Thứ Bảy, 20/4/2024 - 22:04:19 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế 2019 đối mặt nhiều thách thức

THỨ NĂM, 02/05/2019 08:10:00 | KINH TẾ - XÃ HỘI
(BKTO) - Trong báo cáo mới nhất của Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế T.Ư (CIEM) nghiên cứu về kinh tế vĩ mô, CIEM đã cập nhật dự báo tăng trưởng GDP năm 2019 của Việt Nam là 6,88%; giảm nhẹ so với mức dự báo 6,93% mà cơ quan này đã đưa ra vào tháng 01/2019.


Quý I/2019, xuất khẩu duy trì đà tăng trưởng với tổng giá trị đạt 58,86 tỷ USD - Ảnh minh họa

Kinh tế tăng trưởng tích cực

Theo báo cáo của CIEM, trong 3 tháng đầu năm 2019, các chỉ số kinh tế vĩ mô tăng trưởng tích cực. GDP quý I đạt 6,79%, tuy thấp hơn so với quý I/2018 (7,45%) và kịch bản ban đầu của Chính phủ (6,93%), song vẫn cao hơn cùng kỳ các năm 2009-2017. Tăng trưởng của khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản quý I/2019 đạt 2,68%; khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 8,63% và khu vực dịch vụ tăng 6,5%.

Đầu tư tư nhân và FDI tiếp tục là điểm sáng thể hiện ở cơ cấu nguồn đầu tư tiếp tục chuyển dịch theo hướng thu hẹp tỷ trọng đầu tư từ khu vực Nhà nước và tăng tỷ trọng đầu tư từ khu vực ngoài Nhà nước. Trong quý I, tổng vốn FDI đăng ký đạt 10,8 tỷ USD, tăng 86,2% so với cùng kỳ năm 2018 và cao hơn nhiều so với cùng kỳ những năm gần đây. Giải ngân vốn FDI đạt 4,12 tỷ USD, tăng 6,2%. Góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài ước đạt 5,69 tỷ USD, gấp ba lần so với cùng kỳ năm trước.

Xuất khẩu duy trì đà tăng trưởng với tổng giá trị đạt 58,86 tỷ USD, tăng 5,3%. Kết quả này là nhờ một số yếu tố như: cải cách hành chính; các ngân hàng thương mại đưa ra nhiều sản phẩm hỗ trợ tài chính xuất khẩu; hầu hết các nước thành viên của Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã phê chuẩn đều thực hiện cắt giảm thuế quan hai lần cho Việt Nam.

Theo ông Nguyễn Anh Dương - Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp (CIEM), kết quả phục hồi tăng trưởng những năm qua nhờ một phần quan trọng từ những cải cách thể chế kinh tế và cải thiện môi trường kinh doanh.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu tích cực, báo cáo của CIEM đã chỉ ra nhiều thách thức đối với phát triển kinh tế. Trong đó, lạm phát quý I có mức tăng 2,63% có yếu tố giảm chỉ số giá nhóm hàng lương thực, thực phẩm nhưng việc điều chỉnh tăng giá điện từ cuối tháng 3 chưa phản ánh hết vào CPI.

Đối với các DN trong nước, tình hình sản xuất kinh doanh quý I của các DN chế biến, chế tạo đã giảm sự lạc quan. Các DN cho biết, họ vẫn gặp nhiều khó khăn trong quá trình gia nhập thị trường. Theo CIEM, vấn đề lớn nhất tồn tại trong hoạt động cải thiện môi trường kinh doanh là gánh nặng hậu đăng ký DN và tiếp cận thông tin minh bạch.

Đánh giá về kết quả thực hiện cổ phần hóa DNNN giai đoạn 2017-2018, báo cáo chỉ ra rằng, việc bán cổ phần lần đầu ra công chúng gặp khó khăn hơn; chất lượng cổ phần hóa chưa có dấu hiệu cải thiện; việc thực hiện các quy định về cổ phần hóa còn nhiều vướng mắc, nhất là việc xử lý các vấn đề đất đai và tài chính. Một trong những nguyên nhân là do trách nhiệm của người đứng đầu trong việc thực hiện kế hoạch cổ phần hóa. Thêm vào đó là quá trình thực thi kỷ luật hành chính chưa nghiêm, cơ chế xử lý vi phạm chưa rõ ràng…
 
Trong quý I, tổng vốn FDI đăng ký đạt 10,8 tỷ USD, tăng 86,2% so với cùng kỳ năm 2018 và cao hơn nhiều so với cùng kỳ những năm gần đây. Giải ngân vốn FDI đạt 4,12 tỷ USD, tăng 6,2%. Góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài ước đạt 5,69 tỷ USD, gấp ba lần so với cùng kỳ năm trước.

Qua phân tích tình hình kinh tế vĩ mô quý I, ông Nguyễn Anh Dương cho rằng, điều hành chính sách tài khóa đã linh hoạt hơn. Hiệu quả phối hợp của chính sách tài khóa với các chính sách kinh tế vĩ mô khác đã được cải thiện đáng kể, việc cơ cấu lại NSNN ít nhiều đã mang lại hiệu quả tích cực. 


Tuy nhiên, khi phân tích về những khó khăn, thách thức đối với phát triển kinh tế, ông Dương nhận định, những thách thức của Việt Nam chủ yếu đến từ nền tảng kinh tế vi mô. Bên cạnh đó, tình trạng nợ đọng văn bản quy phạm pháp luật vẫn khá phổ biến, dẫn tới tình trạng tư duy, chính sách mới chậm đi vào thực hiện.

Đối mặt với nhiều thách thức

Cập nhật dự báo cho nền kinh tế Việt Nam trong năm 2019, nghiên cứu của CIEM cho rằng, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam phù hợp với kỳ vọng chung về sự phục hồi của kinh tế thế giới và diễn biến kinh tế trong nước. Tuy nhiên, bối cảnh kinh tế quốc tế ngày càng bất định và dư địa cho chính sách kinh tế vĩ mô để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam không còn nhiều. CIEM dự báo, tỷ giá VNĐ/USD trung tâm có thể được điều chỉnh tăng 2%; tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 13%; tín dụng tăng 14%; giá nhập khẩu tăng 2%; dân số tăng 1,08%/năm và việc làm tăng 0,86%. Đồng thời, để đưa ra dự báo cho tăng trưởng kinh tế cả năm 2019, các chuyên gia nghiên cứu của CIEM nêu giả thiết lượng dầu thô xuất khẩu không đổi so với năm 2018; tỷ giá hữu hiệu thực tăng 1%; trên cán cân thanh toán, chuyển giao của Chính phủ và khu vực tư nhân lần lượt giảm 10% và tăng 5%; vốn thực hiện của khu vực FDI tăng 5%; đầu tư từ nguồn NSNN được bổ sung 429.300 tỷ đồng. Kết quả dự báo cho thấy, tăng trưởng kinh tế năm 2019 ước đạt 6,88%. Tăng trưởng xuất khẩu dự báo ở mức 9,02%. Thặng dư thương mại ở mức 3,1 tỷ USD. Mức tăng giá tiêu dùng trong năm khoảng 3,71%.

Theo nhóm nghiên cứu diễn biến kinh tế vĩ mô từ quý II - IV/2019 có thể chịu ảnh hưởng của một số yếu tố bên ngoài. Trước tiên là rủi ro suy thoái của kinh tế Mỹ đã gia tăng. Khảo sát của Wall Street Journal trong tháng 2 vừa qua cho thấy, xác suất suy thoái trong năm 2019, 2020 và 2021 ở Mỹ lần lượt là 24,53%, 45,7% và 39,1%. Theo đó, lộ trình điều chỉnh lãi suất của Mỹ cũng có thể sẽ được cân nhắc thận trọng hơn. Bên cạnh đó, khảo sát của Reuters từ ngày 11 - 14/3 cho thấy, 55% ý kiến dự báo Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất ít nhất một lần trước quý IV (lần khảo sát trước, đa số ý kiến đồng thuận là tăng lãi suất trong quý II). 

Thách thức thứ hai là căng thẳng thương mại ở khu vực khó hạ nhiệt. Căng thẳng và đàm phán thương mại Mỹ - Trung Quốc còn diễn biến khó lường. Trung Quốc có thể nhượng bộ một số nội dung trong đàm phán, song kết quả đạt được khó có thể giúp đẩy lùi bất đồng giữa hai bên về chính sách thương mại…

Một thách thức nữa với Việt Nam, đó là dù kỳ vọng nhiều vào việc phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Việt Nam cũng cần lưu ý EU đang dành nhiều thời gian cho chương trình nghị sự về thương mại liên quan đến Brexit và đàm phán thương mại với Mỹ.

Bản thân EU cũng đã phê chuẩn hiệp định FTA với Nhật Bản trong quý I, nên nhu cầu phê chuẩn sớm một FTA khác có thể giảm bớt. Bên cạnh đó, hàng xuất khẩu của Việt Nam có thể phải đối mặt với nhiều hàng rào kỹ thuật hơn ở các thị trường nước ngoài, kể cả thị trường các nước tham gia CPTPP…

QUỲNH ANH
Theo Báo Kiểm toán số 17+18 ra ngày 25-4-2019

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201