Thứ Bảy, 4/5/2024 - 07:02:19 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Chuyển sang mô hình thích ứng, sống chung an toàn với dịch Covid-19

THỨ TƯ, 13/10/2021 07:22:31 | THỜI SỰ - SỰ KIỆN
(BKTO) - Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 4, sáng 12/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về các báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán NSNN năm 2021, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự toán NSNN và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2022.

Dự kiến tăng trưởng cả năm ở mức 3 - 3,5%

Thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ trình bày Báo cáo về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, dù lần đầu đối mặt với tác động nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng toàn cầu cả về y tế, kinh tế, xã hội, nhưng chúng ta vẫn giữ vững được ổn định kinh tế vĩ mô, cơ bản bảo đảm các cân đối lớn; lạm phát được kiểm soát, bình quân 9 tháng tăng 1,82%, dưới mức Quốc hội giao (khoảng 4%). Thu NSNN ước vượt dự toán, cơ bản bảo đảm nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch bệnh và các nhiệm vụ cấp bách khác; bội chi NSNN trong phạm vi dự toán (4% GDP). Huy động vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt mục tiêu đề ra; kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng…
 

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày báo cáo tại phiên họp. Ảnh: quochoi.vn

Bên cạnh các kết quả đạt được, dự kiến có 4/12 chỉ tiêu chủ yếu chưa đạt mục tiêu đề ra. Tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm đạt 5,64% so với cùng kỳ năm 2020, tuy nhiên đợt dịch bùng phát lần thứ 4 đã ảnh hưởng nghiêm trọng, làm tăng trưởng quý III giảm 6,17%, kéo tốc độ tăng trưởng 9 tháng GDP chỉ đạt 1,42%. Kinh tế vĩ mô còn tiềm ẩn một số rủi ro; sức ép lạm phát tăng; xuất khẩu giảm tốc; xuất hiện tình trạng đứt gãy một số chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng; lưu thông hàng hóa có lúc, có nơi ách tắc cục bộ.

Bên cạnh đó, các thị trường tài chính, bất động sản, chứng khoán có thời điểm tăng nóng. Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công thấp, chậm được khắc phục. Khu vực dịch vụ gặp khó khăn nghiêm trọng, đặc biệt là du lịch, lưu trú, ăn uống, vận tải hành khách. Tình hình lao động, việc làm bị ảnh hưởng nặng nề; riêng trong quý III/2021, tỷ lệ thất nghiệp là 3,72%, thiếu việc làm trong độ tuổi lao động là 4,39%, cao nhất từ quý I/2020 đến nay.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, dự kiến tăng trưởng cả năm 2021 sẽ ở mức 3- 3,5% tuỳ thuộc vào khả năng mở cửa kinh tế của đất nước đến mức nào, nhưng đều là chỉ số rất khó khăn để đạt được.

Phân tích, đánh giá cụ thể để có giải pháp phù hợp

Trình bày báo cáo thẩm tra về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, Ủy ban Kinh tế cơ bản nhất trí với nhiều nội dung theo Báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021. Đồng thời đề nghị Chính phủ quan tâm một số vấn đề về tình hình kinh tế - xã hội năm 2021. Cụ thể: việc thực hiện các chính sách tài khóa, tiền tệ - tín dụng và an sinh xã hội để hỗ trợ cho người dân và tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19, đánh giá rõ hơn kết quả, tỷ lệ giải ngân các gói hỗ trợ. Đánh giá rõ hơn công tác điều hành, phối hợp thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 của các địa phương và làm rõ nguyên nhân chủ quan, khách quan, những hạn chế lớn, nhất là hành lang pháp lý để ứng phó với tình trạng khẩn cấp về y tế, việc đầu tư sản xuất vắc xin, thuốc điều trị, quản lý dân cư... bộc lộ trong quá trình phòng, chống dịch thời gian qua để có các chiến lược, chính sách phù hợp trong ngắn hạn và dài hạn.

Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị Chính phủ phân tích, đánh giá làm rõ hơn nguyên nhân các chỉ tiêu không đạt, đặc biệt với chỉ tiêu đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng GDP cả năm; về chuyển đổi số; khả năng tăng thu và việc giảm chi và mức bội chi hợp lý, những tác động đến nợ công, kinh tế vĩ mô; việc thực hiện các giải pháp kiềm chế lạm phát trong những tháng còn lại của năm 2021 và năm 2022; tiến độ một số dự án trọng điểm, tình hình triển khai thực hiện các công trình quan trọng quốc gia; tăng trưởng tín dụng, kết quả xử lý nợ xấu, tình hình nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng…
 

Chủ tịch Quốc hội phát biểu ý kiến tại phiên họp. Ảnh: quochoi.vn

Thảo luận tại phiên họp, các ý kiến trong UBTVQH ghi nhận các kết quả đạt được trong chỉ đạo điều hành và thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời cũng lưu ý một số nội dung cần được đánh giá, làm rõ thêm trong các báo cáo, nhất là việc triển khai công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, UBTVQH đã có kết luận yêu cầu báo cáo về công tác phòng, chống dịch bệnh, do đó một mặt cần chuẩn bị sớm báo cáo này, đánh giá tình hình triển khai, đề xuất chiến lược giải pháp thời gian tới; mặt khác báo cáo Quốc hội tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 của Quốc hội, trong đó, chủ động đánh giá việc UBTVQH thực hiện Nghị quyết này; cần nghiêm túc đánh giá, kiểm điểm những kết quả và điểm chưa được để báo cáo Quốc hội.

Lưu ý các nội dung thẩm tra, Chủ tịch Quốc hội đề nghị đánh giá theo từng khu vực, lĩnh vực. Theo Chủ tịch Quốc hội, trong khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản vẫn duy trì tăng trưởng trong quý III/2021 và đóng góp vào tăng trưởng chung 0,35%. Do đó, cần đánh giá rõ vai trò trụ đỡ của nông nghiệp và đẩy mạnh nông nghiệp như thế nào trong thời gian tới.

Trong khi đó, khu vực công nghiệp và xây dựng chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19 lần thứ 4 do thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt, chuỗi cung ứng đứt gãy và phụ thuộc vào thị trường quốc tế, logistic, vận tải hàng hóa, thị trường lao động gặp nhiều khó khăn; khu vực dịch vụ, lĩnh vực chịu tác động nặng nề nhất và để phục hồi lại là không đơn giản.

Mặt khác, một số ngành có mức tăng trưởng khá và hưởng lợi trong bối cảnh dịch bênh như thông tin truyền thông, viễn thông, khoa học công nghệ, tài chính ngân hàng, bảo hiểm, công nghiệp chế biến chế tạo liên quan đến dược phẩm, thiết bị y tế… cũng cần có phân tích cụ thể, để có giải pháp cho từng lĩnh vực.

Nêu rõ mục tiêu quan trọng đầu tiên là phải ổn định kinh tế vĩ mô gắn với an sinh xã hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng, có thể trình Quốc hội xem xét quyết định một số văn bản như: kế hoạch phát triển phục hồi kinh tế sau dịch, xử lý nợ xấu, thể chế chính sách khác có trong chương trình và định hướng chương trình nhiệm kỳ.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, năm 2020-2021 là giai đoạn khó khăn nhất từ trước đến nay của đất nước, vì vậy cần phải có các gói hỗ trợ với quy mô lớn hơn, các biện pháp mạnh mẽ hơn để phục hồi kinh tế, kích cầu đầu tư, kích cầu tiêu dùng và hỗ trợ người dân, DN; đồng thời tập trung vào các chính sách tài khóa đồng bộ với chính sách vĩ mô khác, gắn với cải cách thủ tục hành chính,chuyển đổi số, chấn chỉnh thái độ trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, đẩy mạnh giải ngân đầu tư công và thúc đẩy đầu tư xã hội.

Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị Chính phủ cần kiểm tra, rà soát và làm rõ một số vấn đề nổi lên thời gian qua như: giá xét nghiệm Covid-19; vấn đề từ thiện của cá nhân; việc chuyển dịch lao động, nhất là tại các tỉnh phía Nam, lao động về quê; vấn đề dạy và học trực tuyến; tác động của đại dịch Covid-19 đối với các nhóm yếu thế…

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: quochoi.vn


Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, UBTVQH đánh giá cao kết quả kinh tế - xã hội đạt được của các tháng đầu năm 2021. Dự báo tình hình năm 2022 còn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị cần phân tích cụ thể và có giải pháp đột phá để giải quyết.

UBTVQH thống nhất trình Quốc hội xem xét, quyết định các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp kinh tế - xã hội năm 2022 và NSNN. Đồng thời, đề nghị Chính phủ thực hiện chuyển sang mô hình thích ứng sống chung an toàn với dịch Covid-19; đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vắc xin, nâng cao năng lực của hệ thống y tế, tăng cường khả năng điều trị bệnh, có kịch bản ứng phó đối với từng mức độ diễn biến của dịch bệnh để có kịch bản điều hành kinh tế - xã hội, tài khóa, tiền tệ phù hợp, không để xảy ra tình trạng bị động, mất kiểm soát trong mọi tình huống. 
Đ. KHOA


 

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

(BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201