(BKTO) – Góp ý vào Dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) tại Hội nghị Đại biểu Quốc hội chuyên trách diễn ra sáng 07/9, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị cân nhắc các quy định trong Dự thảo Luật nhằm đảm bảo tính chính xác, độc lập, khách quan gắn với chịu trách nhiệm trong hoạt động thanh tra cũng như kết luận thanh tra.
|
Đại biểu Lê Hữu Trí phát biểu thảo luận tại Hội nghị. Ảnh: quochoi.vn
|
Tại Hội nghị, các đại biểu Quốc hội đánh giá, Dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) trình Hội nghị lần này đã được bổ sung, hoàn chỉnh, tiếp thu nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3. Các thiết kế của Luật đã khắc phục một số hạn chế, vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện Luật Thanh tra năm 2010, nhiều thiết chế được quy định tại các nghị định, Thông tư đã được luật hóa.
Góp ý hoàn thiện Dự thảo Luật, đại biểu Lê Hữu Trí (Đoàn Khánh Hòa) cho rằng, Luật cần thiết kế các biện pháp để bảo đảm vị thế chính trị, tính độc lập gắn với tính chịu trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan thanh tra nhà nước tương xứng với chức trách, nhiệm vụ được giao, nhất là bảo đảm thực hiện hiệu quả chức năng quản lý nhà nước về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Đại biểu chỉ rõ, Dự thảo Luật đã quy định vị trí, vai trò của người đứng đầu các cơ quan thanh tra trong việc tham mưu cho thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cung cấp, xây dựng kế hoạch thanh tra, tiến hành thanh tra, báo cáo kết quả thanh tra và trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp trong việc phê duyệt, ban hành kế hoạch thanh tra, kết luận thanh tra và xử lý sau thanh tra.
Tuy nhiên, qua thực tiễn hoạt động thanh tra, người đứng đầu cơ quan thanh tra vẫn không độc lập hoàn toàn trong việc xác định đối tượng thanh tra, trong kết luận và kiến nghị xử lý.
Thực tế đã có không ít trường hợp người đứng đầu cơ quan thanh tra và trưởng đoàn thanh tra phải báo cáo xin ý kiến thủ trưởng của cơ quan quản lý nhà nước theo yêu cầu của thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp trước khi người đứng đầu cơ quan thanh tra ký kết luận. “Điều đó cũng có nghĩa kết luận thanh tra sẽ không bảo đảm tính khách quan nếu thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước có sự lệch lạc” - đại biểu nhấn mạnh.
Vì vậy, để bảo đảm hoạt động thanh tra được chính xác, khách quan, chống tham nhũng, tiêu cực, có hiệu quả, đại biểu Lê Hữu Trí đề nghị, Luật cần quy định rõ các biện pháp tránh sự can thiệp của thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước, của người đứng đầu cơ quan thanh tra đối với hoạt động của đoàn thanh tra.
Cụ thể, cần bổ sung quy định về xây dựng kế hoạch thanh tra và xử lý kết luận sau thanh tra nếu trong trường hợp người đứng đầu cơ quan thanh tra trình kế hoạch thanh tra hoặc kết luận thanh tra mà thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp không chấp thuận thì ý kiến không chấp thuận phải thể hiện bằng văn bản và nêu rõ lý do không chấp thuận, nhằm bảo đảm các quy định của Luật được thực hiện nghiêm túc.
Đề cập đến quy định về thẩm định dự thảo kết luận thanh tra, đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh (Đoàn Bắc Ninh) cho rằng, quy định này phù hợp với Thanh tra Chính phủ, thanh tra tỉnh là các cuộc thanh tra với quy mô lớn, khối lượng công việc nhiều, nội dung phức tạp. Tuy nhiên, với thanh tra Bộ là không phù hợp khi các cuộc thanh tra hành chính do thanh tra Bộ cũng như thanh tra cấp sở, cấp huyện tiến hành để đánh giá việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ chấp hành quy định của pháp luật đối với cơ quan, tổ chức thuộc phạm vi quản lý.
Theo đại biểu, việc thu thập hồ sơ, tài liệu đánh giá chứng cứ trong hoạt động thanh tra là khâu phức tạp. Vì vậy, để bảo đảm tính chính xác, khách quan của kết luận thanh tra, việc thẩm định dự thảo kết luận thanh tra do đoàn thanh tra cấp Bộ thực hiện chỉ nên quy định theo hướng thực hiện khi cần thiết giống như quy định đối với thanh tra cấp sở, cấp huyện. Đồng thời, đại biểu đề nghị giao Chính phủ quy định chi tiết điều này.
Đồng quan điểm, đại biểu Ma Thị Thúy (Đoàn Tuyên Quang) cũng đề nghị cân nhắc quy định về thẩm định dự thảo kết luận thanh tra. Theo đại biểu Ma Thị Thúy, đoàn thanh tra hoạt động độc lập, chịu trách nhiệm trước pháp luật. Người ra quyết định thanh tra, người được giao thẩm định muốn có đủ cơ sở pháp lý đủ căn cứ thẩm định thì phải tiến hành kiểm tra, xác minh.
“Về bản chất, việc thẩm định này cũng giống như cuộc thanh tra. Như vậy, cuộc thanh tra đó sẽ tiến hành 2 lần, không đảm bảo nguyên tắc không trùng lặp về phạm vi, đối tượng. Việc thẩm định sẽ phải có thời gian nhất định để thực hiện, như vậy sẽ ảnh hưởng đến thời hạn ban hành kết luận thanh tra” - đại biểu phân tích.
Đ. KHOA