Thứ Bảy, 20/4/2024 - 06:50:47 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm 2020

THỨ NĂM, 22/10/2020 14:10:00 | KINH TẾ - XÃ HỘI
(BKTO) - Tăng trưởng kinh tế ở mức “khiêm tốn”; tình hình sản xuất gặp nhiều khó khăn do đại dịch COVID-19; thu ngân sách giảm mạnh; nhưng vốn đầu tư từ nguồn ngân sách đạt kết quả tốt; thặng dư thương mại ở mức cao... Đó là hai mảng sáng-tối của kinh tế Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2020 được chỉ ra tại Tọa đàm "Công bố Báo cáo Kinh tế Vĩ mô Quý III và chín tháng đầu năm 2020” do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) tổ chức ngày 21/10, tại Hà Nội.

Quang cảnh Tọa đàm


Tăng trưởng “khiêm tốn”, thu ngân sách giảm mạnh

Theo báo cáo của VEPR, tăng trưởng kinh tế Việt Nam Quý III/2020 đạt mức 2,62%, chín tháng đầu năm đạt 2,12% so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, trong chín tháng đầu năm, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,84%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 3,08%; khu vực dịch vụ tăng 1,37% so với cùng kỳ năm trước.

Tình hình sản xuất gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch COVID-19. Trong Quý I và Quý II, nhiều quốc gia trên thế giới nhất là Trung Quốc phải phong tỏa gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chuỗi cung ứng. Số lượng đơn đặt hàng mới và sản lượng đều giảm đáng kể do sụt giảm nhu cầu từ các thị trường xuất khẩu. Trong khi đó mức độ lạc quan về kinh tế của các doanh nghiệp suy giảm.

Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong Quý III/2020 cho thấy, có 32,2% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh Quý III/2020 tốt hơn Quý II/2020; 31,9% số doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn và 35,9% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định. Kết quả này kém hơn so với Quý II/2020, cho thấy đợt dịch COVID-19 gần đây tại Đà Nẵng ảnh hưởng rất lớn đến niềm tin kinh doanh của doanh nghiệp.

Tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp gặp khó, số lượng doanh nghiệp phá sản, ngừng hoạt động tăng cao đã tác động mạnh đến số thu NSNN. PGS.TS. Phạm Thế Anh- Kinh tế trưởng VEPR cho biết, tổng thu NSNN từ đầu năm đến Quý III/2019 ước tính đạt 975,3 nghìn tỷ đồng bằng 64,5% dự toán, giảm 11,5% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, thu nội địa trong chín tháng đạt 64,3% dự toán, giảm 8,3% so với cùng kỳ năm trước. Thu từ dầu thô đạt 78,2% dự toán, giảm 36,9% so với cùng kỳ năm trước; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu đạt 64,7% dự toán, giảm 20,1%.

Bảy khoản thu, trong đó bao gồm thu từ 3 khu vực kinh tế không đảm bảo tiến độ dự toán và giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2019, như: thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước đạt 56,9% dự toán, giảm 16,2%; thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 61,2% dự toán, giảm 7,4%; thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh đạt 54,5% dự toán, giảm 14,6%; các loại phí, lệ phí đạt 55,9% dự toán, giảm 18% so với cùng kỳ năm 2019.

Ở chiều ngược lại, tổng chi NSNN đến hết Quý III/2019 ước tính đạt 1.113,7 nghìn tỷ đồng, bằng 63,7% dự toán. Trong đó, chi thường xuyên đạt 756,93 nghìn tỷ đồng, bằng 71,6% dự toán, tăng 3,25 so với cùng kỳ năm trước; chi trả nợ lãi 80,7 nghìn tỷ đồng, bằng 68,3% dự toán, giảm 5,6% so với cùng kỳ năm trước.

Theo đánh giá của VEPR, điểm đáng chú ý là chi đầu tư phát triển tăng 8,1% so với cùng kỳ năm trước và bằng khoảng 63,7% dự toán. Nhưng tiến độ giải ngân đã được cải thiện đáng kể, bằng 57,2% dự toán so với kế hoạch mà Quốc hội giao (cùng kỳ năm 2019 đạt 45,1% dự toán). Mặc dù Chính phủ đang cố gắng tăng đầu tư công để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước khó khăn nhưng không nên kỳ vọng quá nhiều vào đầu tư công trong năm sau vì thực trạng thâm hụt ngân sách của Việt Nam diễn ra liên tục trong nhiều năm qua và năm nay có thể thâm hụt nhiều hơn nữa.
 

PGS.TS Phạm Thế Anh báo cáo tại Tọa đàm 


Điểm sáng trong đầu từ nguồn ngân sách

PGS.TS. Phạm Thế Anh cho rằng, điểm sáng của kinh tế Việt Nam 9 tháng đầu năm 2020 là ở việc tăng trưởng mạnh vốn đầu tư từ khu vực nhà nước và thặng dư thương mại đạt mức cao.

Cụ thể, riêng trong Quý III/2020, vốn đầu tư toàn xã hội đạt 595,1 nghìn tỷ đồng, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước, tăng 23,4% so với Quý II. Trong đó, khu vực kinh tế ngoài nhà nước đạt 265,6 nghìn tỷ, chỉ tăng 0,04% so với cùng kỳ năm trước. Vốn đầu tư từ khu vực nhà nước tăng mạnh, đạt 211,3 nghìn tỷ đồng, tăng 23,14% so với cùng kỳ năm trước (cùng kì năm 2019 tăng 0,53%). Tính chung chín tháng đầu năm, so với cùng kì năm trước, vốn đầu tư toàn xã hội tăng 4,8%; vốn khu vực Nhà nước tăng 13,4%; khu vực kinh tế ngoài Nhà nước tăng 2,8%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài giảm 2,5%.

Cán cân thương mại Quý III thặng dự 10,7 tỷ USD với vai trò tăng lên của khu vực trong nước. Theo Tổng cục Hải quan, cán cân thương mại hàng hóa trong Quý III ước tính thặng dư 10,7 tỷ USD- mức thặng dư thương mại cao nhất trong vòng 15 năm trở lại đây. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước thâm hụt 1,08 tỷ USD, khu vực FDI (kể cả dầu thô) thặng dư 11,8 tỷ USD.

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Quý III đạt mức tăng trưởng tốt, đạt 79,74 tỷ USD, tăng 11,1% so với Quý III/2019 và tăng 33,9% so với Quý II (kim ngạch xuất khẩu Quý II giảm 6,47% so với Quý II/2019 và giảm 5,82% so với Quý I). Trong đó, xuất khẩu tới từ nhóm doanh nghiệp FDI chiếm tỷ trọng chủ yếu đạt 49,99 tỷ USD, tăng 2% so với cùng kỳ năm trước (chiếm 63% tổng kim ngạch). Xuất khẩu từ khu vực trong nước tăng 32% với cùng kỳ năm trước, đạt 29,75 tỷ USD.

Tổng kim ngạch nhập khẩu Quý III ước tính đạt 69,02 tỷ USD, tăng 2,27% so với Quý III/2019, tăng 19,34% so với Quý II. Cụ thể, nhập khẩu của khu vực trong nước tăng, chiếm 45% kim ngạch nhập khẩu (Quý III/2019 chỉ chiếm 41%). Chín tháng năm 2020 chứng kiến thặng dư thương mại đạt 16,52 tỷ USD - mức thặng dư cao nhất trong vòng 15 năm trở lại đây nhờ vào xuất khẩu tăng mạnh trong khi nhập khẩu giảm nhẹ.

Nhận định về triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm 2020, PGS.TS Phạm Thế Anh cho rằng phụ thuộc vào khả năng khống chế bệnh dịch không chỉ trong nước mà còn trên thế giới.

Có hai kịch bản kinh tế Việt Nam 2020. Ở kịch bản thứ nhất với khả năng xảy ra cao, bệnh dịch sẽ không tái bùng phát trong nước trong thời gian còn lại của năm và hoạt động kinh tế nội địa dần trở lại bình thường. Tăng trưởng kinh tế cả năm được dự báo ở mức 2,6-2,8%. Còn ở kịch bản thứ hai với nhiều tình huống bất lợi như bệnh dịch trong nước vẫn được khống chế hoàn toàn trong thời gian còn lại của năm và hoạt động kinh tế dần trở lại bình thường. Tuy nhiên, bệnh dịch ở nhiều trung tâm kinh tế-tài chính quan trọng trên thế giới tái bùng phát mạnh, các nước phải tái áp dụng các biện pháp phong tỏa trong Quý IV/2020. Tăng trưởng kinh tế cả năm được dự báo ở mức 1,8-2,0%.
 
THANH TÙNG

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201