Thứ Sáu, 3/5/2024 - 06:53:09 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Bảo đảm trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả sử dụng vốn của các Chương trình mục tiêu quốc gia

THỨ SÁU, 13/05/2022 15:52:44 | THỜI SỰ - SỰ KIỆN
(BKTO) – Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) yêu cầu, phương án phân bổ ngân sách trung ương (NSTW) thực hiện 3 Chương trình Mục tiêu quốc gia (CTMTQG) phải đúng mục tiêu, nguyên tắc theo Nghị quyết của Quốc hội và có thuyết minh cụ thể.

Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 11, sáng 13/5, UBTVQH cho ý kiến về dự kiến phương án phân bổ vốn NSTW giai đoạn 2021-2025 và năm 2022 cho các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương thực hiện 03 Chương trình CTMTQG.
 

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: TTXVN


Phân bổ vốn quá chậm

Theo Tờ trình của Chính phủ, Quốc hội đã quyết nghị về mức bố trí vốn đầu tư phát triển để thực hiện 3 CTMTQG giai đoạn 2021-2025 là 100 nghìn tỷ đồng. Tại phiên họp, Chính phủ trình UBTVQH phương án phân bổ 95 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư phát triển nguồn NSTW giai đoạn 2021-2025 thực hiện 03 CTMTQG, gồm hơn 3 nghìn tỷ đồng cho các Bộ, cơ quan Trung ương và hơn 91,9 nghìn tỷ đồng cho địa phương.

Thẩm tra Tờ trình của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Phú Cường nêu rõ, Nghị quyết số 29 yêu cầu Chính phủ khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư, báo cáo UBTVQH; Nghị quyết số 40 giao Chính phủ trình UBTVQH trước ngày 01/3/2022. Tuy nhiên, đến ngày 19/4/2022 Chính phủ mới có Tờ trình là quá chậm so với thời gian quy định.

Sự chậm trễ này làm ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra của các CTMTQG, đặc biệt bố trí kế hoạch vốn sau gần 1,5 năm chưa được phân bổ cụ thể đến các Bộ, ngành, địa phương gây lãng phí nguồn lực của quốc gia. Ủy ban Tài chính – Ngân sách đề nghị Chính phủ báo cáo làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm của các Bộ, ngành trong việc chậm triển khai các Nghị quyết của Quốc hội.
 

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường báo cáo tại phiên họp. Ảnh: TTXVN


Liên quan đến việc bố trí vốn cho một số địa phương có điều tiết về NSTW (gồm có Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam, Ninh Bình), Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị cần thực hiện theo đúng nguyên tắc không phân bổ CTMTQG xây dựng nông thôn mới cho các địa phương có điều tiết về NSTW theo điểm c khoản 4 Điều 1 Nghị quyết số 25/2021/QH15.

Về phân bổ cho các Bộ, cơ quan Trung ương, đa số ý kiến Ủy ban Tài chính - Ngân sách nhất trí với Chính phủ về phân bổ vốn cho các Bộ, cơ quan Trung ương để thực hiện đồng bộ với các địa phương khẩn trương triển khai chương trình, tránh kéo dài sự chậm trễ, ảnh hưởng đến hiệu quả thực hiện 03 CTMTQG.

Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ giải trình báo cáo rõ hơn về căn cứ xác định nhiệm vụ, cơ sở xác định mức vốn bố trí cho các Bộ, cơ quan Trung ương và hiệu quả của việc sử dụng vốn phân bổ đối với một số khoản mà tại các Nghị quyết của Quốc hội, các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ chưa quy định rõ về nội dung này.

Cụ thể, đối với CTMTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (50 nghìn tỷ đồng), Chính phủ dự kiến phân bổ hơn 2,94 nghìn tỷ đồng cho các Bộ, cơ quan Trung ương nhưng chưa báo cáo, thuyết minh về sự cần thiết, tính chất của từng nhiệm vụ, cũng như các nguyên tắc, tiêu chí cụ thể; một số nội dung thuộc nhiệm vụ thường xuyên, hằng năm của các Bộ, ngành nhưng vẫn bố trí vốn từ CTMTQG là chưa thực sự phù hợp.

Đối với CTMTQG giảm nghèo bền vững (18 nghìn tỷ đồng), Chính phủ dự kiến phân bổ cho Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (96 tỷ đồng) để xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về lao động và đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị công nghệ thông tin. Tuy nhiên, theo cơ quan thẩm tra, việc xây dựng cơ sở dữ liệu lao động mang tính tổng thể, vì vậy, cần cân nhắc không bố trí vốn từ CTMTQG để thực hiện nội dung này, nhằm đảm bảo đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, bền vững, tránh dàn trải.

Cơ quan thẩm tra cũng chỉ rõ, CTMTQG giảm nghèo bền vững có tổng số có 7 tiểu dự án, song Chính phủ dự kiến bố trí 17,9 nghìn tỷ đồng cho các địa phương để thực hiện các nội dung thuộc dự án 1 (Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt) và dự án 4 (Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi và các đơn vị sự nghiệp công lập của lĩnh vực dân tộc) mà không làm rõ nguyên nhân không bố trí vốn cho các dự án còn lại.

Làm rõ trách nhiệm, đảm bảo phân bổ vốn đúng nguyên tắc, tiêu chí

Thảo luận tại phiên họp, các ý kiến trong UBTVQH cũng cho rằng, đến thời điểm này Chính phủ mới trình phương án phân bổ là quá chậm.

Nhấn mạnh việc chậm phân bổ vốn cho các CTMTQG sẽ tạo áp lực rất lớn cho công tác giải ngân trong 3 năm tới, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị, tại kỳ họp Quốc hội sắp tới, Chính phủ cần có báo cáo đánh giá, giải trình rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan của sự chậm trễ; chỉ rõ trách nhiệm của các cơ quan, Bộ, ngành, địa phương.

Đồng thời, đề nghị Chính phủ, các Bộ, ngành rà soát các văn bản ban hành cho thực hiện các CTMTQG để chỉnh sửa và triển khai các chương trình đồng bộ. Chính phủ cần có kế hoạch, lộ trình triển khai cụ thể trong từng năm, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và đẩy nhanh tiến độ thực hiện.
 

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu ý kiến tại phiên họp. Ảnh: TTXVN


Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, 03 CTMTQG có ý nghĩa quan trọng cả về kinh tế, chính trị, an sinh xã hội, an ninh quốc phòng, tác động rộng lớn đến đối tượng thụ hưởng. Tuy nhiên “đến nay hành động rất chậm chạm. Nghị quyết của Quốc hội ban hành triển khai trong 5 năm nhưng giờ đã hết 1,5 năm mà vẫn loay hoay. Cần phân tích, đánh giá làm rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan, làm rõ trách nhiệm” – Chủ tịch Quốc hội đề nghị và cho biết, đó cũng là lý do vì sao UBTVQH thống nhất trình Quốc hội quyết định lựa chọn giám sát tối cao trong năm 2023 có nội dung tổ chức thực hiện 03 CTMTQG, nhằm kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn nếu có trong tổ chức triển khai nội dung quan trọng này.

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị các Bộ, ngành, các cấp quán triệt ý thức trách nhiệm của mình đối với việc thực hiện 03 CTMTQG.

Lưu ý tiến độ triển khai đã chậm thì phải đẩy nhanh, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh “đã chậm rồi thì phải chắc, nhanh nhưng phải đúng”; phải đúng mục tiêu, nguyên tắc, tiêu chí, tiêu chuẩn mà các nghị quyết của Quốc hội đặt ra. “Cứ đúng nghị quyết mà làm, không nhân nhượng, không vi phạm nguyên tắc. Cái nào không rõ, giải trình không thoả đáng thì để lại, không phân bổ lần này” - Chủ tịch Quốc hội nêu rõ và đề nghị cơ quan thẩm tra và Chính phủ rà soát kỹ phương án phân bổ vốn, tuyệt đối tuân thủ Nghị quyết của Quốc hội.

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, UBTVQH thống nhất về mặt nguyên tắc phân bổ vốn thực hiện 3 CTMTQG, đề nghị Chính phủ tiếp thu các ý kiến trong UBTVQH, ý kiến của cơ quan thẩm tra để phân bổ theo đúng nguyên tắc trong Nghị quyết của Quốc hội.

Việc phân bổ vốn phải tuân thủ điều kiện, thứ tự ưu tiên trong quy định của Luật Đầu tư công, Luật NSNN, Nghị quyết 973 của UBTVQH, các Nghị quyết của Quốc hội về chủ trương đầu tư các CTMTQG giai đoạn 2021-2025, bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm, không phân tán, dàn trải, bảo đảm hiệu quả sử dụng vốn. Đồng thời bảo đảm tính đồng bộ, tránh chồng chéo, trùng lặp nhiệm vụ chi; bảo đảm cơ cấu chi đầu tư, chi thường xuyên trong phạm vi và mức vốn, cơ cấu vốn ngân sách của từng chương trình đã được Quốc hội quyết định./.
Đ. KHOA


 

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

(BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201