(BKTO) - Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, sáng 25/10, Quốc hội thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Thanh tra (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp.
Bảo đảm tại một thời điểm chỉ có một cơ quan thực hiện
Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi), tại phiên thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, Dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) sau khi được tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp này gồm 08 chương, 118 điều và đã đạt sự đồng thuận của Chính phủ.
|
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi). Ảnh: VPQH
|
Liên quan đến quy định về xử lý chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra và giữa hoạt động thanh tra với kiểm toán, qua thảo luận, một số ý kiến cơ bản tán thành quy định của Dự thảo Luật nhưng đề nghị rà soát, quy định cụ thể hơn về trách nhiệm của các cơ quan, nhất là cơ quan thanh tra và cơ quan kiểm toán để tránh sự chồng chéo, trùng lặp, bảo đảm phù hợp với quy định của Luật Kiểm toán nhà nước.
Tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo rà soát Dự thảo Luật để chỉnh lý, bổ sung, làm rõ các quy định về tránh sự chồng chéo, trùng lặp ngay trong nguyên tắc hoạt động thanh tra, nhiệm vụ, quyền hạn của từng cơ quan thanh tra, về xây dựng, ban hành kế hoạch thanh tra, về thu thập thông tin để chuẩn bị thanh tra.
Cùng với đó, Dự thảo Luật đã bổ sung Điều 109 về tham khảo ý kiến, sử dụng kết quả trong hoạt động thanh tra, kiểm toán, bảo đảm thống nhất với quy định của Luật Kiểm toán nhà nước và khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra, giữa hoạt động thanh tra với kiểm toán.
Dự thảo Luật cũng đã chỉnh lý Điều 53 về xử lý chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra theo hướng: khi tiến hành hoạt động thanh tra, kiểm toán, nếu phát hiện trùng lặp, chồng chéo, cơ quan thanh tra phối hợp với cơ quan kiểm toán để xử lý theo quy định của Luật Kiểm toán nhà nước và Luật này, bảo đảm tại một thời điểm chỉ có một cơ quan thực hiện.
Đồng thời, rà soát, bổ sung, chỉnh lý 11 điểm tại khoản 2 Điều 53 để quy định phương án xử lý tối đa các trường hợp có thể xảy ra chồng chéo, trùng lặp giữa hoạt động của các cơ quan thanh tra; bổ sung quy định dự phòng để xử lý chồng chéo, trùng lặp phát sinh ngoài các tình huống đã được dự liệu trong Luật.
Đề cao tính chủ động, tự chịu trách nhiệm của cơ quan thanh tra
Về trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan thanh tra và đoàn thanh tra, có ý kiến đề nghị cần phân định rõ trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước trong công tác thanh tra; đề cao tính chủ động, tự chịu trách nhiệm của cơ quan thanh tra, bảo đảm hoạt động thanh tra được tiến hành đúng mục đích, tuân thủ pháp luật, khách quan, kịp thời, chính xác.
Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo rà soát, chỉnh lý Dự thảo Luật, quy định cụ thể và phân định rành mạch trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước, người ra quyết định thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra và thành viên khác của đoàn thanh tra.
Theo đó, Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo hoạt động thanh tra; xem xét, ban hành kế hoạch thanh tra hằng năm; yêu cầu cơ quan thanh tra cùng cấp tiến hành thanh tra khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc để đáp ứng yêu cầu của việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; bảo đảm hoạt động của Đoàn thanh tra được tiến hành đúng mục đích, yêu cầu, không can thiệp trái pháp luật vào hoạt động thanh tra; xử lý kịp thời kiến nghị về thanh tra và chỉ đạo, tổ chức thực hiện kết luận thanh tra theo quy định của pháp luật.
Thủ trưởng cơ quan thanh tra có trách nhiệm ban hành quyết định thanh tra khi có căn cứ theo quy định của Luật; thành lập Đoàn thanh tra, phê duyệt kế hoạch tiến hành thanh tra; xem xét báo cáo kết quả thanh tra, ban hành kết luận thanh tra và chịu trách nhiệm về kết luận, kiến nghị của mình.
Trưởng đoàn thanh tra có trách nhiệm tổ chức thực hiện đúng nội dung, tiến độ thanh tra theo quyết định thanh tra và kế hoạch tiến hành cuộc thanh tra; tuân thủ trình tự, thủ tục tiến hành thanh tra và báo cáo kết quả thanh tra với người ra quyết định thanh tra theo quy định.
Trưởng đoàn thanh tra, thành viên đoàn thanh tra có quyền bảo lưu ý kiến về kết quả thanh tra, về nội dung kết luận thanh tra trước người ra quyết định thanh tra.
Bên cạnh đó, để tăng cường trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước trong việc xem xét kết quả thanh tra, dự thảo kết luận thanh tra, Dự thảo Luật bổ sung quy định “Đối với dự thảo kết luận thanh tra về vụ việc liên quan đến an ninh, quốc phòng, vụ việc quan trọng, phức tạp thuộc diện chỉ đạo, theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hoặc có yêu cầu của Thủ trưởng cơ quan quản lý cùng cấp thì người ra quyết định thanh tra phải có văn bản báo cáo Thủ trưởng cơ quan quản lý cùng cấp”.
Đồng thời, làm rõ các nội dung theo yêu cầu của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp để hoàn thiện dự thảo kết luận thanh tra trước khi ban hành./.
Đ. KHOA