậy, có thể huy động được khoảng 445 nghìn tỷ đồng, tương đương hơn 5% cho 2 năm tới – TS. Cấn Văn Lực tính toán.
Đ. KHOA


 

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

(BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201